TẾT NGUYÊN ĐÁN – Ý NGHĨA NHÂN VĂN VÀ GIÁ TRỊ TÂM LINH TS. Trần Thuận Trong mười cái Tết hàng năm của người Việt, Tết Nguyên Đán là quan trọng nhất, thường gọi là Tết cả. Do vị trí và đặc điểm của nó mà Tết Nguyên Đán có ý nghĩa tâm linh lớn lao đối với người Việt và, ngay trong bản thân đã mang tính nhân văn vô cùng sâu sắc, khiến cho nó cứ mãi tồn tại như một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Nhiều người cho rằng từ Tết là do sự biến âm của từ Tiết mà thành. Nguyên Đán là sự bắt đầu. Buổi sáng sớm của ngày đầu tiên của tháng đầu tiên trong một năm. Khi mùa Đông lạnh lẽo qua đi, mùa Xuân mát mẻ, ấm áp trở về mang theo bao điều tốt đẹp. Thuở trước, từ hai lăm tháng Chạp, triều đình đã tiến hành lễ hạp ấn, quan coi lễ phong kín ấn cất đi chờ qua Tết mới mở ra, quan quân được phép nghỉ 10 ngày để cùng lo vui đón tiết Xuân (theo Hoàng Lê nhất thống chí). Người nông dân xưa quanh năm vất vả, cuốc bẫm cày sâu, đầu tắt mặt tối, Tết đến mới có dịp nghỉ ngơi, cho nên bao cực nhọc lo âu, phiền bực tạm thời gác sang một bên để lo cho ba ngày Tết được đủ đầy, tươi vui, thoải mái. Cái cảnh sắc của mùa Xuân hòa cảm với lòng người tạo nên hương vị ngọt ngào, ấm áp, rộn ràng trong ngày Tết. Toan Anh viết rằng: Người ta đón Tết một cách nồng nàn, người ta đợi Tết một cách trịnh trọng, người ta vui Tết một cách náo nhiệt, hân hoan. Công việc chuẩn bị diễn ra một cách khẩn trương, sôi nổi, người gói bánh tét, bánh chưng, người làm dưa hành, mứt bánh, người sửa soạn bàn thờ, trang hoàng nhà cửa, tỉa tót vườn hoa, v.v… Phiên chợ Tết cũng rộn ràng hơn. Tất thảy mọi người hối hả như giành giựt từng phút, từng giây. Người đi chợ mong sắm đủ những thứ cần thiết, người bán hàng mong bán hết hàng sớm để kịp về lo lễ cúng ông bà gia tiên. Ngày xưa, các ông đồ còn bày hàng bán chữ bên phố đông người qua, thật là vui mắt. Trong bữa cơm cuối năm, có mặt những người thân đi làm ăn xa tìm về quê ăn Tết, không khí gia đình ấm cúng, chuyện trò râm ran. Sau bữa cơm, mỗi người một việc lo cho lễ Giao thừa. Ong Táo cũng kịp về với gia đình thân chủ để chứng kiến giây phút thiêng liêng nhất của năm mới. Không khí giao thừa vừa tĩnh lặng vừa rộn ràng, sôi động. Sự tĩnh lặng như để chứng kiến sự giao ban kỳ diệu của đất trời, của các vị Đương niên hành khiển năm cũ – năm mới bàn giao cho nhau,… Nhưng vẫn không dấu nổi cảm xúc của lòng người, tràn ngập niềm hân hoan đón mừng năm mới. Trong bài Nguyên Đán nhà thơ Khương Hữu Dụng trải bày cảm xúc: Đôi khóm mẫu đơn hoa rỡ rỡ Một bồn kìm quất trái trìu trìu Sớm mai mồng một nhà chứa khách Xông đất đòi thơ bướm dập dìu. Quả là có mùa Xuân của đất trời, mùa Xuân của lòng người và mùa Xuân văn hóa, mà mở đầu là Tết Nguyên Đán nên thơ. Để có thơ tặng bạn bè, người thân, từ trong lễ cúng giao thừa, các văn nhân thường khai bút với niềm cảm hứng đầu Xuân. Đầu Xuân khai bút, bút khai hoa,… thật là thú vị ! Trong những ngày Tết, con người sống bằng cả tấm lòng chứa chan hy vọng. Hình như những gì không thật đẹp đẽ, tràn đầy đều không có điều kiện để tồn tại. Người ta dành cho nhau những điều tốt lành nhất, họ chúc nhau Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh, Vạn sự như ý. Sự ứng xử trong ba ngày Tết thực sự là ứng xử có văn hóa. Tết là dịp để mọi người tỏ bày tình cảm với nhau. Con cháu tò lòng thành kính, biết ơn đối với ông bà, tiên tổ; con bệnh biếu Tết thầy lang, học trò chúc Tết thầy cô giáo, bạn bè biếu Tết lẫn nhau,… lễ vật tuy không đáng là bao nhưng tấm lòng thì