Tết này nhớ Tết Mậu Thân * Phan Vĩnh Lộc Khi tôi đặt bút viết những dòng này thì Hội xuân Quý Tỵ đã được triển khai ở chợ Bạc Liêu. Chợ hoa đường Nguyễn Tất Thành đã nhộn nhịp với những thảm hoa mai, hoa đào, hoa cúc… rực rỡ tô điểm cho mùa xuân. Chợ Bạc Liêu thêm rực rỡ với những công trình mới, những đường phố lộng lẫy rợp bóng cây xanh. Cái đẹp của mùa xuân này làm cho lớp trẻ hôm nay đâu ngờ rằng thành phố này từng có một mùa xuân đầy máu lệ, có một cái Tết lửa cháy ngất trời, máu loang mặt đất. Đó là mùa xuân năm 1968 (mà những cư dân lớn tuổi của thành phố gọi đó là Tết Mậu Thân) trong niềm đau đớn giằng xé về một khúc hát bi hùng của lịch sử trong công cuộc giành độc lập dân tộc.
Tôi tuy nhỏ tuổi (sinh năm 1961), nhưng cũng có những đớn đau giằng xé. Đó chính là năm chị Hai tôi bị máy bay Mỹ bắn chết, đó cũng là năm gia đình tôi không được ăn Tết vì pháo binh của Mỹ – ngụy bắn ra cày nát xóm làng, gia đình tôi phải bồng bế tản cư vô chùa Cái Giá. Từ chùa Cái Giá nhìn ra, tôi thấy chợ Bạc Liêu rừng rực lửa khói trong suốt những ngày Tết. Giờ đây, khảo sát lại lịch sử mới thấy mùa xuân hôm nay được thiết kế trên một khúc bi tráng ca đầy máu lệ mà cũng đầy bất khuất. Ngồi trước mặt tôi là anh Trần Văn Tửng (Hai Tửng), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và là một nhân chứng lịch sử của mùa xuân năm 1968. Hồi đó, anh Hai mới 19 tuổi, làm Tiểu đội trưởng của một mũi quân hơn 40 người từ xã Minh Diệu tiến vào phía Bắc chợ Bạc Liêu đêm 30 Tết Mậu Thân. Lúc ấy, chợ Bạc Liêu nhỏ xíu, từ đường Hòa Bình ngày nay (xưa gọi là kinh Cả Phượng) trở ra khu Trung tâm hành chính tỉnh ngày nay toàn là đồng ruộng. Chợ Bạc Liêu tuy nhỏ và chỉ là thị xã của ta (thị xã Bạc Liêu lúc đó thuộc tỉnh Sóc Trăng), song, về phía Mỹ ngụy, Bạc Liêu là tỉnh lỵ nên việc bố phòng rất chặt chẽ với một lực lượng mạnh. Vào cuối năm 1967, tại chợ Bạc Liêu thường xuyên có 7.000 quân với trang bị máy bay L19, trực thăng, đại pháo, xe tăng M113… Có Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 ngụy, có 200 cố vấn Mỹ chỉ huy. Tết năm 1968, Mỹ ngụy đánh hơi việc tổng tấn công và nổi dậy của ta, nên sáng 30 Tết chúng ra lệnh cho toàn bộ binh sĩ không được về nhà ăn Tết mà phải túc trực tại đơn vị và ban bố tình trạng thiết quân lực. Về phía ta, tháng 12/1967, Bộ Chính trị ra nghị quyết “chuyển cuộc cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới – thời kỳ giành thắng lợi quyết định”… “Nhiệm vụ trọng đại của ta là động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định”… Ngày 25/1/1968, đồng chí Hai Tân, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng truyền đạt lệnh của Khu ủy tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Rồi thành lập Ban chỉ huy tổng tiến công và nổi dậy của tỉnh, thị xã Bạc Liêu là trọng điểm 2, được giao cho ông Lê Quân, Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban chỉ huy. Ta huy động lực lượng của tỉnh, huyện và du kích xã, ấp lên thành quân tập trung tổng tấn công nhưng cũng chỉ có 782 người và trang bị không mạnh. Đây là một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức, chỉ hơn 10% quân số và trang bị so với Mỹ ngụy. Thế nhưng, các anh tiến vào đô thị Bạc Liêu với một tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Lực lượng tổng tiến công và nổi dậy tại trọng điểm chợ Bạc Liêu chia thành 3 mũi từ bưng biền làng quê tiến vào chợ Bạc Liêu đêm 30 Tết. Anh Hai Tửng kể, đêm 30 Tết, mũi 1 của anh không vượt được Kênh Xáng sân bay ngụy. Đến đêm mùng 1 Tết, được lệnh, anh chỉ huy dẫn hơn 40 đồng chí đột nhập vào nội ô, đến kênh Cả Phượng thì bị địch chặn đánh dữ dội. Lực lượng chúng đông gấp bội, với trang bị mạnh gồm đại liên… Chúng chặn đánh không cho ta đột nhập vào các cứ điểm quân sự trọng yếu của chúng, nhưng quân ta vẫn tiến công quyết liệt. Mỹ ngụy bị thương vong nhiều nhưng phía ta cũng không ít. Đến giờ này, anh Hai Tửng vẫn còn nhớ như in trong làn đạn rát rạt, đỏ trời vẫn nghe tiếng thét xung phong của anh Ba Nhựt – Trung đội trưởng du kích xã Châu Hưng. Khi cánh quân này tiến chiếm được một phần khu Lò Gạch, Võ Tánh, khu III và khu IV (thuộc phường 3, TP. Bạc Liêu ngày nay) làm cho địch chết 20 tên, thì ta cũng hy sinh gần hết. Sáng mùng 2 Tết, địch truy kích bao vây ta vào rạp hát Chung Bá (rạp Cao Văn Lầu) để bắt giết những đồng chí cuối cùng. Đến tối mùng hai Tết, cánh quân hơn 40 người của anh Hai Tửng chỉ còn lại hai người là anh và anh Châu Tuấn Kiệt. Anh Hai Tửng nói nguyên nhân thoát chết của anh là vì anh là biệt động thị xã nên thuộc đường đi. Riêng Ba Nhựt thì bị giặc ví vào rạp Chung Bá rồi hy sinh. Đêm mùng hai Tết, anh Hai Tửng được lệnh rút ra ven đô, trước khi đi anh còn kịp kéo anh Đức (19 tuổi, một đồng đội của mình vừa hy sinh) vào một con hẻm, lấy tấm vải dù đắp cho anh rồi quảy khẩu AK của anh Đức quay về cứ. Hai cánh quân khác thì chiếm được các điểm trọng yếu ở khu phường 5 và khu Trà Kha (TP. Bạc Liêu ngày nay), gây cho địch nhiều thương vong, rồi cũng rút quân vào đêm mùng 2 Tết. Và đến mùng 4 Tết, ta lại tiến công đánh chiếm, làm chủ các ấp Gia Long, Vĩnh Hậu, Minh Mạng, Khu V quét sạch tề điệp, thanh niên cộng hòa… rồi rút quân. Đến sáng mùng 5 Tết, ta lại tấn công rồi rút quân… Đến mùng 9 Tết, Ban chỉ huy tổng tiến công và nổi dậy trọng điểm thị xã Bạc Liêu tập trung lực lượng còn lại tại ấp Mặc Đây (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) để củng cố, bổ sung lực lượng và làm công tác tư tưởng. Sau đó, tiến quân vào thị xã bằng nhiều mũi và đã vượt qua các ổ ngăn chặn của địch để tiến chiếm nhiều khu vực nội ô thị xã, sát nách dinh tỉnh trưởng và các cơ quan đầu não của địch. Địch phải dùng xăng đốt và cho trực thăng bắn phá các khu vực ta chiếm giữ. Trận