TIỀM NĂNG DU LỊCH VÙNG BỜ BIỂN BẠC LIÊU * Trần Phước Thuận Bạc Liêu là một tỉnh được hình thành muộn hơn một số tỉnh khác ở Bạc Liêu nhờ thiên nhiên ưu đãi nên được thuận lợi ở nhiều mặt, một tỉnh có đồng ruộng bao la cò bay thẳng cánh, một vùng đất vừa có ruộng có rừng với một hệ thống sông ngòi chằn chịt và một bờ biển dài gần năm mươi cây số từ cửa Gành Hào lên tới ranh giới huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Hệ sinh thái ở đây rất đặc biệt đã tạo sự chú ý cho nhiều người từ hàng trăm năm qua, địa danh Giồng Nhãn đã nổi tiếng từ lâu cũng là một điển hình. Giồng Nhãn thường gọi là Vườn Nhãn, theo lời kể của một số người lớn tuổi thì khoảng vài trăm năm trước ở đây là vùng đất hoang chưa có người ở cố định vì đất rất thấp, bổng vào một đêm có mưa to gió lớn và nhiều đợt sóng thật cao cuốn vào bờ, khi nươc rút đi đã để lại hai giồng cát khá cao chạy dọc theo bờ biển đến mấy chục cây số, giống như hai con đê chắn sóng. Ít lâu sau đó người ta thấy trên hai giồng cát này có mọc một số cây nhãn lạ, trái nhãn màu vàng có cùi dày ăn rất thơm, một số người hiếu kỳ đặt tên là Hương nhãn và đã đem hột giống về trồng gần nhà, nhưng khi thu hoạch trái không được thơm như nhãn trên giồng cát, vì vậy có người đã nãy ra ý định san bằng hai giồng cát cho liền với nhau để vừa làm nhà ở vừa có đất trồng loài nhãn quý này. Đầu tiên là những hộ dân nghèo dựng những căn nhà lá nhỏ trên giồng cát, họ đã dùng những dụng cụ đơn sơ để nới dần diện tích canh tác để trồng Hương nhãn, dần dần người ta thấy việc trồng nhãn có huê lợi và dễ làm hơn các nghề khác lúc bấy giờ và cũng không dãi nắng dầm mưa hay nguy hiểm như nghề làm biển, nên chẳng bao lâu hầu hết các hộ dân sống ở đây gồm chung người Việt, người Khmer và người Hoa đều tham gia khai khẩn hai giồng cát để trồng nhãn. Lúc đó người thưa đất nhiều, ai có sức khai khẩn tới đâu thì làm chủ tới đó, không những không có nạn tranh cướp đất đai mà người dân ở đây còn giúp đỡ đùm bọc với nhau trong cuộc sống, tinh thần đoàn kết của các dân tộc đã thể hiện qua bằng chứng là mọi người ở Giồng Nhãn đều nói được ba thứ tiếng Việt, Khmer, Hoa; hơn nữa về hôn nhân thì họ cơ hồ như không có sự phân biệt giữa các dân tộc, có thể nói là rất tự do trong việc cưới hỏi giữa ba dân tộc với nhau, vì vậy người dân ở đây đa số là những người có hai dòng máu, hoặc là Hoa Việt, hoặc là Việt Khmer, hoặc Khmer Hoa, cũng có người mang cả ba dòng máu Hoa Việt và Khmer do lai nhiều đời. Khoảng trăm năm trước, cư dân ở Giồng Nhãn chỉ làm một nghề duy nhất là làm vườn và loại cây duy nhất được trồng ở đây là nhãn, vài chục năm sau họ mới trồng thêm một ít mãn cầu ta (quả na). Hương nhãn ở Bạc Liêu là một loại trái cây vừa thơm vừa ngon, mùi vị rất đậm đà không thể tìm thấy loài nhãn này ở một nơi nào khác ở Việt Nam; mãng cầu ta được trồng ở Giồng Nhãn cũng có múi to, thịt nhiều và mùi thơm đặc biệt, hơn hẵn mãn cầu ở các nơi, dù có đem hạt mãng cầu ở đây làm giống gieo trồng ở nơi khác thì trái mãng cầu cũng không thể có hương vị như mãng cầu ở Giồng Nhãn được. Nhãn và mãng cầu ta là hai loại trái cây đặc sản tiêu biểu của vùng Bạc Liêu, có sức thu hút rất lớn đối với du khách, vì vậy hàng năm cứ đến đầu mùa mưa có rất nhiều người từ các nơi dập dìu đổ về tham quan Giồng Nhãn và thưởng thức giống nhãn đặc biệt này, người đi bộ kẻ đi xe đạp, xe máy làm chật