TẾT NGUYÊN ĐÁN Ở BẠC LIÊU * Trần Phước ThuậnSang thế kỷ XVIII, vùng đất Bạc Liêu vẫn còn nhiều chỗ hoang vu. Đến năm 1757 mới có một nhóm lưu dân gồm người Kinh và người Hoa được đưa từ Hà Tiên xuống đây để định cư. Trong những năm đầu, cuộc sống của người dân chưa ổn định, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn và số lượng cư dân còn quá ít nên những cái Tết đầu tiên ở đây chỉ được tổ chức đơn sơ, gọn nhẹ, nhưng dần dần hoàn thiện và phát triển theo đà tiến hoá của con người và xã hội, lại được hoà nhập tục lệ của các dân tộc ở đây với nhau, tạo thành một sắc thái riêng biệt của người Bạc Liêu.
Vùng đất Bạc Liêu vốn là một xứ phì nhiêu có nhiều tài nguyên phong phú, người Bạc Liêu lại cần cù lao động nên cuộc sống của cư dân được cải thiện mau chóng, vì vậy cái Tết theo đó cũng được tổ chức tươm tất hơn. Sang đầu thế kỷ XIX người Bạc Liêu đã ăn những cái tết khá hoàn bị, ngay từ đầu tháng chạp âm lịch mọi người đã chuẩn bị ăn Tết; trước nhất là nhà cửa được sửa sang, sơn phết, trang hoàng thật mới và đẹp, đồ ăn thức uống như gạo, nếp, đường, muối, nước mưa cũng được trang bị đầy hủ đầy lu; heo quay, gà vịt, dầu mở, đậu xanh, đậu nành, nước mắm … và các thứ làm mức làm dưa cũng được chuẩn bị sẵn sàng.
Đến ngày hai muơi ba tháng chạp, mọi nhà đều làm lễ đưa ông Táo về Trời, người ta mua những dụng cụ bằng giấy gọi là “cò bay chỏ bế” và “hoàng bó” để cúng lễ, đây là lễ tục riêng của người Hoa dần dần được người Kinh sử dụng, người Kinh lại nhân dịp này kết hợp với lễ đưa ông bà về trời để tiện việc dọn dẹp nhà cửa, bếp núc và bàn thờ gia tiên, gia thần.
Đối với người Hoa, lúc còn ở quê nhà khi Tết đến đa số mọi người đều đi thỉnh hai đạo “đào phù” đem về treo ở trước cửa để trừ ma ếm quỹ, nhưng ở Bạc Liêu không có gỗ đào nên người ta đành phải dùng giấy hồng đơn viết tên hai vị thần : Thần Đồ (có sách viết nhầm là Trà Đồ) và Uất Luỹ để thay thế. Hai bên cửa nhà nào cũng có kẻ vôi trắng và có dán câu đối đỏ chữ vàng, đa số là các câu quen thuộc như : “Thiên thiêm tuế nguyệt nhân thiêm thọ, xuân mãn càn khôn phúc mãn đường” ; “Xuân đáo chu thiên đào thục khí, thời lai quán địa mộc vinh ba” ; “Thiên thái địa thái tam dương thái, gia hoà nhân hoà vạn sự hoà”… Mọi người cũng không quên thỉnh một lá bùa gọi là “tứ tung ngũ hoành”, trên lá bùa có vẽ năm hàng ngang, bốn hàng dọc và năm chữ “Khương Thái công tại thử”, lá bùa này ngày trước được treo trên cây nêu cho đến hết ngày mùng bảy tháng giêng, nhà nào không có nêu thì dán ở cửa ra vào.
