THIỀN SƯ VIỆT NAM-PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG
* Hải Thuần Bảo Hải
Ngược dòng thời gian trở về với quá khứ, để chúng ta có tư liệu học về các hành trạng của những vị thiền sư như hiện tại, thì không sao quên được ân đức cao vời của sư ông Trúc Lâm, đã dày công khơi dậy nguồn thiền Việt Nam vào đời Trần. Cứ tưởng dường như, thiền tông Việt Nam đã thực sự đi vào quên lãng. Nhưng đã có người, khơi dậy mạch ngầm âm thầm chảy, từ ngày ấy nguồn thiền tiếp tục trào dâng đến những người khát khao tu học về Thiền.
Thế nên, lòng tri ân vô hạn của các thế hệ hậu học chúng con, luôn hướng đến sư ông đã dày công phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, để giờ đây chúng con được học, được thụ hưởng những thành quả tốt đẹp mà sư ông đã để lạimuôn đời. Đã là người con đất Việt, không ai không biết đến vị vua vô cùng đặc biệt này. Và đã là người Việt Nam tu thiền thì càng không thể không biết vị tổ sơ khai Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam. Giờ đây chúng con xin phép đi lại, những gì đã được học và được hiểu, được nghiên cứu tìm tòi về “Sơ Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam” đó là đức “Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông”.
Như chúng ta được biết về lịch sử nhà Trần có rất nhiều hoàng đế và những vị tướng lãnh đạo như Trần Thái Tông được mệnh danh là “ông vua Thiền sư”, như Tuệ Trung Thượng Sĩ..v.v.. đều là những người tu học theo Phật giáo, đặc biệt là thiền tông. Bởi vì thế, về mặt lịch sử Phật Giáo Việt Nam vào đời Trần phát triển rất mạnh. Riêng đối với vua Trần Nhân Tông quả là một ông vua Phật của nước ta, nên người đời còn gọi Ngài là “Phật Hoàng Trần Nhân Tông” bởi lẽ Ngài có duyên sâu dày với đạo từ thuở bé. Tuy còn nhỏ mà ngài đầy lòng nhân từ, thích ăn chay lạt, thông minh, siêng học thông suốt nội điển và ngoại điển. Ngài tên húy là Trần Khâm con trưởng của vua Trần Thánh Tông và hoàng hậu Thiên Cảm (về sau còn gọi là Nguyên Thánh Hoàng Thái hậu). Khi mới được sinh ra, thân Ngài, sắc vàng như sắc Phật, trong Đại Việt Sử Ký Toàn thư có ghi rằng: “Đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, vai bên trái có nốt ruồi đen, nên có thể gánh vác được việc lớn”, vua Trần Thánh Tông đặt tên là Kim Phật, cũng gọi là Nhật Tôn. Lớn lên, năm 16 tuổi được vua cha phong làm hoàng thái tử, Ngài đã hai lần, cố xin nhường lại cho em trai là Đức Việp nhưng vua Trần Thánh Tông không chấp thuận, vì thấy Ngài có khả năng gánh vác được việc lớn. Trong khi đó, chúng ta thấy lịch sử đã để lại biết bao trang sử đau lòng, chỉ vì ngôi vị mà cốt nhục tương tàn.
Hạt giống Phật, đã ngầm chứa sẵn trong Ngài nên mới biểu lộ ra như thế. Vào tháng 12 năm 1274, Ngài kết hôn với công chúa Quyên Thanh, là con gái lớn của Trần Hưng Đạo và Nguyên Từ Quốc Mẫu (về sau còn gọi là Khâm Từ thái hậu). Vợ của vua Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Trinh về sau gọi là Bảo Thánh hoàng hậu. Sống trong cảnh vui hòa hạnh phúc mà Ngài vẫn thích đi tu, khoảng sáu tháng kể từ khi kết hôn, Trần Nhân Tông đã trèo thành trốn đi, định vào núi Yên Tử để tu nhưng bị vua cha hay tin, Ngài bất đắc dĩ trở về hoàng cung. Khi Trần Nhân Tông còn là thái tử thì đã thông suốt thiền tông, do sự giáo dục của Tuệ Trung Thượng Sĩ, Ngài lấy câu: “Phản quang tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha tắc” làm phương châm tu hành. Năm 21 tuổi Ngài lên ngôi hoàng đế, lúc làm vua Ngài vẫn đến chùa Tư Phước trong đại nội để học đạo. Năm Quý Tỵ 1293, Ngài nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, lên làm thái thượng hoàng. Trong một ngày, phân nửa thời gian Ngài dạy con trông coi việc nước, phân nửa thời gian còn lại Ngài nghiên cứu nội điển. Khi giặc Mông–Nguyên sang xâm lăng nước ta, Ngài thu xếp việc kinh kệ, nhờ tình đoàn kết của quân dân, Ngài đã hai lần đánh đuổi quân Mông–Nguyên giữ trọn vẹn chủ quyền đất nước.