cả con đường đất đỏ. Cái cảnh người người qua lại chen chút với nhau diễn ra hàng năm ở đây thật không thua gì cái cảnh đông đúc trong tết Nguyên Đán hay tết Thanh Minh ở tỉnh thành. Giồng Nhãn Bạc Liêu từ lâu đã là một khu du lịch sinh thái rất nổi tiếng, nhưng cũng rất bình dân, các chủ vườn ở đây rất mến khách, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt sắc tộc, nên lượng du khách về đây năm nào cũng đông. Khách đến đây đủ mọi giới, mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là thanh niên nam nữ, học sinh ở các trường học trong và ngoài tỉnh, họ đến đây để vui chơi, để cắm trại, để hàn huyên tâm sự… và để thưởng thức hương vị đặc biệt của Hương nhãn Bạc Liêu. Cách đây khoảng hai mươi năm trở về trước các chủ nhà vườn ở Giồng Nhãn chưa biết nhiều về vấn đề du lịch sinh thái, chưa biết khai thác nguồn lợi của loại hình du lịch này, nên họ đón khách vào vườn của mình chỉ với mục đích duy nhất là bán nhãn, họ bán cũng có nhiều hình thức, bán theo chùm, bán theo kí lô, hoặc họ chỉ nhận một số tiền tượng trưng nào đó của khách khi vào vườn với điều kiện là khách tự hái nhãn ăn thỏa thích nhưng không được đem về. Cũng do các chủ vườn ở đây đón khách rất vui vẻ và tận tình, món ăn là trái cây tươi rất ngon ngọt, phong cảnh thật hữu tình nên năm nào cứ đến giữa mùa hạ là du khách tới thăm tấp nập. Giồng Nhãn có nhiều gốc nhãn đã tồn tại lâu đời, thân cây đa số đều có hình dáng kỳ dị khác thường, mỗi gốc cây đều có cấu trúc đặc biệt, hoặc dẹp như cái dĩa, hoặc tròn như trái dưa, hoặc có khía như cây bằng lăng tím, hoặc xoắn tít như mũi khoan của thợ mộc. Các cây nhãn ở đây có lẽ đã chịu nắng sương hàng thế kỷ nên đa số đều nghiêng ngã, là đà, cành cây thưa thớt cong queo hoặc nằm hẵn ở mặt đất một đoạn dài rồi mới ngóc lên, cũng có thân cây bị thương tích lâu đời nay tuy đã lành lại nhưng vô tình tạo thành những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc thật tuyệt vời. Chính điều này đã tạo nên sự thu hút du khách ở các nơi. Du khách đến đây chủ yếu là giải trí, vui chơi, ca hát, ăn uống… được sinh hoạt dưới những gốc nhãn già hàng trăm năm tưổi thật thỏa thích vô cùng. Một nơi du lịch vừa rẽ tiền vừa đáp ứng được nhu cầu giải trí, vui chơi cho du khách giữa một vườn cây cảnh đầy tính nghệ thuật do thời gian và thiên nhiên ban tặng, cho nên ai đã một lần đi đến Giồng Nhãn Bạc Liêu đều mong ước năm sau sẽ cùng bè bạn, người thân đến đây hội ngộ. Nhưng hiện nay người dân ở Giồng Nhãn Bạc Liêu đang gặp một vấn đề rất khó giải quyết, đó là sự xuất hiện của một vài loại nhãn từ các địa phương khác đang được nhập về bày bán ở Bạc Liêu như nhãn Long, nhãn Xuồng, nhãn hột tiêu, nhãn da bò… các loại nhãn này trái vừa to vừa đẹp, cùi dày, giá lại rẽ và nghe đâu các loại nhãn này có mức thu hoạch rất cao, cao hơn Hương nhãn nhiều lần. Vì vậy có nhiều chủ vườn tự động phá bỏ nhãn cũ để trồng nhãn mới, hoặc dùng đất vườn của mình cho các loại hình kinh doanh khác. Họ làm như vậy là do nhu cầu cuộc sống, vì quyền lợi gia đình, nghĩ ra cũng không phải là sai, nhưng chính điều này đã làm cho diện tích du lịch càng lúc càng bị thu hẹp, các gốc nhãn cỗi già còn lại chẳng bao nhiêu, du khách càng ngày càng ít. Giồng Nhãn một điểm du lịch nổi tiếng hàng trăm năm ở Bạc Liêu dần dần mất đi vị thế vốn có của mình. Có lẽ ngành Văn hóa Du lịch nên có kế hoạch để phục hồi