Tìm lại điệu hát 36 năm mới hát một lần! * Yên Khương – Huy Thông Ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, nay thuộc Hà Nội, có một điệu dân ca nghi lễ đặc biệt, theo truyền thống, phải 36 năm mới được vang lên một lần, và tất cả những người hát, theo quy định, phải là trai chưa vợ gái chưa chồng. Đó là hát Dô. Lần tổ chức lễ hội và hát Dô gần đây nhất là năm 1926, bởi lẽ chiến tranh liên miên cùng lời nguyền kiêng kỵ nên chu kỳ đó đã đứt đoạn. Bởi đứt đoạn, lại kèm theo những quy định khắt khe, nên ở Liệp Tuyết, quê hương của hát Dô hiện nay chỉ có 3 người còn hát được… Tương truyền, Thánh Tản Viên một lần dạo chơi ven qua sông Tích thấy đất đai màu mỡ, phì nhiêu liền gọi bà con dân làng ra dạy cách chọn giống, gieo lúa. Dạy xong, Thánh từ biệt và hẹn ngày tái ngộ bà con sau mùa lúa chín. Thế nhưng hết vụ mùa này đến vụ mùa khác, người dân Liệp Tuyết vẫn không thấy Thánh quay lại. 36 năm sau, Thánh mới trở lại và dạy bà con ca múa. Từ đó, dân làng xây đền thờ để tưởng nhớ công ơn và cứ 36 năm lại mở hội ca hát một lần gọi là hát Dô vào dịp lễ hội đình Khánh Xuân. Cũng theo lời kể, nếu ai cả gan hát vào ngày bình thường sẽ bị Thánh “vật chết” hoặc chí ít cũng mang tật vào thân… Chuyện bà góa một nách hai con nuôi hát Dô. Nghe phong thanh, Rằm tháng Giêng năm Kỷ Sửu này, ở Liệp Tuyết sẽ mở hội hát Dô tại đền Khánh Xuân, tôi điện thoại cho bà Nguyễn Thị Lan, Chủ nhiệm CLB hát Dô xã Liệp Tuyết, để “đặt chỗ”. Bà bảo: “Năm nay lễ hội đền Khánh Xuân không có hát Dô đâu! Đừng đến. Có đến thì xem trò khác của làng thôi”. Chúng tôi gặng hỏi lý do thì bà nói ngắn gọn: “Mình tôi thì diễn xướng sao nổi. Một mình một ngựa ra trận còn được chứ một mình diễn xướng hát Dô hầu thánh thì “phạm hèm” (điều kiêng kị, cấm kị – NV) rồi”… Tôi chưng hửng. |