THIỀU CHỬU – NGUYỄN HỮU KHA VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA ÔNG CHO NỀN PHẬT HỌC VIỆT NAM * ThS. Nguyễn Thị Huê Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh Ai đã từng đến chùa Bái Đính ở Ninh Bình, một ngôi chùa mới được xây dựng với nhiều kỷ lục Việt Nam, đều có dịp chiêm ngưỡng 500 vị La Hán được tạc bằng đá xanh rất đẹp, trong đó có Phật hoàng Trần Nhân Tông và Bồ tát Thích Quảng Đức là hai vị Bồ tát tiêu biểu của Việt Nam. Thực ra thì ở nước ta còn nhiều vị Bồ tát khác như Nguyễn Phúc Chu, Thiều Chửu,… Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau mà ít người biết đến Thiều Chửu, một danh nhân Phật giáo đầu thế kỷ XX, người có công trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo nước nhà. 1. Thiều Chửu – một trí thức yêu nước, nhà hoạt động xã hội không mệt mỏi. Thiều Chửu tên thật là Nguyễn Hữu Kha, tự Lạc Khổ. Ông là một cư sĩ Phật giáo với pháp danh Thiều Chửu, là nhà giáo dục đầu thế kỷ XX. Ông sinh năm Nhâm Dần (1902) tại xóm Cam Đường, làng Trung Tự, phường Đông Tác, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội), trong một gia đình trí thức nghèo yêu nước và mến mộ đạo Phật. Ông thuộc đời thứ XIV dòng họ Nguyễn Đông Tác, một dòng họ có mặt tại thành Thăng Long từ cuối thế kỷ XV. Tổ ba đời của ông là Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (1795 – 1868), nhà văn hóa nổi tiếng, bạn của Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu và Vũ Tông Phan. Thân phụ của Thiều Chửu là Cử nhân Nguyễn Hữu Cầu (1879 – 1946), đồng sáng lập viên Trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội vào năm 1907; từng bị đày ra Côn Đảo nhiều năm vì tội chống Pháp, một “đại sĩ phu” (Une Grande Figure de Lettré), như cách gọi của học giả Nguyễn Văn Tố. Anh ruột ông là giáo sư – nhà sư phạm mẫu mực Nguyễn Hữu Tảo (1900 – 1966). Cậu bé Kha bẩm sinh đa sầu đa cảm, lại lớn lên dưới ảnh hưởng sâu sắc của bà nội giàu lòng nhân ái và người cha say sưa hoạt động yêu nước chống Pháp, vì vậy mà Nguyễn Hữu Kha không kế tục truyền thống văn nhân của cha mà chọn con đường làm một cư sĩ khổ hạnh, suốt đời chỉ lo cứu giúp người cùng khổ. Từ nhỏ đã nếm mùi cực khổ. Ông kể về tuổi thơ của mình: “Nhà nghèo quá, chị em tôi 7 – 8 tuổi đã phải chăn bò cắt cỏ, gánh nước, thổi cơm nấu cám, 10 tuổi tát nước, 12 tuổi cày bừa. Năm tôi 13 tuổi, bố bị giặc Pháp bắt, được hai tháng thì mẹ sinh con thứ 8. Đẻ được ba ngày mẹ đã phải đi làm đồng”. Và cũng chính trong hoàn cảnh đó, nhiều đêm cùng anh ruột đun nước pha trà điếu đóm cho các cuộc họp kín của nhóm sĩ phu Đông Kinh nghĩa thục tại nhà mình, rồi lại được đọc các loại “tân thư” và tài liệu cách mạng cha mang về, đã sớm hun đúc trong ông ý chí yêu nước, thương nòi. Ông kể: “Tôi suốt ngày đứng rình ở cổng nhà pha (Hỏa Lò) Hà Nội, hễ thấy bố bị giải sang Tòa án thì chạy theo, bị lũ mật thám đánh rất đau. Đọc truyện ông Gia Phú Nhĩ (Garibaldi) thấy ông nói với bạn làm mối vợ cho mình rằng “Ý Đại Lợi là vợ, Ý Đại Lợi là con”, từ đó tôi nảy ra ý muốn học ông ở điểm đó… Sau đấy tôi không hề nghĩ tới cái đời riêng của tôi nữa. Người ta cho là tôi tin đạo Phật mà không lập gia đình, họ chưa biết nỗi uẩn khúc của tôi từ thủa còn thơ dại”1. Con đường ông đến với Phật giáo cũng không lấy gì làm phức tạp. Từ tuổi niên thiếu ông đã là người hiểu đạo Phật, am tường Nho học, thông thạo các ngoại ngữ Pháp, Anh, Nhật, Hán ngữ nên có điều kiện nghiên cứu sâu về giáo lí đạo Phật qua các nguồn tư liệu Đông Tây. 16 tuổi, ông một mình xuống Đồ Sơn bán thuốc Nam