một điểm du lịch sinh thái mang tính văn hóa nghệ thuật rất cao như Giồng Nhãn Bạc Liêu. Dọc theo bờ biển Bạc Liêu còn có nhiều nơi thờ tự, đặc biệt là chùa Xiêm Cán, một công trình xây dựng rất công phu của người Khmer, với những đường nét kiến trúc thật đặc sắc có thể đáp ứng cho các nhu cầu về tham quan du lịch. Đây là một quần thể kiến trúc tuy không lớn lắm, nhưng thật hài hòa và mang tính mỹ học cao được xây dựng trên một khu đất vườn, nằm trên Giồng Nhãn rộng hơn một hécta. Đặc điểm nỗi bật của nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer là điêu khắc, chạm trỗ, hội họa và hoa văn trang trí; ở đây cũng vậy, về điêu khắc ngoài các tượng Phật Thích Ca với các kiểu dáng khác nhau như tượng Phật giáng sinh (đứng) Phật tọa thiền (ngồi), Phật nhập niết bàn (nằm), Phật ngồi trên rắn thần Muchalinda, Phật đi khất thực, Phật tu khổ hạnh, Phật thuyết pháp… còn có các tượng thần Kabit maha prum, tượng chằn người chim (Krud), tiên nữ (Kây no), hung thần (Rea hu), quái thú kỳ lân (Reach cha sei), rắn thần (Naga Pôs Néc ka reach), khỉ thần Hanuman, rồng (Naga néc), vua rồng (Phu chông néc), nữ thần đất (Neang Hing Thô vă ni), vũ nữ (Ap sa ra)… Về hội họa, đa số tranh ảnh đều rút ra từ truyện tích cổ xưa, truyền thuyết Phật giáo, sinh hoạt cộng đồng, nhiều nhất là các tranh ảnh diễn tả từ lúc Phật đản sinh đến nhập niết bàn, ca ngợi sự toàn năng toàn giác của Phật. Các hoa văn trang trí đều mang tính triết lý Phật giáo, nhưng cũng là các hình ảnh quen thuộc thường thấy trong thiên nhiên như : Hoa sen nở, hoa sen búp, hoa cúc, hoa vô ưu, hoa hồi (chăn), hoa dây leo (phnhivâr), cành hoa (phnhitês), ngọn lửa (phunhipling)… Các hoa văn được kết cấu rất phức tạp nhưng cũng rất hài hòa ở từng bộ phận kiến trúc khác nhau, kể cả các bộ phận nhỏ như : Chân tường, hành lang, đầu cột, đầu hồi, diềm mái, khung cửa cái, cửa sổ … đều được trang trí rất đẹp. Chùa Khmer dù lớn hay nhỏ, dù ở địa phương nào cũng thường là một quần thể kiến trúc rất công phu, mỗi một khu vực, mỗi một vị trí kiến trúc đều là sự phối hợp bởi những đường nét nghệ thuật thật độc đáo và hài hòa, đã diễn đạt được những ý nghĩa sâu xa và thâm thúy của Phật giáo, đã minh họa những hình ảnh cổ xưa theo tín ngưỡng dân gian đồng thời đã diễn tả được những sinh hoạt cộng đồng của người Khmer Nam bộ; chùa Khmer nói chung, chùa Xiêm Cán nói riêng thật sự là một sản phẩm văn hóa dân tộc đã gắn liền với cuộc sống của người Khmer trong nhiều thế kỷ qua và trong hiện tại cũng đã góp phần không nhỏ làm thẩm mỹ hóa nghệ thuật kiến trúc của các dân tộc ở các tỉnh thuộc vùng đất phía Nam. Nhưng có lẽ một nơi có sức thu hút lớn nhất ở Bạc Liêu đối với khách du lịch chính là Quán Âm Phật Đài, một điểm du lịch mang màu sắc văn hóa Phật giáo tọa lạc trên bờ biển Bạc Liêu. Số lượng du khách từ các nơi về đây chiêm bái những năm gần đây đều trên dưới hai trăm ngàn lượt người, riêng năm nay (2008) tuy chỉ mới ba tháng đầu năm mà số lượt người đã đã vượt trội, con số mới nhất vừa ghi nhận được đã hơn ba trăm ngàn lượt. Đây là một trong các công trình văn hóa tâm linh nổi bật nhất ở Bạc Liêu – Thánh tượng Bồ tát Quán Thế Âm đã được xây dựng từ năm 1973 do chủ trương của Ban Đại diện Phật giáo tỉnh Bạc Liêu (ngày nay gọi là ban Trị sự Phật giáo tỉnh), suốt thời gian xây dựng đã được sự đóng góp nhiệt tình của bà con Phật tử và các nhà hảo