Tìm hiểu sự hình thành và phát triển của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Quảng Nam (phần 1) * Thích Giải Nghiêm Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh là một trong những chi nhánh của dòng Thiền Lâm Tế tại Trung Hoa. Dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh được Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo khai sáng vào những năm cuối thế kỷ XVII tại chùa Chúc Thánh tỉnh Quảng Nam. Vì thế, dòng Thiền này còn có tên gọi khác là Thiền phái Minh Hải – Pháp Bảo…
A. DẪN NHẬP 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI: Đàng Ngoài-Đàng Trong, một giai đoạn bi ai của lịch sử dân tộc Việt Nam. Sự phân chia đất nước kéo dài trên 170 năm với 7 lần hưng binh đánh nhau khiến cho muôn dân đồ thán. Cục diện huynh đệ tương tàn của hai nhà Trịnh -Nguyễn chưa kết thúc thì tiếp đến cuộc chiến tranh nông dân Tây Sơn lại nổi lên. Tiếng binh reo, ngựa hý, gươm khua không bao giờ ngớt trên đất mẹ Việt Nam thân yêu trong suốt 200 năm. Thế nhưng, trong suốt hai thế kỷ ấy, Phật giáo tại Đàng Ngoài cũng như Đàng Trong lại hưng thịnh và phát triển. Cũng thật dễ hiểu, đạo Phật là đạo của Từ Bi và Trí Tuệ, sự phát triển của Phật giáo đã xoa dịu nỗi đau thương của dân tộc do chinh chiến gây nên. Ở Đàng Ngoài, Phật giáo đã có một quá trình du nhập, định hình nên dễ dàng thuận lợi trong việc ổn định và phát triển. Còn Đàng Trong là một vùng đất mới, được hình thành bởi chủ trương Nam tiến của vua Lê Thánh Tông cho đến các chúa Nguyễn, tuy chưa được ổn định nhưng Phật giáo lại rất hưng thịnh. Tại nơi đây, các dòng Thiền được truyền bá và phát triển mạnh mẽ, trong đó có Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh là một trong những chi nhánh của dòng Thiền Lâm Tế tại Trung Hoa. Dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh được Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo khai sáng vào những năm cuối thế kỷ XVII tại chùa Chúc Thánh tỉnh Quảng Nam. Vì thế, dòng Thiền này còn có tên gọi khác là Thiền phái Minh Hải – Pháp Bảo. Kể từ khi Tổ sư Minh Hải khai sơn xuất kệ truyền thừa, Thiền phái Chúc Thánh đã trải trên 300 năm hình thành và phát triển. Trong suốt chuỗi thời gian song hành cùng dân tộc, các Thiền sư thuộc Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã đem ý chỉ của Tổ truyền bá khắp mọi nơi và góp vào lịch sử Phật giáo Việt Nam những trang sử vàng son châu ngọc. Ngày nay, Thiền phái Chúc Thánh có mặt khắp các tỉnh miền Trung và Nam Việt Nam, thậm chí còn phát triển mạnh tại các nước Âu – Mỹ. Với một Thiền phái lớn như vậy, nhưng các nhà viết sử Phật giáo Việt Nam lại ít đề cập đến, nếu có cũng chỉ vài nét khái lược. Không muốn bị lãng quên bởi thời gian, nhằm khẳng định lại vị thế và những cống hiến tích cực của Thiền phái Chúc Thánh trong dòng sử Phật Việt nên người viết đã chọn đề tài này để làm luận văn tốt nghiệp. Đây cũng là một việc làm mang tính chất “Ẩm Thủy Tư Nguyên" của hàng con cháu đối với các bậc Tổ sư trong Tông Môn đã dày công giáo hóa. Đồng thời, cũng là tâm nguyện của người viết thực hiện theo di ý của Bổn Sư, ngõ hầu báo đáp thâm ân giáo dưỡng trong muôn một. 2. NHỮNG TÁC PHẨM NGHIÊN CỨU TRƯỚC ĐÂY: Từ trước đến nay, đã có một số tác phẩm đề cập đến Tổ sư Minh Hải và dòng Thiền Chúc Thánh, chẳng hạn như: Việt Nam Phật giáo sử luận (tập II) của Nguyễn Lang, NXB Văn Học Hà Nội,1992; Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Thích Minh Tuệ, Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh,1993; Việt Nam Phật giáo sử lược của Mật Thể, NXB Thuận Hóa – Huế, 1993; Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức, NXB TP.HCM, 1995; Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam (giáo trình lưu hành nội bộ) của Chơn Phát, 1998. Trong những tác phẩm này, chỉ có cuốn Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức là đề cập nhiều đến Thiền phái Chúc Thánh. Nhưng rất tiếc, những sử liệu ông đưa ra vẫn còn nhiều điều cần phải bàn. Gần đây, thầy Thích Hạnh Thiện với luận văn “Thiền sư Minh Hải và Tổ đình Chúc Thánh”, đề tài tốt nghiệp Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế – Khóa I (1997 – 2001) cũng rất công phu. Tuy nhiên, Thầy chỉ giới hạn nơi Tổ sư Minh Hải và Tổ đình Chúc Thánh chứ chưa đi sâu, làm sáng tỏ hơn những đóng góp của Thiền phái Chúc Thánh đối với lịch sử Phật giáo Quảng Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Qua những công trình của người đi trước, chúng tôi xin trân trọng cám ơn và ghi nhận. Bởi lẽ, những tư liệu này giúp ích rất nhiều cho việc tham khảo và cũng là nguyên nhân để chúng tôi thực hiện luận văn này. 3. PHẠM VI NGHIÊN CỨU: Theo như đề tài của luận văn, người viết chỉ đề cập đến quá trình hình thành và phát triển của Thiền phái Chúc Thánh tại Quảng Nam. · Về mặt thời gian: Từ những năm đầu khi Ngài Minh Hải-Đắc Trí-Pháp Bảo đời 34 Lâm Tế khai sơn Chúc Thánh cho đến thế hệ truyền thừa đời 43, 44 của Thiền phái này. Như vậy, khoảng thời gian này kéo dài từ cuối thế kỷ XVII đến những năm cuối thế kỷ XX. · Về mặt không gian: đề tài giới hạn trong phạm vi tỉnh Quảng Nam, là nơi phát tích của Thiền phái Chúc Thánh. · Trong chương 3, người viết xin được tóm lược vài nét về sự truyền thừa, ảnh hưởng của Thiền phái Chúc Thánh đối với sinh hoạt của Phật giáo tại các tỉnh miền Trung và Nam Việt Nam cũng như Hải ngoại. Từ đó, nói lên được tầm quan trọng cũng như những đóng góp của dòng Thiền này đối với Đạo pháp và Dân tộc. 4. NGUỒN TƯ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU: Nguồn tư liệu, đây là vấn đề ưu tư và nan giải của người viết. Bởi lẽ, xưa nay chư Tổ của Thiền phái với tư tưởng “Nhạn vô lưu tích chi ý” nên không chú trọng đến việc ghi lại sử liệu. Có chăng cũng chỉ còn lại một vài văn bia bằng đá ghi lại tiểu sử các vị Tổ hay bia công đức ở rải rác một số chùa trong tỉnh. Phương pháp nghiên cứu là kết hợp giữa nghiên cứu văn bản và nghiên cứu điền dã. Nghĩa là người viết cố gắng sưu tầm tất cả những sử liệu liên quan đến Thiền phái Chúc Thánh nằm rải rác khắp nơi. Đồng thời đi khảo sát thực tế tại một số chùa và tham vấn các vị trưởng lão trong môn phái. Từ đó, hệ thống lại, đối chiếu phân tích để có thể đưa ra một sự chuẩn xác theo yêu cầu của đề tài. 5. ĐÓNG GÓP CỦA ĐỀ TÀI. Đề tài này sẽ có những đóng góp cụ thể như sau: a. Xác định hành trạng của Tổ sư Minh Hải cũng như quá trình khai sơn chùa Chúc Thánh để tránh những hiểu lầm, suy luận không căn cứ của một số vị khi tìm hiểu về Tổ sư Minh Hải và Thiền phái Chúc Thánh. b. Phác họa lại quá trình hình thành, phát triển và những đóng góp tích cực của Thiền phái Chúc Thánh đối với Đạo pháp và Dân tộc. Từ đó, khẳng định lại tầm quan trọng và vị trí của Thiền phái này trong dòng chảy của lịch sử Phật giáo Việt Nam. c. Với tinh thần “Ôn cố tri tân”, tìm hiểu về cội nguồn của Tông phong Pháp phái để soi gương cổ đức mà nhìn lại chính mình. Đồng thời, người viết mong rằng, luận văn sẽ là tiền đề sơ khởi để về sau có thể đi sâu hơn nữa trong lãnh vực nghiên cứu này. Tập luận văn này hoàn thành một phần nào đó đánh giá quá trình 4 năm theo học tại Học Viện Phật Giáo Tp. Hồ Chí Minh. Trong khoảng thời gian này, chúng tôi nhận được rất nhiều sự trợ duyên từ chư Tôn đức Tăng Ni cũng như quý đạo hữu Phật tử. Qua đây, chúng tôi cũng xin chân thành cảm niệm và nhớ mãi những thắng duyên ấy. Đồng thời, người viết xin trân trọng tri ân giáo sư Nguyễn Khắc Thuần đã tận tình hướng dẫn để tập luận văn này được hoàn thành như ý nguyện.