Trong cương vị Thái Thượng Hoàng và chỉ dạy cho con được sáu năm, sau đó sắp đặt việc đi xuất gia. Tháng 10 năm Kỷ Hợi 1299, Ngài lên núi Yên Tử xuất gia tu hành, Trần Nhân Tông tu hành rất khổ hạnh nên người đời gọi Ngài là: “Hương Vân Đại Đầu Đà”. Ngài lập chùa, cất tịnh xá, khai giảng để tiếp độ chúng Tăng bốn phương. Năm 1304, vua Anh Tông dâng biểu thỉnh Ngài về đại nội để truyền giới Bồ-tát tại gia. Sau đó Ngài đến chùa Sùng Nghiêm ở núi Linh Sơn để truyền bá Thiền tông. Qua lịch sử và thân thế của Ngài, chúng ta thật tự hào, ở nước Việt Nam mình cũng không thua gì Ấn Độ thuở xưa, nhưng đại khái cũng có nét tương đồng, ở Ấn Độ, Tất Đạt Đa thì ngay địa vị thái tửmà vượt thành xuất gia tu đạo. Còn ở Việt Nam, Trần Nhân Tông, trong địa vị cao tột là hoàng đế,thế mà cũng đạp bỏ, danh lợi phù hoa để đến với đạo. Đối với các Ngài thì như thế, còn chúng ta thì sao? Có gì quý hơn ngai vàng điện ngọc? Bởi vậy xét kỹ chúng ta chẳng bằng những bậc thượng sĩ thoát trần. Nhưng không có nghĩa là, những người không có quyền quy thế lực ở xã hội là không tu được. Gương điển hình là Lục Tổ Huệ Năng, Ngài không biết chữ, thuộc hàng ngoại biên, thân thể đen đúa, xấu xí…nhưng đến khi tu hành cũng thành Tổ như ai. Bởi thế qua hình ảnh của Lục Tổ cho chúng ta thêm niềm tin vào tâm mình, bất luận là hình thức bên ngoài như thế nào, ai có tâm thì người đó có Phật. Phật hoàng Trần Nhân Tông có rất nhiều những bài phú, thơ Hán Nôm rất đặc sắc, truyền tải đạo lý tuôn trào, trên từng câu chữ, điển hình như bài:
武 林 秋 晚
畫 橋 倒 影 蘸 溪 橫
,一 抹 斜 陽 水 外 明。
寂 寂 千 山 紅 葉 落,
濕 雲 和 露 送 鐘 聲。
陳 仁 宗
Vũ Lâm Thu Vãn
“Hoạ kiều, đảo ảnh, trám khê hoành,
Nhất mạt, tà dương, thuỷ ngoại minh.
Tịch tịch, thiên sơn, hồng diệp lạc,
Thấp vân, hòa lộ, tống chung thanh”.
Dịch nghĩa: Thu Muộn Ở Vũ Lâm
“Chiếc cầu chạm vẽ, đảo bóng, vắt ngang dòng suối,
Một vệt nắng chiều, rực sáng, bên ngoài ngấn nước.
Nghìn núi lặng tờ, lá đỏ rơi,
Mây ướt giăng như mộng, tiếng chuông xa vẳng”.
