Tiếng vọng quê hương * Lý Thị Hồng Vân Hiện nay,trong thời kỳ mở cửa, hội nhập nên có rất nhiều nền văn hóa, loại hình nghệ thuật du nhập vào nước. Trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, phong trào “Đờn ca tài tử Nam Bộ” đã khẳng định giá trị của một loại hình nghệ thuật truyền thống. Đồng thời, là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân Nam Bộ nói chung và Bạc Liêu nói riêng. Là một người con, sinh ra và lớn lên tại vùng đất Bạc Liêu này, tôi càng tự hào biết bao về vẻ đẹp văn hóa đặc sắc của quê hương, xứ sở mình.
Như chúng ta đã biết, ngũ cung Việt Nam chia làm ba thể loại, với sắc thái ba miền tuyệt đẹp biết bao. Miền Bắc với sông sâu, núi cao vời vời nên giọng Bắc bổng trầm” cò bay lả, lả bay la”, miền Trung nghèo tội lắm ai ơi nên “ câu mái đẩy mà chạnh lòng nhớ thương”, miền Nam Cửu Long phù sa đất thấp nên “tiếng mẹ trầm trầm theo nhịp võng ấu ơ”. Ngũ cung ba miền tuy âm điệu khác nhau nhưng chẳng rời nhau mà luôn có sự kế thừa, bổ sung cho nhau. Cụ thể là trong âm nhạc miền Nam có sự tiếp thu những tinh hoa từ các miền khác nên phát triển rất độc đáo, đặc biệt nhất là trong thể loại “Đờn ca tài tử Nam Bộ”. “Đờn ca tài tử Nam Bộ” là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam được hình thành và phát triển từ thế kỷ XIX, bắt nguồn từ “nhạc lễ”, “Nhã nhạc cung đình Huế”, “văn học dân gian”, pha lẫn với âm nhạc từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Có thể nó, “Đờn ca tài tử” là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, với sự kết hợp của những “ngón đờn” điêu luyện, hòa quyện với các vọng hát ngọt ngào của ngững người nghệ sĩ, lúc như mây bay cuồn cuộn trên đỉnh non ngàn, khi như mặt nước dịu êm, phẳng lì không gợn sóng . Xét về măt thể loại thì “Đờn ca tài tử” thuộc loại nhạc thính phòng, thường được trình diễn trong phạm vi không gian tương đối nhỏ hẹp như: trong gia đình, tại đám cưới, đám giỗ, sinh nhật, trong các lễ hội, sau khi thu hoạch mùa vụ, những đêm trăng sáng ở xóm làng, hay những lúc “trà dư hậu tửu”,….Ban nhạc của “Đờn ca tài tử” thường dùng năm nhạc cụ, gọi là “ban ngũ tuyệt” gồm có: đàn tramh, đàn tỳ bà, đàn kìm, đàn cò, đàn tam. Sau này, còn có thêm đàn ghita, sáo, song lang,…bổ sung cho các điệu đàn du dương, trầm bổng, với những luyến láy huyền diệu làm rung động lòng người. Cùng với tiếng đàn, chúng ta cũng không thể quên vai trò của những người nghệ sĩ đã nâng tiếng ca vang xa hơn và lắng sâu hơn trong tâm hồn người thưởng thức. Ban đầu, những người nghệ sĩ này đều xuất thân từ tầng lớp nông dân lao động, họ đem lời ca tiếng hát để làm vui cho đời. Về sau, để trở thành người nghệ sĩ thật sự, họ phải học tập, trau dồi, rèn luyện thêm rất nhiều mới có thể đưa tiếng hát trong “Đờn ca tài tử Nam Bộ”, đến đỉnh cao nghệ thuật. Bên cạnh đó, người thưởng thức cũng không quên sự đóng góp của bản “Vọng cổ” đối với loại hình nghệ thuật này. “Vọng cổ” là sự hóa thân của bài “Dạ cổ hoài lang” do cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (ở Bạc Liêu) sáng tác vào năm 1918, bài hát ấy gồm có 20 câu, nhịp đôi, thể hiện tâm trạng của người thiếu phụ nghe tiếng trống đêm khuya mà trằn trọc nhớ thương chồng. Rồi từ đó chuyển lưu qua nhiều thế hệ, nhịp đôi trong bài “Dạ cổ hoài lang” đã biến thành nhịp 4, nhịp 8. Sau đó, cố nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa cũng do âm cảm tiếng chuông chùa núi Sam (Châu Đốc) đã tạo thành nhịp 16, với