TÌM HIỂU Ý NGHĨA THỌ GIỚI
* ĐĐ Thích Thiện Toàn
Đứng về mặt giới pháp, hàng ngũ đệ tử Phật được chia làm 7 nhóm: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma na, Ưu bà tắc, Ưu bà di. Nhưng tổng quát mà nói thì chỉ có hai đoàn thể chính bao gồm tất cả, đó là đoàn thể xuất gia và tại gia. Được gọi là đệ tử Phật, bất luận là tại gia hay xuất gia, đều phải lãnh thọ giới pháp, tức là phải trãi qua một buổi lễ phát nguyện chấp hành những quy ước sinh hoạt truyền thống trong phạm vi của đoàn thể mình theo một nguyên tắc nghi lễ đã được ấn định, nhằm mục đích để làm nhân tố thực hiện mục tiêu chung nhất là phát triển tâm linh, nâng cao phẩm chất đạo đức cá nhân, làm chất liệu bồi dưỡng trí tuệ tiến đến giác ngộ và giải thoát.
Tuy cả hai đoàn thể đều cũng phải lãnh thọ giới pháp như thế, nhưng do bản chất và sự quan hệ có tính chất cá nhân hay tập thể trong khi hành trì mà sự truyền trao giới pháp cho hai đoàn thể có sự khác biệt nhau. Bản chất của giới tại gia là xây dựng và hoàn thiện về tư cách đạo đức của một cá nhân. Khi đã trở thành một phật tử (sau khi đã phát thệ vâng giữ những nội quy của đoàn thể tại gia), người tại gia có thể tiến bộ, phát triển hay sa đọa, trụy lạc trên đường tu tập trong mục tiêu giải thoát, giác ngộ thì chỉ là vấn đề cá nhân của người ấy mà thôi. Do đó, việc truyền thọ giới pháp cho đoàn thể tại gia có thể do một người truyền cho nhiều người, dĩ nhiên người truyền giới cũng phải có một số điều kiện tối thiểu nào đó, như phải là một Tỳ kheo hay một Tỳ kheo ni thanh tịnh chẳng hạn.
|