Tiếng Việt 80 năm lang thang theo dòng sân khấu cải lương
* SG Nguyễn Phương
Tôi không phải là một nhà nghiên cứu văn học sử cũng không là một người trong giới sư phạm chuyên dạy cách viết văn làm thơ, tôi chỉ là một soạn giả viết tuồng sân khấu cải lương nên những gì tôi ghi lại liên quan đến sự “thay hình đổi dạng của tiếng Việt trên sân khấu cải lương trong vòng 80 năm qua” chỉ là một chút tư liệu xin đóng góp cho quí vị đọc giả.
Một số người cho là các tác phẩm sân khấu cải lương là loại văn chương bình dân, vì chưa được đọc hoặc được xem những tuồng cải lương nổi tiếng của nhiều soạn giả tài danh hoặc họ chỉ được xem một số tuồng hát của các đoàn cải lương nhỏ ở các tỉnh lẻ mà đã vội phê bình giống như trước đây có những nhà học giả đã khẳng định là “ văn học miền Nam vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỳ 20 chỉ có lưu hành vài tờ báo đăng thông tư, nghị định của chánh quyền thuộc địa, chỉ có dịch mấy quyển truyện Tàu tầm thường cho những đọc giả cũng tầm thường.”
Nhận xét này không đúng vì đầu năm 1965, tại Phòng triển lãm của Nha Thông Tin Nam Việt nơi góc đường Catinat, trước trụ sở Quốc Hội (cũ), hai nhà học giả miền Nam là Nguyễn Văn Y và Nguyễn Văn Trung đã mở một cuộc triển lãm sách, trưng bày nhiều tác phẩm về dịch thuật, các sách quốc ngữ được chuyển ra Pháp văn, nhiều tài liệu nghiên cứu văn học và tiểu thuyết của các học giả Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Trần Chánh Chiếu, Đặng Công Danh… Trong cuộc triển lảm này, có trưng bày một bản thư tịch ghi một trăm tuồng hát bội và cải lương đã được nhà xuất bản Xưa Nay, Phạm Văn Thìn và Saigon Imprimerie d’ U nion ấn hành từ năm 1905 đến năm 1937.
Sở dĩ tôi nhắc đến các nhà văn và các tác phẩm văn học vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 là vì nghệ thuật sân khấu là một nghệ thuật tổng hợp các ngành văn học nghệ thuật khác như văn, thơ, âm nhạc, ca múa, hội họa, kiến trúc và các kỷ thuật thuộc lãnh vực nghe, nhìn, âm thanh, ánh sáng… Những thành tựu của các ngành văn học nghệ thuật như văn thơ, âm nhạc, ca múa, hội họa đều được các soạn giả và nghệ sĩ sân khấu đem áp dụng vào các tác phẩm và biểu diễn sân khấu… và ngược lại những thành tựu rực rở của những tác phẩm trên sân khấu kể cả việc diễn xuất, ca ngâm của nghệ sĩ và những sáng tạo về kỷ thuật trang trí của sân khấu cũng tác động không nhỏ đối với sự phát triển mới của các dòng văn tiểu thuyết và truyện ngắn. Vì vậy khi nghiên cứu về văn học tổng thể, người ta sẽ thấy một sự tương quan chặt chẽ giữa nghệ thuật sân khấu và các loại hình nghệ thuật như văn, thơ, âm nhạc, ca múa…
Từ khi các truyện Tàu được dịch ra Quốc ngữ như truyện Tam Quốc, Đông Châu Liệt Quốc, Thủy Hữ, Vạn Huê Lầu, Ngũ Hổ bình Tây, Tiết Nhơn Quý chinh đông, Tiết Định San chinh Tây… thì các soạn giả hát bội và cải lương chọn những đoạn có nhiều kịch tính để viết thành những tuồng hát bội hay tuồng cải lương.
