TIÊN ĐIỀN – LÀNG QUÊ NGUYỄN DU * Thái Kim Đỉnh Đến đầu thời Lê, nơi đây còn là bãi bồi hoang vu, người ở thưa thớt, nằm ven bờ sông cả (Lam Giang), mang cái tên buồn thảm Vô Điền (không ruộng), U Điền (ruộng hoang rậm). Qua hàng trăm năm, con người đã đổ công sức khai phá để quê mình có cái tên Tân Điền. Khi ông tổ họ Nguyễn Nam Dương hầu về ẩn náu và lập nghiệp vào những năm đầu thế kỷ XVII, thì Tân Điền đã được đổi thành Phú Điền, do phải tránh tên húy của vua Lê Kính Tông (1599-1618). Sau đó, chưa rõ vào thời gian nào, Phú Điền lại đổi thành Tiên Điền. Đầu đời Cảnh Hưng, đội quân tình nguyện toàn lính Tiên Điền có công bảo vệ kinh thành Thăng Long, làng được ban tên “xã Trung Nghĩa”(1). Đời Nguyễn, Tiên Điền thuộc tổng Phan Xá, huyện Nghi Xuân. Sau Cách mạng tháng Tám, từ 1947 đến 1953, hợp nhất với Uy Viễn thành xã Tiên Uy. Năm 1952, chia xã, Tiên Điền và một nửa Uy Viễn là xã Xuân Tiên. Năm 1973, xã lấy lại tên cũ Tiên Điền. Tiên Điền đông bắc giáp xã Đan Hải (Xuân Hải), tây bắc giáp xã Uy Viễn (Thị trấn Nghi Xuân), đông giáp xã Tiên Bào (Xuân Yên), nam giáp xã Phan Xá (Xuân Thành, Xuân Mỹ). Từ Tiên Điền đi qua Tiên Bào là đến biển Đông. Xưa, Tiên Bào là một thôn của Tiên Điền, dân các thôn khác gọi dân Tiên Bào là Kẻ Bể. Từ Tiên Điền nhìn qua Xuân Mỹ, thấy núi Hồng Lĩnh đứng sừng sững mé tây nam. Do vậy mà cụ Nguyễn Du đã lấy biệt hiệu “Nam hải điếu đồ”, “Hồng sơn liệp hộ”. Ngày nay, không thể biết được ai là người đến khai phá, dòng họ nào đến lập nghiệp đầu tiên ở Tiên Điền. Tác giả sách Nghi Xuân huyện chí (Lê Văn Diễn, người xã Tiên Bào) chép Nam dương, công Nguyễn Nhiệm vào mục Kiêu ngụ (ở đỗ) sau cả Hội quận công họ Phan. Như vậy, khi vị tổ họ Nguyễn đến (đầu thế kỷ XVII) thì ở đây đã có nhiều dòng họ khác. Gia phả họ Đặng, họ Trần đều cho biết vị sơ tổ đến đây vào thế kỷ XV. Nhưng sách trên cũng lại cho biết, vào thời gian này, một người họ Hoàng, thôn Báu Kệ, tên thuỵ là Chính Trực (không rõ tên húy) đỗ hương cống khai khoa ở Tiên Điền. Tiếp đó là hai cha con nhà họ Lê. Qua danh mục các nhà khoa bảng này thì có thể họ Hoàng, họ Lê còn đến sớm hơn họ Đặng, họ Trần. Hai họ Hoàng, Lê ở tập trung nhất tại thôn Báu Kệ, tương truyền được lập lên sớm nhất ở Tiên Điền. Mấy cứ liệu trên chưa phải đã hoàn toàn thuyết phục, nhưng qua đây có thể nghĩ rằng Tiên Điền lập làng muộn nhất là từ thế kỷ XIII, XIV và còn có thể sớm hơn. Cũng như nhiều làng xã khác, việc phân bố vùng cư trú ở Tiên Điền xưa theo huyết thống, người cùng họ tập trung vào một xóm, một thôn. Ở Báu Kệ, ngoài họ Hoàng, họ Lê còn có họ Trần. Ở Lương Năng, phần lớn là người họ Hà, họ Nguyễn, ở Võ Phấn thì người các họ Nguyễn, Trần, Hoàng và ở Văn Trường, người họ Đặng, Nguyễn… Một số họ có nhiều chi, nhiều dòng. Họ Hoàng có hai chi; họ Lê có ba, bốn dòng; họ Đặng, họ Nguyễn đều có ba dòng. Các họ có thể cùng