Phật Giáo Bạc Liêu
Thứ Ba, Tháng Ba 21, 2023
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Ban Chứng Minh
    • Ban trị sự
    • Các ban trực thuộc
  • Tin tức – Phật sự
  • Từ thiện xã hội
  • Lịch sử – văn hóa
    • Văn hoá phật giáo
    • Lịch sử văn hoá
  • Nhân vật – Sự kiện
    • Nhân vật
    • Sự kiện
  • Phật học
    • Tự viện
  • Trung cấp phật học
No Result
View All Result
Phật Giáo Bạc Liêu
No Result
View All Result

TÍNH BẢN SẮC- YẾU TỐ LÀM NÊN VẺ ĐẸP CỦA THƠ CÁC TÁC GIẢ DÂN TỘC THIỂU S

Phạm Hảo Đăng bởi Phạm Hảo
5 năm trước
in Lịch sử - văn hóa
A A
0

TÍNH BẢN SẮC-  YẾU TỐ LÀM NÊN VẺ ĐẸP CỦA THƠ CÁC TÁC GIẢ DÂN TỘC THIỂU SỐ

*Hà Thu Bình

“ Văn hóa khắc họa bản sắc và phương thức tồn tại của một cộng đồng, khiến cộng đồng ấy có một đặc thù riêng. Như vậy, văn hóa mang bản sắc dân tộc. Và yếu tố dân tộc là yếu tố quyết định nhất của một nền văn hóa. Bản sắc văn hóa dân tộc là cái "hồn", là sức sống nội sinh, là cái thẻ căn cước của mỗi dân tộc, để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, từ đó nó có thể biểu lộ một cách trọn vẹn nhất sự hiện diện của mình trong quá trình giao lưu và hội nhập.” (Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập – Tạp chí Cộng sản, số 62 năm 2004).

 Trong xu thế hội nhập, văn hóa của bất kì quốc gia nào cũng không còn tính toàn vẹn, nguyên sơ. Sự giao lưu, giao thoa tất yếu dẫn đến sự dung hợp về văn hóa. Văn chương cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, ý thức dân tộc luôn đồng hành cùng sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sĩ luôn tạo ra những nét riêng, sắc điệu riêng trong tác phẩm của mình.  Điều này xuất phát từ ý thức sáng tạo, từ những sở trường, sở thích, vốn sống và phong cách của mỗi người .

Để góp những tiếng nói của mình vào nền thơ chung của đất nước thời kì hội nhập, các tác giả là người thiểu số luôn chú trọng khám phá, bảo lưu văn hóa gốc của mình qua sự biểu đạt khá ấn tượng trong sáng tác. Đã có rất nhiều tác phẩm mang đậm dấu ấn vùng miền, tộc người được bạn đọc yêu thích, góp phần làm nên gương mặt văn hóa, văn học nước nhà.

  Biểu hiện bản sắc trong sáng tác thơ của các cây bút là người thiểu số tập trung ở một số phương diện sau:

1.     Hình tượng con người trong thơ:

Con người được nói đến trong thơ các cây bút thiểu số chủ yếu là những con người miền núi mang dáng dấp, phong thái riêng của tộc người . Nhà thơ Y Phương từng nhận định: “Hình tượng con người thiểu số hiền lành chân chất nhưng vô cùng mạnh mẽ và quyết đoán. Họ là chủ nhân của núi non sông suối trùng điệp. Họ đổ mồ hôi xương máu để giữ gìn và xây dựng quê hương miền núi ngày càng giàu đẹp. Hàng loạt các sáng tác ca ngợi con người thiểu số của Lò Ngân Sủn, Pờ Sảo Mìn, Lâm Quý, Nông Thị Ngọc Hòa,  Y Phương, Dương Thuấn…Họ khám phá sức mạnh của dân tộc qua: Cây hai ngàn lá; qua: Con trai người Pa Dí của Pờ Sảo Mìn. Hình tượng người miền núi hiện lên chân thực đến từng chi tiết: " …Trán dô/ mũi thô/ môi dày/ chân đi dép bốn hai vẫn thừa năm ngón …(Y Phương)…Con trai người Pa Dí/ mắt một mí/ tóc đen mũi tẹt da vàng/ dáng ngang tàng quấy đạp trần gian…( Pờ Sảo Mìn) …Những người con của núi/ sống ào ào như thác đổ/ sống dữ dội như thác cuốn…( Lò Ngân Sủn) …Mẹ còm cõi như quê  nghèo ven núi / sớm tối ra vào góc bếp lui cui…(Mai Liễu) vv và vv.”