tâm xa gần, cơ bản hoàn thành vào đầu năm 1975, tượng cao mười một mét (chưa kể chân đế), đứng sừng sững bên bờ biển Đông thuộc khu vực ấp Nhà Mát xã Hiệp Thành (nay là phường Nhà Mát thị xã Bạc Liêu), mặt xoay ra biển. Lúc mới xây dựng, tượng đài được đặt sát mé biển, khi thủy triều lên nước biển tràn vào có lúc ngập cả chân đế, nhưng tới nay do sự bồi đắp của thiên nhiên, vị trí đặt tượng đài đã cách biển gần bốn ngàn mét. Tượng đài tuy giản đơn, nhưng cảnh quan rất hùng vĩ và trang nghiêm dễ gây sự chú ý và ngưỡng mộ cho mọi người, đã đáp ưng một phần lớn nhu cầu tín ngưỡng cho ngư dân ở đây, nhất là những người thường đánh bắt xa bờ. Tượng Bồ tát còn làm thêm nhiệm vụ “làm ngọn hải đăng” cho những người đi biển. Đến năm 1995, ban Đại diện Phật giáo thị xã Bạc Liêu được chính quyền cho phép trùng tu chân đế của tượng đài. Từ đó đến nay, đồng bào Phật tử và du khách đến chiêm bái càng lúc càng đông, để đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch của du khách và thể hiện chủ trương về bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tỉnh nhà, năm 2004 UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt dự án và cho phép Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu xây dựng Quán Âm Phật Đài trên diện tích 250.000m2 chung quanh vị trí cũ của tượng đài với nhiều hạn mục khác nhau, kinh phí đầu tư dự kiến trên năm tỷ đồng. Công trình đang được tiến hành, hiện nay chỉ mới hoàn thành cổng Tam quan, điện thờ Thiên Thủ Thiên Nhãn và một số hạn mục nhỏ, mặc dù vậy các ngày lễ người ta đến chiêm bái và tham quan thật đông đúc, nhất là vào lễ vía Quán Thế Âm trong ba ngày 19 tháng 2, 19 tháng 6, 19 tháng 9 âm lịch và trong ba ngày vía Bà 22, 23, 24 tháng 3 âm lịch hàng năm người ta đến rất đông, không những người địa phương mà người các tỉnh khác kể cả du khách và Phật tử ở một số tỉnh xa từ miền Trung, miền Bắc cũng có mặt. Quan cảnh tham quan, chiêm bái thật vô cùng náo nhiệt. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có một đoạn tả về cảnh đông đúc của tết Thanh Minh “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, nhưng chắc không thể hơn cái cảnh người người chen chút nhau đi chật cả đường trong các ngày lễ lớn ở đây, từ con đường phía trước cổng cho đến con đường dẫn vào tượng đài, người ta vô cùng đông đúc, như một dòng người tấp nập tới lui luân chuyển cả ngày đêm, nhất là về đêm số lượng người càng gia tăng nhiều hơn nữa. Trên lề đường người ta bày bán đủ các thứ tranh ảnh và đồ lưu niệm, nơi giữ xe cứ tiếp tục mọc ra càng lúc càng nhiều, các hàng quán lớn nhỏ ở các khu lân cận ngày một nhiều thêm và đều có đông người ăn uống trong các ngày lễ vía. Du khách đến chiêm bái Quán Âm Phật Đài càng lúc càng đông nên các dịch vụ ở đây cũng rất đa đạng. Về phương diện đi lại từ lâu đã có các dịch vụ xe chất lượng cao 16 chỗ ngồi như Văn Minh, Tường Long, Hán Nghĩa, Hoàng Cung, Sài Gòn, Mai Linh… giá mỗi vé từ Thành phố Hồ Chí Minh tới Bạc Liêu khoảng 100.000 đồng, đoạn đường từ Thành phố Cần Thơ về Bạc Liêu thì có nhiều xe hơn, giá vé cũng khoảng trên dưới 50.000 đồng. Tại thị xã Bạc Liêu có nhiều khách sạn từ trong nội ô đến ngoài thị xã, nhưng địa điểm thuận lợi nhất là khách sạn Bạc Liêu và khách sạn Công tử Bạc Liêu ở gần cầu Quây, tiền phòng nghỉ mỗi đêm cũng chỉ từ 200.000 đến 350.000 đồng. Phòng nghỉ ở đây tuy không thể so sánh được