20/08/2011 |
THÁNG XÁ TỘI VONG NHÂN * Thanh Chí Tháng 7 âm lịch là một tháng có một số hoạt động mang đậm yếu tố văn hóa và tín ngưỡng. Nhưng ngay từ buổi chiều ngày 30 tháng 6 âm lịch (30/7/2011), trong dân gian, đã có người bày cúng một mâm cháo ngoài hiên nhà. Vậy đối tượng thụ hưởng này là ai? Nhiều người biết trong tháng 7 âm lịch có ngày lễ Vu lan (rằm tháng 7) là ngày lễ Báo hiếu, con cháu cúng kiến, cầu mong cho cha mẹ, ông bà còn sống được an lạc, còn người đã khuất thì sớm được siêu độ. Lễ này bắt nguồn sự tích Mục Kiền Liên thăm mẹ ở 18 tầng địa ngục. Nhưng tháng 7 âm lịch còn được gọi là tháng Xá tội vong nhân. Trong tháng này, những vong hồn ở địa ngục (do ở dương gian có tội nên chết đi bị đày xuống địa ngục và tùy theo tội nặng nhẹ mà bị đày ở tầng địa ngục nào) được Diêm vương cho “tại ngoại” và ngay chiều ngày cuối tháng 6 âm lịch, Diêm vương đã “mở cửa ngục” cho tội nhân được “tự do” (trong vòng một tháng – tháng 7). Bởi thế, trên dương gian, ngay chiều cuối tháng 6 âm lịch đã có mâm cháo cúng các vong hồn như nói trên. Đặc điểm của mâm cúng này là chỉ cúng cháo – một thức ăn loãng với dĩa muối trắng, có thể có thêm một số khoai sống, mía…; không cúng những thức ăn ngon với lý do là để cho các vong hồn ăn đỡ đói (chớ không phải để “hưởng thụ”). Khi các vong hồn ăn xong thì đi chỗ khác… kiếm ăn nữa. Nếu cúng thức ăn ngon, các vong hồn ăn rồi không chịu đi đâu, cứ ở quanh quẩn trong nhà “đợi” ăn nữa. Khi chủ nhà không cúng thêm, các vong hồn lại “phá quấy”, gây cho chủ nhà và gia đình bệnh hoạn, xui xẻo… Một hoạt động chính trong tháng Xá tội vong nhân là các chùa chiền đều tổ chức lễ cầu siêu. Đây là hoạt động nhằm làm cho các vong nhân (có tội) tỉnh ngộ, ăn năn hối cải và sớm được siêu sinh, không bị đày ở địa ngục. Bóc lớp vỏ tín ngưỡng ra, đây là một hoạt động mang tính nhân văn rất cao. Đối với người có tội, dân gian luôn tỏ lòng khoan dung, đều muốn cho các tội nhân sớm được “đặc xá” với điều kiện tội nhân phải biết hối cải. Tại Bạc Liêu, trong tháng 7 âm lịch, nhất là từ ngày rằm trở đi, không chỉ ở các đình, chùa hoạt động nhộn nhịp với các lễ cầu siêu, thí giàn mà ở nhiều gia đình cũng tổ chức thí giàn sau khi cúng “cô hồn” (các vong hồn cô độc, không bà con thân thích) xong. Một hoạt động gắn với thực tế cuộc sống là hầu như các đình, chùa đều tổ chức cứu trợ cho người nghèo. Hình thức cứu trợ thường bằng gạo. Mỗi phiếu gạo từ 3 – 5 ký. Đặc biệt là các đình, chùa phối hợp với địa phương, phường, khóm, xã, ấp để xác định đối tượng được cho, chớ không thí giàn “tự do” như trước gây mất trật tự, có khi dẫn đấn ấu đả lẫn nhau. Lễ cúng cô hồn được truyền từ Ấn Độ vào Trung Quốc vào thời nhà Đường và được truyền sang Việt Nam, rất thịnh hành vào thời nhà Trần qua việc tổ chức các trai đàn chẩn tế, bố thí thức ăn cho loài quỷ đói (ngạ quỷ). Sự tích lễ này bắt nguồn từ sự kiện A Nan – ban đêm nằm mơ thấy một con quỷ đói tên là Diệm Khẩu xin ăn cơm. A Nan hỏi Phật, nhân đó Phật chỉ bày phương pháp thí thực cho ngạ quỷ. Việc thương xót những người đã khuất không nơi nương tựa, không được thân nhân cúng vái còn được thể hiện qua việc cúng giỗ trong nhiều gia đình. Lúc cúng vật thực, không chỉ có mâm cơm trên bàn gia tiên, bàn thờ ông Thần tài, ông Địa, ông Táo mà còn còn một mâm cơm riêng thường được bày cúng ở một góc nhà hoặc ngoài hiên nhà, gia chủ vái cúng “những người khuất mày khuất mặt”, “trong nhà trong cửa”, “chiến sĩ”, “chiến sĩ tử vong”, “đồng bào tử nạn”, “thập nhị loại cô hồn”… Việc cúng lễ này thể hiện sự “kính trên nhường dưới”, mối quan hệ tổng hòa của xã hội đồng thời thể hiện tính nhân ái rất cao. Đã là người thì không chỉ biết có ông bà mà còn phải biết đến những vị quản lý đất đai, tài chính, ăn uống…., phải