Và đây, trong thơ của Triệu Doanh (Tày), cô gái Tày ngày về nhà chồng mới đáng yêu làm sao:

 Em tôi đi làm dâu

 Áo chàm xanh thắt đáy

 Đội nón trắng, vấn khăn…

          Những đứa trẻ “Thơm như cá suối nướng/ Thơm như lá chanh vườn” trong thơ tác giả người Thái Tòng Văn Hân, những đứa trẻ “ có ánh mắt thấu đại ngàn, có đôi tai lắng trầm ngàn núi” trong thơ tác giả người TàyNgô Bá Hòa  cũng thật lạ, thật ấn tượng. Những đứa trẻ “đói chữ / Vào rừng/ Gùi nứa/ Đan phên/ …Cầm dao/ Dựng nhà/ Cứ chiều đến ra đầu con dốc/ ngóng về xuôi…” trong thơ Hoàng Chiến Thắng ám ảnh khôn nguôi tâm trí người đọc…

          Trong thơ Nga Rivê( H’Rê), hình tượng người mẹ và lũ trai gái được vẽ bằng những nét rất thực nhưng sức khái quát cũng không nhỏ:

Người mẹ Kdong Quấn chút vải qua ngực/ Thắt chút dây qua lưng/ Chân đất vai trần/ Cần cù nhẫn nại/ Cõng đói nghèo còn lại…

– Lũ con iêng/ Ngực non như trái hoa chuối

– Lũ xang éo/ Tiếng cười dài như chiêng ngân

(Con iêng = con gái, xang éo = con trai – theo chú thích của tác giả)

          Hình ảnh người đàn bà Dao góa chồng nhiều con day dứt trong thơTằng A Tài ( Dao):

 Người đàn bà úp mặt vào hai bàn tay

 Khô gầy và nham nhở

 Những giọt nước mắt từ sa mạc khô

 Sâu chín tầng số kiếp

 Vặn mình đau

 Chảy ướt lá mạ non xanh…

          Con người đời thường với nhiều dáng vẻ, nỗi niềm, thân phận… đi vào thơ tạo nên một mảng hiện thực đắng đót về cuộc sống đồng bào miền núi và dân tộc. Bên cạnh đó là niềm kiêu hãnh về văn hóa tộc người, về truyền thống tốt đẹp hiện hữu trong tư duy các tộc người miền núi được các thi sĩ khám phá, phản ánh qua thơ.

 2. Không gian trong thơ :

2.1. Không gian hiện tại:

Không gian được phản ánh trong thơ các cây bút thiểu số là không gian văn hóa núi rừng, không gian làng bản với những nét nguyên sơ. Không gian đó gắn với kỉ niệm mỗi người, nâng đỡ tinh thần và dũng khí, để những người con của núi rừng chắc dạ vững tâm đi tới những nẻo xa.

Vẻ đẹp quê núi được khắc họa qua giọng thơ êm dịu, ngọt ngào của cô gái Nùng Hải Yến :

– Dây đàn tính mảnh mai thì con gái

 Gẩy cho chiều lơi lả rụng bông may

– Màn chàm đen ngái khói bếp hun

 Chăn thổ cẩm bạc màu lấp tối

Vùng quê núi thuần hậu cũng là không gian lãng mạn mời gọi lòng người . Thi sĩ Hải Yến thay mặt đồng bào miền núi mở lời đón khách:

– Lên bảy bậc cầu thang nhà sàn mỏi gối

 Nhà em nằm lơ lửng phía trăng treo

 – Tháng giêng non

 Dốc về bản giăng mây cho người vịn

Trúc sũng sương đứng e ấp chào mời      

 Những đêm xòe Tây Bắc có sức hút mãnh liệt qua thơ Vi Lập Công ( Thái) :

Đêm xòe đêm xoang thôi đốt lửa giữa sân

 Đàn môi em réo rắt

 Pí pặp anh đón mời

 Điệu khèn bè chơi vơi

 Nhịp cồng chiêng vọng mười sông chín núi…

 Phiên chợ Tết vùng cao không chỉ là nơi để bán mua, mà đó là nơi gửi nhớ trao thương cho người mình yêu dấu, là một ngày cho cả mấy trăm ngày. Nét đẹp đó được nhà thơ nữ Nông Thị Ngọc Hòa (Tày)  diễn đạt qua giọng thơ chân chất như lời nói người phụ nữ Tày :

  Một năm tết có mấy ngày

 chợ phiên chỉ một

 Giấu nhớ, giấu thương trong ruột

 Đem cho một người nỗi nhớ trăm năm

 Chợ tình – nét văn hóa rất đỗi nhân văn và độc đáo của một số địa phương, tộc người miền núi được nhà thơ người Hà Nhì Chu Thùy Liên cảm nhận sâu sắc:

 Đầu ngày, cuối đêm bài khèn ta thổi

 Cây lúa nhọc nhằn vươn trên đá

 Cây ngô còi uống cả suối mồ hôi

…Ta sẽ cuộn em như cuộn cỏ

 Cùng cháy xém bên nhau

 Ta sẽ bắt em

 Như sải tay bắt con ngựa trắng

 như guồng chân bắt con ngựa vằn

 về đóng cương, móc hàm thiếc

 đến khi tóc mình cùng màu hoa cỏ gianh.