và bánh kẹo kiếm sống. Vì tin người nên mất hết vốn, ông phải làm phu kéo thuyền, đẩy xe, thậm chí đi ăn xin. Hai năm trời cực nhục ấy khiến ông ngày càng tin yêu triết lý cứu khổ cứu người của đạo Phật. Bù lại, ông học được nghề thuốc Nam và trở thành vị lương y suốt đời chữa bệnh không công. Ông lấy hiệu Tịnh Liễu (Tịnh: trong sạch, Liễu: hiểu biết), bắt đầu tự học đạo Phật và ngoại ngữ. Suốt đời học, lao động chân tay và trí óc, miệng nói tay làm nên việc gì ông cũng giỏi, từ cày cấy đến viết lách. Ông sống rất giản dị, trường trai và mỗi ngày chỉ ăn một bữa, y phục của ông chỉ một bộ nâu sồng. Suốt ngày dành thì giờ cho việc nghiên cứu, dịch kinh Phật, và làm việc từ thiện. Ông dùng thuốc Nam chữa khỏi bệnh cho nhiều người, và viết loạt bài “Bà lang nhà” rất thú vị đăng nhiều kỳ trên báo Đuốc Tuệ. Ni sư Đàm Ánh, một học trò của thầy Thiều Chửu thường tự hào rằng, “Chẳng ai giỏi bằng thầy tôi” và hay kể với mọi người thầy ông đỡ đẻ mát tay đến mức nhiều gia đình đến nhờ trước hàng tháng. Điều đáng để người đời khâm phục là Thiều Chửu chưa một ngày được đi học. Ông chỉ được bà nội dạy cho chữ Hán và Quốc ngữ, sau đó nhờ công phu tự học mà ông sớm tinh thông Tứ thư Ngũ kinh, đến tuổi “tam thập” đã thạo dùng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nhật và đặc biệt am hiểu Hán học, Phật học. Cuối năm 1920, cụ Cử Cầu được ra tù, ông về giúp cha mở hiệu thuốc Lợi Nhân Đường ở Ngã Tư Sở. Hiệu đông khách nhưng chủ yếu giúp đỡ người nghèo, “vì thế 3 năm trời hai bố con chỉ đủ ăn chẳng thừa đồng nào”2. Từ đây, ông tập trung thời gian và công sức cho việc nghiên cứu, viết sách, dịch kinh,… và hoạt động Phật sự. Năm 1932 ông tự in tác phẩm của mình là bản dịch Kinh Vô thường; năm 1934 dùng bút danh Thiều Chửu in Khóa hư kinh dịch nghĩa – bản dịch ra Quốc ngữ tác phẩm “Khóa hư lục” nổi tiếng của Trần Thái Tông. Học giả Nguyễn Lang (tức thiền sư Thích Nhất Hạnh) nhận xét: “Thiều Chửu là một cây bút rất vững chãi và sâu sắc; căn bản Hán văn của ông rất vững; văn Khóa Hư là văn biền ngẫu rất khó dịch nhưng bản dịch của ông rất đặc sắc, đọc êm tai, nghĩa lý khá rõ ràng”3. Năm 1934, ông cùng các học giả Nguyễn Đỗ Mục, Trần Văn Giáp, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ… đứng ra vận động thành lập Hội Phật giáo Bắc kỳ nhằm đào tạo tăng ni và chấn hưng Phật giáo theo con đường Đạo pháp và Dân tộc. Năm 1935, ông phụ trách, quản lí tạp chí Đuốc Tuệ là cơ quan hoằng pháp của Hội Phật giáo Bắc kỳ. Năm 1941, khi trường Phật học Phổ Quang được mở, ông đảm nhận việc dạy chữ Hán, giảng kinh và chủ trì các khóa lễ mà nhiều học viên sau này trở thành các bậc tu hành có uy tín như Hoà thượng Thích Tâm Tịch, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1936, ông cùng bà Cả Mọc (Hoàng Thị Uyển) đồng sáng lập Hội Tế sinh và làm Tổng Thư ký Hội. Ngay năm sau Hội lao vào cứu giúp nạn nhân trận lụt Đinh Sửu, một trận lụt lớn tràn vào hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Ngoài việc góp sức cho cơ quan cứu tế, ông cùng bà Cả Mọc còn vận động đi lấy tiền lấy áo; rồi cùng ông Hoàng Đạo Thúy, Trần Duy Hưng hàng ngày đem thuốc, tiền, quần áo đi tới từng nhà nạn nhân giúp cho đến khi họ sống được. Những yếu nhân của Hội đã đi cứu tế ba tháng liên tục cho đến lúc lúa chín. Cứu trợ nạn đói cuối năm 1944 đầu năm 1945. Ông kể lại rằng, “Chính vì chung một chí nguyện chịu khổ sở nhọc nhằn để giúp đỡ đồng bào, cả đời không ăn ngon mặc đẹp, không ai có gia đình riêng, nên chúng tôi được nhiều người tin lắm. Rất nghèo mà tiền bao nhiêu