TÌM HIỂU VÀ THỰC HÀNH PHÁP NHẪN NHỤC BA-LA-MẬT * TS. Trần Đức Công Tàng thức và ý thức đều là một bộ phận của Tâm con người. Tàng thức là nơi lưu giữ các loại hạt giống. Phần ý thức là nơi các hạt giống biểu hiện. Ví dụ, một hạt giống nằm trong Tàng thcứ hội đủ nhân duyên sẽ “nảy mầm” và “toả ra nhiệt năng” gọi là cơn giận. “Nhiệt năng” này có sức nung đốt làm ta đau đớn, không còn vui nữa. Trong tàng thức đâu chỉ có một hạt giống giận, mà còn rất nhiều hạt giống giận khác. Một hạt giống giận “nảy mầm” sẽ “toả ra nhiệt năng” mới và lại tiếp tục lại kích thích nhiều hạt giống giận gần nó “nảy mầm”, rồi lại “toả ra nhiều nhiệt năng” mới và lại tiếp tục kích thích nhiều hạt giống lân cận khác “nảy mầm”… cứ như thế chẳng khác nào phản ứng dây truyền của sự vỡ hạt nhân uran vậy (muốn phản ứng dây truyền này xảy ra thì điều kiện cần thiết là mọi hạt nhân khi vỡ trung bình phải phát ra nhiều nơtrôn. Những nơtrôn này lại có thể bắn phá các uran khác ở gần đó và cứ thế phản ứng tiếp diễn thành một dây truyền). Bởi vậy, kinh Hoa – Nghiêm có nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”, nghĩa là: một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn muôn ức cửa nghiệp chướng đều mở ra. Trong kinh Pháp-Hoa còn nói: “Tam giới vô an do như hoả trạch”, nghĩa là: “Cả ba cõi đều chẳng yên vui gì, tỷ như nhà bị hoả hoạn”. Lửa là ví dụ những điều hoạt động trong Tâm: mê muội, vọng hoặc, điên đảo của chúng hữu tình. Bởi do các hoạt động đó làm cho cõi khí thế gian phải hiện ra bốn thời kỳ luân chuyển là: thành, trụ, hoại, không, còn hữu tình thế gian có bốn cái khổ lớn là: sinh, lão, bệnh, tử. Chúng sinh chẳng biết đó là sự khổ não, lại phát sinh ra những tâm niệm tham cầu đó tất nhiên sinh sân hận, rồi cả ba nghiệp thân, khẩu, ý đều y theo các tâm niệm tập nhiễm tham, sân, si, mạn, nghi,…các điều phiền não đó hoạt động, hiện thành mà thành ra mê hoặc ngu si; đã ngu si rồi, thì thân, khẩu, ý đều làm ra những sự nghiệp gì cũng đều là sự nghiệp ám muội cả. Tham, sân, si, gọi là ba thứ lửa vô hình mà cực kỳ ác độc, nên gọi là tam độc và ngã mạn, mê hoặc, điên đảo mà gây ra biết bao ác nghiệp, nên kinh ví như lửa, ba cái như cái nhà; cái nhà đã và đang bị hoả ta. Muốn thoát khỏi biển lửa tam độc thì việc tu pháp nhẫn ba-la-mật là rất cần thiết. Ông Shantideva viết: Không có gì xấu như thù hận Và không có gì công đức như nhẫn nhục. Bởi thế, bằng những phương tiện khác nhau Hãy dâng hiến đời bạn cho sự thực hành nhẫn nhục. Để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc, trước khi đi vào chủ đề chính của bài viết này chúng ta phải lưu ý rằng nhẫn nhục của thường nhân thông thường là nhẫn nhục có chấp tướng- đó là kiểu nhẫn nhục do dục vọng tham, sân, si, mạn thúc đẩy mà ta có thể kể ra như sau: nhẫn nhục ví sợ quyền thế; nhẫn nhục vì đang nằm trong một hoàn cảnh bất lợi chưa thể trả thù được; nhẫn nhục để cầu mong được người khen, hay được chức trọng quyền cao; nhẫn nhục vì khinh bỉ đối thủ, hay tự cho mình cao hơn người nên không thèm chấp, không thèm phản đối. Tựu chung lại, những kiểu nhẫn nhục này không thoát khỏi phép hữu vi, vẫn nằm trong vòng kiểm soát của quỉ vô thường, không giúp được gì cho sự giải thoát của con người. Người ta nói đạo lý ở đới điều quan trọng nhất là khéo nhẫn nhịn, nhưng chỉ biết nhẫn nhịn xuông mà không biết nhẫn nhịn như thế nào cho đúng thì sai lầm càng nhiều. Nếu có ai xúc phạm mình, mình nhẫn nhịn để bụng, rồi sau đó im lặng đối phó, thì chỉ có thề kiên trì được một vài lần. Nếu cứ như vậy sẽ xảy ra tình trạng tích tiểu thành đại, đến lúc nào đó không thể kiềm chế được nữa, cơn nóng giận rong lòng sẽ bạo phát, giống như dòng lũ cuồng mãnh, không thể ngăn đỡ. Nhẫn nhịn như vậy chẳng bằng tìm cách giải hoà ban đầu. Chúng ta hãy ghi nhớ lời cảnh báo của đức Mạnh Tử: “Chứa oán hận trong lòng người cũng như chứa lửa trong nhà, chỉ cần gặp chất dẫn lửa nó sẽ bốc lên. Không lường được hậu quả”, và ghi nhớ thêm lời khuyên vàng ngọc của ông: “Điều lành nên nhớ mãi, điều oán không để trong lòng. Đó là con đường hành thiện”. Nhiều kẻ nhẫn nhục theo kiểu ươn hèn, lúc nào cũng cam chịu trước sự quấy rối của những nghịch cảnh, nhưng vẫn không thể tránh được cái hoạ: ma không thương người ốm, kẻ trộm không thương người nghèo; cây muốn im nhưng gió chẳng dừng; càng nhẫn nhục thì người ta càng lấn tới, rồi trở thành cái bao để người ta “trút giận và đổ lỗi” lúc nào cũng không hay. Ngoài ra, nhẫn nhục làm kinh động cả trời đất khiến quỉ thần cũng khiếp sợ, là cái nhẫn nhục củ người trí xảo quyệt-những hạn mặt dày tâm đen, lá mặt lá trái, vô liêm sỉ không còn biết hổ thẹn là gì, không một chút khoan nhượng, không từ bất cứ một thủ đoạn nào để thực hiện quyết tâm trả thù bằng được. Bạn hãy nhờ rằng; Sự báo thù là một thứ công lý man rợ, là niềm vui của kẻ tầm thường! và lại nhớ rằng; bị người khác nhục mạ nhưng vẫn giữ được sự bình thản thì chỉ có hai hạng người; một là thánh nhân, hai là kẻ có tâm địa cực kỳ hiểm độc. Bởi vậy, đỉnh cao của sự nhẫn nhục có chấp tướng cũng thể hiện ra bên ngoài bằng thái độ, cử chỉ, nét mặt, lời nói,…xem ra rất “giải thoát”, nào ngờ trong tâm địa của họ lại là một biển lửa vô tận!!! Thêm nữa, họ nhẫn nhục theo lối “nhún mình yên phận để đợi thời cơ” nhằm chiếm đoạt địa vị và vơ vét cho nhiều để thoả mãn tham dục. Cái “nhẫn” ở đây không phải là cái “nhẫn” để mà tạo nên những chủng tử tốt lành để hướng tới mục đích tối thượng siêu vượt thới gian; “nhịn cái nhỏ để được cái lớn”, cái lớn ấy dù lớn tới đâu thì cũng chỉ là danh lợi và trên thế gian nhằm phục vụ cho cái Tôi của họ mà thôi. Thực tế cho thấy một kẻ mà trong Tâm chứa đầy những vẩn đục, những uẩn khúc, những âm mưu đen tối vẫn có thừa khả năng thể hiện thân, khẩu vừa “trong sạch” lại vừa “nhân từ bác ái”, xem ra rất “bao dung đại lượng” và “kính trên nhường dưới”, thậm chí họ còn “nói đi đôi với làm” và “nói ít làm nhiều” nhằm tỏ ra cái ý “tốt lành và trong sạch”, nhưng thực chất chỉ là cái vỏ hào nhoáng bao bọc bên ngoài để che mắt thới gian mà thôi. Đến một lúc nào đó âm mưu đen tối của anh ta phát tác dụng thì mọi người mới biết đây là kẻ đại gian đại ác, nhưng khi đã biết thì việc cũng đã rồi. Chính vì không tìm hiểu pháp nhẫn nhục của nhà Phật cho nên nhiều người không phân biệt được thế nào là nhẫn nhục cố chấp tướng, thế nào là nhẫn nhục ba-la-mật. Đặc biệt, khi nói tới nhẫn nhục thì nhiều người quan