Người Tày có câu ngạn ngữ : Lảc mạy tẩn, lảc cần rì ( Rễ cây ngắn, rễ người dài). Trong dòng chảy không ngừng nghỉ của cuộc sống, trong hành trình chinh phục vinh quang của tài năng, nhiều nhà thơ thiểu số không sinh sống trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình.  Xa quê, những người con của núi rừng luôn nhớ tới gốc gác, nguồn cội. Quê hương càng xa, càng trở nên dấu yêu, thao thức trong cõi nhớ. Quê hương càng nghèo, càng đau đáu xót xa. Nhà thơ Tày Mai Liễu nao nao nhớ về nơi « Sữa mẹ chắt từ củ rừng nước suối/ Ruộng bậc thang lăn lóc tuổi thơ tôi/ Ôm nhau đứng là núi to núi nhỏ/ Bản tựa vào sương, vào chân mây/ Mùa nắng cháy nghẹn bắp ngô trên rẫy/ Cơn lũ ào lên đồng lúa cát vùi »

Những thanh âm đời thường của cuộc sống trở thành kỉ niệm, thành niềm vui. Tiếng quay sa kéo chỉ « Nghe ấm như hơi thở/ Nghe như tiếng con tim » luôn hiện về trong giấc ngủ, trở thành nỗi nhớ êm đềm trong kí ức và khát khao của nhà thơ Tày Dương Khau Luông.

Những dòng sông quê cùng đặc tính hiền dữ trong cuộc mưu sinh của kiếp người chảy trong thơ Trần Thanh Pôn ( Khmer) :

 Sông quê ta

 Có lúc èng ơi trôi vào biển lớn

 Nó nuôi cá tôm, chở tàu ghe đi viễn xứ

 .. Nó phẳng phiu như gương thiếu nữ

 Cũng có lúc nhăn nhó như mặt quỷ dữ

 Nó gồng mình lên cuốn nhà cửa ruộng vườn

 Dâng lũ dập vùi sóc phum điêu tàn…

 Cả một không gian đá bủa vây đời người Châu Ro qua thơ PRê KimaLamak :

Mẹ sinh tôi trên đá bàn

 Cha đẻ tôi trên đá tảng

Rau tôi chôn nơi hốc đá

 …Mẹ trỉa lúa trên đá cuội

 Mẹ tra ngô trên đá hòn

 Cha cõng nước từ hang đá

 Cha dựng nhà nơi chân đá.

 Gỗ cứng trăm năm ngực gồng nắng gió

 Ăn đất của đá, uống nước của đá.

 Củ chụp củ nâu măng le rau đắng

Nuôi tôi đánh giặc ba mươi năm

 Uống nước của đá, ăn màu của đá.

 Đánh chiêng tháng Ba

 Gảy đàn Kia tháng Mười

 Con gái rước chồng về nhà vợ …trên đá…

 

Cũng không gian đá bao bọc cuộc đời người Mông trong thơ Triệu Kim Văn (Dao) :

Có dân tộc nào như người Mông hỡi em

 Sinh trên đá

 Đợi bạn tình trên đá

 Hiếm hoi cây nên khan từng chiếc lá

 Đặt lên môi thành tình tứ thành lời

… Mỗi hốc đá một hạt ngô sinh sôi

 Nuôi chàng trai Mông hỏi bao gốc ngô đồ mèn mén

 Mà những mái nhà phiêu diêu như tổ con chim yến

 Miên man thành vách đá núi Đồng Văn.

 2.2. Không gian Folklore:

Trong thơ các thi sĩ dân tộc ít người, sự ảnh hưởng và ý thức tiếp thu văn hóa Pholklore biểu hiện ở nhiều sáng tác. Như một nguồn mạch tự nhiên, những cách nói dân gian, những sinh hoạt văn hóa dân gian đi vào thơ rất hồn nhiên. Tác giả Lô Hưởng Ninh (Tày) nghe lỏm các chàng trai, cô gái Tày, Nùng hát điệu Hà lều:

Có thương nhau thì đến

Nhưng xin em đừng chê

 Nhà anh làm bằng sậy

 Gà mổ nhau còn xiêu

 Chim đậu xuống thì sập…

 Ba câu cuối của khổ thơ trên, tác giả đã dựa vào lời hát tự trào, ngoa dụ trong lượn trai gái (dân ca giao duyên) của người Tày – Nùng:

Rườn noọng (pỉ) rườn mạy ỏ/  Cáy tò tỏ nhằng phèn/  Nổc khăn rèng nhằng tốm

 (Nhà em (anh) làm bằng sậy/  Gà chọi nhau còn rung/  Chim gáy to còn sập)

Hội xuân truyền thống ở vùng cao với phong tục tung còn cầu may đi vào thơ Hữu Tiến (Tày) :

Hẹn em từ năm ngoái

 Đi hội xuân tung còn

 Nay em đâu chẳng thấy

 Hội mình anh lang thang

 Quả còn anh tung lên

 Không có em đón đợi

 Nó rơi cạnh lối đi

 Của bao đôi trai gái…

Các phong tục tập quán tốt đẹp của người Tày : se chỉ, nhuộm chàm, quay sợi, dệt vải …cũng được nhà thơ Tày này nói tới với một niềm tự hào, trân quý.