chung một gốc, cũng có thể chỉ là đồng tính, không đồng tông. Ngoài ra còn có các gia đình họ Lương, họ Phạm, họ Phan, họ Hồ. Về gốc gác của các dòng họ thì họ Nguyễn từ Canh Hoạch (Hà Tây) vào; họ Phan (của Hội quận công) từ Sa Nam đến; họ Hồ (của Hương cống Hồ Sĩ Lâm) từ Hoàn Hậu (Quỳnh Đôi) vào (nay con cháu đã đi nơi khác); họ Đặng, họ Hà từ Đông Rạng, Tỉnh Thạch (Tùng Lộc) ra; họ Trần từ Minh Lang (Trung Lương) xuống. Một số tài liệu còn cho biết có mấy gia đình thợ đúc đồng họ Hà từ Diễn Châu vào hành nghề và ở lại thôn Văn Trường. Theo bản thống kê của Tòa Công sứ Pháp ở Hà Tĩnh năm 1942 thì dân số Tiên Điền có 439 đinh và 1.201 nhân khẩu (con số này thấp hơn thực tế một ít). Đến cuối thế kỷ XX, Tiên Điền có 222 hộ và 3.005 nhân khẩu. Tiên Điền là một xã nhỏ trong huyện, diện tích tự nhiên chỉ già 1/6 và dân số già 1/4 của Cương Gián là xã lớn nhất huyện. Trước tháng 8-1945, cả xã chỉ có 212 mẫu ruộng, chia đầu người chưa được nửa sào. Nay xã có 150 ha đất canh tác, và 25 ha đất vườn ao, bình quân đầu người là 500m2 (1 sào Trung bộ) đất canh tác. Ruộng đất công rất ít, chủ yếu là ruộng tế, ruộng binh, ruộng chia cho các chức sắc trong xã… Phần lớn là ruộng đầu tư, trong đó có một số ít ruộng họ, ruộng đồng môn, ruộng đền chùa, ruộng hậu, còn lại là của tư nhân. Không rõ, đời Lê – Nguyễn, tình hình chiếm ruộng đất của công, khanh, quan lại ra sao. Nhưng đến trước, sau Cách mạng tháng Tám, quan lại và địa chủ đã chiếm 120/212 mẫu ruộng, có gia đình có ruộng đất phát canh trong ba bốn xã. Hầu hết nông dân không có hoặc có rất ít ruộng đất. Đất mặn, đồng chua, khô táo, bạc màu. Xưa trồng cây chủ yếu là lúa (một vụ), khoai, sau thêm ngô, đậu, lạc… Vườn tược cũng chỉ có ít cây ăn quả thông thường. Nhưng Tiên Điền lại có loại đặc sản quý là cây hồng, gọi là “hồng tiến”, một thời được chọn làm vật phẩm tiến vua. Tương truyền, loại hồng này do Nguyễn Nễ (theo cụ Nghè Mai là Nguyễn Du) đi sứ bên Tàu, lấy giống từ Quảng Tây đưa về (?). Nhưng loại cây này không phải nhà nào cũng có. Ruộng vườn không nuôi nổi con người, bao đời nông dân ở đây phải làm đủ mọi nghề để mưu sinh. Nơi người ta tìm đến trước tiên là Ngàn Hống. Và việc dễ dàng mà nhiều người làm được là lấy củi, cắt tranh, lấy mây, dang, lá tơi, lá nón, hoặc săn bắt thú rừng… Nhờ của rừng, dân Tiền Giáp, Báu Kệ có nghề đan lát chằm tơi, lợp nón. Ở Báu Kệ, ngoài nghề làm tơi, còn có nghề mộc, và nghề làm giấy bằng cây niệt. Nghề rèn, đúc cũng có thời rất thịnh. Nghề rèn ở đây do ông tổ họ Trần ở Minh Lang (Trung Lương) xuống từ thế kỷ XV truyền lại. Nghề đúc đồng ở Văn Trường lại do ông Hà Chu Trị và ông Bốn, ông Loan từ Diễn Châu vào hành nghề chưa lâu lắm, cho đền thời chống Mỹ, vẫn còn. Nghề mộc cũng có từ đời Lê. Sách Nghi Xuân huyện chí chép: “Xưa, chỉ ở Tiên Điền người làm thợ nhiều hơn, ai cũng vừa ý ông…”. Có anh