Thơ ( đã ghi rằng:) Cuối Thu Ở Vũ Lâm
“Lòng khe in ngược, bóng cầu hoa,
Hắt sáng bờ khe, vệt nắng tà.
Lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ,
Mây giăng như mộng, tiếng chuông xa”.
Bài thơ: “Thu Muộn Ở Vũ Lâm” hay “ Cuối Thu Ở Vũ Lâm” được ra đời sau khi Trần Nhân Tông đại thắng quân Mông-Nguyên. Năm Giáp Ngọ, Hưng Long thứ 7 (1294) Phật Hoàng về thăm lại Vũ Lâm. Năm 1295 ngài trở lại động Vũ Lâm tu hành,đã làm bài thơ này. Vua Trần xuất gia đầu tiên ở hành cung Vũ Lâm, sau này trở thành chùa Vũ Lâm, nhưng chùa có tên riêng là: “Khai Phúc Tự”. Nhưng nguồn gốc đầu tiên để có cung Vũ Lâm là: “Sau cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất (1258) vua Trần Thái Tông (ông nội của vua Trần Nhân Tông) lúc đó 40 tuổi đã nhường ngôi cho con là: Hoàng thái tử Hoảng (tức là:Trần Thánh Tông cha Trần Nhân Tông) về vùng núi, lập am để tu hành, mở đầu cho việc xây dựng Hành Cung Vũ Lâm sau này. Về sau, Trần Nhân Tông cũng đến Hành Cung Vũ Lâm để xuất gia tu hành. Giờ đây chúng ta hiểu gì qua văn ngôn của lời thơ mà người đã thấu rõ đạo lý viết lên ? Toàn bộ khung cảnh chiều thu được nhà thơ vẽ lên bằng những hình ảnh phản chiếu, trên một con suối, ở nơi đó cái gì cũng bị đảo ngược.
Như bóng của một cây cầu được chạm vẽ rất đẹp, vệt nắng in ngược trên mặt nước xuống lòng suối, một vẻ đẹp tuyệt diệu nhưng hình như không thật. “Chiếc cầu chạm vẽ, đảo bóng, vắt ngang dòng suối” Ở đây, ngoài nghĩa đen trên mặt câu chữ, là tả cảnh thật một buổi chiều thu ở Vũ Lâm, chúng ta còn hiểu gì về đạo lý, hiểu gì về phần chìm của tảng băng trôi? Như tác giả văn học nước ngoài Hemingway (Hê-min-uê) đã viết, cái gọi là “Nguyên lý Tảng băng trôi?” Nghĩa đen : “Tảng băng trôi”: dựa vào tự nhiên trong thực tế, tảng băng trên mặt nước ba phần nổi, bảy phần chìm. Nghĩa bóng : đây là cách nói hình ảnh, thể hiện yêu cầu đối với một tác phẩm văn học : nhà văn, nhà thơ không trực tiếp phát ngôn cho ý tưởng, mà viết giản dị, xây dựng hình tượng có nhiều sức gợi, để người đọc rút ra phần ẩn, tùy theo thể nghiệm và cảm hứng trước hình tượng. Nhiệm vụ của người đọc là phải sáng tạo,chiêm nghiệm… mới có thể hiểu được “bảy phầnchìm”, những cảnh tượng, hình ảnh,… giàu tính tượng trưng đa tầng nghĩa, chúng ta phảivận dụng kinh nghiệm và sự hiểu biết để lấp đầy khoảng trống mà tác giả cố tình tạo ra trong tác phẩm. Ý tại ngôn ngoại, sẽ tạo ra một mạch ngầm của bài thơ, một dòng chảy ngầm đa nghĩa dưới bề mặt ngôn từ.