tên gọi khác là “Vọng cổ”. Thời gian sau, nghệ sĩ Út Trà Ôn đã phát triển thành bản “Vọng cổ” nhịp 32. Các bản “Vọng cổ” nhịp 64, 128 cũng dần được hình thành, nhưng phổ biến nhất vẫn là bản “Vọng cổ” nhịp 32. Và người nghệ sĩ nào muốn thành công thì phải hát thật “mùi” bản “Vong cổ” ấy. Mặt khác, các nghệ sĩ khi soạn lời cho bản “Vọng cổ” ngoài việc phải tuân thủ nghiêm ngặt các chữ nhạc ở chỗ dứt câu, thì còn chêm vô bài hát những câu nói giặm, nói lối văn vần (các câu lục bát, song thất lục bát, thơ Vân Tiên,…), những câu hò, điệu lý (lý con sáo, lý chiều chiều, lý tòng quân,…), các bản ngắn (đoản khúc lam giang, lưu thủy hạnh vân, phi vân điệp khúc,…) để ý nhạc thêm phong phú, câu hát thêm mượt mà, truyền cảm. Đặc biệt hơn, với sự sáng tạo độc đáo của nghệ sĩ ưu tú-soạn giả Viễn Châu, đã đưa bản “Vọng cổ” đến với khán-thính giả bằng một diện mạo mới. Ông đã kết hợp những ca khúc tân nhạc vào trong bản “Vọng cổ” và từ đó “Tân cổ giao duyên” ra đời, thu hút sự đón nhận nồng nhiệt của đông đảo khán thính giả, đưa các nghệ sĩ đến với đài vinh quang. Và bản “Vọng cổ” ngày càng thấm sâu hơn trong lòng người mộ điệu qua những cung bậc, thanh âm, điệu thức réo rắt, bổng trầm. Song song với nhạc pháp, nội dung của các bản “Vọng cổ” cũng không kém phần thú vị, mang đậm chất nhân văn và những nét đẹp riêng của con người Nam Bộ. Trong một bài hát, soạn giả Viễn Châu đã từng viết: “Bạn hẳn biết trong sáu câu vọng cổ Là kết tinh từ đau khổ kiếp nhân văn Là yêu thương, đau khổ kết nên vần Được phổ biến qua giọng ca truyền cảm.” Thật vậy, ai từng ngân nga đôi, ba câu “Vọng cổ” mới thấy hết điều kì diệu của các ca từ trong đó. Thời chiến tranh, “Vọng cổ” đã đi khắp các chiến trường, cùng các anh chiến sĩ, các cô chú văn công mang tiếng hát át cả tiếng bom, qua những câu “Vọng cổ” thể hiện niềm tin, ý chí quật cường, quyết đấu tranh để giành lại tự do, độc lập dân tộc. Thời bình, các câu hò, điệu hát trong bản “Vọng cổ” lại là những lời động viên, khích lệ tinh thần cho bà con hăng say lao động, sản xuất để xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp. Ngoài ra, đề tài của các bản “Vọng cổ” còn ca ngợi tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, yêu quê hương, đất nước, con người,… Hôm này, đứng trên mảnh đất Bạc Liêu, vùng đất giàu truyền thống nghệ thuật, là “cái nôi” của bản “Vọng cổ” và phong trào “Đờn ca tài tử Nam Bộ”, tôi cảm thấy rất tự hào về các thành tích của các nghệ nhân, nghệ sĩ cổ nhạc qua các thời kỳ như: Lý Khị, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Lư Hòa Nghĩa, Năm Nhỏ, Cao Vân Lầu, Trọng Nguyễn,…đã mở ra một trào lưu sáng tác mới, bắt mạch khơi nguồn cho dòng chảy âm nhac cổ truyền của dân tộc thêm phát triển. Đồng thời, phong trào “Đờn ca tài tử Bạc Liêu” nói chung và bản “Vọng cổ” nói riêng, còn khẳng định giá trị của một loại hình di sản văn hóa phi vật thể, và có ảnh hưởng sâu sắc đến các sinh hoạt văn hóa, nhu cầu hưởng thụ giá trị nghệ thuật truyền thống. Thế hệ trẻ chúng ta phải biết ơn, tự hào khi được kế thừa vốn quý của ông cha để lại, cần giữ gìn và phát huy bản sắc âm nhạc dân tộc mãi trường tồn. Đề những đứa con xa xứ, có phút giây nào nhớ đến quê hương còn ngâm nga vài câu “Vọng cổ”… “Tiếng đàn Việt đàn trên khung nhạc Việt Hỡi những người còn biền biệt nơi đâu Nhớ nhà mà chưa kịp về thăm Nghe câu “Vọng cổ” mà âm thầm nhớ quê.” |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com