thợ mộc Hà Thiềm đến nhà Xuân nhạc công (Nguyễn Nghiễm) xem thợ Ái Châu (Thanh Hóa) khắc bia đá, mò mẫm tự học trở thành thợ khắc nổi tiếng. Các bia đá ở Tiên Điền, Uy Viễn đều do ông khắc. Người đương thời khen ông là “nhà thợ làm đủ nghề”. Con cháu ông đều làm thợ cả trong làng. Ngoài ra, một số người ở Võ Phấn, Lương Năng làm một số nghề khác để kiếm sống: bánh trái hàng chợ, buôn bán nhỏ… Nói về những mặt nổi trội của đất Nghi Xuân thời Lê – Nguyễn, dân gian có câu: “Ló (lúa) Hoa (Xuân) Viên, quan Tiên Điền, tiền Hội Thống…”. Địa bạc dân bần, nhưng Tiên Điền lại nổi tiếng lắm quan văn, quan võ, quan to, quan nhỏ, có thời trong làng đầy những công hầu khanh tướng, có nhà hiển hoạn cao khoa, có người là tể phụ triều đình. Nhìn lại quá trình lịch sử, thì thấy nhiều người đến Tiên Điền cư trú xuất thân từ các danh gia vọng tộc trong nước, trong xứ. Nhiều người đến đây không phải chọn đất lập nghiệp, mà là để tránh họa diệt vong. Đó là trường hợp vị tổ của họ Đặng, Nguyễn, Hà… Hàn lâm thị giảng (triều Hậu Trần) Đặng Chủng, con thứ hai Quốc công Đặng Tất ở Đông Rạng (nay xã Tùng Lộc, Can Lộc) sau khi quân Minh cướp nước ta, chạy lên chùa Hương Tích, Ngàn Hống làm thiền sư, thấy không yên, bèn lánh về Tiên Điền mai danh ẩn tích. Nam dương hầu Nguyễn Nhiệm, tướng nhà Mạc, dòng dõi trạng nguyên Nguyễn Thiến ở Canh Hoạch (Hà Tây) mưu đồ khôi phục họ Mạc không thành, chạy về ẩn tránh ở Tiên Điền. Còn tổ họ Hà là con Giám sinh Hà Công Hội, di duệ của các tiến sĩ Hà Công Trình (TK XV), Hà Tông Mục (TK XVI) ở Tỉnh Thạch (nay là Tùng Lộc) lại ra Tiên Điền lánh nạn vì một lý do khác. Số là, nhân ngày dân làng đắp đường, nhà ông Giám sinh nấu cháo mời bà con ăn. Không ngờ gói thuốc chuột rơi vào nồi lúc nào không hay. Nhiều người ăn, ngộ độc, nên các con ông phải chạy đi lánh nạn mỗi người một ngả, trong số đó, một người đã trốn ra Tiên Điền. Vị võ quan cao cấp, Hội quận công họ Phan, làm Tả đô đốc, phong Thái phó, tương truyền quê Sa Nam (Nghệ An) về ở Đông Giáp khá sớm. Một vị khác là Uy quận công, tương truyền quê huyện Thanh Oai (Hà Tây), thì về ở thôn Võ Phấn. Phải chăng hai ông cũng đến Tiên Điền với lý do như các vị trên? Chúng tôi chưa có tài liệu về lai lịch vị tổ khai cơ các dòng họ Hoàng, Lê và một số họ khác. Nhưng mấy cứ liệu trên cũng cho thấy chính những dòng họ này đã đem chữ nghĩa đến khai sáng vùng đất nghèo nàn, hẻo lánh này, tạo nên một Tiên Điền rực rỡ hào quang, rọi sáng đến hôm nay. Các vị Đặng, Nguyễn, Hà đều xuất thân từ những cự tộc văn học. Họ Đặng, họ Nguyễn là dòng nhà tướng. Ngoài hai dòng họ trên, dân Tiên Điền nói chung đều là võ dũng. Một chàng trai họ Trần, lúc trẻ ra học ở Thăng Long, thi đấu với Đô lực sĩ thắng cuộc, được bổ là Đô lực sĩ, Quản binh. Có công đánh giặc, chàng được phong tới chức Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ Tả hiệu