biết đến những người đã xả thân vì nước, người hoạn nạn, nghèo khó, không nơi nương tựa… Về “thập nhị loại cô hồn” (12 loại cô hồn), có thể kể ra như sau: vương, đế; tướng soái; quan; kẻ sĩ; tăng sĩ; đạo sĩ; kẻ giang hồ; binh sĩ; sinh non, hậu sản; tàn tật; gái thanh lâu; cơ hàn, ăn xin, tù nhân. Tuy nhiên, con số 12 chỉ là tượng trưng để chỉ số nhiều, có nơi gọi là “thập loại cô hồn”. Một số đình, chùa sử dụng bài văn thỉnh thập nhị loại cô hồn bằng chữ Hán hoặc chữ quốc ngữ. Thi hào Nguyễn Du đã từng viết bài “Văn chiêu hồn”, còn gọi là bài “Văn tế thập loại chúng sinh” tỏ lòng xót thương và mong các cô hồn được sớm siêu thoát: "…Kìa những kẻ chìm sông lạc suối, Cũng có người sẩy cối sa cây, Có người leo giếng đứt dây Người trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành Người thì mắc sơn tinh thủy quái Người thì sa nanh sói ngà voi, Có người có đẻ không nuôi Có người sa sẩy có người khốn thương. Gặp phải lúc đi đường lỡ bước, Cầu Nại hà kẻ trước người sau Mỗi người một nghiệp khác nhau Hồn phiêu phách lạc biết đâu bây giờ?"… Dân gian có thành ngữ “Cô hồn các đảng” dùng để “chửi” những người không nhà không cửa, du thủ du thực, tụ tập nhau phá phách làng xóm; còn gọi là “cô hồn sống”. Điều cần chú ý là lễ cúng cô hồn khác với lễ Vu Lan cho dù được cử hành trong tháng 7 âm lịch. Trước kia, tập trung cúng 2 lễ trên vào ngày rằm nhưng trong những năm gần đây, các đình, chùa cúng trước sau vài ngày để tránh trùng lắp (tương tự như lễ Phật đản). Đối với gia đình, việc cúng cô hồn thường được tổ chức khác với ngày cúng cầu siêu cho cha mẹ, ông bà đã mất, thường tự cúng ở nhà, còn cúng cầu siêu cho cha mẹ, ông bà đã mất thì cúng ở đình, chùa. Trong việc cúng cô hồn ở gia đình và ở đình, chùa cũng khác nhau. Ở gia đình, việc cúng cô hồn là nhằm để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng. Về thời gian cúng, kéo dài từ đấu tháng đến cuối tháng nhưng tập trung trong trung tuần tháng 7 âm lịch. Ở đình, chùa, ngoài việc cúng thức ăn, các tăng ni còn phải cúng cầu siêu cho những vong hồn đó sớm siêu thoát. Bên cạnh đó, ở nhiều chùa, tăng ni còn có “nhiệm vụ” cúng cầu siêu theo yêu cầu của Phật tử đối với người thân đã mất của Phật tử. Lễ Vu Lan được tổ chức bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật giáo Bắc truyền có tên là "Phật thuyết kinh Vu lan bồn" (ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn, khoảng năm 750-801). Do đó, có một số nơi gọi đủ chữ là lễ Vu lan bồn. Do ngôn ngữ tiếng Việt có rất nhiều từ có nguồn gốc từ chữ Hán nên nhiều người Việt hay tìm cách hiểu nghĩa cụm từ Vu Lan, Vu Lan Bồn theo nghĩa chữ Hán. Thật ra đây là từ phiên âm, không thể tách con chữ ra tìm hiểu “vu” là gì, “lan” là gì, “bồn” là gì? Có thuyết trích dẫn rằng, Phật đã dạy rằng mọi người nên đựng thức ăn trong bồn Vu Lan và dâng cúng cho chư tăng. Như vậy, “bồn” ở đây có nghĩa là “cái bồn” – cái bình bát đựng đồ cúng dường. Nhưng thuyết này ít được chấp nhận. Từ “Vu lan” được phiên âm từ tiếng Sanscrit “ullambana” hoặc “avalambana” hoặc “ullumpana” trong tiếng Pali, có nghĩa là cởi trói cho người bị treo ngược (trạng thái đau đớn của những vong hồn trong địa ngục đang mong được cứu độ), khỏi gông cùm, xiềng xích, khổ đau, ách nạn, nghĩa bóng là giải thoát khỏi những phiền não, luyến ái trói buộc cái tâm tham, sân, si; hoặc có nghĩa là cứu độ hay từ ái (ullumpana). Như vậy, “bồn” là âm được phiên âm trong một từ đa âm có nhiều âm tiết, không có nghĩa riêng (cũng như chữ “vu”, “lan”). Theo kinh Vu Lan Bồn, việc thiết lễ Vu Lan không chỉ vì mục đích cứu độ cha mẹ, tổ tiên trong bảy đời quá khứ mà còn để cầu nguyện cho cha mẹ trong đời hiện tại. |
Cập nhật ( 20/08/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com