với các khách sạn ở những thành phố lớn khác, nhưng tương đối cũng đầy đủ tiện nghi cho du khách. Đặc biệt nhất trong số này là căn phòng của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy lúc còn sinh thời, phòng này rất rộng rãi và sang trọng, nhưng phải đặt trước vài hôm mới có. Ngoài ra còn có các khách sạn khác như Đạt Ngọc, Tiên Kim, Quê Nhà, Công Tử, Kiều Hối, Nhà khách Công Đoàn… và nhiều nhà trọ cũng sẵn sàng đón tiếp du khách với giá thấp hơn. Đoạn đường từ trung tâm thị xã Bạc Liêu ra Quán Âm Phật Đài chỉ có 8km, du khách có thể di chuyển bằng taxi hay xe ôm tuỳ thích. Gần khu Quán Âm Phật Đài cũng có nhiều nhà trọ phục vụ tập thể khách hành hương giá rất rẻ, chỉ vài chục ngàn mỗi phòng. Quán ăn rất nhiều chay mặn đều có, trong những ngày lễ các hàng quán ở đây mở cửa suốt cả ngày đêm. Chung quanh Quán Âm Phật Đài có nhiều quầy hàng, bán đủ các loại đồ đạc cần dùng cho du khách, kể cả những món quà lưu niệm, tranh ảnh nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa của miền “muối mặn đồng chua” này, nhất là lực lượng nhiếp ảnh ở đây đều được Ban Văn hoá Tỉnh hội Phật giáo tuyển chọn và tổ chức ngăn nắp, lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ du khách để ghi lại hình ảnh kỷ niệm cho cá nhân, gia đình hoặc đoàn thể. Đặc biệt năm nay (2008), có chủ trương của UBND tỉnh Bạc Liêu với sự hỗ trợ của các ban ngành địa phương đối với việc tổ chức lễ hội, nên Quán Âm Phật Đài lại càng được sự chú ý của du khách hơn. Trong công văn số 14/UBND-VX ngày 7/1/2008 của UBND tỉnh Bạc Liêu gởi Sở văn hoá Thông tin và các ban ngành hữu quan về việc Tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh có đoạn viết “Việc tổ chức các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống cách mạng, tôn giáo… nhằm tưởng nhớ công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá, các liệt sĩ, các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tín ngưỡng, tham quan các di tích lịch sữ- văn hoá, công trình kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên và các nhu cầu chính đáng khác của nhân dân. Với ý nghĩa đó chủ tịch UBND tỉnh đồng ý tổ chức các lễ hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu như sau : Lễ hội Dạ Cổ Hoài Lang (tỉnh Bạc Liêu), lễ hội Đồng Nọc Nạng (huyện Giá Rai), lễ hội Nghinh Ông (huyện Đông Hải) và lễ hội Quán Âm Nam Hải (thị xã Bạc Liêu)…”. Thực hiện tinh thần này đồng thời cũng kế thừa thành quả tốt đẹp đạt được sau lễ hội Đồng Nọc Nạng được tổ chức trong tháng Giêng vừa qua ở huyện Giá Rai, Tỉnh hội Phật giáo đã soạn thảo một chương trình lễ hội ba ngày với nội dung như sau : Ngày thứ nhất (22 tháng 3 âm lịch) : Đại biểu, quan khách tề tựu; Xe hoa diễu hành; Kích cổ (36 cái trống lớn); Múa rồng, múa lân; Khai mạc lễ hội; Phát biểu của chính quyền, giáo hội…; Nghi thức lễ hội (Dâng hoa; Nghinh thiên tiếp giá; Nhập tịch khai chung bảng, Khai kinh, Thượng phan, Chiêu vong, Nghinh thần chủ, Trình lục cúng). Ngày thứ hai (23 tháng 3 âm lịch) : Khoá lễ Lăng Nghiêm, Phật tử dâng hương, Cầu an, Thỉnh thánh, Thuyết pháp. Đến 19 giờ Hát bội với vở hát Quán Âm Diệu Thiện. Ngày thứ ba (24 tháng 3 âm lịch) : Cầu an, Văn nghệ người Hoa, Tế oan hồn tử sĩ, Phóng liên đăng, Chẩn tế, Hoàn mãn. Du khách chắc chắn sẽ hài lòng khi đến Quán Âm Phật Đài Bạc Liêu, vừa để tham quan chiêm bái thánh tượng, thưởng thức cảnh quan