Không khí những đêm giao duyên của tộc người Mường và những câu Xường của người Mường đi vào thơ Bùi Nhị Lê (Mường) làm khơi dậy nét đẹp của hồn người miền núi:

Quê em trên cơm dưới cá

 Trắng xóa nương bông

 Cầu qua khe như cầu vồng

 Muốn thăm mường em

 ngại cầu trơn trượt ngã…

  Ngọn lửa bếp em thẹn thùng không cháy nữa

 Rì rầm

 như gần, như xa:

 “Nghe nói mường ta đẹp lắm

 Một lần xúc được đôi cá trắm

 Mỗi cây ngô bồng bế những hai buồng…”

… Ngọn lửa lập lòe

 Trai gái gửi tình qua giọng hát

 Đêm này rồi đêm khác

 Bếp vùi vào tro những ánh mắt than hồng

          Thật thú vị khi đọc những lời thơ đó. Ta như say trong đêm, chìm trong tình, ngợp trong thi vị của hiện tại và dân gian cổ xưa, quấn quýt, mê đắm .

Tục kể khan về những sử thi hùng tráng của cộng đồng Ê Đê hiển hiện trong lời thơ tác giả người Ê Đê H’Triem K’Nul :

Già đang khan

 Già say lời kể

 Người nghe say lời già

…Giọng già như gió cuốn bụi bay

 Giọng già như hổ gầm buổi tối

 Giọng già như suối chảy đầu hôm…

Những phong tục tập quán, những nét đẹp độc đáo, đặc sắc và cả những gian truân của cộng đồng người miền rừng nằm trong tâm thức của các nghệ sĩ, giúp họ có được nét riêng trong sáng tạo.

 3. Ngôn ngữ, giọng điệu thơ:

Việc sử dụng ngôn ngữ trong thơ của các cây bút thiểu số khá đa dạng, linh hoạt. Sự đa dạng, linh hoạt làm cho thơ họ không khô cứng, không gò ép trong tất cả các thể loại . Ngôn từ có khi dung dị bình dân, có khi uyên thâm bác học, có ngôn từ và cách diễn đạt gắn với tộc người , có ngôn từ và cách diễn đạt rất Việt… Giọng điệu trong thơ cũng uyển chuyển, đa dạng – có phơi phới ngợi ca, có buồn sầu thấm thía, có tự hào hãnh diện, có khắc khoải âu lo …

Nhà thơ Nông Quốc Chấn (Tày) trải lòng mình trước khung cảnh trữ tình bằng giọng thơ nhẹ nhàng, ngôn từ dung dị:

Chợ chiều lất phát mưa bay

 Đường trơn đừng sợ anh dắt tay

 Áo chàm ai nhuộm mà xanh thế

 Không rượu mà lòng vẫn cứ say.

          Bốn câu thơ gói đủ cả cảnh thiên nhiên, cả tình của chủ thể trữ tình và người thưởng thức. Đặc trưng cảnh miền núi (chợ chiều, đường trơn), đặc trưng người miền núi (áo chàm, rượu) qua diễn đạt của nhà thơ đã lên men trong lòng người đọc.

          Nhà thơ Triệu Lam Châu (Tày) lại giãi bày nỗi buồn man mác và khát vọng gặp gỡ người trong mộng bằng giọng thơ bùi ngùi từ sự kết hợp của ngôn từ mang tính trung hòa và ngôn ngữ biểu cảm cao khiến câu thơ lưu lại dư vị ngọt ngào:

Ngả hai tay đón ngày cũ xa vời

 Chỉ thấy sương đậu lòng tay nặng trĩu

 Gương mặt buồn lại khuất vào sau núi

 Lòng lại mong phía ấy có trăng lên…

 Hoàng Chiến Thắng (Tày), trong tập “Cần dú khau” (Người ở rừng), bằng sự phối hợp những ngôn từ dung dị, giàu hàm ý, đã tải cả tâm tư trĩu nặng và trạng thái mơ màng của cái tôi trữ tình khiến những câu thơ trở nên ám ảnh, lãng mạn :

– Rẽ ngang rồi bao giờ mới gặp

Biết gặp rồi còn nhớ nữa hay thôi

 Nhìn lên trăng thấy trăng buồn quá nỗi

Những ngày xưa gói lại trả về xưa

 – Em mang lời thương qua chín núi

Buộc nơi bậu cửa nhà mình

Bảy vía anh theo về xin cởi

Cầu thang chín bậc trăng xanh…

– Sơn nữ tắm trăng giật mình hoảng sợ

Vía mải ngắm em đến chẳng biết về

Đinh Thị Mai Lan (Tày) khi nghe một điệu dân ca Việt, đã dùng những câu thơ lục bát mượt mà để diễn tả lòng mình:

 Nhân gian một gánh càn khôn

 Tao tao phách gõ mặc hồn ta rơi

 Nhặt khoan mắc nợ với đời

 Trả vay câu hát cho vơi nỗi niềm

 (Nghe hát chầu văn)

 Tâm tư trĩu nặng sau những cuộc tình không thành thổn thức trong thơ Dư Thị Hoàn (Hoa) với một giọng điệu riêng :