niệm rằng; nhẫn là phải nhục. Nhưng kỳ thật nhẫn có phải nhục không? Nếu nhẫn là nhục thì Phật bị nhục nhiều lắm, vì có thể nói suốt đời đức Phật luôn luôn nhu hoà nhnẫ nhục. Song, Ngài là bậc phúc đức trí tuệ đã trọn vẹn, nên được thêm cái tôn hiệu xưng là “Vô thượng chính biến giác giả”. Vì Ngài là bậc trí tuệ và từ bi như thế, lại có đủ mọi công đức cao cả, người đời tán dương công hạnh ấy, nên gọi là đấng Đại hùng, Đại lực, Đại từ, Đại bi, vậy thì nhục ở chổ nào? Nói cho đúng theo tinh thần nhà Phật thì nhẫn không phải là nhục. “Nhẫn” là nhịn, chịu đựng những cảnh trái tay, gai mắt, nghịch lòng,… “Nhục” là điều sỉ nhục, điều xấu hổ, làm tổn thương đến làng tự ái của con người. Vậy phải hiểu rằng: nhẫn nhục là nhịn chịu sự tức giận, tàng bạo, nhịn chịu những cảnh trái tay, gai mắt nghịch lòng, nhịn chịu trước sự lăng mạ làm nhục gây tổn thương đến lòng tự trọng con người, chứ không phải nhẫn là nhục. Nhà Phật đưa ra khái niệm cơ bản về việc tu theo Pháp nhẫn nhục ba-la-mật sau đây: Tu nhẫn nhục ba-la-mật tức là nhẫn chịu những người ta làm cho mình khổ não, dù khổ não đến đâu trong Tâm hành giả cũng không nghĩ tưởng đến việc trả thù; và nhẫn chịu tám hướng gió của trần gian thổi đến: tài lợi, danh dự, khen, chê, khổ, vui. Tất cả những hoàn cảnh làm cho hành giả tạo các tội lỗi không ngoài tám ngọn gió trần gian đã nêu trên đây, nhưng tóm lại chỉ có hai cảnh: thuận và nghịch. Tài lợi, danh vọng, khen ngợi và vui là bốn ngọn gió thuận cảnh, nó thổi vào biển Tâm của hàng giả, làm cho nổi lên vô lượng sóng tham lam. Suy bại, huỷ báng (công kích lỗi người) chê bai (nói xấu) và khổ là bốn ngọn gió nghịch cảnh, nó thổi vào biển Tâm của hành giả, làm cho nổi lên không biết bao nhiêu sóng sân hận. Tóm lại, khi gặp bất cứ loại gió nào cũng đều phải giữ gìn biển Tâm của mình cho yên lặng, không để các sóng phiền não như tham lam hay sân si v.v… nổi lên. Những câu nói của cổ nhân “Như ngọn núi kiên cố, chẳng bao giờ bị gió lay, những lời huỷ báng hoặc táng dương chẳng bao giờ làm lay động người đại trí”, và: “Hãy đón nhận sự vu cáo với một thái độ bình tỉnh nhất, bình tĩnh như tảng đá lớn đứng sừng sững vậy” rất có ý nghĩa! Ngoài ra, người ta còn nêu ra ba thành phần của nhẫn nhục ba-la-mật như: thân nhẫn, khẩu nhẫn, ý nhẫn là nhẫn nhục cả trong Tâm, không căm hờn, không oán giận,, không khởi lên ý nghĩa trả thù. Có nhiều trường hợp thân thể chịu đựng được những cực hình, khổ ải, đau đớn, đói rét,… nhưng miệng vẫn lẩm bẩm nguyền rủa. Thêm một tầng nữa, tuy miệng không thốt ra lời nào, nhưng trong Tâm lại chất đầy nỗi bất bình và căm phẫn, Nếu bên rtong mà chưa nhẫn được thì cũng có ngày giận dữ xuất hiện ra ở lời nói và hành động. Đặc biệt, những kẻ cực kỳ thâm hiểm thì dễ dàng thể hiện thân nhẫn, khẩu nhẫn, nhưng thực chất bên trong lại là sự nén giận; nén giận để đối phương nhầm tưởng họ là người bao dung nhường nhịn, rồi sao đó họ tìm ra âm mưu trà thù khiến đối phương bị thiệt hại nặng nề, âm mưu này sâu kín đến nỗi kẻ bị thiệt hại vẫn không biết họ là người chủ mưu. Như vậy, sự giận dữ của họ không bao giờ xuất hiện ở lời nói và hành động. Lải nữa, người ta còn nêu ra có ba thứ nhất cụ thể khi đối mặt với nghịch cảnh như sau: 1. Nại oán hại nhẫn: Nhẫn trước lời sỉ nhục thù hằn, chuyên gây khó khổ của người khác đối với mình. 2. Kham thọ khổ nhẫn; Nhẫn đối với những vật vô tình đem lại thọ khổ cho ta như nóng lạnh, đói khát. Nếu người hành đạo nữa chừng chướng duyên này, ấy là vì không kham nhẫn. 3. Vô sinh pháp nhẫn: Là cái nhẫn cao nhất, vì biết các pháp vốn vô sinh. Đã vô sinh thì lời mắng nhiếc sỉ nhục của người ta nói với mình cũng vô sinh. Ví dụ câu nói “anh là đồ ngu”, mỗi đơn từ không phải là lời mắng, chỉ vì ta đem tâm phân biệt so đo ráp nó lại, rồi chấp cái vô sinh làm sinh, nên mới khó chịu. Nếu biết rõ thực tính của nó là vô sinh thì nó không thành một lời mắng, lấy đâu mà giận, mà khổ. Mọi sự khác cũng vậy, đều vô sinh. Tin được điều đó thì không thấy có điều nhục để mà nhẫn, gọi là vô sinh pháp nhẫn. Sau đây là tấm gương nhu hoà nhẫn nhục của đức Phật lúc ngài còn tại thế: Có người nghe Phật giữ đạo, tu đạo nhân từ, họ cố ý đến mắng Phật, Phật làm thinh không phản ứng. Họ mắng đã rồi thôi. Phật hỏi: ngươi đem lễ vật cho người ta, người ta không nhận lễ vật ấy trở về ngươi chớ sao? Người kia đáp: phải. Phật nói: khi nãy ngươi mắng ta mà ta không giận, ngươi tự đem hoạ ấy về noi thân ngươi: giống như vang ứng theo tiếng, nhu bóng hiện theo hình, quyết không sai một mảy. Ngươi cẩn thận chớ làm ác! Một lần khác, Phật cũng đi giáo hoá ở một làng Bà la môn nọ, số người Bà la môn theo Phật rất đông. Thầy Bà la môn làng này tức lắm. Nhân lúc Phật đi khất thực, ông ta đi theo sau chửi, Phật vẫn thong thả đi, còn ông này cứ theo sau chửi hoài. Đến ngã tư đường Phật thản nhiên lấy toạ cụ trải trên đất ngồi kiết già như không có chuyện gì xảy ra, thầy Bà la môn chạy lại trước Phật hỏi: Cù Đàm, ông thua tôi chưa? Phật bèn nói kệ: Người hơn thì thêm oán Kẻ thua ngủ chẳng ngon Hơn thua hai đều xả Ấy được an ổn ngủ Ngoài ra, cô gái con của ngoại đạo động bụng giả có chửa đến giữa đạo tràng vu cáo cho Ngài; khi thì Ngài bị anh chàng Vô-não đuổi theo quyết giết chết để lấy ngón tay góp thêm cho đủ 100 ngón mà nó đã giết người để lấy, vì theo thuyết tà đạo, nó tin rằng phải làm được như thế mới chứng quả. Ngay trong nội thân quyến thuộc của Phật cũng có sự ganh ghét đối với Ngài. Chẳng hạn, Đề-Bà-Đa-Đa, người em họ hung ác thả bầy voi say cho chạy đến chà đạp Ngài, hay lăn đá to từ trên núi cao xuống đè Ngài. Tất cả những âm mưu ấy đều vô hiệu quả, vì oai đức uy danh và trí tuệ của Ngài bao bọc Ngài, không một hành động xấu xa nào có thể thắng được. Ngài có đủ phương tiện khôn ngoan khéo léo, xoay chiều đổi hướng dễ dàng, hoán cải được cả những nghịch cảnh trở thành thuận lợi. Và cuối cùng, kẻ khinh ghét Ngài trở lại kính ,ến Ngài; người chống Ngài trở lại phục Ngài; kẻ ngoại đạo trở thành Phật tử. Bằng chứng là Đề-Bà-Đạt-Đa cũng được Ngài thọ ký, anh Vô-não cũng được qui y, bầy voi say cũng được sám hối. Liên hệ với thực tế trong cuộc sống chúng ta thấy rằng nếu muốn an thân lập nghiệp ở đời, thành gia lập nghiệp ở xã hội, con người dưới mái hiên nhà không thể cuối đầu. Gặp những hoàn cảnh bất lợi phải cuối đầu hạ mình là điều tất yếu. Miễn là không cam làm thân trâu ngựa, tạm thời nhẫn nại, tạm thời khuất phục, đó là