Vài chục năm gần đây lại xuất hiện các loại tranh tết có nhiều ý nghĩa khác nhau như : Phạm Công – Cúc Hoa , Lưu Bình – Dương Lễ , Thạch Sanh – Lý Thông, Vân Tiên – Nguyệt Nga, Đào Viên kết nghĩa, Ngũ hổ bình tây , Đồng tử dâng đào, Phúc Lộc Thọ , Thần tài … và các câu chúc tết bằng chữ Hán trên giấy hồng đơn rất đẹp mang các nội dung : Chiêu tài tấn bửu, Vạn sự như ý, Nhất bản vạn lợi, Sinh ý hưng long, Khai trương hồng phát, Ngũ phúc lâm môn, Nhất phàm phong thuận, Hiệp gia bình an …
Đồ ăn thức uống trong ngày Tết thường là các món : Thịt kho hột vịt, củ kiệu tôm khô, vịt nấu xà bần, các loại bánh mức, trà tàu, rượu đế; ngày nay có cả nước ngọt, bia, rượu Tây… các món không cầu kỳ lắm, nhưng số lượng phải nhiều để đãi khách, nhiều gia đình sử dụng đến hàng trăm hột vịt hoặc cả một con heo to trong dịp Tết. Các loại trái cây, bánh mức thì phải có nhưng không nhất thiết phải là loại nào, nhưng riêng bành tét thì nhà nào cũng có. Ở miền Nam nói chung, ở Bạc Liêu nói riêng đều có khí hậu nóng ẩm, nên bánh chưng nhân thịt không thể giữ lâu, vả lại ở đây cũng không có lá dong để gói, nên người ta phải dùng lá chuối bọc nếp và đậu gói thật chặt trước khi đem luộc theo kiểu gói bánh của người Khmer, loại bánh này gọi là bánh tét, nếu gói khéo có thể giữ trên nửa tháng không hư; người Bạc Liêu ăn Tết thường không thiếu món này. Một số người không thích đậu thì dùng chuối xiêm chín làm nhưn, bên trong nhưn thường được lót một lát nhỏ mở heo sống cho bánh thêm béo. Độ dài của đòn bánh cũng không có định, thường thì chỉ dao động từ hai mươi phân (20cm) đến ba mươi phân (30cm), đường kính khoảng từ nam đến bảy phân. Trên mỗi đòn bánh người ta chừa một đoạn dây dài khoảng hai mươi phân để cột hai đòn bánh liền với nhau rồi mới đem luộc, khi luộc xong người ta vớt ra cũng để nguyên mỗi cặp như thế. Khi làm quà biếu dù nhiều ít vẫn phải tính cặp, không được tính lẻ. Mỗi khi biếu xén ai, dù là vật phẩm như thế nào cũng phải có kèm theo bánh tét, vì vậy những gia đình thuộc loại trung bình ở vùng nông thôn cứ mỗi Tết đến người ta luộc hàng trăm đòn bánh tét mới đủ dùng, các gia đình giàu có thì số lượng bánh lại càng lớn hơn. Cũng vì số lượng bánh lớn như thế nên, nên sau khi đưa ông táo vài hôm thì mỗi nhà phải chuẩn bị làm bếp ở sau nhà hoặc trước sân nhà, đây là loại bếp lớn phải đào âm xuống đất, chứa cũi nhiều mới đủ độ nóng làm sôi cái nồi chứa đến mấy mươi lít nước. Nồi nấu bánh thường là nồi đất hoặc chảo gang loại to, ngày nay người ta thường dùng soong nhôm lớn để thay thế.
Đến ngày ba mươi tháng chạp là ngày cuối năm, mọi công việc đều phải chấm dứt, không những ngày xưa mà đến hôm nay cứ đến ngày này mọi người đều phải nghỉ Tết, kể cả chợ búa cũng phải ngưng , những nơi kinh doanh buôn bán đến trưa ngày ba muơi đều có tổ chức tất niên thật vui vẻ, các công nhân đều được chủ tặng một phong bì đỏ, đó là tiền chúc tết, gọi là lì xì cuối năm (tiền lương tháng chạp thường được phát trước để công nhân mua sắm). Các loại tiền bạc giao dịch trong thời điểm này như vay mượn, nợ nần, cầm cố … đều được thanh toán gọi là kết sổ. Người Bạc Liêu rất trọng tình nghĩa nên các hình thức đền ơn đáp nghĩa và tạo các mối quan hệ về tình cảm đều được thực hiện trong những ngày cuối năm, gọi nôm na là đi Tết, đặc biệt là Tết ân nhân , Tết ông bà cô bác được mọi người rất xem trọng.
Chiều ba muơi Tết, các thành viên của gia đình đều phải có mặt đầy đủ để dự buổi cơm thân mật đoàn tụ gia đình. Sau khi dùng cơm mỗi người ăn thêm một chén chè bo bo nấu đường, mọi người đều tin ăn chén chè này để gia đạo được êm ấm ngọt ngào cả năm. Ngày trước còn có tục “bước qua cửa“ vào nhà của mình để tránh những điều xấu xa xui rủi, nhưng đến nay tục này không còn nữa. Trên bàn thờ gia tiên, gia thần thì mỗi nhà đều chưng dọn mỗi kiểu khác nhau, nhưng tất cả đều có đủ hương, đăng, trà, quả… và một đôi dưa hấu lớn có dán hai chữ Thọ màu đỏ.
