THI PHÁP THƠ TRƯỜNG PHÁI BÚT TRE
* ThS Nguyễn Thế Truyền Bút Tre là bút danh độc đáo của nhà thơ tên thật là Đặng Văn Đăng (1911 – 1987), quê quán ở tỉnh Phú Thọ. Ông là một nhà trí thức thông thạo hai ngoại ngữ – tiếng Pháp, tiếng Anh, đã xuất bản 6 tập thơ như : “Rừng cọ đồi chè”, “Phú Thọ lớn lên”, “Sông Lô sông Chảy”, … , và đảm nhiệm nhiều chức vụ trong ngành thông tin văn hoá của tỉnh Phú Thọ, trong đó chức vụ mà mọi người biết tới nhiều nhất là Trưởng ty Văn hoá tỉnh (1962 – 1968). Thời kỳ 1956 – 1960, ông là thư ký cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm. Nhà thơ Bút Tre tính tình giản dị, dễ gần, thích làm thơ, làm vè, sống một cuộc đời công chức khẳng khái, không vụ lợi. Thơ ông tạo ra một trường phái thơ Bút Tre nối tiếp chất trào lộng, vui cười của dòng thơ dân gian, đem lại cho không khí văn học nước nhà một dáng vẻ vui đùa, tươi trẻ, hóm hỉnh, lạc quan.
Một nhà thơ đã có hai câu thơ rất hay sau đây nói về bút pháp thơ Bút Tre : Vần gieo gãy nửa nhịp câu
Giữa dòng bạt mạng ngắt câu ngang phè. Thật đúng như vậy ! Một trong những nét nổi bật khi nói về thơ Bút Tre là cách ngắt câu và cách gieo vần kỳ dị. Hai câu thơ của Bút Tre thật sau đây đã mở đầu cho nét riêng về ngôn từ không thể trộn lẫn đó của trường phái Bút Tre : Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về. Sự độc đáo của cách ngắt câu ở đây là xé lẻ từ cuối cùng của câu thơ trước vắt sang câu thơ thứ hai một cách tự nhiên, bất chấp những quy tắc về từ pháp của tiếng Việt. Cách ngắt câu này chắc chắn được khơi nguồn từ lối thơ vắt dòng khá phổ biến trong Thơ mới. Nhưng Thơ mới chỉ dừng ở mức tách một cụm từ ra trong hai câu thơ khác nhau – một điều có thể chấp nhận được về mĩ cảm ngôn từ. Thơ Bút Tre tiến xa hơn, tách một từ ra trong hai câu thơ khác nhau. Từ được tách ban đầu có thể là tên người (Võ Nguyên Giáp), là tên đất (Anh đi công tác Pơlây… /…Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra ; Anh đi công tác Buôn Mê… /… Thuột xong một cái lại về với em), hoặc một từ bất kỳ nào đó (Tuy già mà bác vẫn tung… / …Còn chui qua lỗ chiếc vòng ngày xuân). Cần chú ý là trong lối thơ vắt dòng này của Bút Tre, tiếng được tách sang câu thơ thứ hai lại trở thành một từ có ý nghĩa chuyển đổi bất ngờ. Đồng thời, câu thơ thứ nhất và câu thơ thứ hai bao giờ cũng đối lập về sắc thái phong cách (nghiêm trang > < vui đùa, hài hước). Lối gieo vần của thơ Bút Tre cũng không kém phần dộc đáo : ép vần. Ban đầu chỉ là lối ép vần tự nhiên, dễ dãi của nhà thơ Bút Tre thật. Ví dụ, trong một bài thơ ca ngợi quê hương đổi mới trong thời kỳ xây dựng XHCN, ông viết : Tàu xe đi lại nhịp nhàng Thái Nguyên, Yên Bái lại càng Lào Cai Kiểu ép vần đó dần dần được dân gian hoá, trở thành một cách lẩy vần đặc trưng của thơ Bút Tre ngày nay : ép vần trắc thành vần bằng. Một trong những câu thơ nổi tiếng nhất loại này là câu thơ theo giai thoại do Hồ Chủ tịch làm tặng nhà thơ Bút Tre thật khi ông bị chuyển từ Trưởng ty Văn hoá xuống làm cán bộ bảo tàng (?!) : Chú làm công tác bảo tàng Cũng là nhiệm vụ cách màng giao cho. (cách màng : cách mạng) Chữ thường được ép vần là chữ thứ 6 của câu bát. Nhưng cũng hay gặp ở chữ thứ 6 của câu lục và chữ thứ 8 của câu bát : – Em là cô giáo dạy Toan (Toán) Suốt ngày công thức với toàn số liêu (số liệu) – Liên hoan có mấy nải chuồi (chuối) Có xôi, có oản xin mời các ba (bà) Có khi vần được ép ngược trở lại : vần bằng thành vần trắc, hoặc có khi đơn giản chỉ là biến vần ở âm vực cao (thanh không) thành vần ở âm vực thấp (thanh huyền). Ví dụ một số câu trong bài “Quan nhũng làm thơ Bút Tre” (Phạm Vượng – Hải Phòng) : Hôm nay “sinh hoạt” họ nhà Trước là “nghị sự”, sau là đánh chen (đánh chén) Phải làm đàng hoáng một phen (đàng hoàng) Cho thêm củng cố cái gien quan liều (quan liêu) Tiện đây xin nhắc đôi điều Anh em ta phải thương yều lẫn nhau (thương yêu) Đi liền với cách ngắt câu, gieo vần khó quên đó của thơ trường phái Bút Tre là cách cấu trúc ý