Con ngựa quả là loài không tỉnh táo, kéo cỗ xe dụ chúng mình vào thung lũng mờ ảo. Xa xa một đôi trai gái thả cặp chân xuống hồ khua ráng đỏ, một sát na chiều em vó ngựa, nặng xế hoàng hôn như mũi khoan vào lòng thung lũng – Tình yêu. Anh nói : muộn rồi, ta về thôi ! Em vâng : muộn rồi…

           Những vần thơ của Inrasara (Chăm), một trong những tác giả tiêu biểu của dòng thơ tân hình thức và hậu hiện đại, lại có cách diễn đạt đạt thâm trầm, sâu lắng, chứa nỗi ưu tư không dứt của cả cộng đồng người Chăm :

Rồi gió thổi tới những bước chân viễn du

 rồi gió thổi tới những bàn tay ưu tư

 miệt mài gõ cửa niềm bí mật đang xơ hóa

 và chịu đựng và cưu mang và khai vỡ

 Để vĩnh viễn một lần

 những cái nhìn ngoái lại

 lẫn đi. 

           Bùi Tuyết Mai (Mường) du dương, tha thiết trong điệu Sình ca đêm :

Nì à

 Suối Mường mình bao nhiêu nước là bấy nhiêu thương nhớ cho chim về như nước hợp rồi tan, tan rồi mưa trở lại

 Cho cá xuôi biển lỗi ngược về

 Lá rụng xuống làm đất đai màu mỡ

Nì a…

 Lịch sử tộc người như một khúc tráng ca trong thơ Lò Cao Nhum (Thái) :

Bắt đầu là gồng gánh núi non

          Ở trong núi có mồ hôi của đá

          Trong đá có kết tinh nỗi khổ

 Nỗi khổ ủ niềm khát khao.

 Rồi ông vung dao phạt quang mầm đồi

          Ông chọc lỗ gieo hạt củ no

          Sự sống ấm chân trời hoang sơ

 … Sau lưng ông rồng rắn bao thế hệ

 Vẽ lên mặt đất một quy luật sinh tồn.

 Lộc Bích Kiệm (Tày) mang theo lời dặn của người thân trong hành trình làm người, những lời dặn dung dị mà sâu sắc, nôm na mà hàm chứa cả một chân lý sống của người miền núi :

 Mẹ trao em việc nương rẫy

 Bố bảo gái lớn lấy chồng

 Bà răn phải thạo phong tục

 Để còn gánh cả quê hương

Bế Phương Mai (Tày) rạo rực, kìm nén trong cảm xúc, thả bung ngôn từ tung hoành với Đồng cỏ và ngựa hoang :

Đừng khóc

 ngựa hoang kiêu hãnh

 cùng ta về vực đá chênh vênh

 …dũng mãnh lên

ngựa của ta

 nơi đó lếnh loáng

 vầng trăng cỏ

 lãng du thơ trải khắp triền đồi

…Đừng khóc

 ngựa hoang

 hãy tì cằm lòng thung

 gặm đến khôn cùng

 uống những giọt sương ngời ngời bất tận.

 Đừng khóc

 ta biết

 những hạt cỏ dẫn lối nảy mầm.

 Nhà thơ Cao Lan – Lâm Quý có những nhận xét và đồng thời là sự thú nhận khá thú vị về sự khác nhau giữa miền núi và miền xuôi :

 Ở trên núi nhìn toàn thấy váy

 Xuống đồng bằng nhìn toàn thấy quần

 Quần và váy đều là hai thứ

 Làm cho tôi mê mẩn suốt đời.

 Người ở núi yêu nhau bằng mắt

 Người đồng bằng yêu nhau bằng môi

 Môi và mắt đều là hai thứ

 Làm cho tôi say mê ngất ngây…

 Người thơ của dân tộc Giáy – Lò Ngân Sủn cũng ngất ngây trước vẻ đẹp đa diện của nửa kia đời mình trong hệ thống ngôn ngữ và hình ảnh so sánh dung dị mà độc đáo :

 Cởi áo ra

 Em như một vầng trăng

 Mặc áo vào

 Em như một rừng hoa

 Như một dòng suối trong

 Làm mát anh mùa hạ

 Như một cái chăn bông

 Làm ấm anh mùa đông

 …Em như chùm rượu ngọt

 Uống mãi không biết cạn

 Em như tấm cơm lam

 Ăn mãi không biết hết

 Em như là ngày Tết…

 « Lẽ đời » của nhà thơ người Thái Lò Vũ Vân như một sự phát hiện về quy luật sinh tồn qua giọng thơ mang tính triết lý, từ ngữ giàu hình ảnh :

 Một đốm lửa le lói khát khao được sưởi ấm cho

 những trái tim buồn tẻ trong đem đông giá lạnh

 Một vùng cằn hoang đá sỏi cứ rưng rưng

khi trời đất sang xuân.

 …Một giấc mơ hoang tình từ phía vầng trăng cứ hiện về

 ngự trị trên chiếc gối đơn côi.

 Những ước mơ như cuốn chỉ hồng cuốn chặt để rồi

 được gỡ dần ngày ngày, tháng tháng chẳng đan lên những linh hồn đêm đêm

 Những ngày đông giá buốt xiết lên những

chiếc lá khô run rẩy.