sách lược tiến thủ để thực hiện được lời để xướng của Gia Cát Lượng-nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc trong thời Tam Quốc (Trung Hoa): “Đại trượng phu gặp lúc khó khăn quẫn bách chịu nhẫn nhục, đè nén, ở dưới người khác mà không phụ thân vân chi chí; đến khi đắc chí thắng thế không điên cuồng, không làm ô uế thanh danh, nắm bắt thời cơ để phát triển tài năng của mình”. Nói một cách khái quát hơn, nhỏ không nhẫn tất sẽ bị loạn, “nhẫn” là một tâm trạng không nôn nóng vội vàng, không một chút hoang mang dao động, trầm tĩnh sáng suốt trong việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa “cứng” và “mềm” để đáp ứng kịp thời với sự thay đổi của hoàn cảnh, là lý tưởng hy sinh cái Ngã nhỏ nhoi để được cái tồn tại vĩnh hằng rộng lớn vô hạn và thiên liêng vi diệu vô cùng, là sự thể hiện ý nguyện tự lợi, lợi tha, phổ độ Chúng sinh. Để đạt được mục đích cao xa lợi mình lợi người mà phải chọn cách nhẫn nhục thì đó là một tấm gương đáng để cho người bình thường học hỏi. Chúng ta không tán thành cái lối nhẫn nhịn để chờ thời cơ trả thù. Một người vượt qua được trùng trùng trở ngại đạt được mục đích cao cả thì không nhất thiết phải chọn hành động báo thù gì đó. Chỉ cần chứng minh được thực lực và giá trị của mình thì trên thực tế cũng là cách trả lời tốt nhất, bởi vì thực lực và giá trị đó mới là thứ để cho người ta tự giác tôn kính. Thích khen ghét chê là căn bệnh cố hữu của con người. Sự lăng mạ sỉ nhục, sự cay đắng gian nan, sự tẩy chay cô lập,…thuộc về nghịch cảnh làm hư hỏng, nhưng lại bị thuận cảnh làm cho ươn hèn, lười biếng rồi dẫn đến sa hoa truỵ lạc lúc nào cũng không hay. Cũng như, anh không chết vì những viên đạn bọc đường anh rất bình tĩnh trước những lời lăng mạ sỉ nhục và đe doạ nhưng lại xốn xang trong lòng trước những lời ca ngợi về anh. Nói một cách khái quát lại rằng: vì tham dục nên chúng ta thường hay mắc phải cái bẫy cuả ngũ dục và ngũ trần. Nếu thoả mãn những thứ tham vọng đó con người lại càng tham hơn, tham đến nỗi sinh ra không biết cơ man nào tội ác. Nên Thiền học có nói: “Cảnh nghịch như cây thương đâm trước mặt, dù có to lớn ghê gớm đến đâu cũng dễ đỡ gạt. Cảnh thuận chẳng khác náo mũi tên bắn sau lưng, không những không thấy mà còn khó đề phòng”. Cho nên trong trường hợp này muốn tu nhẫn nhục thì phải tiết chế tư dục và cương quyết không được thoả mãn tư dục, khi đó mọi thuận cảnh trần gian không thể làm biển Tâm của hành giả nổi lên vô lượng sóng tham lam. Nhẫn nhục không có nghĩa là lúc nào cũng bị mất chủ động, trái lại, trong nội tâm luôn luôn “tỉnh táo chủ động” mà không “bị động” khi đối mặt với nghịch cảnh. Chẳng hạn, nếu biết trước một số tình huống xảy ra tất sẽ không có cách nào khống chế được thì vẫn có thể đề phòng trước, tìm cách tránh đi, giảm thiểu tai ahị và tổn thất. Còn nghiệp báo ta phải can đảm đối diện, chấp nhận, song cũng có thể thông qua sự nỗ lực để cải đổi mức độ nghiệp báo. Cho nên, nếu đối cả hai không có tổn hại mà còn có ích thì cần phải tiếp nhận; nếu đối với người có ích, còn mình vô ích, thì có thể xem xét để chấp nhận; còn đối với cả hai chẳng những vô ích lại còn có hại, thì phải tìm cách tránh đi, hay chuyển biến. Ví dụ, khi đã biết rõ đối phương là con voi dữ, chó điên, người cuồng, gặp ai cắn nấy, gặp người liền giết, thì đương nhiên phải tìm cách ngăn chặn. Vì họ đã bất hạnh, đừng khiến họ gây tạo thêm nhiều điều bất hạnh. Song ta không thể có tâm báo thù, ăn miếng trả miếng, mà phải dựa trên nguyên tắc từ bi để xử lý. Riêng bản thân ta phải luôn phản tỉnh, hổ thẹn sám hối. Đối với người mất đi lý trí thì nên thông qua phương thức quản thúc, giáo hoá, khiến họ trở lại bình thường. Điều này đối với bản thân họ, cho đến cả xã hội và tất cả chúng sinh có công đức thật to lớn. Để phần nội dung này được phong phú hơn, xin mời độc giả lắng nghe lời cầu nguyện rất hay của ông Reinhald Nichur-Giáo sư về đạo Thiên chúa thực hành: “Xin Chúa ban cho con một tâm hồn bình tĩnh để cam nhận những tình thế không thể thay đổi được, một lòng can đảm để thay đổi những tình thế có thể thay đổi được và một tinh thần sáng suốt để biết phân biệt tình thế nào thay đổi được, tình thế nào không thay đổi được”. Lải nữa, phải hiểu rằng cương và nhu, cái nào cũng có đủ hai mặt thiện ác. Khi cần tới cương thì cương là tốt. Khi cần tới nhu thì nhu là hay. Cấn tiến thì tiến là tốt. Cấn thoái thì thoái là nên. Cần duy trì thì gìn giữ, cần xả thì bỏ, không nhất thiết phải câu nệ, khư khư trụ mãi vào một bên. Người xưa thường cho rằng: “nhu thắng cương, nhược thắng cường”, và “nhu trũng hữu cương” mà “cương trung hữu nhu”: trong cái nhu có cái cương, trong cái cương có cái nhu. Cho nên, những người đạt đạo cảm đâu ứng đó, đáp ứng với mọi tình huống mà không tạo nghiệp. Từ đây có thể rút ra một hệ quả như sau: nhẫn nhục không có nghĩa là không bao giờ thể hiện sự cương cường. Phải hiểu rằng tuy bề ngoài là cương cường nhưng bên trong lại là sự mềm dẻo của nhu, chú không phải là “cứng quà thì gãy”; và sự cương cường cũng là cách thể hiện sức mạnh cảu quá trình nhẫn nhục nhằm chuyển hoá hoàn cảnh theo chiều hướng tốt lành. Chúng ta có thể dẫn ra hàng loạt các ví dụ minh hoạ như sau: Vì chúng ta muốn hoà bình nên rất nhân nhượng với kẻ địch. Nhưng kẻ địch lợi dụng thiện chí của chúng ta để mà lấn tới, rồi sau đó mở cuộc tấn công áo ạt vào nước ta. Đứng trước tình thế rất cấp bách, bắt buộc chúng ta phải có biện pháp cứng rắn, tức là khi cần tới cương thì cương là tốt. Trong những trận chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiên liêng của Tổ quốc, những người chiến sĩ hừng hực khí thế nhưng rất bình tĩnh, dũng cảm và ưu trí thì đó là là sự “nóng giận của nghĩa lý”, hay chính là “trời đất phẫn nộ” trước những hành động dã man của quân xâm lược. Trong lịch sử Trung Quốc có Đức Mạnh Tử chỉ một lần nổi giận làm cả xứ sở được hoà bình. Lạn Tương Như là mộ người rất khiêm cung và giản dị. Ông được vua Triệu phái làm sứ giả sang gặp kẻ bạo chúa chính là vua Tần lúc bấy giờ. Đối mặt với vua Tần và cả quần thần thì ông đã nổi giận không gì ngăn cản được, nhung cơn giận này toát lên một dũng khí phi thường, và ông đã mang về được viên ngọc bích bị đoạt từ trước. Trong lịch sử Nhật Bản, vua Minh Trị nổi giận một lần nhưng sau đó ông nắm quyền chỉ huy binh lực và liền sau đó ông thiết lập hoà bình. Cho nên, chúng ta phải biết rằng cái nóng giận cảu nghĩa lý khác