thơ rất tự nhiên chủ nghĩa. Hai câu thơ sau đây là của Bút Tre thật, thời kỳ kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961 – 1965) : Cầu tiêu, giếng nước đủ đầy Chuồng lợn hai bậc dựng xây từng nhà. Dân gian phỏng theo đó để làm hai câu thơ sau đây : Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh Anh về phân bắc, phân xanh dầy chuồng. Trong lối cấu trúc ý thơ này, những cái tương phản, đối nghịch đi liền với nhau “tự nhiên nhi nhiên” làm cho chúng ta buồn cười (cầu tiêu > < giếng nước ; hoan hô > < phân bắc, phân xanh). Nhìn từ con mắt của một người khó tính thì đó là những câu thơ phản thẩm mĩ. Nhưng đó cũng là một nét riêng của thơ Bút Tre. Các nhà thơ Bút Tre cũng hay dùng sự mơ hồ từ ngữ, mơ hồ cấu trúc để tạo tiếng cười đậm chất dân gian như trong các truyện cười Trạng Quỳnh, Xiển Bột. Ví dụ : Chăn nuôi mấy cậu gầy nhom Làm cho lợn nái sòn sòn đẻ sai (đẻ nhiều) Họ cũng hay dùng phép nói ngược như trong lối nói của dân gian : – Hoan hô đồng chí Hà Đăng Ấn cho tàu chạy băng băng … như rùa. – Dừng chân đứng giữa lưng đèo Bỗng đâu thấy một con mèo …gâu gâu. Một đôi khi phép nói ngược đó được “hiện đại hoá” lên đôi chút : Hôm nay mồng 8 tháng 3 Tôi giặt cho bà cái áo của tôi. (Tú Sót – Hà Nội) Thủ pháp nói lái và yếu tố “”đố tục giảng thanh” của môi trường văn hoá dân gian cũng hoá thân chút it vào thơ Bút Tre. Ví dụ : – Vợ giận thì chồng e hèm Miệng cười tủm tỉm hỏi em dị giần (giận gì) – Con đò dịch đít sang ngang Bên kia có một cái làng thò ra. – Chị em du kích tài thay Bắn tàu bay Mỹ rơi ngay cửa mình. (cửa nhà mình) Chiều chiều vác lưới đi săn Lưới thưa chồn lọt mất ăn cả nhà. (Chồn lọt: Nói lái) Loại thơ này là loại thơ ứng tác, ngẫu hứng, dễ làm, dễ thuộc. Nó không ký thác hoặc ngụ ý điều gì sâu xa. Nó cũng không thích một cấu trúc phức tạp (ngay cả Bút Tre thật có 6 tập thơ mà cũng chỉ còn đọng lại không tới 10 câu). Đó chỉ là một lối thơ nhẹ nhàng, đơn giản, lúc rỗi rãi, lúc cao hứng thì làm, đọc cho nhau nghe, người này truyền sang người khác, lấy cái tinh nghịch, cắc cớ, cái hồn nhiên để tạo nên tiếng cười vui giữa cuộc đời buồn tẻ, đơn điệu hoặc còn nhiều vất vả, gian lao. Âu đó cũng là một cách giải trí. Ở phương Tây cũng có một trường phái nghệ thuật tương tự và được đề cao, gọi là NAIF (trường phái “ngây thơ”). Thơ Bút Tre chống lại cái nghiêm trang, đạo mạo của thơ văn hàn lâm. Nó lấy cái tự nhiên, dẽ dãi làm chất giọng chính. Tương truyền, có lần một nhà thơ nổi tiếng đương thời, có chức vụ cao, sau khi nghe ông Đăng (Bút Tre thật) đọc thơ xong, liền gật gù bảo : – Tôi sẽ nhờ anh Xuân Diệu sửa giùm những bài thơ của anh. Ông Đăng điềm nhiên trả lời : – Báo cáo anh, anh Xuân Diệu làm “thơ bác học”, tôi làm “vè dân gian”. Anh Xuân Diệu là “bút máy”, tôi là “Bút Tre”, Xuân Diệu chữa được thế nào thơ tôi ! Thật vậy, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu cũng khó làm được một vài câu dân dã như của “vè sỹ” Bút Tre. Thơ Xuân Diệu, thơ “bút máy” nói chung và thơ Bút Tre là hai nguồn mạch khác nhau của một dòng chảy văn học. Chúng đều cần thiết cho cuộc sống tinh thần con người với nhiều hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau. Một số người từ gu thưởng thức nghệ thuật riêng của mình cho rằng thơ Bút Tre là nhảm nhí. Chúng tôi không hoàn toàn phủ nhận điều đó, nhưng chính ý nghĩa thực tế của thơ Bút Tre trong sinh hoạt tinh thần của quần chúng nhân dân và sức sống của nó gần nửa thế kỷ qua làm chúng ta phải cân nhắc hơn khi đánh giá một dòng thơ mà có người mệnh danh là “trường phái văn học dân gian hiện đại”. Hai câu thơ sau đây của một nhà thơ sẽ thay lời kết cho bài viết của tôi về một trường phái thơ mà mình ít nhiều có duyên nợ : Bao nhiêu Bút Sắt mòn rồi Bút Tre vẫn để cho đời nguồn vui. ———————————- TÀI LIỆU THAM KHẢO Ngô Quang Nam (biên soạn). Bút Tre – thơ và giai thoại, NXB Văn hoá – Thông tin, 1999.
|
Cập nhật ( 06/07/2010 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com