TÌM VỀ MỘT DÁNG CẦU XƯA * Vũ Kiêm Ninh Tìm hiểu về những cây cầu xưa, được biết thời Lê – Trịnh, ở miền Bắc có nhiều cây cầu bằng tre, gỗ, hoặc xây gạch, đá được bắc qua những sông ngòi để nối liền mạng giao thông nông thôn. Trên sông Tô Lịch, các tư liệu thu thập được cho biết. – Ở chợ Bưởi có một cầu đá bắc nối con đường thiên lý vào nội thành. Nay ở di tích đền Chiêu Ứng còn một tấm bia vuông, 4 mặt có chữ mang tên “Thủy tạo thạch kiều bi minh” lập năm Cảnh Hưng thứ 27 (1767) ghi việc này. – Theo gia phả dòng họ Nguyễn Hữu ở Cự Chính thì cụ tổ Nguyễn Hữu Thiêm, từng làm Thừa Chính xứ thời chúa Trịnh Doanh, đã thiết kế và chỉ huy thi công 7 cây cầu vượt sông Tô Lịch, đó là: – Cầu Cót nối Láng Thượng với Hạ Yên Quyết – Cầu Trung Kính nối Láng Trung với Kính Chủ. – Cầu Mọc nối Láng Hạ với Nhân Mục Môn – Cầu Giát nối Khương Trung với Thượng Đình – Cầu Lẻ nối Định Công Thượng với Kim Lũ. – Cầu Minh Kính nới Định Công Hạ với Kim Văn. – Cầu Quang làng Báng nối với Quang Thanh Liệt. Đến nay, những cây cầu cổ ấy không còn nữa, mà được thay bằng cầu bê tông cốt thép. Nhưng người xưa kể lại thì đó là những cây cầu có dáng đẹp, vòm cuốn xây gạch vồ, mặt cầu lát đá phẳng, đi lại dễ dàng. Ngày nay, đi các nơi, gặp nhiều kiểu cầu thép, cầu treo hiện đại, nhưng trong tâm trí người hoài cổ, còn in sâu một dáng cầu xưa. Đó là kiểu cầu “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu). Người đầu tiên tạo nên kiến trúc này là Trạng Nguyên Phùng Khắc Khoan. Theo sách Sơn Tây Chí, Trạng Bùng đã làm hai cây cầu ở hai bên Chùa Cả trong hệ thống di tích Sài Sơn. Đó là Nguyệt Kiều và Nhật Kiều. Cầu có 5 gian, thân cong vành lược, dưới mái cầu là 3 vòm cuốn xây gạch để dòng nước chảy qua. Cho đến nay, hai cây cầu này vẫn cùng với nhà thủy đình tạo nên cảnh đẹp ở Sài Sơn. Người đời nhớ mãi cầu “Thượng gia hạ kiều” bởi nó đậm nét dân gian. Cầu nào cũng là nơi nối liền đôi bờ giữa khung cảnh có cây cao, bóng cả, lòng sông vừa phải, thuận tiện thi công vòm trụ, mái cầu giúp người bộ hành khi vào cầu có thể trú mưa, tránh nắng, an toàn như mái nhà của mình. Họ ngắm cảnh, vịnh thơ, thư thái hóng gió mát, mỗi khi qua sông. Bởi mang trên mình những yếu tố hòa họp dân dã nên nhiều nơi ở Bắc Bộ đã làm “Thượng gia hạ kiều”. Có thể hình dung cây cầu trên trang sách. Tìm hiểu lịch sử kiến trúc Việt Nam của Gs. Ngô Huy Quỳnh được biết: cầu Phạm Lâm (Hải Dương), cầu Chọi (Bắc Ninh), cầu Phú Khê (Hà Nam) và cầu Phát Diệm (Ninh Bình). Tiếc rằng đến nay, nhiều cầu xây cất kiểu này đã không tồn tại vì thời tiết và không thích ứng với giao thông hiện đại. Chỉ còn có cầu Lai Viễn Kiều ở Hội An vẫn đứng vững trước thời gian. Vậy ở các tỉnh phía Bắc, có nơi nào còn “Thượng gia hạ kiều”? Vừa qua