hẳn với cái nóng giận cảu khí huyết. Điểm này đã được ông Trương Kính Phu nói rất chí lý như sau: “Cái dũng nhỏ là cái nóng giận của nghĩa lý. Đối với cái nóng giận của khí huyết thì không nên có, trái lại đối với cái nóng giận của nghĩa lý thì không thể đừng”. Luận bàn đến đây chúng ta có thể nói vấn tắt lại rằng: Nhẫn nhục không phải là vì ươn hèn mà cam tâm chịu đựng tất cả sự ô nhục của thế gian…Nhẫn nhục theo kiểu chân chính trong Phật Pháp là khi nào cũng bền tâm, vững chí, nghĩ, nói và làm hợp với chính đạo, nhằm làm suy giảm dần tham, sân, si, kiêu mạn, tật đố, tự ái…nơi mình và lựa theo từng hoàn cảnh để giúp đỡ người khác cũng dần dần được như vậy. Vấp phải một thất bại cũng không chán nản thối lui, gặp một thành công cũng không kiêu căng lười biếng: đấy là nhẫn nhục. Nghe một lời trách mắng thậm tệ hay một lời khen tặng hoa mỹ, vị Bồ Tát sẽ vẫn bình thản như thường, vì Ngài nhờ tấm lòng thành thực và trí óc sáng suốt đã thấy rõ trân giá trị của mình rồi, còn lời bình phẩm bên ngoài có khi nào hoàn toàn đúng với sự thực bên trong mà phải hớn hở hay buồn lòng. Hay nói một cách cụ thể hơn, nhẫn nhục không có nghĩa là ai làm cũng được, ai bảo gì cũng nghe. Nhẫn nại đối với những việc phiền phức những nổi khổ bất an do người mang lại, không nhẹ dạ cả mừng, không dễ dàng nổi giận, không dễ bị kích động mà cũng không chịu theo đuôi, đó đều là cái hay của chữ “nhẫn”. Bản chất của nhẫn nhục là khéo tuỳ thuận người để hướng dẫn họ theo đường lối hay lập trường của mình. Tuỳ thuận mà không bị người chi phối, ngược lại chi phối được người. Người nhẫn nhục mới trông qua như rất yếu mềm, nhưng kỳ thực họ có sức mạnh phi thường, họ đã tự chiến thắng được tình cảm và phản ứng của bản năng. Họ đã vượt ra ngoài phạm trù con người phàm tục, nếu lấy con mắt phàm tục nhìn họ thì không thể nào hiểu nổi. Người chửi ta giận, người hại ta thì ta phải làm hại lại hoặc tìm cách trả thù, đó là bản năng tự vệ của tất cả mọi người. Bị người chửi không giận, bị hại mà không làm hại lại cũng không tính đến trả thù, ấy mới là việc khó làm, phi bậc Thánh giả khó có thể làm được. Hằng ngày chúng ta sống theo tình cảm, theo bản năng, thấy những phản ứng như vậy cho là phải lẽ, hợp lý. Nếu thấy một số người bị chửi bị hại mà họ vẫn không giận không hại lại cũng không trả thù thì chúng ta liền sinh ra bực tức, cho họ là những kẽ hèn hạ nhát gan. Đâu ngờ, những kẻ ấy đã đứng trên đỉnh của chúng ta, mà ở dưới này chúng ta vẫn tự cao tự đại. Kinh Hoa Nghiêm viết: “Bồ Tát thường hay tu pháp nhẫn nhục, khiêm nhường, cung kính, vui vẻ, chẳng hại người hại mình, chẳng tự cao, chẳng tâng bốc người, chẳng khen ngợi mình, chẳng khen ngợi người(*). Bồ Tát chỉ nghĩ như vậy: “Ta phải thường thuyết pháp để xa lìa tất cả ác, dứt hẳn tâm tham, sân si, kiêu mạn, tán loạn, bủn xỉn, ganh tị, dau nịnh. Chỉ biết lấy pháp đại nhẫn nhục mà an lập”. Bồ Tát vì muốn thành tựu pháp thanh tịnh nhẫn nhục dù có chúng sinh thốt ra những lời độc ác mắng chửi, khinh uế và tay cầm dao gậy đáng đập huỷ hại, Bồ Tát chẳng sinh lòng giận dữ. Nên nghĩ như vầy: “Nếu ta vì khổ này mà sinh lòng giận dữ chẳng tự điều phục, chẳng gìn giữ, chẳng hiểu rõ, chẳng yên lặng và chẳng chân thật thì làm sao khởi tâm vui mừng đặng mà giải thoát được”. Người nào quan sát được như vậy gọi là Bố Tát tu hạnh không giận dữ. Có thể nói, với nội dung vừa trình bày trên đây đã phần nào khám phá được một số đặc tính nổi bật trog pháp nhẫn nhục ba-la-mật. Chỉ thông qua nội dung này đã chứng tỏ được sự khác nhau về bản chất giữa nhẫn nhục có chấp tướng và nhẫn nhục ba-la-mật. Chúng ta đều biết rằng đạo đức trong đạo Phật vô cùng mênh mông vi diệu với các hạnh ba-la-mật tuyệt vời mà bất cứ người nào tu theo đạo Phật thực hành suốt đời vẫn chưa thấy đủ và chưa khám phá hết, cho nên việc đi sâu tìm hiểu hạnh nhẫn nhục ba-la-mật là rất cần thiết trong mọi lúc mọi nơi. Vậy thì chúng ta hãy tiếp tục đi sâu hơn nữa để không mắc phải những sai lầm trong qu1 trình thực hành pháp nhẫn nhục ba-la-mật. Như đã nêu ở trang đầu bài viết này, tham, sân, si là ba thứ lửa vô hình cực ký ác độc, nên gọi là tam độc! Tam độc chính là cội nguồn của tam nghiệp thân, khẩu, ý. Tham, sân, si làm chướng ngại ba món Vô-lậu là Giới, Định và Tuệ. Nếu còn bị sự chi phối của tam độc và ngũ dục thì bố thí, trì giới, nhẫn nhục và các hạnh ba-la-mật khác cùng với các thiện hạnh khác chỉ là hình thức đẹp đẽ mà không mang một ý nghĩa đích thực. Cho nên phải quyết tâm chuyển tham, sân, si thành Giới, Định, Tuệ. Chúng ta đều biết rằng lòng tham của con người như cái thùng không đáy, lòng khát dục của con người là một thuộc tính cố hữu đầy tiềm lực cũng như sức mạnh của thiên nhiên vậy, không phải ai cũng dễ làm tính tham suy giảm đến mức “vô cùng bé” trong thời gian ngắn. Cho nên phải trong một thời gian nhất định và phải có những phương pháp mầu nhiệm mới có thể làm tính tham suy giảm đến mức “vô cùng bé” được. Những phương pháp mầu nhiệm ở đây chính là các pháp ba-la-mật mà trong đó có pháp nhẫn nhục ba-la-mật, ngoài ra còn có các pháp khác như bất tịnh, quán từ bi, quán mười hai nhân duyên,… Vì có tham muốn nên phải sợ, có sợ hãi vì còn tham muốn một cái gì đó, sợ một cái gì đó không thuộc về mình. Mặt khác, phần nhiều chúng ta nổi cơn sân hận khi bị cản trở, và hết sân hận khi tham vọng được thoả mãn. Điều này chứng tỏ rằng vì tham vọng cho nên người ta hay tranh giành đấu đá dưới mọi hình thức khác nhau, đã đấu đá tranh giành tất sẽ nảy sinh nhiều sự cản trở, bị cản trở tất sẽ sân hận. Cho nên, sự sân hận của kẻ tham là cái nóng giận của khí huyết, cái nóng giận này nhìn bề ngoài có vẻ ghê gớm lắm nhưng bên trong lại là sự mất bình tĩnh và hèn nhát. Sân hận cuối cùng trở thành lòng căm thù, đố kị, rồi sẽ dẫn đến những tội ác. Đức Phật dạy: “không có kẻ thù nào làm hại chúng ta bằng tư tưởng tham dục, đố kị, ganh ghét v.v…”. Chính vì lửa sân hận bốc lên khiến người ta vốn đã si (Vô minh) rồi lại càng thêm si mê. Như vậy rõ ràng rằng lửa sân hận rất tai hại, nó tai hại đến nỗi: “giận quá hoá mất khôn”. Hãy nhớ: một đốm lửa sân có thể thiêu huỷ muôn mẫu rừng công đức! ở đây, chúng ta đều mong muốn chủ động mau chóng loại bỏ được sự sân hận một cách nhẹ nhàng êm ái; để thực hiện được mong muốn này chỉ còn theo một cách duy nhất là làm suy giảm tính tham, suy giảm đến mức “vô cùng bé” vì tính tham là nguyên nhân trực tiếp sinh ra sự tranh