Ở đây chúng ta có thể hình dung “chiếc cầu được chạm vẽ rất đẹp và tinh xảokia” dụ cho những gì Phật hoàng đã có, ở địa vị nhân chủ, chức tước quyền cao tột bậc,có gì sánh bằng với ngôi vị hoàng đế ? Nhưng đây là đẹp ư ? Vẫn chưa phải cái đẹp chân thật, bất sanh bất diệt nơi đời. Đó chỉ qua là ảnh ảo là “bóng ngược” trên dòng suối mà thôi! Có, nhưng không thật có. Còn hình ảnh dòng suối chỉ cho một cuộc đời, một kiếp nhân sinh, chuyện sanh tử luân lưu như dòng nước, nếu đúng là người học-hiểu-và tu đạo như sơ tổ Trúc Lâm, thì phải đi ngược lại dòng đời, không thuận thế buông trôi, đắm mình nơi dục lạc, mà ngài đã từ bỏ những gì phàm phu chúng ta cho là quý nhất, mà tìm về đạo để tu hành khổ hạnh, vua bây giờ trở thành một vị tăng quê giữa núi rừng thanh đạm. Muốn lội qua con suối sanh tử kia thì ngài phải đi ngược lại với người thế gian, cũng như cái bóng của chiếc cầu, in ngược trên dòng suối. Riêng hình ảnh “vệt nắng chiều” ý chỉ cho thân phận của ngài đã lớn tuổi đời, nắng đã về chiều rồi, vì khi ngài xuất gia thì đã ngoài bốn mươi, nhưng vệt nắng chiều kia có điểm nổi bậc, không phải yếu ớt rồi tắt lịm như thường tình, mà nó: “rực sáng” đến muôn nơi, trên mặt nước, các khe rãnh, nơi suối nguồn…ý chỉ cho diệu dùng của chân như, do Phật hoàng đã sống được với thể thanh tịnh nên diệu dụng hằng sa, tuy tuổi đời đã lớn, đã về chiều, nhưng “chân như” ấy có gì thay đổi theo thời gian? “Lặng lẽ, nghìn non, rơi lá đỏ”.
Ngoài ý chỉ mùa thu lá rụng đầy, thì cụm từ "lặng lẽ” là một trạng thái thong dong,định tỉnh sáng suốt của người ngộ đạo thấy tất cả vạn vật, ở một cái nhìn không như phàm tình chúng ta, tất cả muôn vật đều ở những địa vị nhất định của nó, không thêm không bớt, tất cả hiển hiện như nó đang là…đây là cái thấy chân thật sáng suốt không qua thức đại. Câu cuối của đoạn thơ “Mây giăng như mộng, tiếng chuông xa”. Câu này sơ tổ đã khẳng định lại một lần nữa, một quãng đời của ngài đã qua, dù quyền quý, dù cao sang, nhưng chẳng khác nào những áng mây trôi trên bầu trời, chợt có rồi lại chợt mất, quả là mộng huyễn người ơi ! Bởi vì vậy ta cần nhận biết được cái hư không bao la trùm khắp kia mà trở về sống với nó, chớ có lầm nhận những áng mây kia là mình, mà buông trôi mãi theo những cơn gió của cuộc đời. Đã là mộng thì có thật bao giờ ? Vì vậy mà sư ông Trúc Lâm của chúng ta, cũng với cái nhìn này đối với kiếp người, quả thật là:Gá thân mộng, dạo cảnh mộng, mộng tan rồi, cười vỡ mộng, ghi lời mộng, nhắn khách mộng. biết được mộng, tỉnh cơn mộng.