khi về Bình Vọng Xã Văn Bình, Huyện Thường Tín, tôi đã được đi trong lòng cây cầu theo mô thức “Thượng gia hạ kiều” còn mới nước sơn. Đó là cây cầu 7 gian: 5 gian thông thủy cộng với 2 gian ở 2 đầu. Cầu làm bằng gỗ, có chiều rộng hơn 3m, chiều dài gần 20 m, phần thân gỗ đặt trên mặt cầu bằng bê tông đổ thành 3 vòm, thay vòm trụ gạch kiểu cũ. Mặt cầu lát ván ngang, trải suốt chiều dài. Hai bên đều có 2 hàng ghế, tựa vào lan can con tiện để người qua đường, người làng có thể ngồi nghỉ chân. Tại đây, trên 4 đôi trụ vuông ở giữa cầu, khắc 4 đôi câu đối, do các cụ trong làng Bình Vọng viết nên, nhiều vế hay, ấm áp tình quê: Môn ngoại phong nghênh xuân hiến tú Kiều trung đối khách tửu nồng hương (Ngoài cửa, gió đón xuân về dâng cảnh đẹp Giữa cầu, tiếp khách rượu nồng thơm). Người Bình Vọng đón khách trên cầu xuân với phong vẻ thật cao sang, thi vị. Và sau đây thêm một bức tranh sơn thủy toàn mỹ: Môn ngoại sơn minh thủy tú Đình tiền trụ phục lan hương (Ngoài cửa núi hừng, nước ngọc Mặt trước, hàng cột náu giữa hương thơm) Nhân dân Bình Vọng dựa vào địa thế trước đình và chùa làng hiện hữu 3 hồ lớn liền nhau, để bắc cầu trên Hồ Cầu và tạo 2 hồ ở hai bên thành hai hồ sen ngát hương. Từ ngày có công trình “Thượng gia hạ kiều”, dân làng và khách thập phương đều qua đây đến lễ chùa Báo Quốc và dự lễ hội đình làng. Hai di tích lịch sử lâu đời này, có niên đại từ thời Mạc. Thần tích đình ghi: làng Bình Vọng thờ 3 vị Thượng đẳng thần là Tôn thần họ Đỗ, Thánh nữ họ Trần và Đại vương Chiêu Văn Hầu Trần Nhật Duật. Cụ từ đình Lương Văn Đắng nói với tôi: “Năm Giáp Thân các cụ thôn Bình Vọng bàn việc xây cầu theo kiểu “Thượng gia hạ kiều” trên lối vào chùa Báo Quốc. Trước năm 1946, thôn tôi đã có cầu này nhưng chiến tranh đã làm sập. Gần 50 năm qua đi, nỗi nhớ cây cầu vẫn canh cánh bên lòng. Nay thế hệ trẻ tiếp bước ông cha, quyết tâm xây dựng làng văn hóa, phục dựng lại cảnh đẹp xưa. Dân làng cử đại biểu lên tham quan cầu Nguyệt Tiên ở chùa Thầy rồi trở về thiết kế mẫu mới, dựng lên một cây cầu 5 gian thông thủy, có xà ngang đỡ, hai đầu xà chạm hình rồng soi bóng. Lại có hệ vì kèo chắc chắn, nối nhau đỡ mái cong, lợp ngói mũi hài, cầu nổi bật giữa cây xanh, nước biếc thật nên thơ. Thôn Bình Vọng Xã Văn Bình nay đang từng bước đổi thay. Các già làng cùng với lớp trẻ góp chung tâm sức quy hoạch lại thôn xóm, tu sửa các di tích lịch sử – văn hóa. Cụ Lương Việt Tiến tự hào nói: “Mấy năm nay cán bộ và nhân dân thôn Bình Vọng làm được nhiều việc tốt. Chúng tôi rất mừng càng thêm yêu quý quê hương. Ngày xưa, làng có chợ Bằng nổi tiếng, ngày nay không những chỉ có chợ Bằng, mà đang phấn đấu để thôn Bình Vọng ngày một giàu đẹp hơn”. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com