Chư Trưởng Lão môn phái Chúc Thánh Minh Hải Bình Định tại Chùa Hưng Khánh — oo 0 oo — CHƯƠNG 1 THIỀN SƯ MINH HẢI VÀ SỰ KHAI SÁNG 1.1 BỐI CẢNH QUẢNG NAM NỬA CUỐI THẾ KỶ XVII. 1.1.1 Khái Quát Quá Trình Hình Thành Tỉnh Quảng Nam. Kể từ độ cha ông mang gươm đi mở nước với chủ trương Nam tiến, cánh chim Lạc đã sải cánh bay mãi vào phương Nam đến tận Hà Tiên-Rạch Giá. Một trong những vùng đất đầu tiên sáp nhập vào bản đồ Đại Việt chính là tỉnh Quảng Nam. Mảnh đất “chưa mưa đã thấm” này đã ghi lại những dấu chân hoang sơ của người Việt trong suốt thời gian mở mang bờ cõi. Sau cuộc hôn nhân của Huyền Trân công chúa với vua Chiêm là Chế Mân vào năm 1308, lãnh thổ Đại Việt mở rộng đến Quảng Bình và Quảng Trị. Đến thời nhà Hồ (1400-1407), sau khi thương thảo thì vua Chiêm nộp thêm đất Chiêm Động và Cổ Lũy, tức là Quảng Nam ngày nay. Vua Hồ Quý Ly chia đất này thành bốn châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa rồi đặt lộ Thăng Hoa thống lãnh bốn châu ấy. Đến thời vua Lê Thánh Tông, Hồng Đức năm thứ 2 đã Tổ chức lại hành chánh các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; đồng thời đặt làm Đạo thừa tuyên Quảng Nam. Danh từ Quảng Nam bắt đầu có tên trên bản đồ Đại Việt từ lúc ấy. Vào thế kỷ XV, Đạo thừa tuyên Quảng Nam có diện tích từ phía Nam Thuận Hóa vào đến núi Thạch Bi ở Phú Yên bao gồm 4 phủ 14 huyện [14,35]. Sau đó, vào năm 1490 đổi lại là xứ Quảng Nam, năm 1520 gọi là trấn Quảng Nam và đến khi Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm 2 xứ Thuận-Quảng thì đổi lại là dinh Quảng Nam. Sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long đổi lại là Trực lệ Quảng Nam thuộc kinh sư. Đến năm 1832, vua Minh Mạng đổi thành tỉnh Quảng Nam. Sau Cách mạng tháng 8-1945 và đến năm 1975 thì Quảng Nam Đà Nẵng có 12 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố. Đến năm 1997 tách tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng thành 2 đơn vị: tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam gồm có 12 huyện và 2 thị xã [14, 84]. Như vậy, kể từ khi sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt và có tên gọi Quảng Nam, tính đến nay tỉnh Quảng Nam đã có trên 500 năm lịch sử. Trải qua bao sự hưng phế, thịnh suy của các triều đại cũng như các chính thể và tùy theo sự phân chia địa lý hành chính mà diện tích tỉnh Quảng Nam có khi rộng, khi hẹp. Tuy vậy, Quảng Nam vẫn lại là Quảng Nam chứ không thay đổi tên gọi nào khác và mảnh đất này có vị trí rất đặc biệt trong tiến trình mở nước của lịch sử dân tộc. Ngày hôm nay, Quảng Nam được coi như là vùng đất trung tâm của hai đầu Tổ quốc. Nhưng cách đây khoảng 3 thế kỷ, Quảng Nam là biên giới phía Nam của Đại Việt, một vùng đất mà mỗi khi nghe nhắc đến thì người dân tại các đạo thừa tuyên Thanh Hóa, Nghệ An thường than thở: “Dậm chân xuống đất kêu trời Như vậy, Quảng Nam là mảnh đất “đầu sóng ngọn gió” trong những năm đầu thế kỷ XVII và suốt cả cục diện Đàng Ngoài-Đàng Trong. Về địa hình, Quảng Nam có bờ biển chạy dài từ Bắc đến Nam, sau lưng là dãy Trường Sơn sừng sững án ngữ suốt cả một vùng biên giới Việt-Lào. Do Quảng Nam có một vị trí quan trọng nên được các chúa Nguyễn quan tâm lưu ý. Dưới thời các chúa Nguyễn, Quảng Nam được coi như là kinh đô thứ hai sau Thuận Hóa. Vì thế, các chúa Nguyễn đều cho các Thế tử vô trấn nhậm Quảng Nam một thời gian trước khi chính thức nối ngôi Chúa. Về chính trị, Quảng Nam là một trung tâm hành chánh nối liền phủ Chúa đến các tỉnh mới lập ở phía Nam cũng như giao lưu quốc tế. Về quân sự, Quảng Nam có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong việc phòng thủ chánh dinh Thuận Hóa cũng như mở mang bờ cõi. Thời bấy giờ, dinh trấn Thanh Chiêm-Quảng Nam là căn cứ quân sự thủy lục hùng mạnh nhất của chúa Nguyễn. Từ căn cứ này, thủy quân dễ dàng tiếp cứu Quảng Bình khi có quân Trịnh xâm lấn và ngăn chặn tàu nước ngoài quấy nhiễu vùng biển. Cũng từ đây, bộ quân dễ dàng hành quân hỗ trợ cho các cuộc Nam tiến. Về phương diện ngoại giao, kinh tế, văn hóa thì hải cảng Hội An thuộc dinh Quảng Nam là một trong những thương cảng phồn thịnh bậc nhất Đàng Trong thời bấy giờ. Đây là nơi giao lưu văn hóa giữa các quốc gia trong vùng và các nước phương Tây. Nơi đây là nơi mà các đoàn ngoại giao nước ngoài đến nghỉ chân để tiếp tục ra Thuận Hóa gặp nhà Chúa. Các nhà văn hóa lớn nước ngoài có ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam như Hòa thượng Thạch Liêm (1633-1704), học giả Chu Thuấn Thủy (1600-1682), giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1593-1660) v.v… đều đến ngụ Hội An một thời gian và đánh giá vùng đất này có tiềm năng về mọi mặt, là cửa ngõ quan trọng của Đại Việt. 1.1.2 Tình Hình Chính Trị Xã Hội: Sau cái chết của Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng lo sợ cho số phận của mình nên đến vấn kế Nguyễn Bỉnh Khiêm. Với tám chữ ngắn gọn “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, Trạng Trình đã mở cho Nguyễn Hoàng một con đường sống, không những vậy mà còn tạo dựng nên một cơ nghiệp lâu dài về sau. Tháng 10 năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông phong tước Đoan quận công và cử vào trấn nhậm đất Thuận Hóa. Đến năm 1570, Ông được nhà vua cho kiêm lãnh trấn thủ Quảng Nam. Từ đó, Nguyễn Hoàng ra sức chiêu hiền đãi sĩ, mộ phu khai hoang vùng đất mới này. Với những chính sách đối nội và đối ngoại khôn khéo, chúa Tiên-Nguyễn Hoàng đã dần dần biến hai xứ Thuận-Quảng thành một vùng đất trù phú. Ông được sử sách ca ngợi như sau: “Đoan quận công vũ trị vài mươi năm, chính trị khoan hòa, thường ra ân huệ, dùng pháp luật công bằng, răn giới bản bộ, cấm trấp kẻ hung dữ, dân hai trấn cảm mến ân đức, dời đổi phong tục, chợ không hai giá, dân không ăn trộm, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến buôn bán, quân lệnh nghiêm túc, mọi người đều cố gắng, vì vậy không ai dám dòm ngó, dân trong xứ đều được an cư lạc nghiệp” [7,115-116]. Kế nghiệp chúa Tiên-Nguyễn Hoàng (1558-1613), các vị chúa anh minh của họ Nguyễn như: chúa Sãi-Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635); chúa Thượng- Nguyễn Phúc Lan (1635-1648); chúa Hiền-Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) v.v…đã củng