TÌM HIỂU TÊN CÁC ĐẢO TRÊN VỊNH HẠ LONG * Tống Khắc Hài Hội viên Hội VNDG Việt Cả nước ta có 2.7799 hòn đảo ven bờ, 2/3 số đó (2.078 đảo) thuộc tỉnh Quảng Ninh. Riêng vịnh Hạ Long – khu vực được nhà nước xếp hạng bảo vệ và đã hai lần được UNESSO công nhận là di sản thế giới, trong giới hạn từ 106độ58’ đến 107độ22’ kinh độ đông từ 20độ45’ đến 20độ56’ vĩ độ bắc, với diện tích 1.553km vuông đã có 1.965 hòn đảo. Trong đó gần 980 chòn chưa có tên. Tìm hiểu tên các hòn đảo và đi liền với nó là tên các đỉnh, núi, cửa, bến, vũng, luồng, lạch, sông, cái, mũi, ghềnh, bãi, chương… là một công việc có nhiều ý nghĩa và hết sức thú vị. Tên các hòn đảo cũng như các địa danh nói chung đều do con người đặt ra khi con người biết tới nó, có quan hệ với nó. Riêng vùng vịnh Hạ Long là nơi tổ tiên ta đã sinh sống từ thời tiền sử. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra nền văn hóa Hạ Long và gần đây với căn cứ khoa học đầy tính thuyết phục (trước hết là tìm niên đại bằng phương pháp phân tích C14 các di vật hữu cơ trong các tầng văn hóa của các di chỉ), các nhà khảo cổ đã phát hiện ba nền văn hóa tiền sử nối tiếp là: văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo, văn hóa Hạ Long. Như vậy, vào thời kỳ văn hóa hòa bình, văn hóa Bắc Sơn (hậu kỳ đá cũ, sơ kỳ đá mới), cách đây trên dưới hai vạn năm, đã xuất hiện một cộng đồng cư dân ở nơi này. Phải chăng các địa danh cũng bắt đầu từ đó và sau đó các núi non, luồng lạch trong ngàn đời nối tiếp làm ăn sinh sống, các địa danh cứ thêm dần và chắc chắn đã không ít thay đổi. Tìm hiểu kho tàng địa danh có quá trình hình thành và phát triển hàng vạn năm thực sự là một hoạt động khảo cổ – khảo cổ những di chỉ văn hóa phi vật thể. Công việc thật không hề đơn giản. Những lý giải dưới đây chỉ có thể xem là những tìm hiểu bước đầu, những giả thuyết, những cắt nghĩa thử. Tôi xin phép được lấy bản danh sách các hòn đảo trong phần phụ lục in kèm Quyết định số 372-NV “v/v sửa đổi và thống nhất tên gọi của các hòn, đảo, cồn, đỉnh, núi, cửa bến, vịnh, vũng, luồng, lạch, sông, cái, mũi, ghềnh, bãi, chương… của miền Bắc” của Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Ung Văn Khiêm ký ngày 23 tháng 7 năm 1968. Phần phụ lục này gồm sáu phụ lục: – Phụ lục I: Danh sách do Pháp đặt cũ, nay đặt bằng tiếng Việt. Phụ lục II: Danh sách đảo có tên tiếng Việt cũ và mới của tỉnh Quảng Ninh. Phụ lục III: Danh sách đảo mới đặt của tỉnh Quảng Ninh. (Các phụ lục IV, V, VI dành cho Hải Phòng) Lọc từ các phụ lục dành cho Quảng Ninh, tôi có 502 địa danh thuộc thành phố Hạ Long. Số địa danh này chủ yếu là tên các hòn đảo (456/502), tuy chưa đầy đủ tên các hòn đảo trong khu vực vịnh Hạ Long nhưng là những địa danh cơ bản nhất (trong đó phần lớn cũng là những tên đảo mà người Pháp đã đặt lại bằng tiếng Pháp). Trước hết, cũng như tên các luồng, lạch, tùng, vụng, chương, bãi…, tên mỗi hòn đảo đều có thành tố. Thành tố thứ nhất là một danh từ chung. Đó là “hòn” hoặc “núi” hoặc “đảo”, hoặc “cặp”, hoặc “cồn” hoặc “đá”… Đây là những danh từ thuần Việt . – “Hòn: những đảo nhỏ, quả núi nhỏ đứng riêng biệt và nhô cao trên biển (người Pháp dùng từ Ilot): Hòn Đũa, Hòn Bình Hương… – “Đảo”: khối đất đá lớn và rất lớn trên biển (Ile): Đảo Tuần Châu… – “Núi”: khối đá đồ sộ vươn cao (Sommet): Núi Đầu Gỗ, Núi Bài Thơ… – “Cặp”: nơi có nhiều hòn đảo đứng liền: Cặp Dè, Cặp Bồ Nông… – “Cồn”: bãi đá hoặc bãi cát nổi lập lờ (Basse, Rescif): Cồn Bè, Cồn Chìm… – “Đá”: đảo đá nhỏ nhô trên mặt nước (Recif, Petit ilot): Đá Lẻ, Đá Đổ… So sánh với các vùng đảo khác trong tỉnh, ta thấy ở đây không có những danh từ chung gốc Hán hoặc nguyên là tiếng của các tộc người thiểu số ở vùng biển phía Nam Trung Quốc du nhập. Chẳng hạn, ở Cô Tô, các địa danh phần lớn có gốc tiếng Quảng Đông, tiếng Triều Châu, hoặc tiếng Ngái, tiếng Đản, tiếng Lê: Xín Loóng Xẹc (Hòn Đá Thủng), Thán Xẹc (Đá Than), Thống loòng Coóng (Đỉnh Hang Thông)… Điều đó dễ hiểu vì năm 1832, Tổng đốc Hải An Nguyễn Công Trứ xin triều đình nhà Nguyễn cho những người dân gốc Hoa phiêu dạt được định cư trên quần đảo Cô Tô thì từ đó mới thành làng Hướng Hóa ổn định và các địa danh được bổ sung. Nhìn rộng ra, các địa danh vùng biển Hạ Long và cả vùng Quảng Ninh, Hải Phòng, ta cũng không thấy có các địa danh vùng sông nước Nam Bộ như “vàm”, “rạch”, “bưng”, “tràm”, “cù lao”, “gò nổng”… Điều đó có thể cắt nghĩa được bởi những danh từ “vàm” là biến âm của “piam”, “rạch” là do “srô”", “bưng” do “ bâng” của tiếng Khơ Me, hoặc “tràm” do “Kram”, “cù lao”, do “curao”, “gò nổng” do “gunông” của tiếng Mã Lai… Như vậy là chưa thấy dấu vết của các ngữ hệ Nam Á ở vùng biển Hạ Long. Trong các danh từ chung tạo nên các địa danh vùng biển Hạ Long và Quảng Ninh, đáng chú ý là có những từ rất cổ. Theo tôi, tiêu biểu nhất là từ “Cái”. “Cái” là danh từ chung, phần lớn chỉ một địa điểm cụ thể (Cái Dăm, Cái Lân thuộc phường Bãi Cháy) nhưng cũng có khi thành tên cả một hòn đảo lớn (Cái bầu, Cái Bàn), Ở Hạ Long có Cái Mòng, Cái Tai, Cái Tráp, Cái ham, Cái Đá, Cái Lân, Cái Dăm, Cái Đầu Mối, Cái Hà Lầm, Cái Hà Tu, Cái Lạch Năng, Cái Xà Cong… Ở Vân Đồn có Cái Bầu, Cái Bàn, Cái Bào, Cái Đe, Cái Đé, Cái Búa, Cái Lim, Cái Quýt, Cái Sưởi, Cái Sâu, Cái Bản Sen, Cái Bàn Mai, Cái Bắc Thang, Cái Cõng Bà, Cái Cõng Ông, Cái Đài Chuối, Cái Đông Lĩnh, Cái Hà Nứa, Cái Nước Xanh, Cái Vạn Cảnh, Cái Rồng… Ở Yên Hưng Có Cái Bứa, Cái Dàn, Cái Sâu; ở Tiên Yên có Cái Mắt, Cái Thái, Cái Vũng Chùa, Cái Hà Gián; ở Hải Hà có Cái Chiên, Cái Khiên, Cái Lò, Cái Ruộng, Cái Thầm; Móng Cái có Cái Vĩnh, Cái Vọ… Ở đồng bằng sông Cửu Long cũng có những Cái Sắn, Cái Bè, Cái Thia, Cái Mon, Cái Rắn, Cái Nai, Cái Tôm, Cái Tàu, Cái Hố, Cái Sãi… do vùng sông nước này lắm “Cái” nên các sách Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí lục tỉnh Nam Việt, Đại Nam quốc âm tự vị (của Huỳnh Tịnh Paulus Của), Việt Nam tự điển và gần đây các nhà văn Sơn Nam, nhà