Giữa đêm ba muơi, lúc giao thừa mỗi nhà đều dâng cúng một mâm bánh trái ở trước sân để làm lễ Trừ tịch. Ngày xưa người ta thường dùng pháo trúc đốt lên trong lúc giao thừa để xua đuổi quỹ ma và những điều xấu của năm cũ gọi là “bộc trúc nhất thanh trừ cựu tuế”, nhưng dần dần tục đốt pháo lại được sử dụng cả bảy ngày xuân. Người ta cho rằng mỗi năm có một ông thần Hành khiển coi việc nhân gian, đến hết năm thì thần nọ bèn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới. Thực ra Trừ tịch là ngày cuối năm, có ý nghĩa tống cựu nghênh tân, vì vậy lễ này được tổ chức trong đêm giao thừa rất trịnh trọng, từ đình chùa cho đến các tư gia mọi người đều phải thức để dự lễ này. Những người Hoa lớn tuổi kể lại khi còn ở Trung Quốc trước giờ giao thừa có tổ chức một đoàn gồm một trăm hai mươi đứa trẻ con khoảng chín đến mười tuổi, mặc áo thâm đội mũ đỏ, vừa đi vừa đánh trống để “khử trừ ma quỹ” đem lại bình an và may mắn cho mọi người.
Trong đêm giao thừa mỗi nhà đều chọn một người “tốt tên dễ tánh” để đi dự lễ ở đình hoặc chùa và sau khi dự lễ Trừ tịch ở tại đó xong sẽ xin một ít hương lộc (một vài cành lá hái ở chùa) đem về, người này sẽ tự “xông nhà” mang sự tốt lành cho gia đình trong suốt năm mới; đi xông nhà như thế để khỏi phải nhờ một người “tốt vía” khác đến xông nhà mình trong ngày hôm sau.
Sáng mùng một Tết, các thành viên trong gia đình đều mặc y phục mới tề tựu ở giữa nhà, người chủ nhà đích thân mở cửa và đốt một trái pháo lớn để làm lễ “khai môn“, sau đó lễ lạy gia thần và cửu huyền thất tổ, xong đến chúc thọ ông bà cha mẹ và mừng tuổi con cháu trong nhà, tiếp đến mọi người dự bữa cơm thân mật đầu năm. Trong ba ngày Tết việc chúc tết bà con lối xóm, bè bạn, họ hàng … là những việc làm rất cần thiết. Ở nông thôn tục kéo nhau từng đoàn đến từng nhà để đốt hương , chúc tết , ăn uống , nhộn nhịp thật vui vẻ. Đến mùng ba là ngày dành riêng để chúc Tết thầy, thầy ở đây cũng có nhiều loại, không chỉ riêng thầy giáo, thầy dạy nghề mà cả thầy thuốc, thầy cúng… cũng được người ta thăm viếng. Lễ vật mang biếu cho thầy cũng tùy hoàn cảnh và thói quen của từng người, không nhất thiết phải giống nhau, nhưng thông dụng nhất là gà, vịt, bánh tét và một bao đỏ để “lì xì” cho thầy. Có nhiều gia đình trong thời gian trước còn có thói quen cứ đến ngày mùng ba Tết là sắm sửa các lễ vật hương đăng trà quả đi cúng trả lễ ở các nơi nhập đồng lên xác để nhờ các “xác cô, xác cậu” thay bùa thay niệt cho trẻ nhỏ. Các tục lệ dân gian này đã mất dần theo thời gian, hiện nay trong ngày này người ta đi chùa lễ Phật nhiều hơn. Cũng do trong ba ngày tết có thói quen như vậy, nên tới nay trong dân gian còn truyền tụng câu “mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy”. Nhưng trong dan gian cũng có câu “mùng một Tết cha, mùng hai Tết vợ, mùng ba Tết thầy” vì cũng có nhiều người vào ngày mùng hai Tết đã dẫn vợ con về chúc Tết cha mẹ vợ và họ hàng bên vợ.
