TIỀM NĂNG VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH BẮC TRUNG BỘ * Minh Nguyệt Trong khuôn khổ Festival Huế 2012, ngày 15/4/2011, tại UBNF tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch phối hợp với tổng cục Du lịch và Hội khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội thảo “Tiềm năng và hướng phát triển du lịch Bắc Trung Bộ”. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cùng một số đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ; các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ – du lịch tiêu biểu. Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích đánh giá tiềm năng tài nguyên du lịch, đưa ra những bài học kinh nghiệm và thảo luận phương thức phát triển du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn có sự kết nối liên thông giữa các tỉnh, thành trong khu vực Bắc Trung Bộ. Trong số 27 tham luận tại hội thảo, có nhiều tác giả đưa ra các kết quả nghiên cứu đáng chú ý về tính phân vùng văn hóa – du lịch tương đối trong khu vực Bắc Trung Bộ và tương quan trách nhiệm giữa phát triển kinh tế du lịch với nâng cao đời sống nhân dân, bảo tồn di sản văn hóa và môi trường, sinh thái. Cùng với đó là nhiều dẫn liệu về tiềm năng và thế mạnh của tài nguyên du lịch địa phương cần được khai thác và phát huy. Tại hội thảo, các lãnh đạo, nhà quản lý trung ương, địa phương và doanh nghiệp đều cơ bản thống nhất về tiềm năng và mối quan hệ mật thiết giữa các tỉnh thành khu vực Bắc Trung Bộ trong vấn đề khai thác tài nguyên du lịch, tiến đến hạn chế việc phân vùng không gian du lịch bóp hẹp trong địa lý hành chính, cho ra đời “Con đường di sản miền Trung”, tránh trùng lặp mô hình hoạt động và giảm thiểu tính cạnh tranh nội địa. Các đồng chí tham dự tại hội thảo đã đánh giá cao những nổ lực của địa phương trong suốt thời gian qua, tuy mỗi vùng đều phải đối mặt với những khó khăn và hạn chế mang tính đặc thù riêng. Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, lãnh đạo và địa biểu các cấp cũng khuyến khích đề nghị chỉ rõ các mặt tiêu cực cần được khắc phục để tìm ra phương hướng tốt nhất trong quá trình quảng bá và hoạt động du lịch. Trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã nêu rõ các mặt yếu kém và thiếu sót trong quá trình phát triển hoạt động du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, bao gồm việc triển khai nhiều loại hình du lịch nhưng sức cạnh tranh yếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên; sự chưa nhận thức rõ vai trò của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, chưa tạo ra được hành lang pháp lý và các điều kiện cần để phát triển các hoạt động lữ hành, thu hút khách du lịch đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Ngoài ra, vấn đề đào tạo đội ngũ phục vụ hoạt động du lịch chuyên nghiệp nhưng chất lượng chưa cao cũng được Thứ trưởng đưa ra thảo luận. Điều này không chỉ xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan như năng lực, tác phong của đội ngũ du lịch mà còn bao gồm các yếu tố về kỹ năng và chất lượng giáo dục. Tại hội thảo, vấn đề chú trọng vào những chủ thể-những người dân trong khu vực hoạt động du lịch cũng được nhiều đại biểu và nhà nghiên cứu quan tâm. Các ý kiến thảo luận đi đến thống nhất rằng, phát triển du lịch không thể tách rời lợi ích và đời sống nhân dân, bởi họ là người chung sống và giữ gìn di sản, do đó họ cần được tạo điều kiện để nhận thức đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình tromg quá trình triển khai hoạt động du lịch. Kết thúc cuộc hội thảo, Phó Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường đã phát biểu và khẳng định một lần nữa các nội dung quan trọng: Thứ nhất, đó là vấn đề chủ quan trong việc rút ra mô hình hoạt động du lịch đặc thù của vùng dựa trên những tiềm năng, đảm bảo tính cạnh tranh và hiệu quả riêng có, đảm bảo định hướng về chiến lược phát triển du lịch Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg ban hành ngày 30/10/2011; cũng như phát huy tính đúng đắn, phù hợp với truyền thống lịch sử-văn hóa lâu đời trong phân vùng văn hóa không theo địa lý hành chính khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ. Thứ hai, theo như nội dung tham luận, các ý kiến thảo luận và sự lãnh đạo tỉnh, bộ, cơ quan ban ngành, việc phát triển kinh tế du lịch phải được gắn liền với phát triển văn hóa, trong đó cần thiết phải có thống nhất và nhận thức đúng đắn bắt đầu từ các cấp lãnh đạo để từ đó chỉ đạo nhân dân. Về mô hình và phương thức kết nối giữa các tỉnh thành trong khu vực Bắc Trung Bộ, cần thiết phải có người chủ trì, và các cơ quan, liên hiệp hội làm trung gian đóng vai trò như một trọng tài, tạo ra mối quan hệ trong hoạt động du lịch của 6 tỉnh để tiến đến sự hình thành “Con đường di sản miền Trung”. Phó Tổng cục Du lịch cũng khuyến khích các lãnh đạo học tập mô hình liên kết với sự chủ trì luân phiên, làm đầu mối phân phối trong tổ chức hoạt động du lịch của ba tỉnh miền Bắc Lào Cai – Yên Bái-Phú Thọ. Thứ ba là các giải pháp định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới và vấn đề bảo tồn, phát huy những di sản đã và đang có. Ngoài ra, những đề xuất để được đầu tư, đổi mới các điều kiện cơ sở hạ tầng mà quan trọng là xây dựng các đường bay trực tiếp từ sân bay Phú Bài cũng được khuyến khích. Và cuối cùng là vấn đề thay đổi cơ chế chính sách trong đó chú trọng vào việc thay đổi, mở rộng, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động du lịch lữ hành và kêu gọi đóng góp ý kiến nhằm đổi mới bổ sung Luật Du lịch 2005 và trình lên Thủ tướng chính phủ vào năm 2013. Thay mặt hội thảo, Phó Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường gửi lời cảm ơn đến toàn thể các lãnh đạo, đại biểu các bộ, ngành, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đã đến tham dự và đóng góp tích cực vào thảo luận tiềm năng, phương hướng phát triển du lịch địa phương. Đồng thời hy vọng những mặt yếu kém sẽ dần được hạn chế và triển khai có hiệu quả các giải pháp đề ra để phát huy tối đa nội lực vốn có. |
Cập nhật ( 02/08/2012 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com