chứa chan không kể xiết. Nghĩ về ngày Tết, nhà văn Vũ Hạnh đã nêu lên những ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Ngày Tết thường được ăn no, ăn ngon, nhiều khi ăn ngoài cả sự đợi chờ, ngoài cả ý muốn, ngoài cả khả năng. Cuộc đời mơ ước còn là cuộc sống yên lành, nhàn hạ, khỏi cảnh tất bật sớm chiều vất vả tấm thân. Xã hội lý tưởng là xã hội đẹp, có đủ áo mới, hoa tươi, pháo nổ, rượu nồng, chúc tụng êm đềm. Xã hội ấy phải là xã hội tốt, trong đó con người trao đổi với nhau bằng những lời lẽ nghiêm cẩn, ôn hòa, sẵn sàng mời mọc, sẵn sàng nhường nhịn. Xã hội mà người già được tôn xưng, con trẻ được chiều chuộng, phụ nữ được giải thoát, lớp trẻ có nhiều cơ hội gặp nhau đùa vui, bày tỏ nỗi lòng. Ngày Tết chẳng phải là cái xã hội lý tưởng thu hẹp đấy sao? “Tử tế như ba ngày Tết”đó là một lời tổng kết từ bao đời rồi (1). Bên cạnh những ý nghĩa tốt đẹp đầy tính nhân văn, Tết Nguyên Đán còn có phần lễ với các nghi thức cúng bái có giá trị văn hóa tâm linh. Người ta vẫn thường nói Ngày Tết là một cuộc đại đoàn viên. Theo phong tục cổ truyền thì ngoài sự giao thoa của đất trời cây cỏ, Tết Nguyên Đán diễn ra ba cuộc gặp gỡ hết sức thiêng liêng và quan trọng ngay trong một nhà. Một là con cháu đi làm ăn xa vội tìm về họp mặt, hai là hương hồn ông bà tổ tiên về với cháu con; cuộc gặp gỡ thứ ba là các vị thần phù hộ cho gia đình thường gọi là gia thần. Ngay trong đêm giao thừa, ở thời khắc thiêng liêng nhất diễn ra lễ Trừ tịch. Ngoài ý nghĩa Giao thừa, lễ Trừ tịch còn mang ý nghĩa tiễu trừ ma quỷ, xua đi những điều xấu xa, cũ kỹ, bất lợi, mang lại những gì mới mẻ, tốt lành nhất. Theo quan niệm của dân gian thì lúc này hai vị Đại vương hành khiển (2) bàn giao nhiệm vụ cho nhau với sự có mặt của Thổ Công và Thành Hoàng để tống cựu nghênh tân. Trước hương án, gia chủ khấn cầu chư vị thần linh độ trì cho gia đình người an, vật thịnh, vạn sự hanh thông. Ong bà, tổ tiên cũng có mặt để cùng chứng kiến lòng thành của con cháu đối với chư vị thần linh. Sự giao thoa của đất trời và vạn vật, sự gặp gỡ giữa thánh thần và con người, giữa những người đang sống và những người đã khuất thể hiện rõ sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố Am – Dương mà người Việt đã nhận thức được tự bao đời nay: Am – Dương nhất lý. Nó là cơ sở để hình thành tín ngưỡng dân gian – tín ngưỡng thờ thần và thờ cúng tổ tiên của người Việt Những lễ tục truyền thống diễn ra suốt ba ngày Tết, nhiều nơi kéo dài hơn. Sau lễ giao thừa, người ta đi chùa lễ Phật, hái lộc đầu năm, xông nhà, mừng tuổi,… Việc chọn hướng, chọn giờ để xuất hành, kiêng cử trong cách ăn mặc, nói năng, không quét nhà, giặt giũ,… tất cả như muốn tin rằng, những điều mà họ cầu mong đều có thể trở thành hiện thực, một hiện thực tốt đẹp, vui vầy. Có thể nói, Tết – nhất là Tết Nguyên Đán làm cho con người đẹp thêm ra. Đẹp cả nhân sinh – tâm hồn lẫn hình thức bên ngoài của cuộc sống, đẹp trong ứng xử với môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội. Cái đẹp – cái văn hóa đó làm cho cuộc đời con người ngày mỗi thăng hoa. (1). Vũ Hạnh – Nghĩ về ngày Tết, Kiến thức ngày nay số Xuân Tân Mùi, 1991, tr. 26. (2). Theo quan niệm của dân gian thì có 12 vị Đại vương hành khiển tương ứng với Thập nhị địa chi, mỗi năm một vị gọi là Đương niên hành khiển, được Ngọc Hoàng Thượng Đế phân công xuống trần coi việc dân gian, cuối năm về bẩm báo. Hai vị bàn giao nhiệm vụ cho nhau vào lúc giao thừa. |
Cập nhật ( 14/01/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com