 Nỗi khắc khổ trườn về phía mùa xuân rần rật

 những nụ hoa sắc màu.

 Những giọt lệ trời tí tách rơi thao thức đêm đêm…

 Trong thơ Triệu Thị Mai (Tày), có cảnh đợi nặng chất Tày được mô tả qua hình ảnh đặc trưng và lối nói giản dị:

Đứng đầu sàn em trông

 Đứng cuối sàn em đợi

Khảm khắc kêu nhói lòng

 Nắng rát bỏng chân thang.

Giản dị nhưng không nhạt, bởi cách chọn hình ảnh biểu đạt có sức nặng (sàn) và cách sắp xếp động từ theo quan hệ tăng tiến ( trông – đợi – nhói lòng – rát bỏng) đã lột tả cảm xúc hữu hiệu .

 Những câu thơ sau của Đoàn Ngọc Minh (Tày) cũng là những câu thơ gần gụi với lối nói và tư duy của người miền núi :

Người miền núi

 Lộc cộc mõ dao

 Nắm cơm vào lá rừng

 Đốt lửa trên đá

 Giấc ngủ trên cành cây…”

 Y Phương (Tày), trong nhiều tác phẩm, đã khắc đậm hình ảnh của vùng quê miền núi, con người miền núi, trong đó có hình ảnh của nơi anh sinh ra và lớn lên trong cay đắng nhọc nhằn, trong lung linh tình đầu vời vợi qua giọng thơ da diết và những hình ảnh thân thương:

Ơi cái làng của mẹ sinh con

 Có ngôi nhà xây bằng đá hộc

 Có con đường trâu bò vàng đen đi kìn kịt…”

Trong bài thơ được tuyển dạy ở chương trình phổ thông –  Nói với con – khát khao mà nhà thơ muốn truyền dạy cho thế hệ sau là truyền thống quê hương, là lòng tự hào, là bản lĩnh cứng cỏi và dáng đứng vững chắc như lim như nghiến của con người miền núi, là tâm hồn trong sáng vô ngần của con người lớn lên từ khí thiêng của hồn quê và tâm nguyện thuỷ chung son sắt. Nội dung đó được chuyển tải qua giọng thơ giàu nhạc điệu:

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

 Sống trong thung không chê thung nghèo đói…

  Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

 Còn quê hương thì làm phong tục…

  Đọc thơ Bàn Tài Đoàn (Dao), ta gặp cái chất chân phác, mộc mạc đáng yêu của tâm hồn người miền núi qua cách nói chân chất mộc mạc:

– Ngẩng đầu thấy núi cao chót vót

 Cúi đầu thấy đá chồng chất nhau

 Bắp vùi xuống đất trên khe đá…

 – Đã sống với nhau đôi vợ chồng

 Khi yêu chẳng muốn rời một buổi

 Lúc giận nặng lời chẳng muốn trông

 nhưng làm cỏ nương mong trời tối …

 Những câu thơ sau của Triều Ân (Tày), có thể nhận thấy nhà thơ đã thả hồn vào những cảnh đời, những nếp sinh hoạt văn hóa và cuộc sống thường nhật, hay nói cách khác, văn hoá Tày đã khơi lên sự mê đắm trong cảm xúc, tạo nên chất lãng mạn cho những câu thơ:

– Em ngồi đầu sàn với cây đàn tính ngân vang nương rẫy

 Làn tóc em xanh, xanh mượt làn mây

 -.Cuốc bới đất sâu vào thung lũng hẹp

 Nương trải xa leo tận đỉnh mây vờn

 Đọc Hoàng Thanh Hương (Mường), dấu ấn Tây Nguyên với những nét sinh hoạt độc đáo hiện lên qua giọng thơ đằm thắm, ngôn từ phóng khoáng biểu đạt xúc cảm mê say :

– Đêm nay nằm trên sương

 đất dưới lưng run lên

 Những bàn chân thong thả, tíu tít, hoang cuồng

 những tượng mồ hú gọi, nhảy múa

 lồng ngực đầy lửa

 lồng ngực đầy gió 

 

–  Em gội tóc chiều sông ngực soi mặt sóng

 những đường cong căng mềm mát một mùa khô

 đêm đêm nhà rông gái trai trống chiêng múa hát

 người yêu người như thưở ngày xưa…

 Mỗi người một vẻ, các nhà thơ thiểu số đã phát huy thế mạnh của cá nhân, của tộc người …trong sử dụng ngôn từ, giọng điệu, thể hiện sâu sắc tình cảm,  tư tưởng của cộng đồng mà các nhà thơ là người đại diện, người khám phá, làm nên sức hấp dẫn cho thơ.