giành đấu đá. Nếu không còn tính tham nữa thì đương nhiên chẳng có sự đấu đá tranh giành, không có sự đấu đá tranh giành thì không có sự cản trở, không có sự cản trở tất sẽ không nổi cơn sân hận, khôn có lửa sân hận bốc lên thì sẽ trầm tĩnh sáng suốt sử lý các tình huống một cách dễ dàng và rất hiệu quả, như thế cũng tức là đã thực hành được tính nhẫn nhục. Như vậy, để dễ thực hành đức tính nhẫn nhục thì phải làm suy giảm dần tính tham. Người thực hành tính nhẫn nhục thấy chuyện tranh giành hơn thua là vô lý không đi đến đâu nên không làm nữa, chứ không phải cắn răng mím môi mà nhịn. Nói tóm lại, nhờ sự thực hành đức tính nhẫn nhục sẽ giúp ta bớt kham rất nhiều so với trước, lúc này “năng lượng” của tính tham được chuyển hoá thành “năng lượng” của tính vô tham, “năng lượng” của tính vô tham làm cho tính sân hận không có cơ hội dấy khởi, “năng lượng” của tính sân hận lại chuyển hoá thành dạng “năng lượng” của tính vô sân khiến cho tính si cũng bị bớt đi nhiều và chuyển hoà thành dạng “năng lượng” của tính vô si, từ đây lại tạo đà cho sự thực hành đức tính nhẫn nhục, càng thực hành được đức tính nhẫn nhục thì càng làm suy giảm tính tham,…cứ như thế, nhẫn nhục và làm suy giảm dần tính tham là hai thành phần tích cực ảnh hưởng qua lại với nhau, chúng đều tham gia vào quá trình đi đến sự thoát khỏi biển lửa của tam độc. Có thể nói, sự nhẫn nhục là rất cần thiết như cơ thể phải cần nước uống, nó là một yếu tố không thể thiếu trong sáu pháp ba-la-mật, nó là thành phần tích cực tham gia vào việc chuyển hoá tính tham thành tính vô tham một cách rất hữu hiệu. Hãy xem những hạt gạo bị người ta cho vào nồi nước và đem đun nấu, nhưng chúng vẫn nhẫn nhục và trở thành cơm. Ông Friedrich Nietzche-một nhà tư tưởng lớn của nhân loại đã kêu gọi: “Thực sự con người là một dòng sông dơ bẩn…Phải trở nên một đại dương để tiếp nhận những con sông dơ bẩn kia mà không làm ô uế mình”. Đại dương có dung tích cực kỳ rộng lớn, có khả năng lưu chuyển, có thể thản nhiên tiếp nhận và chuyển hoá tất cả những gì đã tiếp nhận. Muốn trở thành một “đại dương” thì phải mở rộng Tâm. Để mở rộng Tâm tất yếu phải làm cho Tâm được trong sạch, ngay thẳng, không còn nhơ uế, không còn những uẩn khúc, phải biết ngăn ngừa lòng dục của mình như nhân sĩ Nguyễn Văn Siêu nói: “Người ta làm điều thiện, không gì quan trọng bằng ngnă ngừa lòng dục của mình để bảo tồn lẽ phải của tự nhiên…”, và phải biết bố thí để từ bỏ lòng tham muốn như đức Phật dạy: “Bố thí tức là từ bỏ lòng tham muốn…”. Một kẻ đầy tham dục thường có lòng dạ bất trắc, quanh co lắt léo, anh ta không thể có tấm lòng quảng đại! Cuối cùng, điểm mấu chốt ở đây chính là làm suy giảm dần tính tham! Làm suy giảm dần tính tham ở ngay trong Tâm ta, tức là ta phải đối mặt với thực tế phũ phàng ở ngay trong Tâm ta, đối mặt với kẻ thù lớn nhất của đời người chính là mình. Xin đừng vội đối mặt với tính tham của người khác! Thay vì hướng ra bên ngoài, chúng ta phải hướng vào trong và nghiêm khắc với chính mình. Hãy lạnh lùng bỏ qua những âm thanh than vãn vô ích của lòng tham dục, hãy nhìn thẳng vào những lỗi lầm và ngu ngốc của mình. Khi đã chinế thắng được kẻ thù lớn nhất của đời người rồi thì thử hỏi những kẻ thù cỏn con kia có gì đáng sợ? Kinh pháp cú cũng có những lời dạy như sau: “Thắng ngàn quân giặc ở chiến trường chẳng bằng người tự thắng. Người tự thắng là chiến sĩ oanh liệt nhất”, và: “Tự thắng mình còn vẻ vang hơn thắng kẻ khác. Muốn thắng mình phải luôn luôn tiết chế lòng tham dục”. Nếu mợ rộng phát huy đến chỗ cực kỳ cao minh thì vô si tức là bát-nhã, vô sân tức là đại từ bi, vô tham tức là tham muội. Tam muội tức là định tâm; định học hoặc xứng tâm học, mà kinh nói “rời bỏ tham, cho nên Tâm được giải thoát”. Vô tham là tâm tính sáng tong mà không bị nhiễm trước, giải thoát tự tại, mới là tuyệt đỉnh của đại định. Chho nên, những người có đức tính vô tam, vô sân, vô si là những bậc đáng được thiên hạ đời đời tôn quí. Bởi vì: “…họ giải thoát khỏi dục vọng ích kỷ, hận thù, Vô minh, kiêu căng, ngã mạn và tất cả những thứ “bất tịnh” xấu xa ấy. Họ trong sạch, từ hoà, đầy lòng thương bao quát, từ bi, tử tế, thiện cảm, thông cảm và khoan dung. Họ phục vụ kẻ khác một cách trong sạch nhất, vì không còn nghĩ về mình. Họ không kiếm chát gì, tích chứa gì, ngay cả những gì thuộc địa hạt tâm linh, bởi họ thoát khỏi ảo tưởng về cái tôi và lòng khao khát “trở thành”. Như đã nêu ở phần trên, đa số đều nổi cơn sân hận khi bị cản trở, và hết sân hận khi tham vọng được thoả mãn. Như vậy, vì tham vọng cho nên người ta hay tranh giành đấu đá với mọi hình thức khác nhau, đã đấu đá tranh giành tất sẽ nảy sinh ra nhiều sự cản trở, bị cản trở tất sẽ sân hận. Mặt khác, vô sân tức là đại từ bi. Cho nên suy ra rằng: nếu muốn thể hiện lòng từ bi thì phải suy giảm dần tính tham. Hôm nay tính tham bị giảm, ngày mai tính tham lại càng bị giảm hơn, cứ như thế, tính tham bị giảm dần đến “vô cùng bé”. Nhưng vì “làm suy giảm dần tính tham và nhẫn nhục là hai thành phần tích cực ảnh hưởng qua lại với nhau, chúng đều tham gia vào quá trình đi đến sự thoát khỏi biển lửa của tam độc”, cho nên lại tiếp tục suy ra rằng: muốn thể hiện lòng từ bi thì phải làm suy giảm dần tính tham. Hôm nay tính tham bị giảm, ngày mai tính tham lại càng bị giảm hơn, cứ như thế, tính tham bị giảm dần đến “vô cùng bé”. Nhưng vì “làm suy giảm dần tính tham và nhẫn nhục là hia thành phần tích cực ảnh hưởng qua lại với nhau, chúng đều tham gia vào trong quá trình đi đến sự thoát khỏi biển lửa của tam độc”, cho nên lại tiếp tục suy ra rằng: muốn thể hiện lòng từ bi thì cũng phải thực hiện hạnh nhẫn nhục-đây là một nhận xét quan trọng. điều này cũng dễ hiểu, bởi vì muốn thể hiện lòng từ bi mà không chịu nhẫn nhục, tất cả sẽ không bắt được con “ma tham” nằm im trong Tâm, khi nó nhảy ra ngoài gây nên bao nỗi khổ cho Chúng sinh, thì thử hỏi lúc ấy lòng từ bi có thể hiện được không? Thử hỏi chúng ta có thật tu không? Tu nhân nào thì được quả ấy, không thể tu nhân này lại đòi quả khác. Ai tu hành đến độ cao, muốn viên mãn đạo quả đều phải kham nhẫn mọi sự khó khổ, đắng cay không sờn lòng nản trí, thì lòng từ bi mới thể hiện tròn đủ, đạo quả mới viên thành. Nhìn chung mà nói thì hành Bồ Tát đạo đức là vì Chúng sinh mà gánh vác nỗi thống khổ. Nếu không có sức chịu đựng thì khó mà hành Bồ Tát đạo. Như phát tâm làm một việc tốt, đầu tiên là phải chịu đựng sự trách móc oán