Các tuồng này được xem như tuồng kinh điển như: Phụng Nghi Đình, Quan Công Thất thủ Hạ Bì, Quan Công phục Huê Dung Đạo, Quan Công phò Nhị Tẩu, Tào Tháo thất Xích Bích, Khổng Minh thiệt chiến quần nho, Khổng Minh thất cầm Mạnh Hoạch, Tam Khí Châu Do, Quan Công Đơn Đao Phó Hội, Quá ngũ quan – trảm lục tướng, Trương Phi thủ Cổ Thành, Triệu Tử Long đoạt ấu chúa, Lưu Bị Cầu Hôn Giang Tả, Ngũ Viên Thiệu bị thương, Đào Tam Xuân loạn trào, Trảm Trịnh Ân, Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ, Mộc Quế Anh dưng cây, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, Phàn Lê Huê phá Hồng Thủy Trận….
Các tuồng xã hội phóng tác theo tiểu thuyết Việt Nam của các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Công Hoan, Khái Hưng, nhóm Tự Lực Văn Đoàn như Hoa Rơi Cửa Phật hay chuyện tình Lan và Điệp, Đoạn Tuyệt, Đứa con rơi, Cay Đắng Tình Đời, Chúa Tàu Kim Quy, Phận Con Nhà Nghèo, Ngọn Cỏ Gió Đùa, …
Tuồng cải lương phóng tác theo kịch hay tiểu thuyết của các nước Anh, Pháp có những tuồng như Giá Trị và Danh Dự( Le Cid ), Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ, Hàm Lệ Thái Tử Nước Đan Mạch, Túy Hoa Vương Nữ, Trà Hoa Nữ, Gió Ngược Chiều, Miếng Thịt Người, Áo Người Quân Tử, Tháp Đoạn Hồn, Giai Nhân và Ác Qủy, Kích Tôn Sơn Bá Tước, Dưới Cầu Than Thở… Nhiều người dân ở thôn quê, những người chưa có dịp học chữ quốc ngữ, chưa đọc được truyện Tàu, truyện Tây, tiểu thuyết của ta vẫn hiểu biết được những truyện hay tích lạ của các nước thông qua việc xem hát bội và hát cải lương.
Tuy nhiên cũng cần nói rõ là không phải bất cứ quyển tiều thuyết nào cũng có thể đưa lên sân khấu để trình diễn được và cũng cần biết là một vở tuồng cải lương cũng chỉ có thể đưa lên một đoạn nào có tính chất gay cấn, tình cảm đậm đà của cốt trưyện hay sự xung đột nội tâm dữ dội của một nhân vật trung tâm nào đó của cuốn tiểu thuyết mà thôi.
Các soạn giả cũng sáng tác rất nhiều tuồng cải lương mà không dựa vào cốt truyện của tiều thuyết nào cả.
Khi theo dõi “ tiếng Việt lang thang 80 năm theo dòng sân khấu cải lương”, quí đọc giả sẽ thấy được sự thay đổi văn phong trong tuồng hát, “ nó “ thể hiện phần nào cách viết văn và nói chuyện của dân miền Nam qua nhiều trào lưu văn học suốt 80 năm sau cùng của thế kỷ vừa qua.
Trong thập niên 20, 30, lối văn biền ngẩu và văn vần được sử dụng để sáng tác các tuồng hát bội và cải lương. Văn biền ngẩu là những cụm từ đối với nhau, đối về ý, về nội dung và số chữ bằng nhau nên khi hát, nghệ sĩ hát bội hay cải lương hát những đoạn văn biền ngẩu phải nói rõ từ vế của câu văn chứ không phải nói với giọng nói thường hay không thể ngưng nghĩ tùy tiện theo ý mình được.
Ví dụ: trong tuồng Tam Quốc, kép hát “ Bạch”: “ Bạch “ là hình thức trình bày rõ ràng cho khán giả hiểu về vai tuồng của mình đang thủ diễn. Các tướng, kép mùi, đào thương, đào chiến, trước khi xưng tên họ phải “ bạch” hai câu hoặc bốn câu nói lên chí hướng và tài nghệ của mình. Văn viết trong tuồng hát bội thường “ bạch “ bằng những câu văn bảy chữ:
Lưu Bị ( bạch ) Tam phân đảnh túc liệt can qua,
Cái thế công danh độc ngã kỳ,
Quan Công (bạch) Vạn cổ trung can huyền nhựt nguyệt,
Nhứt tâm nghĩa khí định sơn hà.
Trương Phi ( bạch ) Thính nhược cự lôi khu hổ báo,
Oai như điển xiết tẩu long xà.
