THỬ NHẬN CHÂN VỀ KHO BÁU CỦA CHÚNG TA * Trung Trường “Các con sinh ra… Chốn nơi bể khổ Nếu những giọt nước mắt kia là chân thực Ta muốn nhìn thấy chúng thực thi Phật pháp ban cho các con một kho tàng vô giá Và cũng bởi vì nó không có giá Nên các con phải chia đến chúng sinh… Hãy nhìn rộng hơn ra ngoài cái Tôi của mình Các con mới thấy Ý nghĩa cuộc sống trần gian Nó cao cả bởi nó chân thành Nó mãnh liệt bởi nó là ý chí Nó tồn tại thực bởi Đức Phật ban Và tình thương một phép mầu kỳ diệu!” Chúng ta thử nhận chân về cái kho tàng vô giá mà Phật pháp ban tặng cho loài người từ hơn 2500 năm nay. Tại sao lại gọi là một kho tàng vô giá? Trong kho tàng ấy, cái gì thật sự là châu báu? Điều mà chúng sinh thiếu thốn lớn nhất không phải là những khó khăn về vật chất mà chính là thiếu ánh sáng minh triết soi đường. Tất cả chúng sinh khổ đau do nhầm đường, lạc lối và trong đêm tối mịt mù không tìm thấy lối ra, cũng như những kẻ đi biển giữa trùng khơi thăm thẳm đều cần có ngọn hải đăng để định hướng đi, nhắm đến mục tiêu cuộc đời. Vậy những lời chỉ dẫn của đức Phật cho chúng sinh đi đến đích của cuộc hành trình, vượt qua được tăm tối vô minh do cách nhìn sai biệt phải chăng là châu báu, là con ngươi của Phật pháp. Đúng vậy, cách nhìn minh triết từ trí huệ Phật chính là con ngươi của Phật pháp. Và tuân theo đúng nguyên lý cách nhìn mới giúp con người hoàn thiện chính bản thân, giúp người con Phật hoàn thành sứ mệnh hoằng dương đạo pháp một cách thù thắng nhất. Tình thương minh triết nhắc nhở mỗi người rằng phải cưu mang một cách chân thành, tất cả những ai cần phải giúp đỡ. Tuy nhiên, thực hiện pháp bố thí, quyên góp vật chất theo cách “nhường cơm, xẻ áo” là những cách rất thông thường, trong mỗi chúng ta có lẽ ai cũng từng thực hiện. Nhưng kèm theo sự chia xẻ ấy là việc chúng ta giảm bớt dục vọng, hạ thấp thế dục vọng của chính bản thân để đem tài vật, tiền của tiết kiệm được đó dành cho kẻ khó với một tình thương chân thành, chân tâm thì nghĩa cử đó càng tôn vinh ý nghĩa bố thí lên rất nhiều. Bởi nó góp phần nâng cao giá trị của chính tâm hồn chúng ta, lợi lạc cả người cho lẫn người nhận. Từ bài học chia xẻ bằng vật chất lại truyền vào tâm ta ý nghĩa thánh thiện của nét đẹp tâm hồn. Quả vậy, trên con đường hoàn thiện tâm thức, hoàn thiện thân xác, hoàn thiện đời sống cộng đồng, chúng ta phải biết sử dụng pháp phương tiện một cách linh hoạt và tinh tế. Lấy chỗ dư bù chỗ thiếu. San bằng thế chênh lệch, thế dị biệt để đạt đến sự cân bằng đời sống nội tâm, cân bằng các lợi ích xã hội. Nếu ta cứ loay hoay với với ý nghĩ cái gì là của mình, cái gì là của người thì tất nhiên giá trị được xác định bao giờ cũng mang tính sở hữu, một sự sở hữu hẹp hòi và đầy thiển cận. Và do đó “con người” sẽ là một kho tàng vô số thứ, không lúc nào vơi theo duyên nghiệp chất chồng, như con lạc đà chở nặng hàng hoá trên lưng qua hết sa mạc này đến sa mạc khác mà không bao giờ hiểu được mục đích của việc chuyên chở ấy. Một khi xã hội loài người còn quá chú trọng “cái đậm đà bản sắc riêng tư” thì ắt hẳn nó là nền tảng để phân hoá xã hội theo