TÌM HIỂU NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐIỆP TỪ HỢP LÝ TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT * Khánh Hưng Dùng nhiều từ cùng nghĩa trong một bài thơ đường luật thường bị coi là có lỗi. Thế nhưng người ta lại thường tổ chức ngôn ngữ để có điệp từ như thơ độc vận, thơ thủ nhất thanh… Ngoài ra người ta còn dùng điệp từ ở nhiều thể cách khác. Bài “Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu là một ví dụ: Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ Thử địa không dư hoàng hạc lâu Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản Bạch vân thiên tải không du du Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ Phương thảo thê thê, Anh Vũ châu Nhật mộ hương quan hà xứ thị Yên ba giang thượng sử nhân sầu Dịch nghĩa như sau : Người xưa đã cưỡi hạc vàng đi mất rồi| Nơi đây còn trơ lại lầu Hoàng Hạc| Hạc vàng một đi không trở lại nữa| Mây trắng ngàn năm bay lởn vởn hoài| Mặt sông lúc trời tạnh, cây cối Hán Dương in rõ mồn một| Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi| Trời tối rồi, đâu là cổng làng quê cũ| Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến người buồn. Bài thơ phá cách về luật bố cục, chỉ có hai phần. Bốn câu đầu là sự hoài niệm quá khứ. Bốn câu sau là sự thất vọng trước hiện tại và nỗi lòng buồn nhớ quê hương. Qua bài thơ, ta hiểu như sự thất vọng trước hiện tại đã đẩy tác giả đến tâm trạng buồn nhớ quê hương, lại đẩy tiếp tác giả đến tâm trạng muốn trốn tránh hiện tại, muốn lại được cưỡi hạc vàng như tích xưa. Trong đó 3 câu liên tiếp, bài thơ đã nhắc “hoàng hạc” đến 3 lần. Hoàng hạc ở câu 1 là ở thì quá khứ chỉ một loài linh vật. Hoàng hạc ở câu 2 là ở thì hiện tại, chỉ tên cái lầu trống không bỏ trơ lại đó. Hoàng hạc ở câu 3 là ở thì tương lai; tương lai là con hạc vàng sẽ không bao giờ trở lại. Ta chú ý, chữ hoàng hạc ở câu 1 và câu 3 là điệp từ, chữ hoàng hạc ở câu 2 lại là từ đồng âm dị nghĩa. Ta lại chú ý thêm, tác giả đã 2 lần sủ dụng đến chữ “không”. Chữ “không” ở câu 2 là chỉ cái lầu bị bỏ không, một không gian trống vắng, không có cái gì cả. Chữ “không” ở câu 4 chỉ một khoảng không gian rộng hơn, một bầu trời không thấy bóng một con chim nào, chỉ toàn mây trắng bay lởn vởn. Đến đây, ta thử hỏi, nếu 4 câu đầu của bài “ Hoàng hạc lâu” chỉ dùng một lần chữ “hoàng hạc”, một lần chữ “không” thì phải lấy chữ gì để thay vào chỗ trống để sự tiếc nuối tích xưa của Thôi Hiệu vẫn cứ dâng trào. Bài “Nguyên tiêu” của Bác Hồ là một ví dụ nữa. Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên Yên ba thâm xứ đàm quân sự Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền Dịch nghĩa : Đêm nay rằm tháng giêng trăng tròn vành vạnh| Sông xuân, nước xuân liền một giải với trời xuân | Việc quân được bàn ở tận nơi thẳm sâu khói sóng| Nửa đêm ra về trăng ngậm đầy thuyền. Ta để ý tác giả đã hai lần sử dụng từ “dạ”, hai lần sử dụng từ “nguyệt”, và ba lần sử dụng từ “xuân”. Ở mỗi một vị trí các từ trên lại có ngữ nghĩa riêng không hề trùng lập. Từ “dạ” ở câu 1 là nói đến đêm nay, ở câu 4 là nói đến nửa đêm. Từ “nguyệt” ở câu 1 là nói đến trăng tròn, ở câu 4 là nói đến trăng đầy thuyền. Từ “xuân” ở câu 2 là nói đến sông xuân, nước xuân, trời xuân. Thủ pháp điệp từ “xuân” đã làm cho cái khí xuân của cuộc “đàm quân sự” thật là xuân mãn. Bài “ Thăng long thành hoài cổ” của bà Huyện Thanh Quan có lẽ nhiều người đã thuộc: Câu mở của bài thơ : “Tạo hóa gây chi cuộc hý trường” Câu kết của bài thơ : “Cảnh ấy, người đây luống đoạn trường” Nếu ta tách chữ “trường” ra đứng độc lập thì thật là vô nghĩa và sẽ có người bảo đây là bài thơ thủ vĩ ngâm, hoặc cho là bài thơ bị điệp vận. Nhưng một khi ta hiểu “hý trường” và “đoạn trường” là 2 từ kép thì vấn đề lại khác. “Hý trường” là từ chỉ một không gian, một sân khấu ca kịch. “Đoạn trường” là từ chỉ một tâm thế xót xa, đau đớn đến mức xé ruột, đứt lòng. Người viết bài thơ này muốn nói : bài thơ này có năm vần riêng rẽ, hoàn toàn không có chuyện điệp từ, điệp vần (và không phải là bài thơ thủ vĩ ngâm). Bài thơ “Bác Hồ” của NVT in trong tập “Những bài thơ được giải” có người cho là tác giả đã phạm lỗi điệp từ, ba lần chạm đến chữ “dân” Dép lốp ngày đêm mòn đá núi Áo nâu nắng gió thấu dân tình Lúa đòng khô hạn đêm quên ngủ Con trẻ sài đau dạ chẳng đành Ăn miếng ngon thương dân thiếu đói Vận đồ sang sót lính chưa lành Bôn ba bốn biển vì dân tộc Đất nước muôn đời mãi sáng danh. Như chúng ta đã biết, Bác của chúng ta là một người cộng sản, một người cộng sản suốt đời vì dân, suốt đời vì dân tộc, suốt đời thấu hiểu dân tình. Bài thơ bằng tám câu đã diễn tả cảm động tấm lòng thương dân của Bác. Thế nhưng bài thơ có bị điệp từ không ? Để trả lời câu hỏi này ta cần tìm hiều khái niệm “ từ” là gì ? “Từ” là một đơn vị ngôn ngũ nhỏ nhất, có nghĩa hoàn chỉnh dùng để đặt câu. Chẳng hạn, từ “dân” đứng một mình là chỉ người dân. Từ “dân” ghép với từ “tình” thành một từ kép có nghĩa hoàn chỉnh chỉ về tình hình sinh sống của người dân. Từ “dân” ghép với từ “tộc” thành một từ kép có nghĩa hoàn chỉnh chỉ về một cộng đồng người có chung lãnh thổ, một nền văn hóa, một mối quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội. Vậy ba từ “dân”, “dân tình”, “dân tộc” có cấu trúc ngữ pháp riêng, có ngữ nghĩa riêng, ta không thể bảo ba từ là một. Đọc thơ xưa và đọc thơ nay, tôi nhận ra: người làm thơ, người đọc thơ, trước hết phải có tâm, có tình và có chút hiểu biết về ngôn ngữ; phải phân biệt thật rõ ba khái niệm âm, từ, vận. Nếu không thì khi làm thơ, khi đọc thơ, ta sẽ như bị lạc vào ma trận, sợ đủ mọi điều, nào là niêm, luật, đối, điệp…rồi dẫn đến gò, gượng, xơ cứng cả một bài thơ. |
Cập nhật ( 06/03/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com