điểm Thự vệ sự, tước Trung phụ hầu, lấy con gái chúa Trịnh, được ban Phò mã, Đoan quận công. Một chàng trai họ Trần khác, lúc quân Nam Bắc đánh nhau đã xướng suất dân chúng ra giúp vua, được giao quản quân dân hai tổng, bảo vệ quê hương, có công, được phong tước Trinh dũng hầu. Năm Ất Dậu (1885), nhà nho Hà Văn Mỹ (Tiên Điền), cùng Ngô Quảng (quê Nghi Lộc) tổ chức quân cần vương chống Pháp ở Nghi Xuân, được Phan Đình Phùng phong chức Thương Biện, giao phụ trách Nghi thứ. Căn cứ của hai ông xây dựng tại Khe Rẫy, xã Cương Gián được duy trì cho đến thời Duy Tân – Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo. Hà Văn Mỹ bị giặc Pháp bắt, đã tự sát để giữ trọn danh tiết. Ở thời hiện đại, nếu hồi Xô Viết Nghệ Tĩnh, Tiên Điền có người con tiêu biểu, người cộng sản trung kiên, liệt sĩ Nguyễn Phương, thì qua hai cuộc kháng chiến , Tiên Điền đã được Nhà nước phong danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Tiên Điền đúng là đất võ, nhưng người ta lại biết nhiều hơn đến một làng của học hành, khoa bảng. Gia phả họ Đặng chép về vị tổ Đặng Chủng: “…Ban đầu ngài khai hoang mở đất dựng nhà, sau cảm thấy đã yên ổn bèn mở trường học vừa dạy con cháu, vừa dạy con em nhà nghèo…”. Nhiều người xuất thân từ các danh gia khác cũng làm như vậy. Học trò Tiên Điền ngày càng đông. Thời ấy, học trò ở đây đều nghèo, con cháu các thế gia cũng không hơn gì mấy. Anh em Bá Trí, Trần Trọng Viêm đi học xa, chiếc chiếu ngồi cũng rách nát, thiếu ăn, thiếu mặc, đến hạt muối trắng cũng phải chia phần từng bữa. Nhưng nhiều người học giỏi nổi tiếng. Ông Hoàng Chính Trực (không rõ tên húy), người khai khoa ở đây, lúc nhỏ học giỏi, vì da đen nên được gọi là “Hắc thần đồng”. Về sau, Nguyễn Nghiễm, Lê Hoàng Đáp đều nổi tiếng thần đồng. Nguyễn Nghiễm đỗ Hoàng giáp còn Lê Hoàng Đáp đỗ đầu thi hương… Rất nhiều người đỗ đạt lúc còn ít tuổi. Lê Cảnh Quang 17 tuổi, Phạm Kiều Nho 16 tuổi, Nguyễn Do 15 tuổi đã đỗ Hương Cống. Hà Nguyên Tiếu, Nguyễn Khản, Nguyễn Trước, Hà Văn Gia… đều đỗ lúc mới 20, 21 tuổi… So với các làng xã trong huyện thì về khoa cử, Tiên Điền chậm sau khá xa. Nhưng từ giữa thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn, nhất là vào thế kỷ XVIII, Tiên Điền nổi tiếng về học hành, khoa bảng ở xứ Nghệ. Dưới hai triều đại Lê – Nguyễn, huyện Nghi Xuân có 21 vị đại khoa thì Tiên Điền chiếm 6 vị (1 hoàng giáp, 4 tiến sĩ đều là người họ Nguyễn, 1 phó bảng họ Hà). Toàn huyện có 115 vị khoa hương (93 hương cống, 22 cử nhân) thì Tiên Điền có 32 vị (29 hương cống, 3 cử nhân). Một số tài liệu cũng ghi 8 vị đỗ bảng ất, 5 tam trường (sinh đồ) đời Lê, số đó có Nguyễn Du, và 3 tú tài đời Nguyễn trong đó có 2 người họ Nguyễn. Hầu hết các dòng họ đều có người đỗ đạt, làm quan, nhưng nổi lên chỉ có họ Nguyễn. Khoa thì nhị, tam giáp tiến sĩ, chiếm 5/6 vị đại khoa trong làng, và hàng chục hương