Sau đó ba vai này đồng hô lớn, xưng tên họ:
Hội đào viên tá nghiệp Hớn gia
Ngã Lưu Bị, … Quan Công, Dực Đức.
Tuồng Tây Du Ký, Tề thiên đại Thánh Tôn Ngộ Không xưng danh:
Ngoài an tám cõi,
Trong vững ba giềng,
Dẹp tặc loàn công sánh Võ Thang,
An lê thứ đức phen Nghiêu, Thuấn,
Thủy Liêm Động thảy đều hướng thuận,
Ngã biểu xưng Tôn tính Ngộ Không.
Nhân vật tuồng Hộ Sanh Đàn của cụ Đào Tấn xưng danh:
Lan Anh ( xướng ) Trăng lồng, gió lộng, thú vô biên,
Một động đào hoa, một cõi riêng
Dám hỏi phúc này tu mấy kiếp?
Phu quân ôi! Ngày ngày xiêm áo đổi bao phen.
( Lối ) Cùng Tiết gia công tử vầy duyên
Thiếp Trần thị Lan Anh là hiệu
Từ phu tướng về kinh viếng mộ
Chốn buồng the vò võ thâu canh
Thương oanh vàng thánh thót đầu cành
Xót liễu biếc loi thoi trước ngõ.
Ảnh hưởng của lối viết văn biền ngẩu trong tuồng hát bội, các vở tuồng cải lương sáng tác trong thập niên 20 cũng sử dụng lối văn biền ngẩu để cho nhân vật xưng danh. Trong tuồng cải lương xã hội tựa đề Bội Phu Quả Báo của tác giả Phạm Công Bình năm 1923, nhân vật Hai Vận xưng danh:
Thuận Thành là quê quán,
Ta con đại phú gia,
Tay ăn chơi bốn biển là nhà,
Danh tiếng khắp, tên ta Hai Vận
Tuổi đã lớn nhưng chưa danh phận
Tay ròng nghề sớm mận tối đào….
Tuồng hát bội hay tuồng cải lương( tuồng Tàu và tuồng xã hội ) trong những năm từ 1920 đến 1936 đều dùng lối văn vần hoặc biền ngẩu trong những lúc đào kép xưng danh hoặc trong các đoạn đối thoại quan trọng giữa nhân vật chánh và nhân vật phản diện. Những đoạn nói lối ngắn khác để dẫn chuyện thì tác giả viết bằng văn xuôi.
Mãi đến năm 1936, soạn giả Tư Trang viết vở Đời Cô Lựu, ông vẫn còn viết những đoạn văn vừa có tính chất sáo ngữ, vừa là văn vần tuy rằng hình thức của câu văn đã đi gần đến lối viết văn xuôi.
Trong tuồng Đời Cô Lựu, nhân vật Hai Thành nói với Cô Lựu:
“ Biển cả mò nghêu, rừng sâu đập đá, bao nhiêu năm đã thay đổi quan niệm của tôi nay là một thằng Thành đội trên đầu 19 năm tù chớ không phải là thằng Thành quá tin đời là chân thật như ngày xưa. Cô ơi, cô nào có biết cho tôi lắm khi chan cơm bằng nước mắt, tắm mát bằng mồ hôi, nai lưng hứng những trận đá thoi, cắm cổ chịu đủ lằn roi vọt, dẫu rằng gian lao khổ cực nhục trăm điều mà canh cánh bên lòng, lúc nào cũng nhớ tới hai tiếng “ vợ con “, là cái nguồn an ủi của những kẻ trong lúc khốn cùng, nhìn cái chết sướng hơn mà vẫn gượng sống.” Cùng bước chân ra khỏi cửa, tôi thì chui đầu vào chốn khám đường tối tăm bẩn thỉu, mà cô thì đi vào một toà nhà mát mẻ cao sang. Rồi từ đấy trở đi những lúc tôi nuốt những cơm hẩm cá ương thì cô lại nếm cao lương mỹ vị. Hai cổ tay tôi đã hưởng thọ những xiềng gông xích sắt thì hai tay cô cũng thay vào những chuỗi ngọc xuyến vàng.”