tuyệt vời của một vùng trời biển bao la, vừa để tìm hiểu lễ hội Quán Âm Nam Hải một lễ hội Phật giáo nhưng mang đậm màu sắc văn hoá truyền thống dân tộc Việt Nam. Quán Âm Phật Đài xây dựng chưa xong mà lại có kết quả khả quan đến thế, chắc rằng trong tương lai nơi đây sẽ trỡ thành một điểm du lịch lớn của miền Tây Trên bờ biển Bạc Liêu cũng còn một số địa điểm nếu khai thác đúng mức cũng sẽ trỡ thành những điểm du lịch rất có tiềm năng, điển hình như một căn nhà xưa gần Quán Âm Phật Đài, đó là căn nhà của anh em Công tử Bạc Liêu xây dựng dùng để vui chơi, ca hát, hóng gió biển trong những khi nhàn rỗi, căn nhà này đã chứa đựng không biết bao nhiêu huyền thoại về Công tử Bạc Liêu, người dân ở đây gọi là Nhà Mát, lâu dần đã trở thành một địa danh chính là ấp Nhà Mát. Một căn nhà mang đậm dấu ấn của văn hóa dân gian, nhưng chưa được lưu ý, chưa được khai thác để phục vụ du lịch, nó đã chịu nắng chịu mưa trãi qua nhiều thập kỷ, hiện nay đã xuống cấp trầm trọng nếu không có kế hoạch trùng tu thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa căn nhà này sẽ không còn tồn tại nữa. Thiết nghĩ ngôi nhà ở của cậu Ba Huy trong mấy năm qua đã trỡ thành Khách sạn Công tử Bạc Liêu đã phục vụ đắc lực cho ngành du lịch, tại sao căn nhà nghỉ mát này không phục chế trùng tu để trỡ thành Nhà Mát Công Tử Bạc Liêu. Ngoài ra các khu vực gần biển Bạc Liêu còn có : Vườn Chim cách Giồng Nhãn khoảng ba cây số theo đường chim bay, đây là một khu du lịch sinh thái rất đặc biệt, đã tồn tại lâu đời ở Bạc Liêu, nơi đây có nhiều loài chim chóc. Ngoài cò, vạt, sếu… ở đây còn có các loại chim quý hiếm, nhiều động vật hoang dã, các loài bò sát và một số thực vật, cỏ cây của miền biển. Vườn Chim Bạc Liêu từ lâu đã được quản lý chặt chẽ và đã mở cửa phục vụ khách tham quan du lịch trong nhiều năm qua. Huyện Đông Hải một huyện mới của tỉnh Bạc Liêu nhưng đã sớm có ý thức về du lịch sinh thái, nên đã đầu xây dựng một địa điểm du lịch gần phần cuối của bờ biển Bạc Liêu, hiện Liên hiệp hội tỉnh Bạc Liêu đã liên kết phối hợp với trường Đại học Cần Thơ và Liên hiệp hội Cần Thơ thực hiện Dự án xây dựng mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái tại ấp Vĩnh Điền, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải đạt kết quả tốt, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh, được bà con nông dân xã Vĩnh Điền rất hoan nghênh, chính quyền huyện Đông Hải xem đây là bước khởi đầu của sự liên kết hợp tác thành công, làm cơ sở phát triển cho thời gian tới. Một địa điểm khác cách bờ biển khoảng mười cây số, đó là tháp Vĩnh Hưng, một di tích lịch sử văn hóa đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận. Tháp Vĩnh Hưng đã tồn tại hơn ngàn năm, đã trãi qua không biết bao nhiêu mùa mưa nắng, nhưng vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, vẫn sừng sững đứng giữa trời để chứng kiến những đổi thay những thăng trầm của lịch sử. Đây chính là ngôi tháp có niên đại lâu đời nhất ở các tỉnh phía Tóm lại cả một vùng bờ biển và cận biển Bạc Liêu có rất nhiều địa điểm du lịch thật độc đáo và mang tính văn hóa rất cao, nếu khai thác đúng mức thì chỉ trong một thời gian ngắn thôi Bạc Liêu sẽ trỡ thành một địa chỉ du lịch quen thuộc không những đối với người trong nước mà cả với du khách nước ngoài. —————————— |
Cập nhật ( 27/09/2014 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com