thù, bởi chúng sinh nghiệp chứng quá sâu dày ít khi thấy lẽ phải ít, ít chịu nghe lời nói thật, họ chỉ sống theo Bản ngã, sống vì dục vọng, khó ai làm cho họ hài lòng. Và phải đón nhận sự chống báng của bọn người ngu si ác độc đầy tính đố kị và mặc cảm tự ti. Nếu công việc tốt đẹp trót lọt cả thì người ta lại nói làm việc đó là vì hám danh hám lợi. Ngược lại, nếu công việc gặp trắc trở rồi bị thất bại thì người ta chê bai, dè bỉu, ít thì sinh ra nhiều, nhỏ thì nói thành to, qui chụp, bôi nhọ, vu khống…nhằm tạo nên làng sóng phẫn nộ của quần chúng xung quanh. Miệng lưỡi thế gian rất ác độc! “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, miệng lưỡi thiên hạ nguy hại hơn cả họng đại bác; búa rìu dư luận khiến người ta ghê sợ hơn cả lưỡi rìu tầm sét! Vậy Bồ Tát Phổ Hiền bằng cách náo mà chịu đựng được? Bồ Tát Phổ Hiền đã thực hiện được hành nguyện Bồ Tát bởi vì Ngài đã biết quên bỏ oán thù, một mục cung kính coi hết thảy như mộng như huyễn. Ngài đã không bị các huyễn mộng lừa dối; ai đó hiểu lầm mà mắng chửi Ngài, không vì thế mà tức giận; ai đó khen ngợi ca tụng Ngài, không vì thế mà phấn khởi hào hứng…tất cả khen chê đều như mộng như huyễn. Do vậy đức Phật mới truyền pháp môn “mộng huyễn” cho Bồ Tát Phổ Hiền, đại biểu của Đại hành đại nguyện. Có thể nói, hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm là ví dụ tiêu biểu về đức tính nhẫn nhục cần phải được nêu ra. Ngài là hiện thân của đức từ bi, như một người mẹ hiền của tất cả Chúng sinh, luôn luôn nhu hoà nhẫn nhục ở mọi lúc mọi nơi để cứu nạn cứu khổ cho chúng sinh. Bình thanh tịnh ở đây là tượng trưng cho tam nghiệp trong sạch. Muốn thực hiện lòng từ bi, điều kiện tiên quyết là tam nghiệp phải thanh tịnh. Vì tam độc chính là cội nguồn của tam nghiệp cho nên muốn tam nhgiệp thanh tịnh phải thoát khỏi sự chi phối của tam độc tham, sân, si. “Nội lục” của ta sẽ hình thành và lớn mạnh nhờ vào quá trình thực hiện tam nghiệp thanh tịnh. Nhưng nếu “nội lực” ấy chưa đủ mạnh mà đã vội cố gắng thực hiện lòng từ bi, một thời gian cũng lạc về danh hay lợi, từ đó dần dần làm hoen uế lòng từ bi, như thế có khác nào là kẻ “dục tốc bất đạt”, là kẻ “nóng vội” đến nỗi mong gấp hành động! Tại sao cành dương liễu được tượng trưng cho đức nhẫn nhục? Người ta thường nói: cứng quá thì gãy, mềm quá thì oặt. Cứng quá, mềm quá đều không có sức chịu đựng lâu dài. Dương liễu là loại cây vừa dẻo vừa mềm, găp gió mạnh thì uốn mình theo chiều gió, gió dừng thì trở về vị trí cũ. Cành dương liễu nhờ sức mềm dẻo nên khéo tuỳ duyên mà không mất vị trí. Tức là tuỳ theo chiều theo cảnh mà không bị cảnh chi phối. Vì thế, cành dương liễu được đặc trưng cho đức nhẫn nhục, và chỉ có cành dương liễu mới có khả năng mang nước cam lộ rưới mát cho Chúng sinh. Như đã vừa lập luận trên đây, muốn thể hiện lòng từ bi cũng phải thực hiện hạnh nhẫn nhục. Người học đạo từ bi trước phải tập đức nhẫn nhục, khi nhẫn nhục được thuần rồi mới ra thực hiện từ bi. Chưa tập được đức nhẫn nhục đã vội ra thực hành từ bi, không những không làm được điều mong muốn mà còn có thể phát sinh sân hận. Nói một cách ngắn gọn là: nếu thiếu nhẫn nhục thì lòng từ bi khó viên mãn, và đạo quả khó thành tựu. Lại vì từ bi và trí tuệ liên quan mật thiết với nhau, chúng là hai mặt của cùng một quá trình đi đến Chân lý tối hậu, không thể tách rời nhau: từ bi cũng là trí tuệ mà trí tuệ cũng là từ bi. Chính vì có sự liên quan mật thiết như vậy cho nên mới nói được rằng: càng thực hành hạnh nhẫn nhục thì trí tuệ càng được thể hiện và toả sáng. Trong kinh Ưu Bà Tắc có nói: “Sự nhẫn nhục kiên trì là nhân đích thật của giác ngộ. A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề hay trí tuệ tối thượng là quả của nhẫn nhục”. Thực tế cho thấy những người có trí tuệ thường mang trong mình một khí huyết kiên trì, bền bỉ và nhẫn nại trước mọi khó khăn gian khổ, họ càng vượt qua gian khổ khó khăn chừng nào thì khí huyết ấy càng được tăng trưởng. Để phục vụ cho lý tưởng này, chúng ta hãy tham khảo một đoạn văn sau đây của Tuân Tử sẽ thấy ông cũng nhận xét rất hay: “Người giỏi làm ruộng không vì hạn mà không cày cấy; kẻ giỏi nghề buôn không vì sụt giá mà không chợ búa; kẻ ĩ, người quân tử không vì nghèo túng mà bỏ bê đạo đức, học hành”. Như vậy, chúng ta đều thấy được tầm quan trọng của đức tính nhẫn nhục đối với trí tuệ là: “trí tuệ tối thượng là quả của nhẫn nhục”. Bây giờ hãy phân tích ngược lại để xét tầm quan trọng của trí tuệ đối với sự nhẫn nhục như thế nào. Trong kinh Bồ Tát, đức Phật dạy rằng: “Tất cả chúng sinh trong sáu đường đều là thân trước của ta, nói một cách khác tất cả chúng sinh là thân bằng quyến thuộc của ta, hay cha, mẹ, ông, bà muôn kiếp ngàn đời của ta, bởi chúng ta cứ mãi quanh đi lộn lại trong bành xe sinh tử luân hồi”. Thấm nhuần lời dạy của đức Phật, ta nhnẫ nhục vì thương xót chúng sinh, muốn xem mọi người như anh em thân thuộc của ta, không muốn đời là biển lửa tranh đấu làm mất đi nhân tính. Ta nhẫn nhục còn nhắm vào mục đích trau dồi lòng từ bi và hỷ xả. Song phải nhớ rằng: những người đạt đạo cảm đâu ứng đó, sở dĩ họ đáp ứng với mọi tình huống mà không tạo nghiệp là vì họ rất sáng suốt không bao giờ mắc phải sai lầm. Cho nên, nếu nhẫn nhục mà không có trí tuệ thì có thể tạo thành tai hại lớn hơn. Bởi vì sự thương xót ấy sẽ ám hợp với lòng đại từ bi của chư Phật, nhưng nếu không đủ trí tuệ, đem tâm nhân ngã mà thương xót, thì mắc vào ái kiến đại bi, có hại cho đường tu hành; và ái kiến đại bi sẽ làm cho tâm trí dao động, không đủ sáng suốt nhận ra “yêu quái trá hình”, dễ bị “yêu quái trá hình” lừa gạt. Ngoài ra, nếu thiếu trí tuệ bạn dễ dàng trở thành một người ngu tốt bụng, rồi dễ dẫn đến tình trạng uỷ mị yếu đuối mất hết tự chủ! Hãy nhớ: nếu bạn ôm ấp con rắn độc tì nó sẽ mổ vào ngực bạn! Cho nên phải tỉnh táo sáng không được để ra những tình trạng đáng tiếc như: “xảy một ly đi một dặm”, “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”. Nếu trong lúc phát ra ái kiến đại bi mà biết tự giác, thì lần lần cũng tiêu hết được; nhưng nếu lạm nhận là chứng ngộ, thì lòng thương xót đó sẽ nhập tâm, biến thành tà ma, khuấy phá người tu hành, làm cho hành giả bị mù quáng bởi tình cảm, dễ bị người lợi dụng. Bởi vậy mà bạn hãy nhờ rằng chân lý đưa đến giải phóng. Hiểu biết đem lại tự do. Hiểu biết là tự do. Ngoài ra, dù bạn có ức chế hay bạn si mê, kết cục là như nhau. Do đó, việc thông qua trí tuệ quán