Thắng cảnh Yên Tử và đôi điều ghi nhận cuộc hành trình về non thiêng Yên Tử của các doanh nhân, phật tử * Nguyễn Thị Thuỳ Liên Yên Tử là một ngọn núi thuộc cánh cung Đông Triều ở Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Núi Yên Tử cao 1.068m, cách Thành phố Hà Nội 130 km và Thành phố Hải Phòng khoảng 40 km về phía Đông Bắc. Trong tiềm thức của nhiều người, Yên Tử không chỉ có thắng cảnh tuyệt đẹp, núi non hùng vĩ mà còn là danh lam bởi nơi đây hiện diện nhiều công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng với những ngôi chùa sừng sững có gần ngàn năm tuổi, nhưng vẫn còn giữ được nét đẹp cổ kính, đơn sơ, huyền bí.
Cũng chính nơi đây, là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm có từ thế kỷ thứ XIII – dòng thiền Phật giáo mang đậm bản sắc văn hoá, tín ngưỡng, thể hiện rõ nhất tư tưởng, văn hoá và tâm hồn người Việt… Những đặc điểm này đã làm nên một Yên Tử linh thiêng và rất riêng biệt, không nơi nào có được. Mỗi độ Tết đến Xuân về, Yên Tử đã thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước, trong đó có số đông là các doanh nhân, phật tử hành hương tìm về với non thiêng đất Phật để thắp hương lễ bái cầu an, cầu sức khoẻ, cầu sự may mắn và được chiêm ngưỡng cảnh chùa, lễ hội đầu năm và thưởng thức các danh lam, thắng cảnh trên cả tuyệt vời. Người xưa có câu: “Trăm năm tích đức tu hành. Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu”. Phát huy tinh thần: “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc”, bồi dưỡng truyền thống uống nước nhớ nguồn và phát huy tinh thần Phật giáo đối với doanh nghiệp, doanh nhân, và để doanh nhân, phật tử có cơ hội đến được với non thiêng Yên Tử, từ ngày 28/3 đến ngày 29/3/2015 vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã kết hợp cùng với Tạp chí Công tác Tôn giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ), Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hoá dân tộc và Công ty truyền thông CMA tổ chức thành công chương trình: “Hành trình phật tử,doanh nhân ưu tú về non thiêng Yên Tử năm 2015”, với sự tham gia của trên 600 đại biểu là doanh nhân, tăng ni, phật tử và nhiều cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương đến từ 47 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là hoạt động đặc biệt có ý nghĩa, nhằm tạo điều kiện cho những doanh nhân ưu tú, những nhà lãnh đạo, quản lý xuất sắc trong các đơn vị, doanh nghiệp trên mọi miền Tổ quốc, các tín đồ tôn giáo và phật tử tăng cường mối quan hệ giao lưu, tìm hiểu, kết nối và định hướng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, những triết lý sống của cha ông trong hoạt động kinh doanh và trong công tác lãnh đạo, quản lý. Đây cũng là lần thứ hai được tổ chức với sự thể hiện quy mô, hoành tráng, trang trọng, chu đáo, giàu ý nghĩa và rất nhân văn của các nhà tổ chức Chương trình, đã được các cơ quan báo chí khuyến khích, khen ngợi và rất nhiều doanh nhân, phật tử đồng tình, hưởng ứng, tiếp tục đăng ký tham dự Chương trình này vào đầu Xuân 2016. Tham dự Chương trình: “Hành trình phật tử, doanh nhân ưu tú về non thiêng Yên Tử năm 2015”, không những được đến với đất Phật để cầu an, cầu sức khoẻ, may mắn và được chiêm ngưỡng cảnh chùa, lễ hội đầu năm; các doanh nhân, phật tử được dịp tìm hiểu sâu hơn về quần thể di tích lịch sử, văn hóa tâm linh Yên Tử nổi tiếng – kinh đô của Phật giáo Việt Nam; được nghe chư vị tăng, ni của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh thuyết giảng về đạo pháp; những giá trị nhân văn và triết lý sống