Trong ban ngày Tết còn có nhiều đoàn lân đi phục vụ khắp các phố phường, thôn ấp. Đoàn lân ở đây cũng đủ các loại râu vàng, râu đỏ, râu xanh… đủ các loại lớn nhỏ khác nhau, đoàn lớn thì khoảng vài chục người, đội nhỏ thì năm bảy người. Đoàn lân lớn mang tính chuyên nghiệp hơn thường phục vụ ở các đường phố lớn, đủ khả năng và phương tiện để “nuốt” các xâu tiền treo cao có khi đến vài chục mét, ngoài ra còn có các màn đánh trống chầu, múa các loại kiếm kích côn thương và các màn đấu quyền trông thật vui mắt và đầy tính nghệ thuật. Các đội lân nhỏ không thể leo cao được nên chỉ quanh quẩn ở các phố nhỏ hoặc các thôn ấp xa, đại khái chỉ múa men ở dưới đất giúp vui trong ba ngày xuân. Tín ngưỡng thần tài trong dân gian từ lâu đã gắn liền với đời sống tinh thần của người dân ở đây, tục thờ thần tài đã trở thành phổ biến, nhất là những người mua bán, vì vậy trong ba ngày Tết ngoài các đoàn lân còn có sự xuất hiện của các “Thần Tài đi chúc xuân”, thường thì mỗi mhóm Thần Tài chỉ có hai người, một người hóa trang thành Ông Địa để đóng vai người dẫn đường và người kia mặc quần áo đỏ, đầu đội mũ cách chuồn, chân mang hia hóa trang như một Thần Tài trong tín ngưỡng dân gian. Khi đến mỗi nhà, Ông Địa vái chào chủ nhà và có những động tác mời Thần tài nhập gia, Thần Tài sau khi vào nhà sẽ có những động tác thật nghệ thuật để chúc phúc gia chủ khỏang vài phút và sau cùng là tặng một câu liễn nhỏ mang nội dung “chiêu tài tấn bửu”, chủ sẽ đáp lễ bằng một một bao “lì xì” để đền ơn và cũng để tiếp nhận những điều may mắn trong năm. Đôi khi phía sau Thần Tài cũng có một đội thiếu niên hóa trang binh sĩ đi theo.
Người Bạc Liêu cũng có nhiều kiên kỵ trong ngày Tết như : Kỵ quét nhà, kỵ nói tục, nói ác, kỵ các hình ảnh xấu, các loại chổi cùn, quần áo rách, đồ đạc cũ đều phải dấu đi, những người có tang chế hoặc mang tên xấu cũng không nên đi chúc tết bạn bè vào ngày mùng một, thậm chí đến mặc áo đen người ta cũng cho đó là điềm không may.
Hiện nay người Bạc Liêu cũng như các nơi khác chỉ ăn tết có ba ngày, nhưng ngày xưa ở đây người ta ăn đến bảy ngày. Theo truyền thuyết thì tám ngày đầu năm, mỗi ngày đại diện cho một loài : Ngày mùng một thuộc loài gà, mùng hai thuộc loài chó, mùng ba thuộc loài heo, mùng bốn thuộc loài dê, mùng năm thuộc loài trâu, mùng sáu thuộc loài ngựa, mùng bảy thuộc loài người và ngày mùng tám thuộc lúa thóc. Vì vậy đến chiều ngày mùng bảy làm lễ khai hạ để hạ nêu còn được là lễ “nhân nhất“. Lễ này là lễ tạ ơn trời đất, gia tiên, gia thần … để ban cho mọi người một cái Tết vui vẻ bình an và cầu mong các vị khuất mặt khuất mày phù họ cho mùa mới làm ăn phát đạt, ruộng lúa được mùa. Hiện nay không còn ăn tết bảy ngày nên lễ khai hạ được cúng vào chiều mùng ba, những nhà đơn giản nhất cũng phải có một con gà trống luộc. Sáng mùng bốn mọi sinh hoạt trở lại bình thường, tuy nhiên cũng có một số thương nhân giàu có mãi đến mùng tám mới khai trương.
Tết Nguyên đán ngày nay tuy không còn đủ bảy ngày, cũng không có cái cảnh “trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè“ và cũng không có pháo nổ suốt đêm giao thừa, nhưng Tết Nguyên đán đối với chúng ta vẫn còn mang ý nghĩa vô cùng to lớn ; không những đây là ngày nghĩ ngơi, vui chơi sau một năm dài lao động vất vả, mà còn là ngày đoàn viên gia đình, tưởng niệm tổ tiên, họp mặt bè bạn; cũng là dịp thanh toán công xá nợ nần, kết sổ cuối năm và luôn tiện để đền ơn đáp nghĩa, thăm viếng người thân. Tết ở Bạc Liêu tuy có sắc thái riêng do sự hoà nhập văn hoá giữa các tộc người : Kinh, Hoa và Khme nhưng cũng là một lễ hội mang tính toàn dân nên rất được sự chú ý của mọi người./. |
Cập nhật ( 27/09/2014 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com