ngôn ngữ học Bình Nguyên Lộc, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiếu đã viết về các từ “Cái”. Có người cho rằng “Cái” có nguồn gốc từ tiếng Mã Lai, có người lại cho rằng “Cái” có nguồn gốc từ tiếng Khơ Me, lại có người cho rằng chữ “Kẻ” tiếng Việt cổ biến âm mà thành. Bản thân tôi cũng loay hoay tìm cách lý giải nguồn gốc từ này và cách đây trên mười năm, khi cắt nghĩa địa danh Móng Cái, tôi thử nêu giả thiết từ “Cái” là từ “Nhai” (厓 涯 崖 街) mà tiếng Quảng Đông đọc là “Cái” với những nghĩa gần giống nhau: bên bờ, bờ nước, sườn núi, con đường thông đi nhiều ngả (theo Từ Điển Hán Việt của Dào Duy Anh). Móng Cái là Mang Nhai đọc theo tiếng Quảng Đông. “Mang” (茫) là nơi nước chảy lênh láng (mênh mang). Ở đầu phố móng Cái, chỗ ngã ba sông Bắc Luân và sông Ka Thác mang hình thành phố xá và phố Thác Mang hay phố Mang thành tên. Mang Nhai (茫 街) nghĩa là nơi sông Mang chảy đi nhiều ngả. Tiếng Quảng Đông từ “Cái” (nhai) còn có nghĩa là “chợ”, là “phố”. Nhưng rồi khảo sát kỹ từng nơi có chữ “Cái” trong vịnh Hạ Long, tôi nghiệm ra rằng đấy là những nơi trũng ven biển, ven sông có thể đậu thuyền, có thể làm bến. Từ chỗ hiểu “Cái” là nơi trũng, nơi lõm, ta có thể dễ dàng cắt nghĩa trò “cả cái”, ném đồng tiền vào cái lỗ khoét dưới đất trong trò chơi đáo lỗ. Cũng hiểu là nơi trũng, nơi đậu thuyền nên ta dễ dàng cắt nghĩa thành ngữ “lạ nước lạ cái” – chưa quen mức nước lên xuống và bến đậu. Phải chăng “Cái” là chỗ trũng, chỗ lõm nên mới có “cái cửa” nơi ta gài then đóng chốt. Cũng phải chăng “Cái” có từ thưở rất xa xưa, nên con người, con vật có chỗ lõm được gọi là con cái, (khác với con đực). Nay ta vẫn gọi bé gái là cái tý. Xa xưa, người mẹ cũng được gọi là “cái” nên có chuyện “con dại cái mang”, con dại mẹ chịu trách nhiệm. Trong câu ca dao cổ: Nàng về nuôi cái cùng con, Để Anh đi trảy nước non Cao Bằng thì rõ ràng “cái” là mẹ. Ông Phùng Hơng được tôn vinh là “Bố Cái đại vương” – Đức vua cha mẹ. Từ mẹ sinh ra các con. Từ “cái” phát sinh nghĩa rộng là gốc, là chính, là lớn: đường cái, sông cái, cột cái… Cũng rất có thể từ “Cái” mà sau biến âm thành từ “gái” con cái – con gái. Nay các con vật cái (chó cái, bò cái…) vẫn thông dụng. Nói kỹ một từ “Cái” rất phổ biến ở vùng biển, đảo Quảng Ninh để cốt xin nhấn mạnh một điều: những địa danh ở đây đã hình thành từ lâu đời, rất lâu đời. Đó là từ thuần Việt cổ, đó là văn hóa cổ. Xin hãy trân trọng giữ gìn, đừng vội cho không hiểu mà thay đổi. Một mặt khác, cũng xin nhấn mạnh là vùng đất, vùng đảo này, người Việt đã làm chủ từ rất xa xưa, ngôn ngữ còn ở buổi hình thành. Một nhận xét nữa: tên các hòn đảo vịnh Hạ Long bắt nguồn từ các điều kiện tự nhiên và đời sống thường nhật. Các hòn đảo của vịnh Hạ Long muôn hình nghìn dáng nên tên hòn đảo trước hết là dựa theo hình dáng hòn đảo – cũng như quả núi mà đặt tên. Nhiều nhất là tưởng tượng ra các con vật: Hòn Cóc, Cóc Bắc, Cóc Con, Cóc Dưới, Cóc Trên, Hòn Ếch, Hòn Cua, Hòn Rùa, Rùa