cố thế lực của mình, dần dần tạo thành cục diện đối lập với thế lực họ Trịnh ở phương Bắc mà lịch sử gọi là Đàng Ngoài-Đàng Trong. Với chủ trương nhất quán “Nam tiến, Bắc cự”, các chúa Nguyễn đã khiến cho họ Trịnh phải lấy sông Gianh phân chia biên giới, đồng thời lãnh thổ Đàng Trong được mở rộng vào vùng đất phương Nam. So với Đàng Ngoài, tình hình chính trị xã hội tại Đàng Trong tương đối ổn định hơn. Ở vùng đất mới này, với chính sách khoan dung của Chúa Nguyễn nên xã hội không có sự phân tầng rõ rệt như của họ Trịnh. Khôn khéo trong chính trị đã đưa lại một kết quả khả quan là lãnh thổ vẫn mở rộng vào miền Nam nhưng không có một cuộc xung đột nào đáng kể. Với chính sách mở rộng, thông thoáng trong ngoại giao, các chúa Nguyễn đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các thương gia nước ngoài vào Đàng Trong buôn bán. Thương cảng Hội An là một trong những trung tâm kinh tế thương mại phồn thịnh thời bấy giờ. Nơi đây, có thể được coi là con đường tơ lụa trên biển nối liền Đại Việt với các nước trong khu vực cũng như các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha v.v…. Sự phồn thịnh ấy được ghi nhận như sau: “Nhân dân đông đúc, cá tôm rau quả tập hợp mua bán suốt ngày. Thuốc Bắc hay các món hàng khác, tìm mua ở Thuận Hóa không có thì người mua vào mua ở đây” [12,154]. Về nông nghiệp, các chúa Nguyễn cho quan lại đứng ra chiêu mộ dân đi khai khẩn cũng như dùng quân đội đồn trú để khai hoang. Điều này đã đem lại một kết quả rất khả quan: “Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, các chúa Nguyễn đã biến nhiều vùng đất hoang thành ruộng đồng tươi tốt, thành xóm làng trù mật và từng bước nâng cao mức sống của nhân dân” [22, 286]. Lúc bấy giờ tại Trung Quốc, bộ tộc Mãn Châu từ phương Bắc tràn xuống đánh chiếm Trung Nguyên, lật đổ nhà Minh lập ra vương triều Mãn Thanh. Các cựu thần nhà Minh không chịu thần phục nhà Thanh nên đã bỏ nước ra đi. Mảnh đất Đại Việt trở thành điểm đến của những người Trung Hoa vong quốc. Tại Đàng Ngoài, các chúa Trịnh dè dặt trong vấn đề cho người Hoa cư ngụ. Trái lại, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong ưu đãi để người Hoa định cư và cho họ thành lập từng làng sống theo cộng đồng. Vì thế, các làng Minh Hương được thành lập nhiều nơi ở Huế, Hội An, Gia Định v.v…và những người Hoa đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế cũng như mở mang bờ cõi. Cụ thể như các tướng nhà Minh là Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình lập ra Cù Lao Phố, Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến lập ra Mỹ Tho Đại Phố, Mạc Cửu cũng đã đem đất Hà Tiên sáp nhập vô lãnh thổ Đại Việt dưới sự cai trị của chúa Nguyễn. Tóm lại, từ khi mới thành lập cho đến những năm cuối thế kỷ XVII, tình hình chính trị Đàng Trong tương đối ổn định, lãnh thổ mở rộng về phương Nam, kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện. Sự ổn định đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo phát triển, trong đó Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tư tưởng của người dân ở Đàng Trong. 1.1.3 Thái Độ Của Các Chúa Nguyễn Đối Với Phật Giáo. Kể từ khi vào trấn nhậm hai xứ Thuận-Quảng, chúa Tiên-Nguyễn Hoàng cũng như các Chúa về sau đều là những người sùng mộ Phật pháp. Dưới sự hộ trì của nhà Chúa, Phật giáo tại Đàng Trong phát triển rất mạnh. Tuy rằng các Chúa không lấy Phật giáo làm quốc giáo như thời Lý-Trần, nhưng lại lấy Phật giáo làm chỗ dựa cho chính sách an dân trị quốc. Vì sao các chúa Nguyễn lại để tâm đến việc phát triển Phật giáo? Sau đây là hai nhận xét của các nhà nghiên cứu sử sẽ cho chúng ta thấy được phần nào của vấn đề: “Quá trình tạo lập xứ Đàng Trong cũng là quá trình liên tục Tổ chức khẩn hoang. Lực lượng khẩn hoang đông đảo nhất chính là những người nông dân nghèo khổ. Họ không có điều kiện để cho con em tới trường, và với số ít ỏi có điều kiện thì đạo thánh hiền mà Nho gia rất mực tôn kính, trong họ cũng đã dần dần bớt thiêng. Họ tìm đến những gì phù hợp hơn, thiết thực vỗ về và an ủi họ khi đối mặt với vùng đất mới bao la và dữ dội. Họ cần trước hết là những bài học về đức làm người, cụ thể, giản dị và sinh động chứ không phải là (bởi vì cũng khó có thể là) sự nghiền ngẫm thiên kinh vạn quyển với vô số những triết lý cao siêu. Và, Phật giáo với đội ngũ các nhà tu hành giàu nhiệt huyết nhập thế một cách tích cực đã mau chóng đáp ứng được điều này. Ở đâu có đất mới được mở ra là ở đó có chùa mới dựng. Tiếng chuông chùa và tiếng tụng kinh chẳng khác gì lời ru êm ái đối với một xã hội lầm lũi” [21, 156]. Nhà sử học Li Tana cũng nhận xét như sau:“Trong tình hình mới này, các nhà lãnh đạo họ Nguyễn cảm thấy cần phải đưa ra một cái gì đó khác với tín ngưỡng của người Chăm để củng cố các di dân người Việt về mặt tinh thần và tâm lý. Không thể sử dụng Khổng giáo vì những khẳng định cơ bản của Khổng giáo trực tiếp mâu thuẫn với vị trí của họ Nguyễn bị coi là một chế độ ly khai và nổi loạn đối với triều đình. Tuy nhiên, họ Nguyễn lại không dám đi quá xa và không dám tìm ra một giải pháp hoàn toàn khác biệt với truyền thống của người Việt ở phía bắc. Trong những hoàn cảnh đó, Phật giáo Đại Thừa đã cung cấp một giải pháp đáp ứng nhu cầu của họ Nguyễn. Phật giáo, một mặt đẩy mạnh bản sắc dân tộc của người Việt và mặt khác làm lắng động các mối lo âu của người di dân mà không đặt lại vấn đề về tính hợp pháp của những người cai trị” [13, 194]. Trở lại bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, chúng ta thấy những điều mà các chúa Nguyễn làm là hoàn toàn phù hợp với tình hình chính trị thực tại. Trong giai đoạn đầu của cuộc Nam tiến, những người Việt di cư sống lẫn lộn với người Chăm. Lúc ấy, văn hóa của người Chăm vẫn còn nhiều và đôi lúc ảnh hưởng đến người Việt. Vì lẽ đó, người Việt phải tìm về với cội nguồn văn hóa của mình để an ủi trong những lúc xa xứ. Lúc này, nếu đem Nho giáo ra áp dụng thì không phù hợp. Bởi lẽ, những người dân Việt đã chán ngán với tư tưởng hủ lậu của Nho giáo đã gò bó họ bao đời. Vả lại Nho giáo hoàn toàn xa lạ với văn hóa người Chăm nên dễ đưa đến sự xung đột tôn giáo, ảnh hưởng đến sự cai trị của nhà Chúa. Chỉ có Phật giáo Đại Thừa mới thỏa mãn được nhu cầu của cả hai bên. Vì Phật giáo Đại Thừa với tư tưởng khoáng đạt không chấp nê sự chính thống hay phản nghịch của chúa Nguyễn. Các nhà sư Phật giáo với sự nhập thế tích cực đã đem lại niềm an lạc trong đời sống tinh thần của những người Việt di cư. Thêm vào đó, Phật giáo Đại Thừa có những sự tương đồng trong việc thờ tự của người Chăm nên họ không cảm thấy bỡ ngỡ khi tiếp cận. Qua đây, ta thấy các chúa Nguyễn dựa vào Phật giáo để trị nước là hoàn toàn phù hợp. Xuất phát từ nguyên nhân trên, cộng với tâm đạo của mình, các chúa Nguyễn đã trùng kiến và xây dựng rất nhiều chùa trên hai xứ Thuận-Quảng. Năm 1601, chúa Tiên-Nguyễn Hoàng