cống, sinh đồ, cử nhân, tú tài thời Lê – Nguyễn. Hoạn thì chức đến Thượng thư, thăng Tư đồ, Tham tụng, Bồi tụng, Tham đốc; Đô chỉ huy, lĩnh Trấn thủ, tước thảy Công, Hầu…, cha con, anh em đứng đầu trong triều, ngoài quận. Ấy là vào thời Lê mạt, cuối thế kỷ XVIII, lúc thịnh đạt nhất của họ Nguyễn, cũng là của Tiên Điền. Hồi cuối Lê (TK XVIII), làng Tiên Điền hẻo lánh xưa đã trở thành nơi đô hội nhất nhì xứ Nghệ. Sách cổ chép rằng, quanh đầm Phổ Quán, lầu gác, dinh thất tráng lệ mọc nối tiếp nhau, hàng chục đền miếu, đình chùa được xây dựng khắp các thôn xóm, trong đó có các công trình văn hóa tiếng tăm. Đình Tiên không lớn, nhưng là ngôi đình đẹp nhất trong vùng, xây dựng khi làng được ban tên “xã Trung Nghĩa”. Chùa Trường Ninh do dân làng lập lên, đến đời Hoằng Định (1601-1619), Đoan quận công cho sửa lại và dựng bia (bia vẫn còn, nhưng chữ đã mất). Đình Từ Văn xưa ở xã Hoa (Xuân) Viên, đời Vịnh Hựu (1735-1740), Xuân quận công cho dời về đây, dựng cạnh đình Tiên và chùa Trường Ninh… Hai cây cầu cũng được coi là thắng tích trong làng. Cầu Báu Kệ bắc trên bàu nước trước đình. “Hai mố cầu xây đá làm chân, dọc bờ trồng cây đại thụ làm bóng mát, cảnh trí thật đẹp”. Cầu Tiên do Xuân quận công (Nguyễn Nghiễm) cùng hai ông Liêu quận công (Đặng Sĩ Vinh) và Hiến phó (Đặng Thái Bàng) ở Uy Viễn cho sửa lại, dựng bia đá đầu cầu. “Thời đó, ngựa xe, mũ lọng đi lại như mắc cửi, cảnh trí không khác gì Ngọ kiều nhà Đường”. Còn chợ Tiên thì “hàng quán nối răng lược, lầu các chăng mạng nhện, lại có người Tàu lập phố xá buôn bán, thật là nơi “văn vật” nhất huyện…”. Trong các thôn, còn có nhiều đền, miếu: Đền Đoan quận công, đền Hội quận công ở Lương Năng, đền Uy quận công ở Võ Phấn, đền Trinh Dũng hầu, đền Hà Chân đài ở Báu Kệ.. Riêng họ Nguyễn có đền Lĩnh Nam công, đền Tiên lĩnh hầu (Nguyễn Huệ), đền Xuân nhạc công (Nguyễn Nghiễm), đền Lam khê hầu (Nguyễn Trọng), đền Điền nhạc hầu (Nguyễn Điều)… Năm Tân Hợi (1791), nhân vụ Nguyễn Quýnh (con thứ tư Nguyễn Nghiễm) mưu chống lại nhà Tây Sơn, làng Tiên Điền bị quân Tây Sơn đốt phá. Hầu hết dinh cơ các đại gia và một số đình, miếu bị cháy trụi. Đến đời Nguyễn, một số công trình được trùng tu, nhưng cảnh tượng huy hoàng xưa không còn nữa. Các nhà quý tộc phong kiến cùng thời với dinh cơ của họ và nhiều công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử đã mất từ lâu. Nhưng những tập tục hay, những truyền thống tốt đẹp của nhân dân Tiên Điền mà các dòng họ lớn có phần đóng góp quan trọng thì vẫn còn mãi mãi. Sách Nghi Xuân huyện chí chép sơ lược lịch sử chùa Trường Ninh và đình Tiên: “Ngày xưa, người già cả trong làng, ai đến lứa tuổi 52, phần lớn đều gặp bất lợi. Trong làng có 5 cụ đến tuổi đó biện lễ đến cầu yên ở chùa này thì cả năm cụ đều được yên ổn. Sang đầu năm sau, các cụ lên tuổi 53, họ làm cỗ lên chùa tạ, do đó trở thành lệ làng. Từ 12 