cũng có”. Năm 1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục hay Cứu tế Xã hội, nhưng ông đã từ chối với lí do tiếp tục công tác Phật sự, giáo dục và xã hội. Thời gian này cùng các hoà thượng Tố Liên, Trí Hải,… thành lập Hội cứu tế (tại chùa Quán Sứ – Hà Nội) giúp người nghèo khổ, nuôi dạy trẻ con mồ côi không nơi nương tựa. Sau 19.12.1946, ông cùng Hội cứu tế tản cư lên vùng kháng chiến (Sơn Tây, Phúc Yên, Thái Nguyên…) tiếp tục làm công tác xã hội, giáo dục mà ông tự nguyện đảm đương từ lâu. Trong cuộc cải cách ruộng đất, do bị hàm oan, ngày 15.7.1954 (Giáp Ngọ), ông nhảy xuống sông Đuống (Đồng Mỹ, Thái Nguyên) tự vẫn. Trước khi mất, Thiều Chửu thức trắng đêm viết thư tuyệt mệnh gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh; thư dặn dò các học trò mình phấn đấu theo kháng chiến chống Pháp đến cùng, và viết lời kết bản Tự bạch (cũng gửi cho Hồ Chủ tịch) như sau: “Cái án “mạc tu hữu” (tức vu cáo, ông viết chữ Nho) mà ông Nhạc Phi phải chịu đời phong kiến còn có lẽ; ai ngờ đời nay chính bản thân tôi lại bị, thì tôi còn biết van vỉ làm sao được nữa”. Cái chết “Thiên cổ kỳ oan” của ông đã gây ra nỗi chấn động và tiếc thương vô hạn trong dân chúng địa phương và giới Phật tử cả nước lúc bấy giờ. Ngoài những công trình lớn do ông biên soạn như Hán – Việt Tự Điển hay các bộ kinh Phật, với tư cách là nhà giáo dục, Thiều Chửu còn biên soạn nhiều sách, tài liệu để một mặt góp phần quảng bá chữ Quốc ngữ, phổ biến kiến thức phổ thông; mặt khác răn dạy người đời sống sao cho tốt. Những tác phẩm này, từ lâu ít được nhắc tới như: – Phép nuôi con, Long Quang ở Hà Nội xuất bản năm 1926. – Cách trí phổ thông, Hòa Ký xuất bản năm 1934. – Đạo đức phổ thông, Hòa Ký xuất bản năm 1934. – Lịch sử phổ thông, Hòa Ký xuất bản năm 1935. – Giới sát sanh, Hòa Ký xuất bản năm 1935. – Tấm lòng từ mẫu, Đuốc Tuệ xuất bản năm 1940,… Thiều Chửu – Nguyễn Hữu Kha xuất thân từ truyền thống yêu nước thương nòi của những dòng họ ông đồ. Gia đình ông là một gia đình văn hóa lớn, có những nhà giáo nổi tiếng như Cụ Nghè Đông Tác Nguyễn Văn Lý (1795 – 1868) (từng cùng một số danh sư khác như Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800 – 1851) Lê Duy Trung (1795 – 1863), Phó Bảng Nguyễn Văn Siêu (1799 – 1872),… mở các trường tư dạy học tại các phường thôn và sáng lập Đền Ngọc Sơn (1841) làm trung tâm giáo hóa sĩ dân), lại có cha là Cử nhân Nguyễn Hữu Cầu (1879 – 1946), thành viên của một trung tâm khai sáng tiếp theo – Đông Kinh nghĩa thục,… nên mấy cuốn sách nhỏ của Cụ không phải là hiện tượng tùy hứng cá nhân mà chính là sự tiếp nối truyền thống hoạt động khai sáng của bộ phận tri thức Đạo nho và Đạo Phật Việt Nam sống giữa làng xã và hành xử theo tinh thần “nghĩa vụ của người quân tử là lo cho dân”, “trung với dân” như Hội trưởng Hướng thiện Đền Ngọc Sơn Vũ Tông Phan đã nêu năm 1841 trên Bia trùng tu miếu Hỏa thần, vẫn còn gắn trên tường miếu ở 30 phố Hàng Điếu, “làm quân tử trong làng, thầy đồ trong xã” như lời kêu gọi của Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý ông nội của Thiều Chửu, khắc năm 1848 trên bia ở đền thờ Tiên Hiền huyện Thọ Xương, hiện vẫn còn tại ngõ Văn Chỉ – Bạch Mai. Ông là người có công lao trong việc truyền bá Quốc ngữ và giáo dục bình dân. Việc mở các lớp dạy chữ cho dân nghèo và tặng hoặc bán rẻ cho họ những cuốn sách nhỏ do ông và các bạn đồng liêu biên soạn, đã thực sự trở thành một biểu tượng đẹp đẽ, và ông trở thành một trong những người đi tiên phong trong phong trào bình dân học vụ, cổ súy chữ Quốc ngữ mà mãi 