cho trùng tu chùa Thiên Mụ [1,72-73]. Năm 1602, khi đi lạc thành chùa Thiên Mụ, Chúa lại phát nguyện trùng tu chùa Sùng Hóa. Năm 1607, Chúa lập chùa Bửu Châu ở Quảng Nam. Năm 1609, Chúa lập chùa Kính Thiên ở xã Thuận Trạch, huyện Lệ Thủy-Quảng Bình. Năm 1665, chúa Hiền-Nguyễn Phúc Tần trùng tu chùa Thiên Mụ. Năm 1667, Chúa lại cho xây dựng chùa Vĩnh Hòa ở cửa biển Tư Dung. Tại lễ khánh thành này, Chúa cho mở đại hội Du Già bảy ngày đêm để tạ ơn Tam Bảo và siêu độ vong linh. Năm 1688, chúa Nghĩa-Nguyễn Phúc Trăn cho trùng tu chùa Vĩnh Hòa. Đồng thời, Chúa còn nhờ Thiền sư Nguyên Thiều về Trung Hoa thỉnh cao tăng, pháp tượng, pháp khí sang hoằng hóa tại Đàng Trong. Năm 1694, Quốc chúa-Nguyễn Phúc Chu thỉnh Hòa thượng Thạch Liêm sang mở đàn truyền giới tại chùa Thiền Lâm -Thuận Hóa. Quốc Chúa quy y với Ngài Thạch Liêm, được đặt pháp danh Hưng Long, hiệu là Thiên Túng đạo nhân. Qua những sự kiện trên, chúng ta có thể thấy rằng: Ngoài chủ trương vận dụng tư tưởng Phật giáo để trị nước, các Chúa Nguyễn thực sự là những người sùng mộ đạo Phật, tôn trọng chư tăng, làm chùa, tạo tượng, đúc chuông v.v… Chính vì lẽ đó mà các Thiền sư từ Trung Hoa đã đến Đàng Trong hoằng hóa. Phật giáo nơi đây thật sự hưng thịnh, đặc biệt là dòng Lâm Tế phát triển rất mạnh tại vùng đất mới này. 1.1.4 Phật Giáo Quảng Nam Trước Khi Thiền Phái Chúc Thánh Ra Đời. Người Việt đi đến đâu là lập chùa thờ Phật đến đó. Đây là một vấn đề tất yếu, bởi lẽ tinh thần Phật giáo đã thấm sâu vào trong tư tưởng tình cảm của mỗi người dân Việt. Vì thế, kể từ khi đất Quảng Nam thành lập, chúng ta đã thấy có bóng dáng của những ngôi chùa cũng như các vị Thiền sư hoằng hóa tại nơi đây. Những ngôi chùa đầu tiên tại xứ Quảng mà chúng ta được biết là chùa Bửu Châu ở Trà Kiệu do chúa Tiên-Nguyễn Hoàng xây dựng vào năm 1607. Ngôi chùa thứ hai là chùa Chiên Đàn tại Hội An do cộng đồng người Hoa xây dựng vào những năm 1653. Chùa này còn có những tên gọi khác như là chùa Di Đà, Quan Âm hay Minh Hương Phật Tự. Trong những năm đầu giữa thế kỷ XVII, Thiền sư Minh Châu-Hương Hải tu học và hoằng hóa tại Quảng Nam. Tổ tiên Ngài vốn người Nghệ An, theo phò chúa Tiên vào định cư tại phủ Thăng Hoa. Ngài sinh năm 1628, thuở thiếu thời là nho sinh nơi cửa Khổng sân Trình, thi đậu ra làm quan tới chức tri phủ huyện Triệu Phong. Năm 1652, Ngài đến thọ giáo với Tổ Lục Hồ-Viên Cảnh và Đại Thâm-Viên Khoan, để rồi 3 năm sau xuất gia với pháp danh Minh Châu-Hương Hải và hiệu là Huyền Cơ -Thiện Giác. Sau đó, Ngài dong thuyền ra đảo Tiêm Bút La (Cù Lao Chàm ngày nay) lập thảo am tu hành. Đạo phong của Ngài đã ảnh hưởng đến mọi tầng lớp nhân dân và được Chúa Nguyễn mời ra Thuận Hóa hoằng pháp: “Một thời gian sau ông đóng thuyền đến Cù Lao Chàm ở ngoài cửa biển Hội An, dựng ba gian am nhỏ để ở và tu trì. Thời gian Thiền sư ở đảo này khoảng chục năm. Tiếng tăm tu Thiền của ông được nhiều người biết đến. Trong số đó có Hoa Lễ Hầu là Tổng thái giám. Hoa Lễ Hầu tâu với Dũng Quốc Công Nguyễn Phúc Tần (1649 – 1687) về Thiền sư và Thiền sư được quốc công mời về trụ trì viện Thiền tịnh ở núi Qui Kỉnh. Mẹ của Nguyễn Phúc Tần và 3 con là Phúc Mỹ, Hiệp Đức và Phúc Tộ đều đến quy y cùng đông đảo quan lính.” [15, 14-15] Rất tiếc là một thời gian sau, chúa Hiền-Nguyễn Phúc Tần nghe theo lời sàm tấu sinh tâm nghi kỵ Ngài. Vì thế, vào tháng 3 năm 1682, Ngài cùng với 50 đồ chúng đóng thuyền vượt biển ra Đàng Ngoài. Đây cũng là một Tổn thất lớn cho Phật giáo Quảng Nam lúc bấy giờ. Vào những năm 1677, Thiền sư Hưng Liên-Quả Hoằng là đệ tử của Ngài Thạch Liêm Hòa thượng từ Trung Quốc sang Đàng Trong giáo hóa. Ngài lập đạo tràng tại chùa Tam Thai núi Ngũ Hành tỉnh Quảng Nam và được Quốc chúa -Nguyễn Phúc Chu phong làm Quốc sư. Năm 1695, sau khi giới đàn tại chùa Thiền Lâm-Thuận Hóa viên mãn, Ngài Thạch Liêm vào Hội An để đón thuyền về lại Quảng Đông. Trong thời gian ngụ lại Hội An, Ngài đã mở đàn truyền giới cho khoảng 300 Tăng tục tại nơi đây: “Tăng tục luôn luôn đến xin truyền giới, nhơn nghĩ còn mười ngày nữa mới khai thuyền, bọn chúng đã thành tâm khẩn cầu, tiếc chi khó nhọc hai ba ngày, không thành tựu cho vẹn toàn công đức; bèn truyền rao xa gần, hẹn đến ngày mồng 7 truyền giới. Đến ngày kỳ hẹn, tứ chúng giới tử hơn 300 người, đến thụ giới hoàn tất. Khiến quốc sư và Hậu đường cấp phát điệp – văn cho họ, mặc khác tư giấy trình Quốc vương xin dùng ấn để đóng kiềm điệp văn.” [12, 158] Điểm qua một vài dữ kiện, ta thấy lúc bấy giờ Phật giáo đã hình thành tại Quảng Nam. Tuy rằng các Ngài Minh Châu, Thạch Liêm giáo hóa nơi đây không lâu nhưng đạo phong của các Ngài ảnh hưởng rất lớn đến mọi tầng lớp nhân dân xứ Quảng. Giới đàn vào ngày mồng 7 tháng 7 năm 1695 tại chùa Di Đà-Hội An đủ để chứng minh rằng người dân xứ Quảng thời bấy giờ phần lớn hướng tâm đến đạo Phật và khát khao tìm cầu giáo pháp. Vì các vị Thiền sư đến rồi đi nên những sinh hoạt Phật giáo tại đây thường gián đoạn không được ổn định. Mãi đến khi Thiền sư Minh Hải-Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh và dòng Thiền Chúc Thánh thành lập thì Phật giáo Quảng Nam mới ổn định và phát triển mạnh. 1.2 THIỀN SƯ MINH HẢI VÀ SỰ KHAI SÁNG THIỀN PHÁI CHÚC THÁNH. 1.2.1 Sự Ra Đời Của Thiền Phái Chúc Thánh. Như trên đã trình bày, trước khi Thiền phái Chúc Thánh ra đời, tại Quảng Nam đã có nhiều vị Thiền sư danh tiếng giáo hóa như: Minh Châu, Thạch Liêm, Hưng Liên v.v. Tuy nhiên, các Ngài chỉ trụ một thời gian rồi ra đi. Ngài Minh Châu cùng với 50 đệ tử vượt biển ra Đàng Ngoài vào tháng 3 năm Nhâm Tuất (1682). Có thể sợ bị liên lụy nên không một vị đệ tử nào của Ngài ở lại Quảng Nam tiếp tục giáo hóa. Vì thế, sự ảnh hưởng của Ngài mau chóng phôi phai theo năm tháng. Kế đến là hai thầy trò Ngài Thạch Liêm và Hưng Liên của dòng Tào Động. Ngài Thạch Liêm qua chỉ một thời gian ngắn, còn Ngài Hưng Liên được phong Quốc sư và trụ tại chùa Tam Thai. Tuy nhiên, sau khi Ngài Thạch Liêm về nước và Ngài Hưng Liên viên tịch thì sự truyền thừa của dòng Tào Động tại Quảng Nam xem như không còn. Điều này có hai lý do giải thích như sau: · Thứ nhất, Ngài Thạch Liêm và Hưng Liên đều là những vị tài giỏi nhưng tầm ảnh hưởng của các Ngài chỉ trong nội vi nhà Chúa và giới lãnh đạo mà thôi, chứ chưa có sự ảnh hưởng lan rộng trong lòng quần chúng Phật tử. · Thứ hai, sau khi Ngài Hưng Liên viên tịch, các đệ tử của Ngài không có ai có đủ khả năng kế thừa Ngài để phát triển tông phong. Vì lẽ đó, dòng Tào Động cũng mai một và không còn dấu tích trên đất Quảng. Sự hoằng hóa của các Thiền sư kể trên đã làm cho người dân đất Quảng thấm nhuần Phật pháp. Nhưng các Ngài tùy duyên giáo hóa, chợt đến chợt đi khiến cho người con Phật nơi đây cảm thấy hụt hẫn, thiếu thốn. Chính vì lẽ đó, khi Thiền sư Minh Hải quyết định trụ lại Quảng Nam hoằng hóa đã đáp ứng được niềm khát khao mong đợi của đa số tín