chiến này làm cho địch thương vong nhiều, và phía ta cũng thế. Đến tối mùng 10 Tết, ta phải rút quân ra khỏi chợ Bạc Liêu. Ngoài đô thị Bạc Liêu, thì các thị trấn, thị tứ (toàn khu vực Bạc Liêu) bị Mỹ ngụy chiếm đóng cũng bị quân dân ta đồng loạt nổi dậy tấn công liên tục, góp phần vào thắng lợi chung của toàn miền Nam và đã được Trung ương Cục đánh giá như sau: Cuộc tổng tấn công và nổi dậy của nhân dân ta đã tiêu diệt và phá hủy một bộ phận lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ ngụy, làm đảo lộn chiến lược địch, đẩy chúng lún sâu vào thế phòng ngự bị động. Mặc dù ta không thắng lợi cao theo yêu cầu, nhưng đã gây chấn động lớn đến Hoa Thịnh Đốn và dư luận thế giới, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc. Chính phủ Mỹ phải nhắc đến việc thương lượng với chúng ta. Đồng thời phải thay đổi chiến lược quân sự. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 góp phần cho thắng lợi ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Chiến công và thắng lợi của dân tộc ta là vĩ đại, song, nó được đánh đổi bằng sự mất mát lớn lao. Tôi chưa thấy sách sử nào ghi số lượng chiến sĩ hy sinh trong những ngày tiến công và nổi dậy ở thị xã Bạc Liêu vào Tết Mậu Thân 1968. Còn anh Hai Tửng thì nói rằng, khi ta tập trung tại ấp Mặc Đây vào mùng 9 Tết thì quân số chỉ còn hơn 100 người. Chúng ta tiến công và rút lui, địa bàn bị giặc chiếm đóng trở lại. Chúng đã chôn chiến sĩ hy sinh của ta vào những hố chôn tập thể vài chục người. Cho đến hôm nay, vẫn còn nhiều người trong đó bị thất lạc hài cốt. Và đến nay, chúng ta chỉ biết rằng, từng góc phố, con đường thị xã Bạc Liêu xinh đẹp đã từng thấm máu của biết bao chiến sĩ. Đó là nỗi đau, sự giằng xé của những người sống. Có lần, anh Trần Văn Khải, nguyên cán bộ quản lý thị trường tỉnh. nói với tôi: “Nhà tôi ở gần rạp Chung Bá. Ngày mùng 2 Tết Mậu Thân, tôi đã chứng kiến cảnh bọn cảnh sát dã chiến bắt một chiến sĩ cộng sản bị thương nặng. Chúng lôi anh từ trong rạp hát ra sân và tra tấn dã man. Vậy mà, người chiến sĩ can trường này vẫn hô to “Đả đảo đế quốc Mỹ! Hồ Chí Minh muôn năm!…” trước khi bị lũ giặc bắn chết”. Có lần, Trần Văn Khải kể chuyện này cho anh Võ Văn Dũng (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy) và tôi nghe, lúc anh Dũng còn làm Bí thư Thành ủy Bạc Liêu. Chỗ Khải ở gần với nơi đặt bia tưởng niệm chiến thắng Mậu Thân hiện nay. Tôi hỏi anh Hai Tửng có biết người chiến sĩ bất khuất ấy không, thì anh nói, hồi mùng 2 Tết Mậu Thân anh không có trong rạp hát. Nhưng anh đoán đó là anh Ba Nhựt, Xã đội trưởng xã Châu Hưng. Bởi, theo anh Hai Tửng, anh Ba Nhựt là một con người bất khuất, gan dạ. Còn chúng ta thì vẫn chưa làm rõ người chiến sĩ ấy là ai. Cho nên, đó là nỗi ám ảnh giằng xé của thế hệ hôm nay sống trong một mùa xuân Bạc Liêu lộng lẫy. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com