Năm 1923, trong tuồng Tối Độc Phụ Nhơn Tâm, soạn giả Phạm Công Bình( nguyên là Giáo sư Pháp Ngữ tốt nghiệp Đại Học Hà Nội) đã đưa tiếng Pháp xen lẫn với tiếng Việt trong bài ca Tứ Đại Oán để kiêu ngạo bọn công tử bột có chút đỉnh Tây học, dùng tiếng Tây để lòe người và dụ dỗ gái tơ:
Bài ca Tứ Đại Oán
Thương ! Ỷ thương, không ngớt sầu,
Sông Ngân dạ muốn bắt cầu,
Trách bấy người chẳng có lòng em-mê ( aimer )
Năm canh sầu ủ ê,
Cái niềm phu thê,
Sao mà muốn kít – tê ( quitter ) hỡi nàng,
Vì tại ai mà la luy nơ ( la lune ) soi tỏ dạ,
Mấy lời nguyền,
Tôi hổ với nước non
Son hỡi môi son
Bỗ – cu ( beaucoup ) ròng rơi lụy
Phát – sê ( fâcher ) người không nghĩ
Đôi đứa mình còn bớ – tí ( petit )
Trách trời vội rẽ phân đôi đàng !
………………………………..
Lối đưa tiếng Tây vào bài ca hay đối thoại của soạn giả Phạm Công Bình là nhằm vào việc đã kích những kẻ biết chút đỉnh tiếng Tây rồi làm phách, loè người chớ không phải ý của tác giả là muốn pha trộn tiếng Tây với tiếng Việt trong tuồng hát cải lương. Tuy nhiên khán giả không thích lối đã kích kiểu này nên ông Phạm Công Bình và các soạn giả khác không dùng lối viết văn như đã kể trên.
Trong những năm đầu thế kỷ 19, nhà cầm quyền Pháp bãi bỏ lối thi dùng chữ Nho và chữ Nôm, thay vào đó là chữ Quốc ngữ viết theo kiểu la – tinh, xem đó là phương tiện giao tế giữa nhà cầm quyền Pháp với các quan lại, công chức và dân chúng. Giữa dân chúng với nhau, thư từ, khế ước mua bán hay liên quan đến điền thổ đều được dùng văn tự bằng chữ Quốc ngữ. Việc này đã gây ảnh hưởng tai hại không nhỏ cho ngành nghệ thuật hát bội vì văn chương tuồng hát bội có nhiều chữ Nho và nhiều điển tích của Tàu. Khi nhà cầm quyền Pháp bãi bỏ việc dạy và sử dụng chữ Nho trong các trường học, trong việc giao tiếp giữa chánh quyền và dân sự, giữa dân chúng với nhau thì người dân đua nhau đi học chữ Quốc ngữ thay cho chữ Nho vốn là một thứ chữ khó học, khó nhớ, khó hiểu.
Hát bội vì vậy mà ngày càng ít khán giả, nghệ thuật cải lương tuy sinh sau đẻ muộn nhưng nhờ ở sự phát triển của chữ Quốc ngữ, nhờ ở sự mở mang dân trí, nhiều người biết đọc biết viết nên người ta đọc báo, xem truyện, xem tiểu thuyết nhiều hơn lên và người ta cũng xem hát cải lương vì mỗi tuồng cải lương là một câu chuyện được thu ngắn, cô đọng lại thích hợp với cảm quan của khán giả.
Lúc này ở miền Nam có rất nhiều truyện Tàu được dịch ra Quốc ngữ. Gần như những nhà có người biết chữ Quốc ngữ đều có đọc qua các quyển Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc, Tây Du Tam Tạng, Đông Du Bát Tiên, Nam Du Huê Quang, Bắc Du Chơn Võ, Vạn Huê Lầu, Ngủ Hổ Bình Tây, Tiết Nhơn Quý chinh đông, Tiết Đing San chinh Tây, Thuyết Đường…Truyện Tàu cũng có vài quyển truyện nhảm nhí nhưng dân thích đọc Tam Quốc, Đông Châu Liệt Quốc vì có nhiều cốt truyện được người xem như những túi khôn để lấy đó mà ứng xử với người đời, soi gương tốt, răn mình bằng những gương người xấu trong truyện vì lúc đó văn hóa xã hội Việt Nam còn nhiều qưan niệm phong kiến. Sân khấu cải lương trong giai đoạn này dựng nhiều tuồng lấy từ cốt truyện Tàu, hình thành một dòng sân khấu cải lương tuồng Tàu.