Con, Đầu Bê, Bê Cụt, Hòn Vịt, Vịt Bể, Con Chó, Đầu Trâu, Trâu Nằm, Chân Voi, Tai Voi, Mõm Lơn, Yên Ngựa, Bọ Hung, Bù Vẽ, Cặp Dế, Cặp Gà, Đôi Gà… Sau các con vật là những đảo gợi hình dáng những vật dụng quen thuộc: Bình Hương, Bánh Chưng, Con Thoi, Ghế Đẩu, Giã Gạo, Giàn Mướp, Giăng Võng, Gối Nằm, Hai Buồm, Hòn Đũa, Hòn Lược, Hòn Muối, Hòn Nón, Lưỡi Liềm, Hòn Oản… Những hòn đảo có hình người hoặc tên người cũng khá nhiều và hết sức đa dạng: Cái Tai, Mí Mắt, Răng Ngoài, Răng Đá Trong, Bạc Đầu, Bà Cô Tây, Bà Hai, Bà Lại, Đế Bụt, Ông Phật, Ông Tiên, Mặt Quỷ, Mũ Vua, Hang Thầy, Thanh Lảnh, Lã Vọng… một số hòn đảo khác lại có tên cây, rất có thể trên những hòn đảo này đã có những cây như vậy: Hòn Cây chanh, Cây Chay Đông, cây Chay Tây, Cây Đước, cây khế, Cây Si, Cây táo, Hạt Đậu, Hòn Mây, Hòn Quéo, Hòn Ngô… Đọc hàng loạt tên như vậy ta nhận ra ngay sự muôn vẻ kỳ thú của các hòn đảo và đó chính là là nét đặc sắc của kỳ quan Hạ Long. Một lần nữa ta lại thấy những cái tên dân dã, chân quê rất thân thuộc và là ngôn ngữ Việt. Đáng chú ý là một số tên đảo và địa danh vùng vịnh Hạ Long có ý nghĩa lịch sử văn hóa. Vùng vịnh Hạ Long được chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử bởi đó là nơi “Thiên la địa võng” làm phên dậu nơi vùng Đông Bắc hiểm yếu. Nhưng những địa danh nơi này vốn đã có từ lâu đời nên không dễ có những địa danh mới. Tuy nhiên cũng có một số tên đảo mang đậm dấu ấn lịch sử. Có thể kể đến là Núi Bài Thơ, nơi vua Lê Thánh Tông cho khắc vào vách đá một bài thơ đề vịnh phơi phới niềm tự hào về giang sơn đất nước. Bài thơ năm 1468 ấy đã thay thế các tên cũ: Núi Truyền Đăng, Núi Rọi Đèn. Một tên in dấu rõ rệt hoạt động của con người là đảo Tuần Châu. Xưa người dân thường gọi là Hòn Tuần và được hiểu có trạm lính tuần phòng của quan châu, tuy nhiên cũng có người hiểu khác. Người Pháp gọi Tuần Châu là Ile aux cerfs – đảo hươu ở. Chữ “Tuần” ở đây được dịch là con hươu với gốc Hán Việt. Còn chữ “Châu” lại có người hiểu là châu ngọc, châu là hạt ngọc trai (珠) chứ không phải “châu” là đơn vị hành chính cấp huyện ở miền núi cũng không phải châu là đảo, là bãi. Cũng lưu ý rằng Tuần Châu là một trong hai tên đảo có gốc Hán Việt. Ngoài tên đảo Tuần Châu còn có hòn Đại Thành, ở đây có một chùm hòn đảo nhỏ là gọi Đại Thành (Ilede 2 cirques – đảo có hai vòng đai), Đại Thành bắc (Ile de L’ Escheelle, đảo có bậc thang), Đại Thành Đông (L,Alouette – chim chiền chiện) và Đại Thành Dấu vết của người Pháp trong các tên đảo, ngoài sự đổi tên là mấy hòn đảo ghi rõ những hoạt động, đó là hòn Pháo Trong và Hòn Pháo Ngoài. Hai tên đảo này xuất hiện khi người Pháp đặt mấy cổ súng đại bác trên đảo Hòn Rồng vào cuối thế kỷ XIX. Đảo Pháo ngoài người Pháp vẫn dịch từ Hòn Rồng thành Dragon. Đảo Pháo Trong có lẽ có bậc lên xuống nên người Pháp đặc là Échelle. Trong vụng Cửa Lục còn có đảo Satnô. Satô có lẽ là một từ tiếng Pháp do người Pháp cho tàu chiến vào đậu tại vụng Cửa Lục mở