 4. Thơ bằng tiếng mẹ đẻ:

Thơ được sáng tác bằng ngôn ngữ tộc người là một mảng làm nên nét đặc trưng của thơ dân tộc thiểu số. Tiếp thu từ thi ca truyền thống của các tộc người, hiện tượng sáng tác thơ bằng tiếng mẹ đẻ đã được chú ý từ xưa. Nó có ở hầu khắp các sáng tác dân tộc thiểu số như Thái, Chăm, Ba Na, Mông, Dao,… Hiện tượng sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ có thể xuất phát từ ý thức tự thân, yêu và trân trọng tiếng mẹ đẻ, có nhu cầu diễn đạt tâm tư tình cảm bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Cũng có thể xuất phát từ ý thức bảo lưu, bảo tồn văn hóa, bảo tồn giá trị gốc của chính các nhà thơ. Nói riêng về sáng tác bằng chữ Tày – Nùng, Ở Cao Bằng, thơ bằng tiếng Tày Nùng được sáng tác từ những bậc thi nhân nổi tiếng thời trung đại như Bế Văn Phủng, Nông Quỳnh Văn… được tiếp tục ở các  thế hệ thi sĩ hiện đại. Tên tuổi các nhà thơ sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ ngày một dày. Số lượng tác phẩm song ngữ liên tiếp được công bố. Các bậc thi nhân dạn dày kinh nghiệm và vốn sống đã cho ra đời các sáng tác bằng hai thứ tiếng: Bàn Tài Đoàn ( Dao – Việt), Bế Việt ( Tày Nùng – Việt), Ma Văn Hàn ( Tày Nùng – Việt), Hà Ngọc Thắng (Tày Nùng – Việt), Bế Thành Long ( Tày Nùng – Việt), Triệu Lam Châu ( Tày Nùng – Việt)… Đặc biệt gần đây, sáng tác bằng thơ song ngữ được chú trọng, trở thành một nét đẹp trong thơ Cao Bằng. Các tập thơ song ngữ Tày Nùng – Việt do Nhà  xuất  bản  Văn hóa dân tộc ấn hành lần lượt ra đời: Thất tàng lồm – Ngược gió (2006) của Y Phương, Sau đêm – Gừn muổt (2008) của Hữu Tiến, Tốc lả – Muộn màng (2008) của Ngô Lương Ngôn, Tàng tơ – Đường tơ (2008) của Hoàng An, Mưa bóng mây – Phân phả ( 2009 ) của Thu Bình, Lồm hoằn muổt – Gió hoàng hôn(2011) của Đoàn Ngọc Minh, Cằm vén cúa hai – Lời ru của trăng (2013) của Triệu Thị Mai …

Ở Bắc Kạn, tiếp nối các nhà thơ lớp trước như Nông Quốc Chấn, Nông Viết Toại, Triệu Kim Văn.., các nhà thơ Dương Thuấn, Dương Khau Luông, Hoàng Chiến Thắng, Nông Thị Tô Hường, Ma Phương Tân, Phùng Thị Hương Ly… tiếp tục cống hiến cho bạn đọc những sáng tác bằng tiếng tộc người và song ngữ với một cảm quan rộng và sâu .

Ở Tây Bắc, các nhà thơ người Thái sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ có  Vương Trung, Lương Quy Nhân, Lò Văn Cậy…

Có thể nói, những người làm thơ tên tuổi và cả những người chưa được nhiều người biết đến trong đội ngũ sáng tác dân tộc thiểu số đã và đang miệt mài gom nhặt những viên ngọc trong tiếng nói cộng đồng tộc người để bày tỏ nỗi niềm, để gom góp sắc hương cho vườn thơ Việt Nam.

Ngoài việc sáng tác bằng song ngữ, một số tác giả còn dịch những tác phẩm thơ cổ điển từ tiếng Việt sang tiếng tộc người. Chẳng hạn, nhà thơ Hoàng An (Tày)  chuyển ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Tày – Nùng (NXB Văn hóa dân tộc, 2008), Chinh phụ ngâm ( từ bản Nôm của Đoàn Thị Điểm) sang chữ Tày – Nùng (NXB Văn hoá dân tộc, 2009). ..

 Kết luận : Trong xu thế phát triển, sự hòa nhập, cải tiến về cả nội dung và hình thức thơ là điều tất yếu. Bên cạnh các yếu tố hiện đại, tính bản sắc vẫn luôn là yếu tố làm nên vẻ đẹp nội sinh của thơ. Để thơ có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, các tác giả dân tộc ít người luôn có ý thức trau dồi, chăm chút cho thơ của mình mang vẻ đẹp riêng. Rất nhiều nhà thơ thiểu số đã nổi danh trong làng văn chương. Họ đóng góp giá trị lớn lao vào sự nghiệp văn học nước nhà, họ làm nên những tác phẩm đẹp, những bài thơ hay lung linh cùng năm tháng. Tác phẩm của đội ngũ các nhà thơ thiểu số vừa khẳng định sự hòa nhập, vừa khẳng định tính riêng – tính bản sắc – trong tiến trình phát triển của văn chương đương đại. Các nhà thơ thiểu số có mặt trong tất cả các trào lưu, các biến đổi của thơ Việt Nam hiện đại, hậu hiện đại với đặc điểm chung và riêng đó. Họ góp phần làm nên bộ mặt đa dạng và phong phú của thi ca Việt Nam./.

 

Nguồn:  Bài viết đã công bố trong sách: Đồng hành cùng trang viết. NXB Thanh niên, H, 2015.

Related Posts

Hành trình đưa Khóa tụng thống nhất đến với Phật tử

1 tuần trước
0

Pháp phục Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ

1 tuần trước
0

ĐẨY MẠNH ĐỀ ÁN PHÁP PHỤC, NGÔN NGỮ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

1 tuần trước
0

Bạc Liêu: Lễ ký kết hợp tác giữa Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh

2 tuần trước
0

Tham luận 40 năm thành lập GHPGVN: Đặc trưng Văn hóa Phật giáo Việt nam (HT. Thích Thọ Lạc)

1 tháng trước
0
Thiện nam tín nữ, Phật tử gần xa thành tâm lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm tại Quán Âm Phật Đài

Bạc Liêu: Tết Nguyên tiêu nơi mái chùa dân tộc

1 tháng trước
0
Next Post

BA BÀI CHIẾU ĐỜI LÝ

Giáo dục thế hệ trẻ Khmer bằng truyền thống văn hóa dân tộc

Bài viết xem nhiều

  • Phật tử lắng nghe thuyết giảng

    Bạc Liêu: Buổi thuyết giảng “Ba hạng người xuất hiện ở đời” tại chùa Giác Viên

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Chùa Phước Huệ tổ chức khóa tu Một ngày an lạc chủ đề “Lịch sử và tư tưởng về Bồ Tát Quán Thế Âm”

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: THÔNG BẠCH ĐẠI TRÙNG TU KHU QUÁN ÂM PHẬT ĐÀI (MẸ NAM HẢI BẠC LIÊU)

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Chùa Giác Hoa trao tặng 200 phần quà cho người khuyết tật

    0 shares
    Share 0 Tweet 0
  • Bạc Liêu: Lễ khánh thành Sala và đặt đá xây dựng Chánh điện chùa Khna Rộn

    0 shares
    Share 0 Tweet 0

Thông báo

Lưu trữ

Bạc Liêu: THÔNG BẠCH ĐẠI TRÙNG TU KHU QUÁN ÂM PHẬT ĐÀI (MẸ NAM HẢI BẠC LIÊU)

4 ngày trước
0
Lưu trữ

Bạc Liêu: Thư mời Quý Phật tử tham dự Lễ đặt đá xây dựng khu Quán Âm Phật Đài

2 tuần trước
0
Lưu trữ

Bạc Liêu: Thường Trực Ban Trị sự thông báo hành trì Đại bi chú-đảnh lễ Ngũ bách danh cầu nguyện xây dựng – đại trùng tu khu Quán Âm Phật Đài

2 tuần trước
0
Lưu trữ

Bạc Liêu: Thường Trực Ban Trị sự thông báo hành trì Đại bi chú-đảnh lễ Ngũ bách danh cầu nguyện xây dựng – đại trùng tu khu Quán Âm Phật Đài.

3 tuần trước
0
Lưu trữ

Thông bạch: Tổ chức an cư kết hạ – Phật lịch 2567

3 tuần trước
0
Lưu trữ

Thông bạch của Hội đồng Trị sự GHPGVN về việc trao tặng quà Xuân 2023 cho người có hoàn cảnh khó khăn

3 tháng trước
0

Ban trị sự

Tự viện

Từ thiện

Lịch vạn niên

03/2023
CNT2T3T4T5T6T7
 
 
 
 
 
 
1
10/2
2
11
3
12
4
13
5
14
6
15
7
16
8
17
9
18
10
19
11
20
12
21
13
22
14
23
15
24
16
25
17
26
18
27
19
28
20
29
21
30
22
1/2
23
2
24
3
25
4
26
5
27
6
28
7
29
8
30
9
31
10
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Liên kết website

  • Phật Giáo Việt Nam
  • Phật Giáo Org
  • Thư Viện Hoa Sen
  • Báo Bạc Liêu

Thống kê truy cập

  • 3
  • 1.770
  • 3.288
  • 181.926

GHPGVN TỈNH BẠC LIÊU

  • Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
  • Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
  • Điện thoại: 0949 111 848
  • Email: giacnghithich@gmail.com

VĂN PHÒNG & LIÊN LẠC

  • Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
  • Trụ sở: Chùa Long Phước 2/234 Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Tp.Bạc Liêu
  • Điện Thoại: 0291.3696968
  • Email: phatgiaobl@gmail.com

THÔNG TIN TÀI KHOẢN:

  • Tên tài khoản: Quán Âm Phật Đài
    - Ngân hàng ACB: 949111888
    - Ngân hàng BIDV: 78510000999899
    - Chi nhánh Bạc Liêu.
  • Tên tài khoản: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
    - Ngân hàng BIDV: 78510000556869
    - Chi nhánh Bạc Liêu

© 2022 Phật Giáo Bạc Liêu - Trang Tin Điện Tử Phật Giáo Bạc Liêu

  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Ban Chứng Minh
    • Ban trị sự
    • Các ban trực thuộc
  • Tin tức – Phật sự
  • Từ thiện xã hội
  • Lịch sử – văn hóa
    • Văn hoá phật giáo
    • Lịch sử văn hoá
  • Nhân vật – Sự kiện
    • Nhân vật
    • Sự kiện
  • Phật học
    • Tự viện
  • Trung cấp phật học