THẦN THỔ ĐỊA * PGS Ninh Viết Giao Thành hoàng là Vua của làng, cai quản phần hồn dân làng. Còn Thổ thần cai quản phần Âm tức là phần dưới đất và những người đã qua đời. Thổ Địa là ông thần Đất của mỗi làng. Thần Đất, hay Thổ thần, thường được thờ tại cái miếu nhỏ hay trong một ngôi chùa – thờ chung với các đức Phật.
Thổ thần cũng có nhiều hạng. Có thổ thần bao quát lãnh địa cả làng. Có thổ thần của một xóm, một cánh đồng, một khu rừng… nên trước đây trong một làng, ta thường thấy có những cái miếu nhỏ thờ thần bản thổ. Có thổ thần trông coi nghĩa địa, nên khi đào huyệt chôn cất người qua đời, người ta thường biện trầu rượu cúng, xin phép thổ thần. Chôn cất xong phải làm lễ tạ. Trong gia đình, ngoài bàn thờ ông bà, tổ tiên, nhiều nhà còn có một cái bàn nhỏ thờ gia thần. Gia thần không phải là tổ tiên mà là Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ. * Thổ công là thần trông coi không gian bao quanh gia đình. * Thổ địa là thần long mạch, mạch đất của gia đình. * Thổ kỳ là thần trông coi việc trồng trọt, chăn nuôi, chợ búa. Thờ gia thần trong gia đình thực chất là thờ trời đất, trong đó có gắn với quan niệm của Đạo giáo về ngũ phương, nhưng dân chỉ quen gọi là Thổ công và chỉ nhớ có Thổ công, trong Thổ công bao hàm Thổ địa, Thổ kỳ và cả ông thần bếp tức Táo quân. Việc thờ Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ trong các gia đình ở Việt nam, có gia đình lập bàn thờ riêng trong nhà như đã nói trên, có gia đình đặt cây hương ở góc sân, góc vườn. Ngày giỗ, ngày tết, ngày tế thường tân, nhất là khi đào móng làm nhà, đào giếng trong vườn nhà,…đều phải cúng. Còn ngày rằm, mùng một có hoa quả và thắp hương cúng bái thì ngày nay mới phổ biến, còn trước kia chỉ có ở một số gia đình mà thôi. |
Cập nhật ( 09/02/2010 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com