đà tụt hậu về tâm linh, đạo đức. Đó, cách nhìn minh triết của nhà Phật dạy ta thế đó. Nó giúp ta ý thức được rằng: hàng ngày, hàng giờ mỗi người luôn phải thấy rõ mọi hành vi (ý nghĩ, lời nói, việc làm) của mình đều có thể đóng góp trong khả năng của bản thân cho việc nâng cao giá trị con người bằng ý chí, nghị lực và khả năng vượt qua hoàn cảnh số phận, mang lại ích lợi cho cộng đồng thông qua những việc làm như giáo dưỡng chúng sinh bằng học vấn tri thức, nâng cao dân trí nhất là ở các vùng xa xôi, hẻo lánh, tạo điều kiện cho đà tăng trưởng mạnh về kinh tế, văn hoá, xã hội, đồng thời phát huy được bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc… là góp phần vào công cuộc chấn hưng đạo pháp, nâng cao đời sống của người dân tiến tới những giá trị hạnh hiền. Trong thời đại phát triển của công nghệ thông tin với nền kinh tế tri thức là chủ thể thì nhu cầu nắm bắt thông tin, xử lý thông tin là một nhu cầu tất yếu của mọi cá nhân, tổ chức. Nhưng Thông tin không hẳn là trí tuệ. Hơn bao giờ hết người phật tử cần một quá trình xử lý thông tin bằng con ngươi của Đạo pháp, của Như lai tạng. Bởi vì Trí tuệ mới chính là sở trường của những người con Phật. Và cái gia sản quý báu, của báu mà chúng ta được truyền trao từ Tâm từ bi, từ tâm Vô lượng ấy chính là Cách nhìn Minh triết – cách nhìn Như thị “Sắc bất dị không. Không bất dị sắc” mà Đức Phật khai thị cho tất cả chúng sinh ngay từ buổi bình minh xuất hiện Phật pháp…. Phải biết quay về nơi bản tâm thanh tịnh ấy để tìm ra chất ngọc ẩn chứa nơi mỗi tâm hồn nhân sinh. Qua đó, người con Phật luôn đặt mục tiêu rèn luyện thân tâm để nâng cao óc quan sát, óc thẩm mỹ. Tinh tế thưởng thức vẻ đẹp phô bày từ chính cuộc sống trần gian vốn còn nhiều trái ngang và đau khổ này là nét đẹp hằng định hướng mỗi chúng ta tiến gần tính Phật. Hoà vào dòng chảy của nền minh triết Việt, văn hoá Phật giáo với những định đề bất hủ đã soi sáng con đường đạo cho cổ nhân và sẽ tiếp tục chiếu rọi cho thế hệ kế thừa chúng ta trong hành trình tìm về tính Phật. Chúng ta sinh ra nơi bể khổ trầm luân. Từ vô lượng kiếp đến nay, nước mắt chúng sinh còn nhiều hơn nước đại dương. Nhưng làm sao để những dòng nước mắt ấy trở nên xoa dịu được nỗi đau nhân thế, để nó trở thành động lực cho ý chí vươn lên hoàn thiện và phát triển đời sống tâm thức của cộng đồng, để đời sống con người được tăng trưởng trong đà phát triển về tâm thức, đạo đức, nội tâm thăng hoa, trí tuệ khai mở, để con người được nâng cao giá trị của mình. Hy vọng đó không chỉ dừng lại ở sự trăn trở mà luôn nằm trong hành trang đồng hành với người hành giả trên con đường tìm về nhà Phật. Cuộc dạo chơi của chúng ta trong cõi hồng trần có thể chỉ khoảng trăm năm. Mong rằng trong khoảng thời gian rong chơi ấy, chúng ta luôn ý thức rằng đừng mê mải cuộc chơi mà quên mất đường về bản quán, quên mất quê hương, cội nguồn, bản thể. Đức Phật luôn dẫn lối hành trình. Nẻo tâm vẫn đó. Đường về tịnh độ vẫn rộng mở thênh thang cho bất kỳ kẻ cùng tử nào. TRUNG TRƯỜNG |
Cập nhật ( 18/11/2010 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com