THƯỢNG TỌA THÍCH THIỆN THÀNH VỚI NHẠC LỄ BẠC LIÊU Ở Bạc Liêu, nói đến nhạc lễ, ngoài Nhạc Khị và sư Nguyệt Chiếu được xem là bậc tổ sư, người ta thường nhắc đến Thượng tọa Thích Thiện Thành như một người khơi dòng chảy đến tận hôm nay. Thượng tọa Thiện Thành viên tịch cách đây không lâu. Đến thăm chùa Linh Châu, một ngôi chùa đơn sơ giấu mình trong con hẻm nhỏ trên đường Cách Mạng, đối diện với Trường Tiểu học Lê Văn Tám ở thị xã Bạc Liêu, do Thượng tọa gầy dựng nên làm nơi tu tập hơn nửa thế kỷ qua. Tháp mộ còn mới, trên bia ghi rõ ngày mất của Thượng tọa Thiện Thành: 28 tháng Chín năm Quý Mùi (2003). Thượng tọa Thiện Thành thế danh là Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1920(1) tại ấp Cao Lãnh, xã Châu Hưng, quận Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Thầy sinh ra trong một gia đình bần nông, cha là ông Nguyễn Thành Kỉnh, mẹ là bà Trần Thị Son. Thầy là người con thứ ba trong gia đình có bốn anh chị em. Người anh cả là Nguyễn Minh Chiếu, chị gái là Nguyễn Thị Giỏi và người em trai là Nguyễn Văn Thuần. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Thành đã tỏ ro từ tâm. Gia đình nhận thấy Thành có pháp duyên nên năm lên tám (1928), Thành được đưa vào chùa Châu Viên thuộc xã Châu Thới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng để xuất gia cầu đạo. Tại chùa Châu Viên, chú tiểu Thành được học đạo với Hòa thượng Huệ Viên. Nguyễn Văn Thành được Bổn sư đặt cho pháp danh là Thiện Thành, pháp hiệu Trí Chánh, tự là Chơn Đức. Thầy Huệ Viên trụ trì chùa Châu Viên từ năm 1923, đến năm 1930 chuyển về trụ trì chua Vĩnh Hòa. Lúc này, Thiện Thành cũng được sư phụ cho đi theo, về tu tại chùa Vĩnh Hòa. Bấy giờ, dân cư còn thưa thớt lắm. Chùa Vĩnh Hòa và chùa Vĩnh Đức cách nhau một quãng không xa, hai chùa qua lại gắn bó với nhau mật thiết. Chính trong điều kiện sinh hoạt đó, thầy Thiện Thành có dịp tiếp xúc với Sư Nguyệt Chiếu và được Sư thầy truyền cho nhạc lễ kinh sư. Từ đó, như vừa có duyên, vừa là cái nghiệp, nhạc lễ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời còn lại của nhà sư. Năm 1940, Thiện Thành thọ Sa Di tại giới đàn chùa Khánh Sơn. Năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám, thầy dựng chùa Linh Châu để tu và gắn bó với ngôi chùa này cho đến khi viên tịch. Năm 1962, thọ chức Giáo Thọ cũng tại Đại giới đàn chùa Khánh Sơn, thị xã Sóc Trăng. Vừa học đạo, vừa học nhạc lễ, chẳng bao lâu với năng khiếu và sự khổ luyện, thầy Thiện Thành đã trở thành một nhân vật có tiếng trong làng nhạc lễ Bạc Liêu, luôn có được vị trí xứng đáng trong Ban nhạc lễ của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu. Có thể nói, trong những môn đệ của Sư thầy Nguyệt Chiếu về nhạc lễ cổ truyền, Thiện Thành là người học trò thành công nhất. Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), thực dân Pháp tăng cường đàn áp nhân dân ta, làm cho dân tình hết sức khổ sở. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào cách mạng từng bước phục hồi. Năm 1941, Mặt trận Việt Minh ra đời tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong thời kỳ này, dưới sự dẫn dắt của Sư thầy Nguyệt Chiếu (một đầu mối quan trọng của Tào Văn Tỵ (2) trong mạng lưới cách mạng thời kỳ chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám ở Bạc Liêu), thầy Thiện Thành tham gia phong trào Thanh niên cứu quốc, dùng sinh hoạt nhạc lễ để thông tin tuyên truyền, vận động cách mạng cho quần chúng thanh niên. Sau khi Sư thầy Nguyệt Chiếu viên tịch, thầy Thiện Thành chú tâm vào hoạt động nhạc lễ và trở thành một vị kinh sư, Trưởng ban nghi lễ, một nghệ sĩ tài năng nhạc lễ cổ truyền của Phật giao Bạc Liêu. Những năm 50 – 70 của thế kỷ trước, ở Bạc Liêu có vài ba ban nhạc có tiếng tăm như ban nhạc Sáu Lầu (Cao Văn Lầu), ban nhạc Năm Ngọt và ban nhạc Chùa (tức ban nhạc do thầy Thiện Thành sáng lập). Ban nhạc Sau Lầu thiên về đờn ca tài tử, cải lương, có hoạt động nhạc lễ nhưng không chuyên nhạc lễ kinh sư, về sau chuyển thành ban nhạc Năm Phát; ban nhạc Năm Ngọt chuyên về đám tiệc, hoạt động ở khu vực Cái Giầy; ban nhạc Chua thiên về nhạc lễ kinh sư. Có những lúc ban nhạc Thiện Thành, tức nhạc lễ kinh sư tưởng chừng không thể đứng vững trước xu thế âm nhạc ngày càng mang tính thực dụng hoặc được sân khấu hóa mạnh mẽ. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, điều kiện cho sự hoạt động của nhạc lễ kinh sư kể như không còn. Nếu không phải là người thực sự có tâm huyết với loại hình nghệ thuật này, thầy Thiện Thành khó vượt qua khó khăn để duy trì sự sống còn cua nó. Qua những lễ hội, đình đám, đàn tế,… thầy Thiện Thành đã góp phần phục hưng, duy trì và phát triển lên một bước cao hơn nhạc lễ cổ truyền Bạc Liêu. Ban nhạc Thiện Thành tham gia nhiều lễ hội, đám tiệc trong đạo cung như ngoài đời. Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất vẫn là nhạc lễ kinh sư, một loại hình nghệ thuật độc đáo mà không phải ban nhạc nào cũng có thể làm được. Nhạc lễ kinh sư đòi hỏi ở người nghệ sĩ một sự kiên trì khổ luyện vì phức tạp hơn nhiều so với các loại hình nhạc lễ khác, và trên hết là tinh thần bất cầu vụ lợi. Ngay trên vùng đất Bạc Liêu không phải lúc nào cũng tập hợp đủ một ban nhạc kinh sư (thường không nhiều lắm, chỉ khoảng năm bảy người chủ chốt cho các nhạc cụ chuyên dùng như trống, kèn, đàn, tang,…). Có khi thầy Thiện Thành phải tìm mời những đồng nghiệp ở các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long,… cùng về tham gia trong ban nhạc lễ của mình (3). Trong đạo và ngoài đời đều hết sức thán phục vì thầy Thiện Thành có giọng diễn xướng rất tốt và rất hay, bấy giờ ở Bạc Liêu chưa ai qua được. Giọng Thầy khỏe, hơi dài, mỗi khi diễn xướng ê a, nhấn nhá tạo một ấn tượng sâu sắc cho người nghe. Với khả năng đặc biệt của mình, thầy Thiện Thành luôn được xem là một thành viên trụ cột trong Ban nghi lễ của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu. Từ năm 1965 trở đi, Thầy luôn được Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu tín nhiệm giao cho chức Trưởng ban Nghi lễ. Ngày 24 tháng 01 năm 2002, mặc dù đã quá bát tuần, thầy Thiện Thành vẫn được Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ sung vào danh sách Ban nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ IV (4) . Đây là một sự khẳng định về tài năng và uy tín của thầy Thiện Thành về nhạc lễ kinh sư, không chỉ trong phạm vi tỉnh Bạc Liêu và khu vực mà mở rộng ra trên phạm vi toàn quốc. Ngày 28 tháng Chín năm Quý Mùi, nhằm ngày 24 tháng 10 năm 2003, thầy Thiện Thành viên tịch. Trong điếu văn do Hòa thượng Thích Huệ Hà – Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu tuyên đọc lúc 14 giờ ngày mùng 3 tháng Mười năm Quý Mùi (19.10.2003) tại chùa Linh Châu có đoạn: “Với năng khiếu thiên phú, Thượng tọa Trí Chánh học đạo với Hòa thượng Huệ Viên từ chùa Châu Viên về chùa Vĩnh Hòa, và học kinh sư nhạc lễ với Sư cụ Nguyệt Chiếu từ chùa Vĩnh Hòa về chùa Vĩnh Đức. Chính những ngôi chùa này và những vị ân sư này đã đào tạo nên một nghệ sĩ, một kinh sư Trí Chánh Thích Thiện Thành tài nghệ vang bóng một thời của vùng đất Bạc. Và người ta cũng thấy trong đoàn Thanh niên Cứu quốc đi tuyên truyền vận động, cổ súy phong trào yêu nước của Việt Minh bằng con đường nghệ thuật đờn ca