đồ quần chúng. Nếu như các Ngài Minh Châu, Thạch Liêm là người có công xây dựng nền móng thì Ngài Minh Hải là người có công kiến tạo tòa nhà Phật giáo Quảng Nam. 1.2.2. Lược Sử Thiền Sư Minh Hải. Thiền sư Minh Hải (1670-1746) thế danh Lương Thế Ân, sinh vào giờ Tuất, ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất (1670) tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Thân phụ là Lương Đôn Hậu, thân mẫu là Trần Thục Thận, Ngài là người con thứ hai trong gia đình. Năm Mậu Ngọ (1678), khi vừa lên 9 tuổi, Ngài được song thân đưa đến xuất gia tại chùa Báo Tư thuộc tỉnh Phước Kiến. Sau một thời gian dài tu học, khi tuổi tròn 20, Ngài được đăng đàn thọ cụ túc giới với pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo. Như vậy, Ngài nối pháp đời 34 dòng Lâm Tế truyền theo bài kệ của Ngài Vạn Phong-Thời Ủy. Năm Ất Hợi (1695), Ngài cùng với các Ngài Minh Vật-Nhất Tri, Minh Hoằng-Tử Dung, Minh Lượng-Thành Đẳng v.v… trong hội đồng thập sư cùng Hòa thượng Thạch Liêm theo lời thỉnh cầu của chúa Nguyễn Phúc Chu sang An Nam truyền giới. Phái đoàn xuống thuyền tại bến Hoàng phố và cập bến Hội An vào ngày 28 tháng Giêng năm Ất Hợi (1695). Sau đó, đoàn ra Thuận Hóa, được chúa Nguyễn Phúc Chu đón tiếp trọng thể và thỉnh về ngụ tại chùa Thiền Lâm. Ngày mồng 1 tháng 4 năm Ất Hợi (1695), giới đàn khai mở do Ngài Thạch Liêm làm Đàn đầu Hòa thượng. Giới đàn truyền các giới Sa Di, Tỳ Kheo và Bồ Tát cho 1400 giới tử trong đó có cả các vương hầu khanh tướng. Đặc biệt, chúa Nguyễn Phúc Chu được truyền riêng một đàn giới và Hòa thượng đàn đầu đã ban cho pháp danh là Hưng Long. Sau khi giới đàn thành tựu, ngày 28 tháng 6 năm Ất Hợi (1695), phái đoàn trở vào lại Hội An để chờ thuyền về nước. Tại Hội An, đoàn trú ở chùa Di Đà (sau này đổi tên là Chiên Đàn) và thể theo lời thỉnh cầu của chư Tăng cũng như bổn đạo, Ngài Thạch Liêm lập đàn truyền giới cho 300 giới tử. Ngày 19, đoàn rời Hội An ra Cù Lao Chàm, lên thuyền chờ gió. Ngày 30 thuyền nhổ neo nhưng bị nghịch gió nên phải trở lại Hội An. Ngày 12 tháng 10, chúa Nguyễn mời Ngài Thạch Liêm trở lại Phú Xuân lập đàn cúng Phật truyền giới một lần nữa tại chùa Thiên Mụ. Sau đó đến ngày 24 tháng 6 năm Bính Tý (1696) Ngài Thạch Liêm cùng với phái đoàn trở về Quảng Đông và không qua nữa. Sau khi Ngài Thạch Liêm về nước, một số vị trong phái đoàn ở lại An Nam trác tích khai sơn hoằng hóa như Ngài Minh Hoằng-Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tông ở Thuận Hoá, Ngài Minh Lượng-Thành đẳng khai sơn chùa Vạn Đức-Hội An và Ngài Minh Hải-Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh tại Cẩm Phô-Hội An. Từ những ngày đầu tiên ở nơi mảnh đất đầy cát bụi này, Ngài chỉ lập một thảo am để tịnh tu phạm hạnh. Dần dần hương giới đức của Ngài lan tỏa khắp mọi nơi, ảnh hưởng đạo đức đến người dân phố Hội và các vùng phụ cận nên đồ chúng ngày một quy ngưỡng tham học. Sau gần 50 năm sang An Nam hoằng hóa, đến ngày mồng 7 tháng 11 năm Bính Dần (1746), Ngài gọi đồ chúng đến dặn dò và đọc kệ phú chúc: 原 浮 法 界 空 Âm: Nguyên phù pháp giới không Sau khi phú chúc, Ngài thâu thần thị tịch, trụ thế 77 tuổi. Đồ chúng cung thỉnh nhục thân Ngài nhập bảo tháp trong khuôn viên chùa Chúc Thánh. 1.2.3 Thiền Sư Minh Hải Với Việc Khai Sáng Thiền Phái Chúc Thánh. Sau khi quyết định trụ lại Hội An để hoằng hóa, Tổ Minh Hải khai sơn chùa Chúc Thánh. Để việc truyền thừa có quy củ dài lâu, Ngài xuất kệ truyền pháp như sau:
Bài kệ này bao gồm bốn mươi chữ và được chia ra làm hai phần. Phần đầu gồm 4 câu đầu được dùng để đặt Pháp danh và phần còn lại để đặt Pháp tự. Ngài Minh Hải có pháp danh chữ Minh và Pháp tự là chữ Đắc. Tiếp đến, hàng đệ tử của Ngài theo thứ tự có pháp danh chữ Thiệt và pháp tự chữ Chánh như : Thiệt Diệu-Chánh Hiền, Thiệt Dinh-Chánh Hiển, Thiệt Đăng-Chánh Trí v.v. Chính sự truyền thừa có thứ tự như vậy nên chúng ta dễ dàng nhận ra vị Thiền sư nào là đệ tử Ngài Minh Hải. Bởi vì, cùng thời với Ngài, có rất nhiều vị Thiền sư thuộc đời 34 dòng Lâm Tế với pháp danh chữ Minh theo bài kệ của Ngài Vạn Phong-Thời Ủy hoằng hóa tại Đàng Trong. Các vị này cũng cho đệ tử pháp danh chữ Thiệt theo câu kệ: “Hành Siêu Minh Thiệt Tế”. Nếu không có pháp tự bằng chữ Chánh đứng đầu thì chúng ta khó phân biệt vị nào thọ giáo với Thiền sư Minh Hải. Đây là điểm đặc biệt của dòng Chúc Thánh mà các Thiền phái khác không có. Thiền phái Chúc Thánh là lấy theo tên ngôi chùa Chúc Thánh do Tổ sư Minh Hải khai sơn. Từ đây, sữa Pháp lại được khơi dòng tại đất Quảng, lan tỏa khắp các tỉnh thành, góp phần rất lớn trong sự nghiệp hoằng truyền chánh pháp. Về nội dung của bài kệ, chúng ta có thể hiểu như sau: Ở bài kệ truyền Pháp danh, hai câu đầu là nói về chân đế. Nghĩa là các pháp xưa nay vốn dĩ sáng tỏ tròn đầy, cùng với thể tánh Chơn như không có sự sai biệt. Hai câu sau nói về tục đế, cầu cho Thánh quân sống lâu muôn tuổi và vận nước được dài lâu muôn thuở. Ở bài kệ truyền Pháp tự, hai câu đầu mang ý nghĩa lấy giới luật làm tông, nên tuyên dương giới luật. Ban đầu, Tổ Minh Hải đặt là “Đắc chánh luật vi tông”, nhưng về sau, vì kỵ tên húy của vua Thiệu Trị [18, 17] nên có một số vị trại chữ Tông lại chữ Tuyên (宣) như Chương Tư-Tuyên Văn; Chương Quảng-Tuyên Châu v.v.. hoặc chữ Tôn (尊) như Chương Đạo- Tôn Tùng; Chương Lý- Tôn Sư v.v…. Còn nội dung của hai câu cuối nói đến sự chứng ngộ của hành giả. Về ý nghĩa của hai chữ Chúc Thánh, chúng ta có thể hiểu hai nghĩa như sau: · Đứng về mặt Đạo pháp, là một người trưởng tử của Như Lai, chư Tổ thuở quá khứ cũng như các thế hệ chúng ta ngày nay, ai ai cũng muốn cho chánh pháp cửu trụ thế gian để lợi lạc nhân quần xã hội. Ở đây, Thiền sư Minh Hải lấy hai chữ Chúc Thánh để đặt tên cho ngôi chùa cũng có ý nghĩa như vậy. Thánh ở đây có nghĩa là Thánh đạo, Ngài muốn Thánh giáo luôn luôn tồn tại ở thế giới Ta-bà này để xoa dịu những nỗi thống khổ của kiếp nhân sinh. · Đứng về mặt Dân tộc, mỗi người chúng ta ai cũng muốn có những vị vua anh minh cai trị đất nước, đem lại cảnh hòa bình an lạc cho muôn dân. Vì thế, Chúc Thánh ở đây còn có nghĩa là Chúc cho Thánh quân thọ lâu muôn tuổi để trị vì thiên hạ. Bởi lẽ, giai đoạn Tổ Minh Hải qua Đàng Trong là giai đoạn các chúa Nguyễn anh minh đang trị vì và Đàng Trong đang thời hưng thịnh. Đồng thời, các chúa Nguyễn là những vị nhiệt tâm hộ trì Phật giáo. Họ chính là những vị hộ pháp đắc lực cho chư tăng trong sự nghiệp truyền bá chánh pháp. Qua ý nghĩa hai chữ Chúc Thánh, chúng ta thấy được nơi đây có sự kết hợp hai yếu tố Đạo pháp và Dân tộc. Với hai chữ ngắn gọn, Thiền sư Minh Hải đã gói trọn, dung hòa được cả hai yếu tố quan trọng này. Đồng thời, qua bài kệ truyền pháp, chúng ta thấy được sở ngộ, sở tu của Tổ Minh Hải. Từ sự chứng ngộ siêu xuất đó, ngày nay Thiền phái Chúc Thánh phát triển khắp các tỉnh miền Trung và Nam Việt Nam và sang tận Âu – Mỹ. 