12 năm sau Hội Truyền bá Quốc ngữ mới chính thức ra đời (1938) và để lại nhiều bài học kinh nghiệm vận dụng vào phong trào “Bình dân học vụ” do Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động vào năm 1945. Thiều Chửu viết nhiều sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó nổi bật lên là bộ sách Hán – Việt Tự Điển, một bộ sách công cụ được đánh giá là công trình có giá trị vượt thời gian. “Những người Việt học Hán văn không thể không cúi đầu tri ân công trình văn hóa bất hủ này” (Lê Mạnh Thát). Mới đây, một nhóm người Việt ở Pháp biên soạn lại thành “Tự điển Hán Việt Thiều Chửu điện tử” và phổ biến miễn phí trên http://www.viethoc.org. Thiều Chửu là một trí thức yêu nước, một nhà hoạt động xã hội, một cư sĩ dấn thân không mệt mỏi. Học giả Lê Mạnh Thát trong lời giới thiệu cuốn kỷ yếu Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha có đoạn viết: “Ông làm tất cả công tác từ thiện để cứu dân độ thế với tấm lòng thật trong sáng trên tinh thần “Cư Nho mộ Thích”. Cụ đến với Đạo vì giáo lý vi diệu nhiệm mầu của Đạo pháp nhưng Cụ quyết tâm đạp đổ tất cả những tệ nạn hại dân hại nước tồn tại trong Đạo. Cụ đến với phong trào Chấn hưng Phật giáo là thế. Đọc Lời Tự bạch của Cụ chúng ta không thể cầm được nước mắt. Một con người phải chịu đựng không biết bao nhiêu đau khổ, thiếu thốn như thế mà luôn luôn suy nghĩ và hành động quên mình vì hạnh phúc của tha nhân. Cụ là nhà trí thức yêu nước thực sự, yêu nước một cách chân thành, thiết tha đến nỗi quên đi hạnh phúc cá nhân của mình. Chính lòng yêu nước chân thành đó đã đổ lên đầu Cụ bao nhiêu nỗi oan để cuối cùng Cụ phải chọn cái chết vì nước, vì dân. Đó là hạnh nguyện của Bồ tát. Chỉ có Bồ tát mới làm được như vậy. Chỉ có Bồ tát mới chấp nhận cái chết một cách nhẹ nhàng, không oán hận, không cầu minh oan, chỉ mong sao lợi ích muôn người”4.
Giới Phật tử biết ông dưới bút danh Thiều Chửu – “cái chổi lau” dùng để quét sạch bụi bặm trong lòng mình và mọi thứ rác rưởi trên đời. Ông tự học, tự nghiên cứu về đạo Phật từ khi còn nhỏ. Lớn lên, ông tham gia những hoạt động Phật sự với toàn tâm, toàn ý và hành trạng của ông thể hiện rõ ba đặc điểm của vị Bồ tát theo quan điểm của nhà Phật học Edward Conze: 1) Khao khát đạt được sự giác ngộ hoàn toàn như Phật Tổ; 2) Giàu lòng từ bi và trí tuệ; 3) Có mối quan hệ gắn bó với những người thường và các suy nghĩ, cảm xúc như họ. Quả thực, Thiều Chửu đã thực sự là một vị Bồ tát giữa cuộc đời đầy bụi bặm và chông gai. Ông có công lớn trong việc sáng lập ra Hội Phật giáo Bắc kỳ vào năm 1934. Nhưng khi Hội mời ông vào Ban Trị sự thì ông do dự vì thấy trong Ban Trị sự có mấy vị quan cai trị. Sau cùng thì ông cũng nhận lời với ý nghĩ có thể lợi dụng Hội này để thực hành cái chí đánh đổ sự tiêu cực, những sai trái của nhà chùa thời đó. Ông kiến nghị lập nhà in và Hội Phật giáo Bắc kỳ đồng ý, giao cho ông quản lý nhà in Đuốc Tuệ. Tiếp đó ông được giao phụ trách tài chính của Ban Hưng công chùa Quán Sứ (1938 – 1942). Thiều Chửu viết rất nhiều, ông tuyên truyền cho Phật giáo nhân gian và phê phán tệ mê tín dị đoan trong Phật sự. Ông làm thơ và được nhà thơ Đinh Công Vĩ hết lời ca ngợi trong bài “Cư sĩ Thiều Chửu với cả một trời thơ”. Từ lúc 19 tuổi, Thiều Chửu đi nhiều chùa tham thiền vấn đạo, gặp các vị chân tu nổi tiếng như Hòa thượng Thích Thanh Hanh ở Lạng Giang, Hòa thượng Thích Thanh Thuyền ở Nam Định, cư sĩ Lê Đình Thám ở Huế,… Qua chuyến khảo sát này, ông nhận ra xu hướng suy tàn của Phật giáo Việt Nam, ông phát biểu: “Khi đi sâu vào nhà chùa, tôi