đầu xâm lược Vùng Mỏ (ngày 12 tháng 3 năm 1883). Satô (Chateaux) có nghĩa là lâu đài, đài tháp (Tháp nước: chateau d’eau). Liền đó người Pháp đặt tên vịnh Courbet, tên một Đô đốc Pháp… Tuy người Pháp dịch và sử dụng trên bản đồ gần như toàn bộ các hòn đảo, các địa danh ở vùng vịnh Hạ Long, nhưng dân gian vẫn giữ các tên tiếng Việt. Nói rộng ra, ở Quảng Ninh, nhất là vùng mỏ than, tên tiếng Pháp rất nhiều nhưng hầu hết không tồn tại. Dân ta vẫn dùng tên Việt hoặc Việt hóa tên Pháp. Nơi than ở dưới sâu, người Pháp chỉ nơi đó là moins (moăng), thợ mỏ ta gọi luôn là moong. Cả một vùng than nằm sâu dưới mức dương (so với mặt nước biển), người Pháp khoanh trên bản đồ ghi ‘moins dương (moăng dương), dân ta gọi vùng đó là mông Dương. Chỉ còn vài địa danh mang dấu vết tiếng Pháp: cầu Buýt sê = bucher = nơi xếp củi; Hà Thụ (tên một quả núi, một xóm dân) người Pháp phiên âm thành Ha Thou, từ đó nhiều người đọc thành Hà Tu… Sau cách mạng tháng Tám, trong các địa danh gắn liền với sự kiện và danh nhân, trên vịnh Hạ Long có đảo Tiốp, hòn đảo do Bác Hồ đặt tên nhân sự kiện người anh hùng vũ trụ Tiốp đến thăm vịnh. Đó thật sự là một cái tên rất đẹp. Ngoài những dấu ấn mang tính lịch sử, xã hội, điều đáng chú ý là Ý nghĩa văn hóa từ tên các hòn đảo, các hang động trong vùng vịnh Hạ Long. Đó là hàng loạt các sự tích, các huyền thoại phản ánh đời sống tư tưởng tình cảm một cách sâu sắc của nhân dân ta. Có những địa danh mang sự tích hết sức cảm động như sự tích hang Con Gái – còn gọi là hang Trinh Nữ (một cô gái nghèo không chịu khuất phục trước uy quyền ép lấy con nhà giàu ngu độn đã ra hòn đảo này ôm ghì nhỏm đá đợi nước thủy triều dâng ngập, giữ trọn thân mình trinh trắng. Nỗi đau động trời, trời dâng núi thành hang che chắn cho nàng). Ý nghĩa sâu sắc nhất là tên Hạ Long gắn liền với huyền thoại rồng xuống phun châu ngọc giúp dân ta chặn giặc. Sự thật, nếu xét về mặt ngôn ngữ (Rồng xuống phải là Long Giáng chứ không thể dùng hạ Long. Chữ Hạ Long cũng mới xuất hiện trong chữ quốc ngữ. Trước kia đây là Lục Hải, Lục Thủy. Tương tự như vậy, núi Đầu Gỗ, hang Đầu Gỗ là gọi theo hình dáng ngọn núi. Đây là quả núi lớn, đỉnh nhô lên và ở một góc nhất định, ta thấy nó giống đầu một cây gỗ súc, có lỗ trũng như lỗ xỏ dây cho trâu kéo. Thời thuộc Pháp mới phát hiện ra trong đó có hang, viên toàn quyền Đông Dương Albert Pière Sarraut và vua Khải Định được mời ra xem (năm 1918). Hang trong núi Đầu Gỗ nên được gọi là hang Núi Đầu Gỗ, sau gọi tắt là hang Đầu Gỗ. Ở đây không thể là nơi dấu đầu cây gỗ trong trận cắm cọc trên sông Bạch Đằng vì ai dại gì đi giấu gỗ ở đường hành quân của địch, hơn nữa nơi lấy gỗ là rừng rậm thiếu gì chỗ giấu đầu gỗ. Khu rừng đó lại ngay bên sông, dấu vết từng còn đó. Ở thị trấn Quảng Yên còn hai cây lim cổ thụ cạnh Giếng Rừng. Thị trấn còn có Chợ Rừng. Làng Yên Giang bên sông Bạch Đằng có tên cổ là làng Rừng, làng đó có Đò Rừng, Chùa Rừng… Nhưng do lòng yêu nước nên người