Hình ảnh“Tiếng chuông” là chỉ cho sự tỉnh thức, là tiếng lòng réo gọi, là như lai tàng diệu chân như tánh thúc dục ngài xuất gia tu đạo. Dẫu biết cuộc đời, kiếp người là giấc mộng, là không thật, như huyễn như hóa, như sương như điện, nhưng trong cái sanh diệt này vẫn song hành với cái bất sanh bất diệt mà người tu phật chúng ta phải khéo nhận ra và trở về với thể tánh chân như ấy để được lợi lạc cho chính bản thân mình,và mọi người xung quanh ta. Qua bài thơ: Vũ Lâm Thu Vãn, của Phật Hoàng Trần Nhân Tông ẩn chứa đầy đạo lý, khi chiêm nghiệm ta sẽ nhận ra điều mà sơ tổ muốn dạy muốn nhắn gửi đến tất cả đọc giả, nhất là hàng tu sĩ chúng ta. Đạo lý mà ngài chỉ dạy cho chúng ta, thì hàng tu sĩ, chắc hẳn ai cũng hiểu, nhưng điều quan trọng là ta phải tu được, sống được với những lời của tổ. Do ngài tu được và sống được nên không chỉ tự tại ngay lúc sinh tiền mà ngay khi sắp thị tịch cũng vậy. Lịch sử ghi lại rất rõ ràng: Trước khi sắp thị tịch, mặc dù có tới mười mấy người thị giả, nhưng chỉ có ngài Bảo Sát được tổ gọi lên am Ngọa Vân, đến ngày 1/11, ngài hỏi Bảo Sát là giờ gì? Bảo Sát thưa là giờ Tý. Ngài lấy tay vén màn cửa sổ xem và nói: Đến giờ ta đi. Thị giả hỏi ngài đi tới chỗ nào? Ngài nói kệ:
‘Tất cả pháp chẳng sanh
Tất cả pháp chẳng diệt.
Nếu hay hiểu như thế
Chư phật liền hiện tiền.”
Nói xong, ngài nằm như sư tử lặng lẽ mà tịch, nhằm niên hiệu Hưng Long thứ 16 (năm 1308), ngài được 51 tuổi. Pháp Loa là đệ tử nối pháp của sơ tổ Trúc Lâm, theo lời di chúc Pháp Loa làm lễ hỏa táng, lượm ngọc cốt có năm màu, vua Anh Tông cùng đình thần đem long giá rước về phụng thờ. Sơ kết một cuộc đời, có gì thật hả người ơi! Dù là bất cứ ai, khi duyên đã mãn thì ta phải xa rời, dẫu là vua chúa hay dân bần cũng vậy,không khỏi quy luật chung của vũ trụ. Chính vì vậy, trong các kinh như Kim Cang đã nói:“Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng” còn Lăng nghiêm cũng có câu cũng không ngoài ý: “Hòa hợp vọng sanh,hòa hợp vọng tử”…thông qua các kinh đã giúp chúng ta rõ ràng và hiểu thiền một cách tường tận hơn. Nhờ Kinh điển mà chúng ta thông được lý Thiền mà chư Phật chư tổ đã truyền trao. Rõ biết là huyễn vọng thì hành giả đang tập tu như chúng ta đỡ khổ biết dường nào, trước phong ba, sóng vỗ của cuộc đời.
Qua thời gian thế ấy, một cuộc đời 51 năm của Phật Hoàng Trần Nhân Tông đầy ý nghĩa, Ngài là vị sơ khai thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, chỉ có 10 năm kể từ khi xuất gia mà ngài để lại bao giá trị bất tử nơi đời, bởi sự tu học và đạt đạo, qua hình ảnh của ngài, ngầm dạy cho chúng ta quay về với thật tại, phá chấp, phá ngã, mà rõ ông chủ nhà của chính mình, thì diệu dụng hà sa. Nếu các học giả chỉ chạy theo bên ngoài hỏi đông hỏi tây…thảy không lợi lạc, càng hỏi trên văn tự thì cách đạo càng xa. Bởi thế qua tác phẩm Thiền sư Việt Nam do sư ông Trúc Lâm, Thượng Thanh Hạ Từ, đã dày công soạn dịch, khi học qua tác phẩm ấy chúng ta phải khéo nhận cái chân thật nơi mình và cố gắng quay về với thực tại hiện tiền tu học làm cho thật tốt. Đối với hàng tu sĩ thì việc tu như là hơi thở, việc học như nhịp đập con tim, việc làm như ăn cơm uống nước. Có như thế mới hằng mong xứng đáng là đệ tử của chư Phật chư Tổ và quý thầy, xứng đáng là hàng đệ tử trong Tông môn Thiền tông. Không dám nói chúng con hoàn toàn sống được với những điều được học và được hiểu hôm nay. Nhưng tin chắc là chúng con sẽ cố gắng nỗ lực hơn sống ngày một gần với bản tâm chân thật nơi mình, hầu mong xứng đáng là một tu sĩ trong chốn Thiền môn.
|