của cha ông trong tư tưởng của Trúc Lâm tông phái – một dòng thiền do Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập lên, về cuộc đời và sự nghiệp của Ngài; tham dự lễ cầu an, cầu phúc; lễ dâng hương, cầu hòa bình, quốc thái dân an; thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc với những giá chầu văn nổi tiếng và màn sử thi: “Hào khí non thiêng” của Đoàn Chèo Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh biểu diễn. Đặc biệt ý nghĩa hơn, mỗi đại biểu, doanh nhân được nhận các kỷ vật linh thiêng của chương trình do chư tăng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh trao như: Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, các chữ: Tâm, Đức, Phúc, Lộc, con Giáp theo tuổi của phật tử, doanh nhân và trồng lưu niệm cây Mai Yên Tử tại chùa Trình… Trong giai đoạn hiện nay, khi Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội” thì những giá trị và tư tưởng của Trúc Lâm Tông phái được xem là rất quan trọng và là mục tiêu, động lực khích lệ tinh thần yêu nước của mỗi doanh nhân, phật tử là công dân Việt Nam, để đem tài sức của mình ra phục vụ và xây dựng quê hương, đất nước ngày một mạnh giàu. Thông qua Chương trình: “Hành trình phật tử, doanh nhân ưu tú về non thiêng Yên Tử năm 2015”, Ban Tổ chức mong muốn quảng bá sâu rộng hơn nữa về tư tưởng của Phật giáo, của “chữ Tâm” trong đời sống hằng ngày và ứng dụng trong triết lý kinh doanh và có dịp hiểu thêm về Phật hoàng Trần Nhân Tông với việc ra đời dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử…. Ngoài các hoạt động có ý nghĩa trên, trong khuôn khổ Chương trình, các doanh nhân, phật tử còn được hành trình và chiêm ngưỡng danh lam, thắng cảnh và đến lễ bái các công trình tín ngưỡng, tôn giáo trên dọc đường đi, bắt đầu khởi hành từ chùa Trình đến Yên Tử. Cảnh quan trên đường lên Yên Tử đẹp như tranh thủy mặc. Ở chân núi, tiếng suối Giải Oan róc rách, càng lên cao càng đẹp, không khí rất trong lành. Tương truyền, khi vua Trần Nhân Tông quyết định lên Yên Tử tu hành, các cung tần mỹ nữ đã vượt qua bao khó khăn lần tìm lên núi để khuyên người trở về nhưng không được nên đã đắm mình xuống suối tự vẫn. Thương xót, nhà vua cho lập đàn làm lễ giải oan cho linh hồn của họ. Nơi lập đàn sau dựng chùa lấy tên là chùa Giải Oan và suối Hổ Khê cũng đổi tên thành suối Giải Oan từ đó. Khi đến nơi đây, ngay ở chân núi, bóng chùa Giải Oan thấp thoáng bên bốn bề núi biếc. Chùa tựa lưng vào núi, phía trước là dòng suối Giải Oan. Doanh nhân, phật tử sẽ đi qua rừng tùng cổ thụ trên 700 tuổi và rừng trúc, tiếp đến là chùa Hoa Yên thấp thoáng sau vườn tháp Huệ Quang, cách 534m so với mực nước biển. Chùa Hoa Yên trông rất uy nghi, sừng sững nằm giữa lưng chừng núi với nhiều vẻ đẹp cổ kính. Ngày xưa chùa có tên là Vân Yên, chùa Chính, chùa Cả, chùa Yên Tử…Ngoài ngôi thờ Tam Bảo, hai bên tả hữu còn lầu trống, lầu chuông, sơn son thiếp vàng rực rỡ. Về sau, vua Lê Thánh Tông lên thăm chùa thấy cảnh tuyệt đẹp, trăm hoa đua nở bèn đổi tên Vân Yên thành Hoa Yên. Đây là nơi tu hành, thành đạo của các thế hệ tổ thiền Trúc Lâm Yên Tử. Thời Lý có Thiền sư Hiện Quang, thời Trần có các tổ truyền: quốc sư Đạo Viên, Đại Tăng, Thiền sư Tiêu Diêu, Huệ Tuệ. Kế thừa và phát triển dòng thiền Yên Tử, Điều Ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang lập nên phái Trúc Lâm Yên Tử. Nơi đây, vua Trần thường mở các lớp giảng truyền yếu chỉ thiền tông cho các đệ tử Pháp Loa, Huyền Quang, Bảo Phác và một số đệ tử khác. Vườn tháp sau chùa có nhiều tháp đá và tháp gạch, phần