Khán giả thích xem cải lương tuồng Tàu không phải chỉ vì có mũ mảng y trang đẹp mắt, đào kép hóa trang theo cổ trang đẹp lộng lẩy, lời văn dễ nghe dễ hiểu vì dân biết trước cốt truyện tuồng, mà còn vì họ tìm thấy những hình tượng nhân vật mà họ ưa thích có những đức tính như trung hiếu, tiết nghĩa, trí dũng, tín lễ, cương trực, anh hùng…những đức tính mà gia đình và xã hội đương thời tôn trọng.
Cốt truyện tuồng Tàu rất sôi động, có từng nhân vật đối kháng nhau quyết liệt như Tần Cối với Nhạc Phi, La Thành với Đơn Hùng Tín, Bàn Quyên với Tôn Tẩn, Tào Tháo với Lưu Bị, Khổng Minh với Châu Du…Tính cách nhơn vật được khắc họa sắc nét, rõ ràng không ai giống ai nhưng đọng lại trong lòng khán giả đến độ những tính cách của các nhân vật đó đi vào thành ngữ trong cuộc sống của dân mình. Người ta nói : Nóng như Trương Phi, Khóc như Lưu Bị, gian manh như Tào Tháo, mưu kế như Khổng MInh, trung dũng tiết nghĩa như Quan Công, phản bạn như Bàng Quyên, bán nước như Tần Cối, gian thần xiểm nịnh như Bàng Hồng, Tôn Tú.
Tiếng Việt lang thang trên sân khấu tuồng Tàu thì mang phong cách Tàu, phải dùng văn vần, biền ngẩu, thơ lục bát hoặc thất ngôn với lối ngâm thơ tứ tuyệt, lối thán theo thơ đường, câu ca cũng có thêm những tiếng a.. à.. á..a…khi kéo dài hơi ngân ở cuối câu dù các bản nhạc Tàu dùng trong tuồng được Việt hóa như các bài Xang xừ líu, Khốc Hoàng Thiên, Ú liu ú xáng, Tân xái phí…Cũng nên biết là khi ca những bản nhạc này trong tuồng xã hội Việt Nam thì tiếng ngân dài sau câu ca là ơ.. ơ.. ơ.. ơ.. chớ không phải là a…à…á…a…
Trong tuồng Phụng Nghi Đình, lớp Đỗng Trác thiết tiệc Huỳnh Môn Yến để chiêu dụ quần thần theo dưới trướng của ông ta, văn dùng trong lớp nầy là văn vần có pha biền ngẩu:
Trương Ôn : Bẩm thừa tướng! Thừa tướng bảo là thuận theo ý thừa tướng thì quyền tước gia tăng, nhưng thuận ý là thuận ý nào…vậy thừa tướng ? Đỗng Trác : À !..Thế là các quan muốn rõ. Đây ta cũng phân tường. Số là nay bốn bên giặc loạn nhiểu nhương, nên Áu chúa giao ta phụ chánh. Ta phải nắm quyền quyết định, hưng vong, suy thịnh Hớn trào. Trước mặt vua ta bày tiệc đón chào, cùng các khanh để hỏi thăm cao kiến. Đây là Huỳnh Môn Yến, có lầu, có tọa, có các, có đài. Nếu trên thánh quân có năm chín rồng bay, thì dưới trướng ta cũng ba ngàn cọp lạy. Chẳng khác triều đình thượng đại. Rõ ràng thiên tử phế chi. Các quan đã tường tri, Thôi hảy đồng dự yến. Bộ thần ( Dạ ) Truyền châm Lục Nghị, mau chuốc Kim Bôi! Mời các quan chén cho vui.
Các quan ( bưng rượu ) Thưa vâng !
Đỗng Trác ( cười gằng ) Khoan ! Các quan này ! Khá biết ! Tửu lịnh tất nghiêm quân lịnh à !
Các quan ( ngơ ngác, lập lại): Tửu lịnh tất nghiêm quân lịnh ?
Lữ Bố : Đúng rồi ! Nghĩa là : Ăn nơi đây, phải nói theo đây,
Ai viễn vông biệt sự tha cầu,
Ắt phải chịu đầu lìa khỏi cổ
( còn tiếp )
|