1.2.4. Một Vài Nghi Vấn Về Hành Trạng Của Tổ Minh Hải. Cho đến nay, hành trạng của Tổ sư Minh Hải còn có nhiều vấn đề vẫn chưa được làm sáng tỏ. Chẳng hạn Tổ xuất gia với Tổ sư nào tại chùa Báo Tư-Trung Quốc? Đây là vấn đề quan trọng mà vẫn còn nằm trong bức màn bí mật của thời gian. Ở đây, người viết xin được làm rõ một vài nghi vấn về hành trạng của Tổ mà một số sách sử đã ghi nhầm. Tựu trung xoay quanh ba nội dung chính sau: a. Tổ Minh Hải có phải là đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều? Theo Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nguyễn Hiền Đức cho rằng Tổ Minh Hải là đệ tử Ngài Nguyên Thiều? [5, 8] Nhận định ấy có chỗ chưa thỏa đáng. Chúng ta xác định lại vấn đề qua niên đại của Tổ Nguyên Thiều và Tổ Minh Hải. Tổ sư Nguyên Thiều (1648-1728) sinh ngày 18 tháng 5 năm Mậu Tý (1648) tại huyện Trình Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ngài xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Báo Tư với Thiền sư Bổn Khao-Khoáng Viên. Năm Đinh Tỵ (1677), Ngài theo thuyền buôn sang phủ Quy Ninh lập chùa Thập Tháp. Còn Tổ sư Minh Hải, Ngài sinh ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất (1670), tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến. Ngài xuất gia tại chùa Báo Tư khi lên 9 tuổi, tức là năm Mậu Ngọ (1678). Như vậy, khi Ngài Minh Hải mới nhập chúng tu học thì Ngài Nguyên Thiều đã sang An Nam rồi. Vì thế, ta có thể khẳng định Ngài Minh Hải không phải là đệ tử của Tổ Nguyên Thiều, mà có thể Ngài là sư điệt gọi Tổ Nguyên Thiều bằng sư bá hoặc sư thúc. b. Có phải Tổ sư Minh Hải khai sơn chùa Thiên Ấn – Quảng Ngãi? Cũng theo Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nguyễn Hiền Đức cho rằng: vào những năm 1694-1695, Tổ Nguyên Thiều và Tổ Minh Hải có liên quan đến vụ nổi loạn của Linh Vương và Quảng Phú tại Bình Định và Quảng Nam. Vì thế, Tổ Minh Hải vào núi Thiên Ấn đổi pháp danh là Pháp Hóa và khai sơn chùa Thiên Ấn; còn Tổ Nguyên Thiều vào Đồng Nai đổi pháp danh là Siêu Bạch và khai sơn chùa Kim Cang [5,19]. Điều này có đúng không? Chúng ta có thể phân tích qua các yếu tố sau: · Những năm 1694-1695, Tổ sư Minh Hải mới qua An Nam thì làm sao dính líu đến vụ nổi loạn của Linh Vương. Lại nữa, nếu cả hai vị Tổ sư đều dính líu đến Linh Vương thì làm sao Ngài Nguyên Thiều được chúa Nguyễn Phước Trú sắc ban thụy hiệu là “Hạnh đoan Thiền sư”? Và liệu rằng, hàng đệ tử của Tổ Minh Hải như Thiệt Diệu, Thiệt Dinh, Thiệt Thọ v.v.. có thể yên tâm tu học duy trì Chúc Thánh trong khi bổn sư đi lánh nạn? Chúng ta biết rằng, dưới chế độ phong kiến, một người làm loạn, ba họ bị tru di. Huống gì người thầy làm loạn mà học trò sống an ổn như vậy sao? Vì thế, đây là lý do thứ nhất chứng minh Ngài Minh Hải không phải là Tổ khai sơn Thiên Ấn. · Theo bi ký chùa Thiên Ấn, Thiền sư khai sơn thuộc đời 35 dòng Lâm Tế, có pháp danh Phật Bảo, tự là Pháp Hóa, thế danh Lê Diệt. Trên bia mộ có ghi rõ “Tự Lâm Tế Chánh Tông Tam Thập Ngũ Thế Pháp Hóa húy thượng Phật hạ Bảo Hòa Thượng Chi Tháp”Như vậy, vị Tổ sư khai sơn chùa Thiên Ấn thuộc đời 35 truyền theo bài kệ của Ngài Đạo Mân-Mộc Trần. Còn vấn đề Thiền sư Thiệt Úy- Khánh Vân, đệ tử Tổ Minh Hải kế thế Thiền sư Phật Bảo-Pháp Hóa trụ trì chùa Thiên Ấn cũng là lẽ tự nhiên. Thiền sư Thiệt Úy sau khi thọ giáo với Tổ Minh Hải ở Chúc Thánh thì về quê nhà tại Mộ Đức lập chùa Liên Tôn. Đến khi Ngài Phật Bảo viên tịch, vì không có đệ tử kế thừa nên Ngài Thiệt Úy lên kế vị trụ trì Thiên Ấn. Từ đó, chùa Thiên Ấn truyền thừa theo dòng Chúc Thánh và trở thành Tổ đình của chi phái Chúc Thánh tại tỉnh Quảng Ngãi. Qua hai luận giải trên, chúng ta đi đến kết luận rằng: Tổ sư Minh Hải-Pháp Bảo và Tổ sư Phật Bảo-Pháp Hóa là hai và Tổ Minh Hải không phải là người khai sơn Tổ đình Thiên Ấn như xưa nay mọi người ngộ nhận. c. Về hai bài kệ truyền pháp của Thiền sư Minh Hải: Ngoài bài kệ truyền pháp tại Quảng Nam, chư tăng môn phái Chúc Thánh tại Bình Định cũng có một bài kệ truyền pháp như sau:
Nguyên nhân xuất hiện của bài kệ thứ hai này như sau: vào năm 1967, có một học sinh gốc người Hoa đến nộp đơn học tại trường trung học Bồ Đề Nguyên Thiều (Bình Định). Qua lý lịch thì được biết học sinh này có quan hệ thân tộc với Tổ Nguyên Thiều. Theo sự yêu cầu của thầy giám học Thích Đổng Quán, gia đình em này cung cấp một số tư liệu về gia phả Tổ Nguyên Thiều, trong đó có bài kệ này.[19,34] Từ đó, chư Tăng dòng Chúc Thánh tại Bình Định sau chữ Đồng thì truyền xuống chữ Vạn chứ không truyền xuống chữ Chúc. Như vậy, giữa hai bài kệ thì bài nào đích thực là của Tổ Minh Hải phú chúc? Xét nội dung hai bài kệ truyền pháp thì cũng không có gì sai lệch. Nội dung của bài kệ tại Bình Định nói về vạn pháp đều quy về một thể, đó chính là tánh không. Khi nào quán chiếu thấy rõ tâm không, pháp không thì đạt thành chánh quả. Ở đây, nhấn mạnh đến trí tuệ Bát Nhã, nói đến bổn tánh vắng lặng trong mỗi chúng sanh, chỉ vì vọng niệm nên trôi lăn trong sanh tử luân hồi. Giống như mặt trăng bị mây mờ che khuất, khi nào mây tan thì mặt trăng lại lồng lộng tỏa sáng. Tuy nhiên, cả hai bài kệ đều lấy giới luật làm tông, tuyên dương giới luật. Đây chính là điều thiết yếu để đoạn trừ vô minh, bước vào dòng Thánh. Xét về mặt lịch sử truyền thừa, bài kệ tại Tổ đình Chúc Thánh-Quảng Nam được truyền bá rộng rãi hơn. Còn bài kệ tại Bình Định mới phát hiện và được áp dụng truyền thừa trong phạm vi chư Tăng môn phái Chúc Thánh tại Bình Định. Như vậy, chúng ta có thể giả định rằng: lúc đầu Tổ sư Minh Hải làm bài kệ như Hòa thượng Thích Đổng Quán tìm được sau này, nhưng khi truyền pháp, để phù hợp với tên ngôi chùa mình khai sơn cũng như chúc cho minh chúa sống lâu để hộ pháp an dân nên Ngài mới đổi lại như vậy. Đây cũng là phương tiện quyền xảo trong việc hoằng pháp lợi sanh. Nhưng có một điều chúng ta thắc mắc: tại sao bài kệ của Tổ Minh Hải không nằm trong gia phả của dòng họ Ngài mà lại nằm trong gia phả Tổ Nguyên Thiều? Mong rằng, về sau có những công trình nghiên cứu làm sáng tỏ vấn đề này. Như vậy, cả hai bài kệ đều do Thiền sư Minh Hải lưu xuất cả. Tuy nhiên, về sự truyền thừa thì bài kệ tại Tổ đình Chúc Thánh-Hội An có thời gian lâu dài và tầm ảnh hưởng rộng rãi hơn bài kệ tại Bình Định. Dù chư Tăng các thế hệ về sau được đặt pháp danh với chữ Chúc, chữ Thánh hay chữ Vạn, chữ Hữu cũng đều thuộc pháp phái Chúc Thánh-Minh Hải Tổ sư. Tất cả đều một tâm nguyện phụng sự Đạo pháp và Dân tộc theo như tinh thần của chư Tổ từ xưa đến nay. Tóm lại, kể từ khi Tổ Minh Hải khai sơn, xuất kệ truyền thừa, tính đến giữa và cuối thế kỷ XVIII, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã có sự hình thành rõ nét. Sự hình thành này là nền tảng vững chắc để dòng Chúc Thánh phát triển mạnh về sau, góp phần then chốt cho sự phát triển của Phật giáo xứ Quảng. — oo 0 oo — CHƯƠNG 2 QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA 2.1. NGUYÊN NHÂN PHÁT TRIỂN. Kể từ ngày Tổ sư Minh Hải khơi nguồn đạo mạch, đến cuối thế kỷ XVIII các chùa tại tỉnh Quảng Nam đều do các Thiền sư dòng Chúc Thánh đảm nhiệm giáo hóa. Không những thế, tầm ảnh hưởng của dòng Chúc Thánh nhanh chóng lan rộng vào các tỉnh phía Nam như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Định. Với thời gian chưa tới 100 năm mà Thiền phái Chúc Thánh phát triển nhanh chóng như vậy? Chúng ta có thể lý giải vấn đề này qua một số nguyên nhân sau: · Gần 50 năm hoằng hóa, đạo phong của Tổ Minh Hải đã thấm nhuần, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người dân xứ Quảng. Quan trọng hơn, Ngài đã đào tạo một thế hệ kế thừa xứng đáng, đủ khả năng kế nghiệp Ngài xiển dương đạo pháp và phát triển tông môn. Đời thứ 2 của dòng Chúc Thánh có các Ngài Thiệt Dinh, Thiệt Diệu, Thiệt Thọ, Thiệt Đạo, Thiệt Mẫn, Thiệt Gia, Thiệt Lương v.v.. hoằng hóa tại Quảng Nam; Thiệt Úy, Thiệt Uyên hoằng hóa tại Quảng Ngãi; Thiệt Đăng, Thiệt Thuận hoằng hóa tại Bình Định. Đến thế hệ thứ 3 có các Ngài Pháp Liêm, Pháp Chuyên, Pháp Ấn, Pháp Diễn, Pháp Tịnh, Pháp Tràng v.v…đều nhiệt tâm truyền bá chánh pháp làm cho Phật giáo Quảng Nam thêm hưng thịnh, đồng thời tông môn Chúc Thánh nhanh chóng phát triển. · Các Thiền sư dòng Chúc Thánh đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân nên dòng Thiền này nhanh chóng phát triển. Như chúng ta biết, Hội An là chiếc nôi khai sinh của dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Lúc bấy giờ Hội An là một thương cảng trù phú nên có nhiều người ngoại quốc đến sinh sống làm ăn, trong đó cộng đồng người Hoa chiếm đại đa số. Với một lực lượng kế thừa hùng hậu, các Thiền sư dòng Chúc Thánh đã đáp ứng được cả hai cộng đồng người Việt lẫn người Hoa. Các Ngài Thiệt Diệu, Thiệt Thọ, Thiệt Mẫn là người Hoa nên ngụ tại Chúc Thánh đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng người Hoa. Còn Thiền sư Thiệt Dinh ra khai sơn Phước Lâm với sự hỗ trợ của các Ngài Thiệt Đạo, Thiệt Gia đã thu hút sự quy ngưỡng cũng như đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người Việt. Như vậy, trong hàng đệ tử xuất gia của Tổ Minh Hải có cả người Hoa và người Việt. Các vị người Hoa ở Chúc Thánh và các vị người Việt ở Phước Lâm tạo thành hai trung tâm hoằng pháp đầu tiên của dòng Chúc Thánh. · Với tư tưởng phóng khoáng của tông Lâm Tế, cộng với nếp sống giản dị, thanh bần, các Thiền sư dòng Chúc Thánh gần gũi với nhân dân nên dễ dàng tiếp cận đi sâu vào lòng quần chúng. Thời bấy giờ, dân Quảng Nam phần lớn là dân di cư từ Bắc vào. Từ lâu họ đã sống trong tư tưởng gò bó của Nho giáo nên rất chán ngán. Nay có một trào lưu mới với những tư tưởng phóng khoáng, không câu nệ tiểu tiết nên họ nhanh chóng tiếp nhận. Sự giản dị trong cách sống, chân tình trong giao tiếp của các Thiền sư nơi đất Quảng tạo nên sự gần gũi thân mật dễ dàng hòa nhập cùng cộng đồng. Với những nguyên nhân trên, dòng Thiền Chúc Thánh nhanh chóng phát triển tại Quảng Nam. Không những thế, Thiền phái này còn phát triển và ảnh hưởng đến sự sinh hoạt của các tỉnh phụ cận. 2.2. HOẠT ĐỘNG CỦA THIỀN PHÁI CHÚC THÁNH. 2.2.1. Phương Pháp Tu Tập Và Tôn Chỉ Hành Đạo. a. Phương pháp tu tập. Sau Lục Tổ Huệ Năng, Thiền tông Trung Quốc phát triển mạnh và hình thành năm Thiền phái. Danh xưng và tính cách tu tập của năm Thiền phái được tóm gọn qua bài kệ sau: Lâm Tế thống khoái Thiền phái Lâm Tế do Thiền sư Lâm Tế-Nghĩa Huyền (?-867) sáng lập tại Trung Hoa. Sự truyền thừa của tông Lâm Tế đến đời 21 thì Thiền sư Vạn Phong-Thời Ủy chùa Thiên Đồng xuất kệ“Tổ Đạo Giới Định Tông”. Đến đời 31, Ngài Đạo Mân-Mộc Trần chùa Thiên Khai xuất kệ “Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên”. Khi các Tổ Nguyên Thiều, Minh Hải, Minh Lượng sang An Nam thì tông Lâm Tế phát triển mạnh ở Đàng Trong. Ngài Nguyên Thiều thuộc đời 33 truyền theo bài kệ của Ngài Vạn Phong-Thời Ủy, phái này phát triển mạnh ở Bình Định với Tổ đình chính là chùa Thập Tháp. Ngài Minh Lượng đời 34 truyền theo bài kệ của Ngài Đạo Mân- Mộc Trần, phái này phát triển ở Gia Định với Tổ đình Giác Lâm là trung tâm. Ngài Minh Hải đời 34 biệt xuất bài kệ lập phái Lâm Tế Chúc Thánh phát triển tại Quảng Nam và chùa Chúc Thánh là Tổ đình chính. Đời 35 có Ngài Thiệt Diệu – Liễu Quán xuất kệ truyền thừa nên pháp phái Lâm Tế Liễu Quán được hình thành và phát triển tại Thuận Hóa với Tổ đình Thiền Tôn. Trở lại với môn phái Lâm Tế Chúc Thánh, cho đến nay chúng ta chưa có nguồn tư liệu nào ghi lại sự tu tập và những Thiền ngữ của Thiền sư Minh Hải. Tuy nhiên, đây là chi phái của tông Lâm Tế nên sự tu tập của các Thiền sư dòng Chúc Thánh cũng không ra ngoài tông chỉ của phái này. Qua bài thuật sự tích của Thiền sư Pháp Chuyên, đời 36 Lâm Tế Chúc Thánh, chúng ta phần nào thấy được sự tu tập của các Thiền sư thời bấy giờ: “Ngài ngày ăn một bữa, xa lìa tài sắc, không màng đến chuyện thế sự, thường xem kinh luật, tinh tấn cầu đạo, tụng chú Đại Bi một tạng, đảnh lễ Tam Thiên, Vạn Phật, Hồng Danh mỗi loại năm lần, đem thiện căn này cầu cho tội chướng tiêu trừ, sớm thành Phật đạo”. [24, 5] “Ngài đảnh lễ Bổn sư và thưa: – Người xưa có nói: kẻ học đạo không thông lý, thân sau phải hoàn trả của tín thí. Thế nào là thông lý? Nguyện Thầy chỉ dạy! Thầy bèn trả lời: – Tùy theo pháp mà tu hành, cùng tột của sự thì đến lý, nóng lạnh tự biết, tuyệt đường ngôn ngữ. Lại hỏi rằng: – Trong luật có dạy: Người xưa tâm địa chưa thông, không quản ngàn dặm tìm thầy học đạo. Việc ấy như thế nào? Thầy lại dạy: – Người xưa xuất gia không màng danh lợi, duy chỉ cầu đến chỗ rốt ráo của Đạo, đoạn trừ sanh tử, tâm địa như vậy, thấy rõ tự tánh thì thành Phật. Bổn sư biết Ngài là bậc có căn khí Đại thừa, đạo niệm siêu quần xuất chúng, bèn ấn chứng hiệu là Diệu Nghiêm.” [24,7]. Qua đoạn trích về sự tu hành của Thiền sư Pháp Chuyên, một Thiền sư danh tiếng thuộc thế hệ thứ 3 của dòng Chúc Thánh, ta có thể thấy được sự tu tập của các vị Thiền sư lúc bấy giờ là kết hợp hài hòa giữa Thiền-Tịnh, theo chủ trương Thiền-Tịnh song tu của Thiền sư Vĩnh Minh-Diên Thọ (904-975). Nghĩa là các Thiền sư tụng đọc kinh văn, lạy Phật sám hối để cầu tội chướng tiêu trừ theo pháp môn Tịnh Độ. Đồng thời, thực tập Thiền định, tham thoại đầu, vấn đạo để cầu thầy ấn chứng sở đắc theo truyền thống Thiền tông. Như vậy, với tư tưởng “Lâm Tế thống khoái”, các Thiền sư dòng Lâm Tế Chúc Thánh có pháp môn tu phù hợp với điều kiện xã hội. Sự vận dụng kết hợp Thiền-Tịnh song tu đã đem lại sự lợi lạc cho hành giả và tha nhân. Về tự thân, các Thiền sư đạt được sự an lạc do Thiền định đem lại, thân tâm an lạc, nội lực tăng trưởng nên thấy rõ thật tướng của mọi sự, mọi việc. Với pháp môn Tịnh Độ, các Ngài đã giúp cho dân chúng ổn định tinh thần, có một niềm tin hướng về Tam Bảo. Đặc biệt, với lâm lý của những