đến rằm tháng giêng hàng năm, mỗi thôn được chia lượt một ngày lễ chùa. Khi các thôn lễ Phật xong, toàn xã về họp mặt tại đình Tiên uống rượu, ngâm thơ mừng thọ, chung vui”. Uống rượu, ngâm thơ đầu xuân là sinh hoạt văn hóa của giới quý tộc, nho sĩ. Còn hát ví giao duyên là sinh hoạt văn nghệ bình dân mà nhiều tao nhân, mặc khách cũng đam mê không kém trai gái trong làng. Ngày nay còn nhiều giai thoại về Nguyễn Du tham gia các cuộc hát với trai gái Tiên Điền, Tràng Lưu… Cùng với những tục lệ hay, những nếp sinh hoạt văn hóa đẹp, học hành là truyền thống quý được nhân dân giữ gìn và phát huy cho đến bây giờ, người được đi học chỉ tâm niệm “Tiến vi quan, thối vi sư” – Tiến lên thì làm quan, lui về thì làm thầy. Nếu không dạy học (nho) thì làm thuốc (y), làm địa lý (lý), làm bói toán (số) cũng là những “nghề thầy”. Tiên Điền có nhiều thầy giỏi. Đặng Chủng là một trong những người đầu tiên mở trường dạy học ở Tiên Điền. Lê Hoằng Quy người thôn Tiên Bào (Tiên Điền xưa) dạy học ở Báu Kệ, được học trò thờ làm Tổ sư. Hà Đăng Châu, Hồ Sỹ Lâm đều là những vị sư mô nổi tiếng đã tạo nên nhiều nhà khoa bảng thời Lê – Nguyễn. Tiên Điền có nhiều người làm học quan như các Huấn đạo Hà Thúc Đạt, Hà Tôn Dao, Trần Thới Chuẩn…, lại có Nguyễn Nghiễm là Nhập nội kinh diên, Nguyễn Khản làm Tả tư giảng là thầy học của vua Lê chúa Trịnh. Các dòng họ Hà, Trần, Lê…, nhất là họ Nguyễn lại có nhiều danh y: Nhân Hiền tiên sinh Hà Công Huy làm việc ở viện Nhung y, về hưu ở thôn Báu Kệ tiếp tục làm thuốc. Họ Nguyễn, từ các vị tổ Nam dương công, Lĩnh nam công đến các con cháu, Nguyễn Trọng, Nguyễn Cảnh(2), Nguyễn Nhưng, Nguyễn Nghi, Nguyễn Thị Uyên… đều là thầy thuốc có tài. Nguyễn Trọng có công nghiên cứu thuốc Nam, thuốc của Nguyễn Cảnh được coi là “thuốc thánh”, nhà thơ Nguyễn Hành thường nói “ông có tài “lương tướng”… Về sau, Tiên Điền vẫn là đất của nhiều vị lương y… Lĩnh nam công Nguyễn Quỳnh, giỏi nghề thuốc, lại có biệt tài về nghề địa lý (phong thủy)… Trong nhiều lĩnh vực sáng tạo văn hóa, Tiên Điền đều có những tác giả nổi tiếng trong xứ, trong nước. Đó là Nguyễn Nhiệm, Nguyễn Quỳnh với các trước tác y học Nam dương tập yếu kinh nguyên, Từ ấu chân thuyên quyết nghị tập; Nguyễn Nghiễm với các bộ sử, địa Việt sử bị lãm (7 quyển), Lạng Sơn toàn thành đồ chí; Hoàng Tôn Tuẫn, Trần Duy Tự, Hoàng Kim Thành với các bộ sách dịch thuật, sưu tập: Thi phú chú giải, Tiểu học âm diễn nghĩa và Thái Hiên dư tập, Phú tập, Tứ lục tập. Đặc biệt, Tiên Điền trở thành tên của thi hào dân tộc Nguyễn Du… Ngày nay, con em Tiên Điền vẫn tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, có nhiều đóng góp xứng đáng với quê hương đất nước, nhất là tạo được nhiều nhân tài thời hiện đại, tiêu biểu là GS – TS y học Hà Văn Mạo, GS khảo cổ Hà Văn Tấn… |
Cập nhật ( 18/10/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com