lớn nay chỉ còn dấu tích, bia đá khắc chữ Hán giúp người tham quan biết được mộ của từng vị thiền sư như: tháp Độ Nhân thờ Thiền sư Tuệ Xuân (viên tịch năm 1738); tháp Hương Hà thờ Thiền sư Thanh Toán (mất năm Quý Hợi)… Và ấn tượng nhất đối với doanh nhân, phật tử là ba gốc cây đại hơn 700 năm, gốc rễ lớn sần sùi, tán lá sum xuê, cành đan vào nhau trông rất khỏe khoắn, đẹp mắt. Cách tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông khoảng 600m là đỉnh núi Yên Tử – nơi có chùa Đồng uy nghi, tráng lệ. Đỉnh núi không tròn mà là một sống núi chạy dài vát lên bầu trời như lưỡi mác. Trên núi Yên Tử còn có khu vực tháp cổ, trung tâm là ngọn tháp Huệ Quang lưu giữ xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Cao nhất, thiêng liêng nhất là ngôi chùa Đồng. Đoạn đường lên đến đỉnh thiêng (chùa Đồng) Yên Tử dài gần 6 km, với hàng nghìn bậc thang đá trải dài, có đoạn mọi người phải đi men trên triền đá, lối đi chỉ vừa một bàn chân chênh vênh. Rồi có đoạn đá bày ngổn ngang, lởm chởm, người đi như lọt vào trận đồ bát quái. Để đến được chùa Đồng, doanh nhân phật tử đã phải trải qua một quãng đường gập ghềnh núi đá, qua bao gian nan, để rồi được đền đáp bởi không khí trong lành, mát lạnh bốn mùa. Nơi đây gần như quanh năm mây mù che phủ. Những ngày trời quang mây, đứng trên đỉnh núi, chúng ta có thể phóng tầm mắt lia khắp khu vực dãy núi Đông Triều trùng trùng, điệp điệp tuyệt vời này. Chùa Đồng cao 1.068m so với mực nước biển, được đúc hoàn toàn bằng đồng tựa như một bông sen trên đỉnh núi. Ở chùa Đồng, chúng ta như đứng trên đảo nhỏ bồng bềnh, mênh mang với cái cảm giác mồ hôi ướt sũng được hòa quyện cùng gió thổi, sương phủ, tạo cho khách hành hương những cảm giác tuyệt vời không thể tả được. Giữa khung cảnh núi non hùng vĩ của tiết trời đầu Xuân năm mới Ất Mùi, các doanh nhân, phật tử đến đây với lòng thành kính, thực hiện xếp hàng trang nghiêm, ngay ngắn, thay phiên nhau đặt lễ cúng, cầu phúc, cầu an, hy vọng một năm mới có nhiều sức khoẻ, làm ăn, kinh doanh gặp nhiều thành công, may mắn, mọi sự hanh thông… Qua hai ngày về với non thiêng Yên Tử, những ký ức tuyệt vời vẫn còn đọng mãi trong lòng mỗi người, và mặc dù ai ai cũng muốn có thêm thời gian để tìm hiểu kỹ hơn mảnh đất linh thiêng này, nhưng thời gian và công việc không cho phép, mọi người đành lưu luyến tạm biệt hẹn đến năm sau. Được tham gia cuộc hành trình về với non thiêng Yên Tử lần này, các doanh nhân, phật tử đã thực sự được về với cội nguồn của đất Phật Việt Nam, nơi mà những giá trị nhân văn, niềm tự hào dân tộc, những triết lý sống của cha ông đang ngày càng được nhân rộng và toả sáng, đồng thời, cũng tăng thêm sự hiểu biết hơn nữa về tư tưởng Phật giáo, được hiểu thêm về ý nghĩa của “chữ Tâm” trong đời sống hằng ngày và ứng dụng trong triết lý kinh doanh… Yên Tử thu hút lòng người không chỉ ở vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà hơn hết đó là nơi của đất Phật, nơi tâm linh hội tụ, không gian thoáng đãng, tất cả sự vật, cây cỏ đều mang hồn thiêng ngàn năm về trước. Về với Yên Tử, các doanh nhân, phật tử còn thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thoát, quên bao nỗi ưu phiền của cuộc sống vất vả thường ngày và như được tiếp thêm sức mạnh để quyết tâm làm tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh; tích cực tham gia có hiệu quả các hoạt động về từ thiện nhân đạo, giúp đỡ người nghèo khó và phấn đấu hoàn thành tốt các công việc trong đầu Xuân mới Ất Mùi 2015. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com