chiếu thật vô cùng quan trọng. Đức Phật thường bảo rằng: “Sự khổ ở tâm đồ chưa hẳn là khỗ, chỉ có người thiếu trí tuệ mới khổ mà thôi”. Qua đây đã chứng tỏ rằng một người muốn hành được hạnh nhẫn nhục thì phải có trí tuệ và tấm lòng từ bi. Chúng ta có thể nhìn vào tấm gương nhu hoà nhẫn nhục của đức Phật lúc Ngài còn tại thế sẽ thấy toát lên nguyên lý này. Dù họ có tâm địa ác độc tìm đủ cách ám hại hoặc bôi nhọ Ngài, dù họ có hành động hung hãn tìm cách giết Ngài, nhưng Ngài không một chút nóng giận lại còn tha thứ và độ lượng giúp đỡ bọn họ, vì Ngài dùng trí tuệ sáng suốt biết những người đó đang bị tam độc tham, sân, si rất đáng thương. Nhờ nhu hoà nhẫn nhục trong “trí tuệ chứng ngã không và toàn chứng pháp không” (1) nên đức Phật đã khai hoá đám người ấy. Đức nhẫn này rất cần để vượt mọi khó khăn. Như vậy, từ bi, trí tuệ, nhẫn nhục ảnh hưởng tương hỗ qua lại với nhau rất mật thiết như ba chân cái đỉnh trầm, không thể thiếu bất kỳ một chân nào. Nếu trí tuệ và tấm lòng từ bi của bạn đang ở mức thấp thì nên thực hành hạnh nhẫn nhục trong thuận cảnh hay nghịch cảnh nào đó sao cho phù hợp với sức của mình. Bạn phải tự chuyển hoá mình để thăng tiến trở thành người có tấm lòng bao dung độ lượng, luôn lấy đại nghĩa làm trọng, lấy “nhân nghĩa” để thắng “hung tàn”, dùng “trí nhân” để thay “cường bạo”. Sau đây là những ví dụ minh hoạ về sư nhẫn nhục nhờ vào sự quán chiếu của trí tuệ. “Nhẫn” với cái nhìn về trí tuệ biết như thật, nên rất nhẹ nhàng êm ái. Tại sao nhẫn nhục lại ở tâm trạng êm nhẹ như vậy? Phật dụ người dữ mắng chửi hãm hại người hiền giống như kẻ ngậm nước bọt ngửa mặt phun trời xanh. Nước bọt không tới trời mà rơi xuống mặt người phun. Ở trên, trời vẫn xanh, không có chút bợn nhơ nước bọt, cũng như người hiền không thọ pháp ác nên vẫn an ủi không khổ. Phật lại còn nói: “Người dữ muốn hại người hiền như người đứng ngược gió ném bụi”, và: “Người ác nghe thấy ta làm việc thiện, cố ý để làm nhục ta, ta phải nhẫn nại, không giận không mắng lại. Người kia có ác tâm đến để làm hại ta tức là họ tự làm hại họ đấy”. Như vậy, người hiền bị người dữ hại vẫn bình thản không buồn, ví thấy việc làm ác của họ không có tác động đến mình, chỉ gây hậu quả không tốt cho họ mà thôi, cho nên kẻ hiền từ không những không buồn giận mà lại còn thương họ. Phật dạy người ta nhẫn, và chính Ngài lại còn nhẫn hơn chúng ta rất nhiều. Dù bị mắng nhiếc hay bị chửi bới thậm tệ nhưng Phật nghe mà không nhận thì có dính gì đến Ngài, nên Nagì bình thản như không có gì. Nhẫn như vậy đâu phải là “cắn răn chịu nhục”, “ngậm bồ hòn làm ngọt”, “ngậm đắng nuốt cay”. “nếm mật nằm gai để không quên kẻ đã làm nhục mình”,…má quá nhẹ nhàng! Nhẫn như vậy là nhờ trí tuệ thấy được lẽ thật. Cái lẽ thật ở đây chính là luật nhân quả. Cho nên hãy làm điều tốt, điều tốt mà ta đã làm ấy không mắt đi đâu cả. “Điều tốt” muốn nói ở đây chính là tự lợi và lợi tha. Các Pháp trong thới gian không thể rốt ráo an vui, vì đó là sự an vui trong thế đối đãi nhau chẳng được cái lợi chân chính. Chỉ có Phật pháp mới có thể rót ráo dứt khổ, được an vui rốt ráo. Cho nên theo Phật Pháp thì lợi tha tức là tự lợi, tự lợi cũng chính là lợi tha. Thế nên tự lợi và lợi tha không phân trước sau. Khi chúng ta làm “điều tốt” tất sẽ có “phúc vô giá” ấy thì không việc gì phải nổi sân lên, theo luật nhân quả thì luồng “tà khí” do họ phát ra sẽ tự quay về với họ và rồi họ sẽ bị quả báo, còn “vô phúc giá” ấy chẳng hề bị phá huỷ hay bị cắt xén. Trải qua một chặng đường dài sống trên trần gian, người Trung Quốc đã đúc kết rút ra một kinh nghiệm rất quí báu rằng: “Nếu bạn chửi rủa người nào đó mỗi ngày, chắc chắn bạn dành hạnh phúc và sự sống lâu cho hắn”. Từ câu tục ngữ này có thể thấy rằng bạn dùng lời lẽ cay độc để chửi rủa đối phương cũng chính là bạn đã gánh bớt tội lỗi cho hắn. Nếu bạn có nợ tất phải trả, không có một thế lực nào giúp bạn trốn nợ được; đã buộc phải trả thì hãy vui vẻ mà trả, đừng gáo gắt mà tạo thêm nghiệp. Sự sân hận không thể có được sự cảm thông với mọi thế lực và các động lực trong thinê nhiên và xã hội. Chẳng hạn, ở kiếp này ta chưa làm điều gì sai trái đến nỗi phải chịu tai ương khủng khiếp, nhưng tai hoạ vẫn cứ giáng xuống đầu ta, lúc ấy thì nên nghĩ: Có thể đây là quả báo của tội lỗi mà ta đã gây nên ở kiếp trước. Ta hãy bình tĩnh tìm cách hạn chế sự tác hại của nó, nếu cảm thấy bất lực thì vui vẻ mà chấp nhận nó với trái tim cởi mở, không nên có sự phàn nàn hay oán trách nào. Ta hoan hỉ chấp nhận nó bởi vì đã trả xong cái nợ ở kiếp trước, Với sự trầm tĩnh, sáng suốt, chân thành cởi mở, không sân hận trước quả báo, chắc chắn ta không tạo thêm nghiệp bất thiện, và có thể làm mức dộ quả báo tự nhiên bị giảm đi phần nào. Cho nên, khi đã hiểu và ti sâu vào luật nhân quả tự nhiên tạo ra một khí lực mạnh mẽ giúp bạn càng thêm an nhiên tự tại. Sự an nhiên tự tại của bạn có một sức mạnh mầu nhiệm, có thể tạo ra sự cảm thông sâu sắc với các lực lượng quỉ thần khiến cho bạn tu theo pháp nhẫn nhục ba-la-mật dễ dàng. Chính vì hiểu và tin sâu vào luật nhân quả cho nên chúng ta nhẫn nhục vì sự tốt lành cho ta và người, đó là nhẫn nhục mang tính chất hướng thượng, Người mắng nhiếc mình bao giờ cũng mang một thành kiến, hoặc vì thấy bộ dạng của mình mà họ không ưa, hoặc vì việc làm của mình động chạm đến quyền lợi của họ, hoặc vì họ nghe lầm, nghe xuyên tạc về mình, hoặc vì đố kị với mình nên tím cách làm nhục mình để hạ uy tính mình,… Muốn thoát khỏi cảnh sân, si tật đố ta cần phải nhu hoà nhẫn nhục mới bình tĩnh để tìm ra cách giải quyết tốt đẹp cho cả đôi bên, nếu nóng nảy đáp lại thì không khác gì đổ dầu thêm vào lửa. Giả sử có ai chữi mắng, ta phải bình tĩnh tự nghĩ rằng: “Ta có làm gì sai trái không? Nếu có, thì ta bị sỉ nhục là phải, nên cám ơn người. Nếu ta trong trắng, thì những lời sỉ nhục ấy có dính líu gì đến ta đâu mà phải khổ tâm nghĩ đến?. Bắng trí tuệ của mình, chúng ta nhận ra rằng một điều rất hiển nhiên rằng: người tu Phật càng tu cao càng bị khảo đảo nhiều. Tại sao vậy? Bởi vì tu mà có cơ hội thách thức thì sức tu mới mạnh. Nếu không có những nghịch cảnh thì khó mà biết được lòng mình. Chưa bị người gây khó khăn sinh sự cà khịa sẽ không biết được lòng mình ứng hiện ra sao. Một người chỉ gặp những cảnh thuận, vị tất người đó có thể dễ dàng hiểu mình. Cũng như người tu chỉ biết chui rút vào một nơi biệt lập, vị tất lòng người đó đã được yên. Nếu cho rằng chỉ có thuận cảnh mới dễ học Đạo thì đó là một tư tưởng hết sức sai lầm. Nói như vậy không có nghĩa là thích chui đầu vào đám giặc để mà tu. Điều muốn nói ở đây là người nào cho rằng chỉ có cảnh thuận mới tu thì chưa hiểu giá trị của tu ra sao. Người nào chỉ thấy cảnh thuận thích hợp, đến khi gặp nghịch cảnh tất sẽ không thể nào chịu nổi, còn người nào biết dùng nghịch cảnh đến lúc gặp được cảnh thuận càng hay. Chúng ta hãy nhớ rằng đức Thế Tôn được giác ngộ chính trong mọi sự chướng ngại. Ương Quật hành hung, Đề Bà khuất phá mà Phật Đà giáo hoá cho thành đạo tất cả. Như vậy hoá không phải sự tác nghịch là sự tác thành mà sự khuấy phá là sự giúp đỡ cho ta. Cho nên nói đến tu là nói đến nhẫn nhục. Có nhẫn nhục mới trở thành người Phật tử chân chính. Nhẫn ở đây là dùng trí tuệ thấy đúng lẽ thật, buông xả mọi hơn thua phải quấy với người, không cố chấp phiền hận. Người chửi ta, ta không nhận, đó là xả bỏ. Ta buông bỏ sự giận dữ của chính mình và quay vào trong để thúc đẩy ta tiến lên, khi chúng ta tiến tới trong nhẫn nhục thì đó là hoà bình trên toàn thới giới. Hãy quên đi ngày hôm qua, hãy hoan hỉ hôm nay, ngày mai sẽ hạnh phúc. Hay như Thiền sư nói: “Hài lòng với quá khứ, biết ơn hiện tại và tinh tiến cho tương lai”. Đó là tâm thái trong ba thời. Có thể nói, thông qua việc đi sâu tìm hiểu pháp nhẫn nhục ba-la-mật chúng ta đều thấy trong pháp này có đủ cả từ bi, trí tuệ và dũng. Khi nghiên cứu sâu về Bồ Tát thừa, người ta nhận thấy rằng bố thí và nhẫn nhục thuộc về Bi, thiền định và trí tuệ thuộc về Trí, còn trì và giới tinh tiến thuộc về Dũng. Một Phật tử phải có đủ ba phương tiện Bi, Trí, Dũng mới mong đi đến bờ giác ngộ một cách thông suốt và nhanh chóng. Cho nên hành giả muốn thực hành pháp nhẫn nhục ba-la-mật tất yếu phải lấy năm pháp ba-la-mật còn lại làm trợ duyên. Thông qua tất cả nội dung đã được nêu trên đây chúng ta thấy rằng: “nhẫn” không phải là nhát gan, là cam chịu khuất phục, là “chạy trốn hoặc rút lui”, trái lại, “nhẫn” là một sự thể hiện cái dũng của người có trí tuệ và tấm lòng từ bi, là tinh thần tự cường không nao núng, không khuất phục, đó cũng là tinh thần bền bỉ dẻo dai không bao giờ biết mệt mỏi trong quá trình phấn đấu vươn lên,…Những người có đức tính nhẫn nhục không bao giờ là những kẻ “dục tốc bất đạt”, họ luôn luôn trầm tĩnh sáng suốt và thận trọng trong việc xử lý các tình huống: đơn giản cũng như phức tạp, thường xuyên cũng như bất ngờ, thuận lợi cũng như bất lợi,… Đức Phật dạy rằng: “Đức nhẫn nhục mạnh nhất, nhẫn nhục thì không có ác tâm, lại có tâm yên vui bền vững. Người có đức tính nhẫn nhục đã là người không có ác tâm thì thế nào cũng được người ta tôn qui”, và “Bách nhẫn thành kim”. Thánh kinh cũng dạy rằng: “Người kiên nhẫn có giá trị hơn người bạo dạn, và kẻ chế ngự trái tim mình có giá trị hơn người chiếm cứ các thành thị”. Kinh Tiên ý nói: “Kẻ Sa môn tu hành, lấy nhẫn làm đầu; phải như nước trong, không chút nhơ bẩn. Nước đối với thây người chết, chó chết, rắn chết, và đồ đại tiểu tiện đều rửa tẩy, nhưng nước vẫn trong sạch. Cần phải trì tâm như cầm chổi quét đất, quét sạch chỗ dơ; chổi đối thây người chết, chó chết, rắn chết và đồ đại tiểu tiện thảy đều quét sạch, nhưng chổi chẳng hư hao, cũng như sức mạnh và ánh sáng củ gió, lửa đối với thây người chết, chó chết, rắn chết và đồ đại tiểu tiện đều thổi bay, đốt cháy. Nhưng sức mạnh và ánh sáng của gió, lửa vẫn chẳng hao mòn. Nếu người muốn đến giết mình, mắng mình, mình cũng chẳng nên giận; hay đến chê mình hoặc cười mỉa mình, mình chẳng nên giận; hoặc họ đến phá mình chẳng cho phụng sự Phật Pháp, cũng chẳng nên giận dữ. Cần phải từ tâm chính ý thì tội diệt phúc sinh”. Nhịn được những điều mà người khác không thể nhịn được, dung được những điều mà người ta không thể dung được thì phải là người độ lượng hơn người, kiến thức hơn người, điềm tĩnh hơn người, mới làm nổi. Cổ nhân dạy rằng: “Nuốt được cái cay đắng trong cái cay đắng mới làm được hạng người trên loài người”. Cho nên sự nhẫn nhục được xem như một đức hạnh hùng mạnh đặc biệt ở chổ đã tự chiến thắng được kẻ thù lớn nhất của đời người chính là mình. Nó là thái độ của việc hãy để như vậy, không khước từ hoặc bám chấp vào hoàn cảnh hay cảm xúc, mà để cho những xuất hiện khởi lên rồi biến mất. Đức hạnh hùng mạnh đặc biệt ấy không phài ngồi chờ mà có được, mà đó là kết quả của quá trình rất chuyên cần và kiên trì của người có trí tuệ và tấm lòng từ bi, biết tuỳ thuận bằng lòng để hy sinh cái nhỏ nhằm đạt được những cái lớn hơn để mà “lợi kỷ quả, lợi thiên hạ đa”, can đảm đứng mũi chịu sào để vượt qua những trân bão táp khủng khiếp của thần chết. Thật đúng như kinh nói: “Người có thể hành hạnh nhẫn nhục kiên trì là một người trượng phu thật sự”. Cổ nhân đã làm bài kệ rằng: “Nhẫn nhục đạo thứ nhất, Trước phải trừ ngã nhân, Việc đến không thụ nhận, Là thân chân Bồ-đề”. Nói tóm lại, phải thông qua quá trình phân tích những nội dung rất cơ bản, phải nhìn từ hai phía thuận-nghịch, và phải soi xét đến nhiều khía cạnh quan trọng khác thì mới có thể hiểu thế nào là nhẫn nhục ba-la-mật. Thay cho phần cuối bài viết, chúng ta nêu thêm một nhận xét rất quan trọng rằng: Con đường cầu đạo dẫy đầy chướng ngại, ở vật cũng như ở người; tuy nhiên, chướng ngại là ở Tâm, ở định kiến, không phải ở ngoại giới. Với trí tuệ và tấm lòng từ bi của mình, hãy vận dụng tinh thần đại vô uý chuyển biến tất cả nghịch cảnh làm lợi khí cho mình. Được vậy, lời ác là công đức, lời kèm pha là cam lộ, tất cả kẻ thù là thầy ta, mọi chướng ngại sẽ tiêu tan và dung hoà (tiêu dung) trong cái không nghĩ bàn được. Vì thế cho nên “nhẫn” là mỹ đức nhường nhịn, khoan dung, là đức hạnh: ôn, lương, cung, kiệm, nhường… Nhẫn nhục ba-la-mật là vậy. Chú thích (*) Walpola Rahula-Tư tưởng Phật học (con đường thoát khổ)-Tu thư Đại học Vạn hạnh (2518-1974) do Thích Nữ Trí Hải dịch. (1) Trong kinh Đại Bát Niết Bàn (Tập 1) do HT. Thích Trí Tịnh dịch có nêu lên rằng: Trí tuệ chứng ngã không gọi là “Nhất thiết trí”. Hàn Nhị thừa có trí này. Trí tuệ chứng ngã không và phần chứng pháp không gọi là “Đạo chủng trí”. Pháp thân Bồ Tát có trí này. Trí tuệ chứng ngã không và toàn chứng pháp không gọi là “Nhất thiết chủng trí”. Chỉ bậc Phật mới có trí này. Trí tuệ này gồm có bốn trí: 1-Thành sở tác trí, 2-Diệu quán sát trí, 3-Bình dẳng tính trí, 4-Đại viên cảnh trí./. |
Cập nhật ( 09/07/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com