thấy sự tổ chức ở chùa không đúng một chút nào với lời Phật dạy; trái lại hoàn toàn dập theo khuôn khổ phong kiến chia giai cấp rất khắc nghiệt, hưởng thụ xa xỉ, bỏ mất hẳn cái tinh thần trọng lao động, không theo quy chế “một ngày không làm một ngày nhịn ăn” của Tổ Bách Trượng. Lại còn dùng thuật mê tín vẽ ra đàn tràng cúng bái, đục khoét nhân dân để sống một đời nhàn rỗi. Vì thế tôi nhất định không theo chế độ đó; cho tới ngày nay tôi cũng chỉ là một tín đồ tín ngưỡng triết lý mà thôi. Hơn nữa, nếu có dịp, tôi sẽ đánh đổ cái chế độ mục nát ấy. Sau đó tôi theo đuổi việc chấn hưng Phật Giáo”5. Qua đây, ta hiểu vì sao Nguyễn Hữu Kha không vào chùa làm sư, mà chỉ làm cư sĩ tu tại gia, vừa lao động kiếm sống vừa hoằng dương Phật pháp. Do không mất thì giờ vào các nghi thức tôn giáo ở chùa nên cư sĩ có điều kiện học kiến thức nhiều mặt, nghiên cứu triết lý đạo Phật một cách khách quan, từ nhiều góc độ. Cũng từ đó, ông đã có những quan điểm thật sự cấp tiến, chẳng hạn ông chủ trương trả lại chùa cho dân làm trường học, thư viện, nhà dưỡng lão; tăng sĩ phải lao động tự nuôi mình… Năm 26 tuổi Nguyễn Hữu Kha lấy bút danh Lạc Khổ (vui trong cảnh khổ), bắt đầu dịch kinh Phật ra Quốc ngữ, vì ông thấy người ta toàn tụng kinh chữ Hán nên chẳng hiểu gì. Dịch kinh đúng là khổ thật, cực kỳ khó nhọc, phải giỏi cả Hán học, Phật học, nhưng ông quyết làm với suy nghĩ: “Vì kém tinh thần tự lập cho nên ta cứ vùi đầu với kinh chữ Hán, ít người dám dịch kinh sang tiếng ta. Kinh chữ Phạn dịch ra chữ Hán được, thì dịch ra chữ ta cũng được chứ sao! Chữ Quốc ngữ của ta rất dễ phổ biến, dịch âm lại đúng hơn chữ Hán”6. Tuyển tập gồm 16 cuốn kinh cơ bản do Thiều Chửu dịch được Nhà xuất bản Tôn Giáo in lại năm 2002 là một ghi nhận cố gắng ấy. Năm 1943, ông soạn cuốn “Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính”, chủ yếu dùng triết lý Phật học để giải thích. Ông coi tập thơ Nôm khuyết danh đó là kinh Phật. Và như vậy, Thiều Chửu là người đầu tiên cho rằng nước ta có kinh Phật. “Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX” xuất bản năm 1952 – tác phẩm cuối cùng của đời ông được viết bằng máu và nước mắt, thể hiện quan điểm của một Phật tử chân chính, tiên tiến, yêu nước, kiên quyết vạch mặt một số tăng sĩ vùng địch chiếm mưu mô thần bí hóa đạo Phật, qua đó làm nhụt tinh thần kháng chiến của dân tộc. Ông kêu gọi tăng sĩ đoàn kết trong một tổ chức Phật giáo thống nhất; phải biết lao động để tự nuôi bản thân mình bằng các nghề làm ruộng, công nghệ, giáo dục, y tế,…; phải học và thực hành Phật giáo nhân gian; Ra sức góp tài lực để cải thiện đời sống nhân dân. Và để đạt được mục đích này, Thiều Chửu đã không quản ngại khó khăn, hy sinh những lợi ích cá nhân; ngay cả khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội, ông cũng từ chối để tròn tâm nguyện một đời làm Phật sự. Và để thực hiện có kết quả một khối lượng công việc rất lớn, ông đã sắp xếp thời gian hàng ngày rất chặt chẽ và kiên quyết tuân thủ, ban đêm thức khuya đọc sách và dịch kinh. Bất cứ việc gì cần làm để chấn hưng Phật giáo và thực thi tư tưởng cứu nhân độ thế của đức Phật, nhất là việc nâng cao dân trí, ông cũng đều luôn luôn sẵn sàng làm. Còn bản thân ông thì sống giản dị, suốt đời nằm ngoài hiên, dịch sách ở gốc cây, có thể nói là kham khổ, quần áo mặc như một nông dân, ngày chỉ ăn một bữa đúng ngọ và ăn trường chay, ngủ trên một tấm ván đặt trên nền, không vợ con, bản tính khiêm nhường, ông không hề nói gì về các việc mình đã làm, không nhận bất cứ một cương vị nào có dính tới