ta cứ truyền tụng ra Đầu Gỗ là nơi giấu gỗ… Giống như thế, Vạ Cháy là bãi thui thuyền của dân chài, có người viết sách nói rằng đây là nơi đốt lửa nghi binh trong chiến thắng Vân Đồn – Cửa Lục thời Trần, nhưng hỏi tác giả là căn cứ vào đâu thì tác giả thú thực rằng “mình phán đoán như vậy”. Nhân đây, cũng xin nói thêm: một số người hay gọi sai hoặc tùy tiện giải thích các địa danh. Hang Bồ Nông – nơi chim bồ nông làm tổ và tránh bão bị gọi thành hang Bồ Nâu, chẳng có ý nghĩa gì. Hang trống là hang xuyên thủng qua núi lại có người viết là gõ vào đá có tiếng trống. Cửa Lục là cửa biển đi ra biển Lục Hải – tên cổ của vịnh Hạ Long – lại có người nói là cửa của sáu con sông. Cọc Năm là một trong những cây cọc Công ty than Bắc Kỳ thuộc Pháp (SECT) cắm mốc chia ranh đất mua của triều đình Nguyễn (theo văn tự năm 1884) lại bị hiểu là cột cây số thành Cột Năm, mà từ đó có thêm Cột Ba, Cột tám… Hòn Gạc trong vụng Cửa Lục, khi trong văn tự mua bán vùng mỏ tên Hòn Gạc chữ Pháp viết không có dấu thành Hòn Gấc, và suy đoán tên Hòn Gai đúng ra là Hòn Gấc. Hòn Gai là đảo nhiều bụi gai, người Pháp lúc đầu dịch là Ile des brouilles – đảo có nhiều cây gai, sau phiên âm thành Hon Gay, từ đó có cách đọc Hồng Gai, Hòn Gai, Hòn Gay… Kết luận -Tên các đảo nói riêng và tên địa danh nói chung đã hình thành trong suốt chiều dài lịch sử. Bản thân nó là một loại hình văn hóa phi vật thể. Nó phản ánh tri thức và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên nên nó có giá trị về nhiều mặt. Nó vừa là lịch sử ngôn ngữ vừa là lịch sử của quá trình lao động, khai phá và sinh sống, gìn giữ và chiến đấu, yêu thương và gắn bó của các thế hệ nối tiếp. Các địa danh sàng lọc qua thời gian, có biến hóa và bổ sung để truyền lại cho đến nay luôn gắn liền với các vật thể. Vật thể nào không còn thì địa danh cũng gần mai một. Ngược lại có thêm hiện tượng, sự kiện, địa chỉ thì có địa danh mới. Chính vì ý nghĩa nhiều mặt và vô giá đó, ta phải trân trọng nó hết sức thận trọng trong ứng xử. Trong vùng vịnh Hạ Long có nhiều đảo chúng tôi chưa cắt nghĩa được, chẳng hạn như Vông Viêng, Xà Cong, Hủ Lạng, Hủ Ngàn, Bề Hen… Chắc chắn nó phải bắt nguồn từ một cái gì đó mà vốn kiến thức của mình quá nông cạn, không hiểu nổi. nói điều này để xin có kiến nghị rằng: Những từ thuần Việt nên cố giữ, dù chưa hiểu nó. Nếu có đổi tên) thì chủ yếu là tên đảo và các địa danh không phải ngôn ngữ Việt, nay lại xa lạ với cuộc sống hiện tại (chẳng hạn như một loạt địa danh trên đảo Cô Tô, nơi này chỉ có người Việt). Một kiến nghị nữa là các cấp chính quyền nên khuyến khích việc làm sáng tỏ các địa danh. Rất cần những công trình nghiên cứu xuất bản giới thiệu các địa danh để phát huy giá trị nhiều mặt của địa danh, hạn chế những giải thích tùy tiện gây phản ứng tác dụng. Trên đây là những ý kiến còn vội vàng và nông cạn, chắc chắn có nhiều chỗ sai rất mong nhận được sự chỉ giáo.. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com