nhạc lễ ở Bạc Liêu vào những năm tiền Cách mạng có hình ảnh Trí Chánh Thích Thiện Thành trong tốp nhạc lễ Nguyệt Chiếu, Chín Đờn. Thượng tọa đã: Lưng mang bức tượng Thích Ca Việc đạo, việc nước, việc nhà vẹn phân Quyết đi cho trọn đường trần Đạo tâm đâu để một phần phôi pha. (…) Bằng tinh thần vị tha hòa hợp, Thượng tọa đã bao dung tất cả chư huynh đệ đồng tu, quy tụ về Linh Châu để học nhạc, dạy kinh. Kết quả đến hôm nay, Thượng tọa đã có hàng chục môn sinh, chuyển Phật pháp vào đời bằng nhạc kinh te độ. Thế sự có khi trầm khi bổng, nhưng nhạc lễ cổ truyền của Trí Chánh vẫn chân như”. Trong số các môn đệ của thầy Trí Chánh Thích Thiện Thành, có người cháu ngoại rể là một trong rất ít người có khả năng, đã và đang tiếp bước sư ông bảo tồn gìn giữ và phát huy bản sắc nghi lễ cổ truyền của Phật giáo Nam Bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng. Sau khi thầy Thiện Thành mất, anh Lê Minh Thắng củng cố lại ban nhạc của ông ngoại mà mình đã tham gia từ nhỏ và vẫn giữ cái tên Ban nhạc Thiện Thành như một “thương hiệu” không thể nào thay đổi. Trong thời buổi kinh tế thị trường, một người có tài năng âm nhạc như Minh Thắng không một chút chao lòng để tiếp tục duy trì nhạc lễ kinh sư quả là đáng trân trọng. Song, chúng tôi thiết nghĩ, nếu để cho sự lưu truyền mang tính tự phát thì e rằng sớm muộn rồi cũng phôi pha. Giáo Hội cũng như các cơ quan chức năng của Nhà nước cần có kế hoach bảo tồn, phát huy giá trị và tổ chức đào tạo người kế thừa nhạc lễ kinh sư, một loại hình nghệ thuật độc đáo, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Chú thích: (1). Giấy CMND ghi “Nguyễn Văn Thành sinh ngày 15 tháng 02 năm 1919. Nguyên quán: Châu Hưng, Thạnh Trị, Hậu Giang”; một số giấy tờ khác ghi nơi sinh là làng Châu Thới, quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Có lẽ do vùng đất Châu Thới vốn là giáp ranh giữa hai tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, vả lại có thời gian Bạc Liêu và Sóc Trăng sát nhập với nhau thành tỉnh Ba Xuyên, cũng có thời gian Sóc Trăng nhập với tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang nên dễ có sự nhầm lẫn. Năm sinh 1919 chỉ xuất hiện ở giấy CMND, còn những giấy tờ khác đều ghi năm 1920. (2). Tào Văn Tỵ là một cán bộ Đảng họat động trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, bị Pháp bắt đi đày ở Tà Lài, sau Nhật đảo chính Pháp, ông trốn tù về hoạt động lãnh đạo phong trào cách mạng ở Bạc Liêu, tiến hành Tổng khởi nghĩa. Sau Cách mạng tháng Tám, ông là Uy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Uy viên Uy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu phụ trách quân sự. (3). Thay Hữu Phước – pháp danh Thích Chí Thọ, người xã Mỹ Hòa, Bình Minh, Vĩnh Long từng tham gia trong ban nhạc Thiện Thành với ngón trống tuyệt xảo. Thầy Hữu Phước là thầy dạy trống cho Minh Thắng, cháu ngoại rể của thầy Thiện Thành. Theo pháp tự Lâm Tế chánh tông (sau này là Lâm Tế gia phổ) thì hệ thống thang bậc trong giới học nhạc lễ kinh sư gồm: Minh – Như – Hồng – Nhật – Lệ – Hạt – Chung – Thiên. Thầy Thiện Thành ở bậc Hồng, còn thầy Chí Thọ ở bậc Nhật, tức thấp hơn thầy Thiện Thành một bậc. (4). Trong Quyết định của Văn phòng 2 Hội đồng Trị sự GHPGVN do Hòa thượng Thích Trí Tịnh ký ngày 24.01.2002 “V/v bổ sung thành phần nhân sự Ban nghi lễ TW GHPGVN” có 02 người mang pháp danh Thích Thiện Thành: 4. HT. Thích Thiện Thành (BL) Uy viên … 8. TT. Thích Thiện Thành (BL) Uy viên. Có lẽ người ở thứ tự số 8 là thầy Thiện Thành (Trí Chánh). Tiến sĩ Trần Thuận |
Cập nhật ( 27/09/2014 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com