người mới di cư vào vùng Quảng Nam lúc bấy giờ, tín ngưỡng Di Đà, quy kính Tịnh Độ là chỗ dựa tinh thần vững chắc, an ổn nơi mảnh đất đầy sơn lam chướng khí này. b. Tôn chỉ hành đạo. Phật giáo phát triển đến đâu là mang tinh thần hòa bình đến đó. “Hộ quốc an dân” là một tôn chỉ xuyên suốt trong lịch sử 2000 năm truyền đạo trên đất Việt. Tôn chỉ của Thiền phái Chúc Thánh cũng không ra ngoài nguyên tắc bất di bất dịch ấy. Ngay từ những ngày đầu truyền pháp, Thiền sư Minh Hải cũng đã phần nào khẳng định tôn chỉ ấy qua hai câu kệ sau: Chúc thánh thọ thiên cửu Ở ý nghĩa chúc thánh quân sống lâu và vận nước vững bền này, chúng ta thấy có sự gắn liền giữa Đạo pháp và Dân tộc. Đây chính là chất liệu kết nối Tăng sĩ với các tầng lớp nhân dân và đạo Phật dễ dàng đi sâu vào quần chúng. Ngoài việc tu hành chứng ngộ tâm linh, các Thiền sư dòng Chúc Thánh chủ trương nhập thế tích cực với tinh thần vô nhiễm. Điều này được thể hiện qua cuộc đời của Thiền sư Pháp Liêm, thế hệ thứ 3 dòng Chúc Thánh. Sau khi xuất gia, Ngài về quê đăng lính đánh giặc lập nhiều công to được phong chức chỉ huy. Nhưng Ngài từ bỏ tất cả, phát nguyện quét chợ Hội An suốt 20 năm. Về sau, Ngài được triều đình và dân chúng suy tôn hiệu là Minh Giác Thiền sư, thỉnh về kế nghiệp trụ trì Tổ đình Phước Lâm. Tiếp nối gương của bậc cổ đức, các thế hệ tăng đồ dòng Chúc Thánh luôn nhiệt tâm tham gia vào các phong trào đấu tranh đòi độc lập cho Tổ quốc và tự do cho Dân tộc. Thiền sư Vĩnh Gia, thế hệ thứ 6 dòng Chúc Thánh là một bậc cao tăng được triều đình Huế kính trọng, thường thỉnh ra kinh đô thuyết giảng. Tuy nhiên, không vì sự kính trọng, ưu ái ấy mà Ngài quên đi nổi đau mất nước. Ngài đã âm thầm cố vấn cho nhà chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên trong phong trào Duy Tân. Các Thiền sư chùa Cổ Lâm huyện Đại Lộc đã che dấu Trần Cao Vân một thời gian dài. Nhà yêu nước họ Trần cũng đã có một thời tu hành tại đây với pháp danh Như Ý [14, 388]. Tinh thần nhập thế của các Tăng sĩ dòng Chúc Thánh lại một lần nữa được thể hiện qua phong trào đấu tranh đòi tự do bình đẳng tôn giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963. Điểm cao của tinh thần ấy là sự hy sinh cao cả của Hòa thượng Thích Quảng Đức, Ngài đã thiêu thân cúng dường chư Phật, cầu nguyện cho đạo pháp trường tồn. Tâm nguyện Bồ tát của Ngài đã để lại trái tim bất diệt mà ngàn đời Tăng Ni kính ngưỡng. Bồ tát Quảng Đức pháp danh Thị Thủy, tự Hạnh Pháp thuộc thế hệ thứ 9 dòng Chúc Thánh. Sự hy sinh của Ngài chính là đỉnh cao của tinh thần xả thân phụng sự Đạo pháp và Dân tộc. Ngọn lửa từ bi được Ngài thắp sáng, soi rõ lương tri của thời đại, góp phần đưa Phật giáo đồ cũng như mọi người dân thoát khỏi một chế độ độc tài hà khắc. Tôn chỉ hành đạo của Thiền phái Chúc Thánh kể từ ngày Tổ sư khai sơn cho đến nay vẫn không thay đổi. Nhập thế tích cực cứu đời nhưng vẫn thong dong tự tại trước mọi lợi danh. Tùy duyên hành đạo và bất biến giữ đạo luôn được áp dụng tùy từng hoàn cảnh đã thể hiện được bản hoài của người Thích tử theo tinh thần: “Phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chư Phật.” 2.2.2. Sinh Hoạt Và Tổ Chức Của Sơn Môn. a. Sinh hoạt của Sơn Môn Chúc Thánh: Như phần trên đã trình bày, kể từ khi Thiền sư Minh Hải xuất kệ truyền thừa, trong vòng một thế kỷ, Thiền phái Chúc Thánh phát triển mạnh ở Quảng Nam và lan rộng theo bước chân Nam tiến vào đến miền Gia Định. Tại Quảng Nam, đến cuối thế kỷ XVIII, các Thiền sư dòng Chúc Thánh đảm nhiệm công việc hoằng hóa tại các chùa trong tỉnh và hình thành ba trung tâm hoằng pháp: trung tâm Hội An nằm ở phía Đông với các Tổ đình Chúc Thánh, Vạn Đức, Phước Lâm; trung tâm Ngũ Hành Sơn nằm ở phía Bắc với hai ngôi quốc tự Tam Thai và Linh Ứng; trung tâm Đại Lộc nằm ở phía Tây với Tổ đình Cổ Lâm. Cả ba trung tâm hoằng pháp của dòng Chúc Thánh tại Quảng Nam có sự liên hệ mật thiết và hỗ tương cho nhau. Trong đó, các chùa Chúc Thánh, Phước Lâm giữ vai trò trung tâm đào tạo tăng tài, phân bổ đến các chùa trong tỉnh. Bấy giờ, việc sinh hoạt của Sơn Môn cũng còn đơn giản. Thiền tông với chủ trương “Bất lập văn tự” nên các Thiền sư không có mở trường dạy học mà chủ yếu là thầy trò truyền dạy cho nhau, thực tập Thiền định và ấn chứng sở ngộ. Sự sinh hoạt của các chùa trong tông môn thể hiện rõ nét qua các đàn truyền giới. Đàn truyền giới được khai mở mỗi khi có giới tử phát nguyện thọ giới để thăng tiến trong việc tu học. Việc này được ghi nhận như sau: “Trước đó một năm, thỉnh chư Tăng các chùa quy ước một ngày hội họp luận nghị về việc mở đại giới đàn tiếp dẫn Tăng chúng hậu học. Chư Tăng đồng ứng nhận hỗ trợ, sau đó, công bố cho chư Tăng các chùa khắp nơi đều biết mà chuẩn bị, chọn năm… tháng… ngày… v.v…Trước đó 3 ngày, kiền thỉnh chư Tăng quang lâm đến chùa đã được định trước, cung thỉnh chư tôn an bài chức sự: một vị Hòa thượng Chủ kỳ, một vị Hòa thượng Đàn đầu, một vị Hòa thượng Yết-ma, một vị Hòa thượng Giáo thọ, bảy vị Xà-lê tôn chứng, bốn vị dẫn lễ, một vị Tuyên luật sư, chọn hai vị Sa di thủ vĩ..” [23,15-15b] Qua sự mô tả này, ta thấy việc Tổ chức giới đàn đều tuân theo quy củ giới luật Phật chế, đầy đủ hội đồng thập sư. Tuy nhiên, theo lời của các vị tôn túc, giới đàn ngày xưa được mở sau khi kết thúc 3 tháng an cư kiết hạ mà hay gọi là trường Kỳ hoặc trường Hương. Nghĩa là giới tử phải tập trung trong 3 tháng an cư, theo vị Đàn đầu Hòa thượng học tập giới luật sau đó mới chính thức đăng đàn thọ giới. Trong quá trình tiếp tăng độ chúng, các vị Thiền sư dòng Chúc Thánh thường Tổ chức giới đàn để truyền trao y bát, tuyển người kế thừa sự nghiệp hoằng pháp. Trong Ngũ Hành Sơn Lục, Thiền sư Từ Trí ghi lại: vào tháng 4 năm Kỷ Tỵ (1869), Thiền sư Chương Tư-Tuyên Văn kiến lập đàn giới tại chùa Phước Lâm, giới đàn này do Thiền sư Toàn Nhâm -Vi Ý làm Hòa thượng Đàn đầu và giới tử đắc pháp là Thiền sư Ấn Bổn-Tổ Nguyên-Vĩnh Gia. Năm Quý Tỵ (1893), Thiền sư Ấn Bổn-Tổ Nguyên-Vĩnh Gia cùng Ngài Ấn Thanh-Tổ Đạo-Chí Thành khai đại giới đàn tại chùa Chúc Thánh. Thiền sư Chí Thành được cung thỉnh làm Hòa thượng đàn đầu và Ngài Vĩnh Gia làm Giáo Thọ A-xà-lê tại giới đàn này. Các năm Mậu Thân (1908), Canh Tuất (1910), Thiền sư Ấn Bổn-Vĩnh Gia khai giới đàn và làm Hòa thượng Đàn đầu tại chùa Phước Lâm. Đặc biệt nổi tiếng nhất là giới đàn năm Canh Tuất (1910), giới đàn này quy tụ trên 200 giới tử xuất gia và hàng ngàn giới tử tại gia. Trong đó có một số vị đắc giới và trở thành lương đống trong Phật pháp như các Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Thích Giác Nhiên, đệ nhất và đệ nhị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Về phần tại gia thì có Tuy Lý Vương-Miên Trinh, Đô thống Lê Viết Nghiêm cũng như nhiều hoàng thân quốc thích khác thọ giáo với Ngài.
|
Cập nhật ( 07/09/2015 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com