danh lợi. Minh Chi trong bài “Tưởng niệm cụ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha”7 có nhận xét về Thiều Chửu khi ở chùa Quán Sứ vào những năm 1942 – 1946 rằng, “cụ Thiều Chửu bao giờ cũng lầm lì, ít nói, mặc quần áo nâu và đi guốc mộc như một bác dân quê”,… “hòa mình vào sinh hoạt chung ở chùa Quán Sứ, sinh hoạt của tăng sĩ cũng như cư sĩ”. Cụ không những ăn chay trường với mâm cơm không có gì mà còn ngày chỉ ăn một bữa trước giờ ngọ như các sư Nam tông. Chuyện kể rằng, hồi làm hiệu thuốc ở Ngã Tư Sở, mỗi tuần ông dành ba buổi tối đến chùa Sở (tức chùa Phúc Khánh) để dạy các nhà sư học chữ Hán. Thời gian ở hiệu sách Hòa Ký và nhà in Đuốc Tuệ, tối nào ông cũng dạy chữ Hán, Quốc ngữ, cách trí, sử ký, địa dư cho đồng nghiệp. Chính ông đã cùng học giả Nguyễn Văn Tố và mấy người nữa đồng sáng lập Hội Truyền bá Quốc ngữ và hăng hái làm mọi việc Hội phân công. Hồi tản cư đi kháng chiến, tới đâu ông cũng mở trường dạy chữ cho trẻ em và cả người lớn. Ông còn giảng dạy triết lý Phật học cho nhiều người. Một số học trò của ông sau trở thành những vị chân tu uy tín cao như Hòa thượng Thích Tâm Tịch, sau là Pháp chủ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Giáo sư Trần Việt Quang sau là đại tá quân đội và Ni sư Đàm Ánh – một nhà từ thiện có tiếng ở nước ta. Theo quan điểm của Thiều Chửu thì đạo Phật là một tôn giáo có bản chất khoa học và ông từng dự đoán rằng, khi khoa học phát triển cao, “các tôn giáo có lập trường thần bí tất sẽ bị đào thải. Thế giới ngày nay không ai không tin khoa học… Lập trường của Phật Giáo trăm phần trăm đúng với cái đích của nhân loại tiến hóa tột bực sẽ tới, lẽ tự nhiên Phật Giáo sẽ không bị đào thải, trái lại càng rực rỡ quang vinh”. Theo ông, vì các Phật tử ngày nay làm sai hẳn nguyên tắc của Phật nên đạo Phật “nhất định sẽ bị đào thải nếu ta không mau trở lại cái bản lai diện mục của Phật giáo”. Và ông quyết chí thực hiện sự chấn hưng cho Phật giáo Việt Nam. Ông là một cây bút sắc sảo của tờ Đuốc Tuệ. Qua các bài nghiên cứu, khảo luận về Phật học, ông đã góp phần làm sáng tỏ giáo lý đạo Phật, động viên cho phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc nói riêng cũng như cho cả nước nói chung trong nhiều năm. Thấm nhuần lời dạy của chư tổ “Phật pháp bất ly thế gian giác”, ngoài việc nghiên cứu, dịch kinh, viết sách, làm báo, ông còn tham gia việc giáo dục đào tạo Tăng Ni và thanh thiếu niên nghèo học Phật và học quốc ngữ góp phần xóa nạn mù chữ trong nhân dân. Năm 1941, Hội Phật giáo Bắc kỳ giao cho ông lập trường Phổ Quang để giáo dục Tăng Ni. Ông cũng mở một số trường học vừa làm vừa giúp các thanh niên nghèo có thể theo học, nhiều người trong số đó đã trưởng thành và tích cực tham gia kháng chiến, một số vào bộ đội và trở thành cán bộ cao cấp, một số đã hy sinh anh dũng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông là một người thầy khả kính của Tăng Ni sinh và các thanh, thiếu niên Phật tử lúc bấy giờ. Năm 1936, Thiều Chửu còn được Hội Phật giáo Bắc kỳ giao cho trông coi việc thi công xây dựng lại chùa Quán Sứ, nay là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, sau khi từ chối không làm Bộ trưởng trong Chính phủ Lâm thời, ông tiếp tục lao vào hoạt động Phật sự. Ông tham gia giảng dạy cho các lớp Phật giáo, cùng Cô nhi, để theo con đường tu trì lợi tha mà mình đã chọn. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông cùng một lớp học tăng ni và một số trẻ mồ côi Hội Tế sinh đi theo kháng chiến chống Pháp, tham gia lao động sản xuất, giáo dục, viết và dịch sách cho đến khi gieo mình xuống dòng sông để rũ sạch bụi trần đi về cõi Phật. Cuộc đời của Thiều Chửu, nhà trí thức Phật học đã thể hiện trọn vẹn tinh thần Đạo pháp và Dân tộc, là cuộc đời của một Phật tử chân chính đã phát huy cao độ lý tưởng hoằng pháp lợi sinh, người có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo nước nhà. 52 năm trụ thế trong đó hơn 30 năm hành Bồ tát đạo ông đã ra đi để về nước Phật. Song sự ra đi đó là sự ra đi của nhục thân tứ đại còn tinh thần hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sanh, vô ngã vị tha, hành Bồ tát đạo của ông vẫn còn mãi với người Phật tử Việt Nam. Nói như Thầy Nhất Hạnh, “Cuộc đời của Cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha là cuộc đời của một Bồ tát không tên, đã im lặng, đã phát huy cao độ lý tưởng hoằng pháp lợi sinh, toàn tâm toàn ý hiến trọn cuộc đời mình cho Phật sự và nhân dân trong tinh thần hoàn toàn vô tướng. Cụ có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo mà tôn chỉ và giáo lý đã thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ nhiều thế kỷ nay”8. Thiều Chửu là tấm gương sáng cho Phật tử soi chung, tấm gương phụng đạo yêu nước, một truyền thống tốt đẹp cho Phật giáo Việt Nam.
3. Những đóng góp của Thiều Chửu cho nền Phật học Việt Nam Sẵn có căn duyên Phật pháp trong con người, lại gặp duyên lành sùng kính Tam Bảo của bà nội nên Nguyễn Hữu Kha đã sớm đến với đạo Phật, lấy hiệu là Thiều Chửu, có nghĩa là cái chổi quét bụi. Điều đó thể hiện rõ tâm nguyện của ông là “cây chổi quét bụi ấy sẽ làm trong sáng giáo hội qua ngòi bút cải cách của mình”. Ngoài ra, “hàng ngày phải lau quét bụi trần tham nhiễm, đừng để gương lòng vẩn đục bởi phiền não vô minh che lấp”. Ông không trở thành tu sĩ mà chỉ là một cư sĩ, tu tại gia. Chưa tròn 20 tuổi đã tìm đến các bậc danh tăng để tham thiền học đạo. Với sự thông minh sẵn có, chỉ trong một thời gian ngắn ông đã hiểu được Phật pháp và năm 26 tuổi đã bắt đầu dịch kinh Phật. Từ nhũng năm 1932 – 1933, bản dịch tác phẩm Khóa hư lục của Trần Thái Tông ra đời, được nhiều người khen ngợi và lấy đó làm tài liệu tu học. Những năm tiếp theo, ông đã dịch được 13 bộ kinh căn bản của đạo Phật như Kinh A Di Đà, Thủy sám, Địa tạng, Kim Cương Bát nhã, Viên giác, Pháp hoa, Dược sư, Phả môn, Di giáo, Tứ thập nhị chương, Kinh Lễ sáu phương, Lục Tổ đàn kinh,… các sách Phật học và tiểu thuyết mang màu sắc Phật giáo như Phật học cương yếu, Tây du ký, Vì sao tôi tin Phật giáo,… Các bản dịch này thường kèm theo lời giảng của các bậc cao tăng nổi tiếng hoặc lời chú giải và bình luận của chính dịch giả đã giúp ích rất nhiều cho người học Phật. Ông còn viết Sự tích Phật Tổ Thích Ca, Con đường học Phật thế kỷ XX,… Đặc biệt bộ Hán – Việt Tự Điển do ông biên soạn được nhiều người hoan nghênh đón nhận làm công cụ học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực Phật học. Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận đã đánh giá: “các bản dịch của ông rất đặc sắc, đọc rất êm tai, nghĩa lý khá rõ ràng”, nhất là văn trong Khóa hư “là văn biền ngẫu rất khó dịch”9. Cư sĩ Thiều Chửu là một nhà Phật học uyên thâm, am tường sâu sắc giáo lí đạo Phật. Trong 30 năm hành Bồ tát đạo, ông đã để lại cho đời một sự nghiệp trước tác đồ sộ về Phật học với 93 tác phẩm viết và dịch, làm giàu cho thư tịch, cũng như văn hóa Việt Nam. Một sự đóng góp lớn lao cho nền Phật học nước nhà. * Tác phẩm Phật học:
* Các bản dịch:
Từ những trước tác của ông ta thấy nổi bật lên tư tưởng nhân dân sâu sắc. Cũng như những gì ông nói, ông cống hiến cả đời mình cũng cốt vì nhân dân, mong cho nhân dân có cuộc sống thanh bình, hạnh phúc. Giáo sư Vũ Khiêu đánh giá Thiều Chửu là một con người chân chính, một nhà trí thức lớn của dân tộc, và kính tặng đôi câu đối “Nửa kiếp trầm luân, bác cổ thông kim, lòng bốn bể; Trăm năm phù thế, cứu dân báo quốc, phép muôn đời”. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng nói về tinh thần ái quốc vị dân của Ông và cho rằng, Thiều Chửu theo đạo Phật với động cơ vì dân. Ông viết bằng chữ hoa câu “Phải tận hiếu với nhân dân. Nhân dân là cha mẹ bao kiếp, là chư Phật vị lai” ngay trang đầu sách Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX; ông coi nhân dân là lực lượng duy nhất có thể cải tạo thứ Phật giáo đã bị tha hóa, và họ chỉ có thể làm được việc đó khi tăng sĩ trả chùa cho dân… “Ngày nay nhìn lại, thật đáng kinh ngạc về tư tưởng sâu sắc và mạnh mẽ đến dường ấy của ông về nhân dân. Đó là một tư tưởng xã hội có tầm cao rất đáng để chúng ta chiêm nghiệm… Tính thời sự của nó hầu như vẫn còn nguyên”. Học giả Vũ Tuấn Sán nhìn nhận Thiều Chửu “là một hiện tượng khá đặc biệt trong giới trí thức ở thế kỷ XX, một người sống cuộc đời thanh cao, hoàn toàn vì lý tưởng”. Còn Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn ở Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam thì viết rằng: “Thiều Chửu là nhân vật Phật giáo xuất chúng thế kỷ XX”. Nhà sư Thích Đồng Bổn cũng ngợi ca ông là “bậc Nho sĩ, Đại sĩ, Chí sĩ, rạng danh Tiết sĩ”. Còn sách Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập I viết: Thiều Chửu là “một Phật tử xứng đáng tiêu biểu cho hàng cư sĩ trong đạo Phật có công lớn trong lịch sử chấn hưng Phật giáo miền Bắc”.
* Thay lời kết Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nay mới có dịp, đúng hơn là có điều kiện để nhìn lại, ngắm nghía vẻ sáng lung linh của một vị Bồ tát, suốt đời tận tụy cho tha nhân mà quên cả bản thân mình: Bồ tát Thiều Chửu – Nguyễn Hữu Kha. Những ai không quan tâm đến Phật pháp thì chí ít cũng biết rằng, Thiều Chửu là một học giả uyên thâm, mà qua công trình Hán – Việt Tự Điển đã nói lên tất cả. Ông thật sự xứng đáng cho hậu thế nghiêng mình, ngưỡng mộ. 52 tuổi đời với hơn 30 năm hành trì Đạo pháp và Dân tộc, Thiều Chửu đã để lại một khối lượng trước tác khổng lồ cho kho tàng Phật học và văn hóa Việt Nam. Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ để chúng ta phải thành kính tôn vinh. Phật giáo ngày càng bộc lộ rõ bản chất khoa học của nó trong thời đại khoa học thăng hoa. Song, Phật giáo Việt Nam cần được chấn hưng mạnh mẽ mới mong thể hiện được ý nghĩa thanh cao và đầy đủ tính năng khoa học như Thiều Chửu đã từng mong ước và dấn thân. Thiết nghĩ, mọi người hãy đồng lòng, chung tay làm cho Phật giáo Việt Nam mau trở lại cái bản lai diện mục, nếu không nhất định sẽ bị đào thải như Thiều Chửu đã từng ray rứt.
1 “Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX”, tác phẩm cuối cùng của Thiều Chửu. http://www.tangthuvien.com/forum/showthread.php?t=24763 2 Nhòm qua cửa Phật, tác phẩm của Thiều Chửu. 3 Lục Tổ Ðàn kinh. 4 Nguồn: Trang Đông Tác giao lưu. 5 Cải tà quy chính, tác phẩm của Thiều Chửu. 6 Thế nào là Phật và Phật pháp, tác phẩm của Thiều Chửu. 7 Bài đăng trên Tạp chí Xưa và nay số 116, tháng 5.2002. 8 Nguồn: Thiều Chửu – Một vị bồ tát cư sĩ Việt Nam, http://www.daophatngaynay.com/vn/pha…-Viet-Nam.html
9 Nguyễn Lang (1985), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Lá Bối. |
Cập nhật ( 21/01/2012 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com