TẾT “MÃ TỔ” – NGUỒN GỐC TỤC THỜ THIÊN HẬU CỦA NGƯỜI HOA Ở BẠC LIÊU * PGS.TS Trần Thuận Cùng với tiến trình di dân của người Hoa đến Việt Nam, một số tín ngưỡng dân gian của người Trung Quốc cũng có mặt tại vùng đất mới và tồn tại với một ý nghĩa tâm linh hết sức quan trọng trong đời sống xã hội của cộng đồng. Người Hoa thờ nhiều vị thiên thần và nhân thần. Trong các vị nhân thần được người Hoa ở Bạc Liêu thờ phụng, có Bà Thiên Hậu, một vị thần được sùng kính như một Quan Am Nữ đối với người Việt. Tục thờ Thiên Hậu có nguồn gốc từ Trung Quốc với lễ hội “Mã Tổ” như một dịp Tết cổ truyền của người dân ven biển. Tết “Mã Tổ” là tết mang màu sắc lễ hội cầu ngư của cư dân người Hán ở Quảng Đông sống ở vùng duyên hải Phúc Kiến và Đài Loan. Tết diễn ra vào ngày 23 tháng 3 Âm lịch.
Hàng năm, vào ngày này, ngư dân nghỉ đánh bắt, phơi lưới và kéo nhau đến trước miếu Mã Tổ, mang theo hương nến, vật phẩm để cúng vị thần mà theo họ, đây là vị thần bảo vệ ngư dân vùng ven biển. Dân gian khắp vùng Phúc Kiến và Đài Loan gọi một cách thân thương và thành kính là “Thần Mẹ”. Các nơi khác gọi là “Thiên Hậu” hay “Thiên Phi” – tước hiệu do các đời vua Tống, Nguyên phong cho Bà. Theo sách Almanach Những nền văn minh thế giới (xuất bản năm 1997), thì từ sau đời Tống Thần Tông, công việc vận chuyển bằng thuyền trên biển ngày càng phát triển mạnh nên các triều vua thường gia phong cho vị thần bảo vệ này nhiều tước hiệu tôn kính. Chẳng hạn triều Nguyên phong cho Bà là “Thiên Phi hộ quốc”, vua Khang Hy thời Thanh gia phong Bà là “Thiên Hậu Thánh Mẫu”,… Tương truyền Bà Thiên Hậu là người con gái họ Lâm tên Hiếu ở huyện Phú Điền, tỉnh Phúc Kiến. Từ thuở nhỏ, Bà đã có đức tin vào Phật, biết nhiều điều bí ẩn về biển khơi, biết yêu thương và giúp đỡ mọi người. Có lần, cha và anh ra biển đánh cá, Lâm Hiếu như linh cảm được chuyện chẳng lành, Bà khóc to và bảo với mọi người rằng cha và anh bị bão lớn chìm thuyền, cha được cứu sống còn anh không qua được. Quả nhiên, khoảng tháng sau, một mình người cha trở về nhà bình yên, còn người anh mất tích. Lâm Hiếu có lòng nhân và trị bệnh rất giỏi nên cứu giúp được nhiều người. Năm 29 tuổi, Bà qua đời. Người dân ở vùng quê Bà kể lại rằng, sau khi chết, Bà thường cỡi mây dạo chơi trên biển, trừ bỏ ưu phiền, giúp mọi người thóat nạn, giải oan, vì vậy được dân gian gọi là “Thần biển” và lập miếu thờ. Miếu Mã Tổ được lập ở My Châu, quê hương Bà ngay sau khi Bà mất (năm thứ 4 đời vua Tống Thái Tông niên hiệu Ung Hy – 987). Kể từ đó, trước khi ra biển, ngư dân thường đến thắp hương ở miếu thờ, cầu mong Bà phù hộ cho thuận buồm xuôi gió, đi đến chốn về đến nơi. Miếu Mã Tổ hiện nay có ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Việt Nam và cả San Francisco ở Mỹ với hơn 1500 miếu thờ. Ngày 23 tháng 3 Âm lịch năm 1988 là ngày Mã Tổ mất tròn 1.000 năm. Để tổ chức lễ kỷ niệm một cách trọng thể, ngôi miếu thờ Bà ở My Châu được trùng tu đẹp đẽ và hùng vĩ hơn so với trước. Ngày tết Mã Tổ được tổ chức linh đình với nhiều hoạt động tế rước thần linh tứ phương cùng hội ngự. Tượng Mã Tổ đầu đội mũ miện có gắn chuỗi ngọc, mình khoác long bào, gương mặt hiền lành, phúc hậu và sinh động như đang còn sống, khiến người ta có cảm giác rất dễ gần gũi. Người dân ở nhiều nước hành hương về My Châu, quê hương của vị Nữ Thần để cùng dự hội. Những ngày này, người đông như nêm, miếu được trang hoàng đèn hoa rực rỡ, người dân hóa trang đóng diễn các vị thần, khiêng kiệu hoa ngũ sắc, nhảy múa rất sôi nổi. Họ tiến hành những lễ nghi trang trọng và dâng lên Nữ Thần áo đẹp cùng nhiều phẩm vật có giá trị, cầu mong Nữ Thần phù hộ giúp đỡ để có cuộc sống yên vui, trời yên biển lặng, công việc làm ăn trên biển gặp nhiều may mắn. Cuộc di dân của người Hoa sang Việt Nam, một bộ phận khá lớn đi bằng đường biển, do đó, hình ảnh của vị Nữ Thần gắn bó với họ trong suốt cuộc hành trình. Họ không ngớt khẩn cầu vị Thần bảo vệ trên biển ra tay trợ giúp, nhất là những lúc đang lênh đênh giữa biển khơi gặp sóng to gió lớn, không thể thiếu được hình ảnh “Thần Mẹ” trong tâm khảm mọi người. Đến nơi rồi, nỗi vui mừng, không quên ơn cứu mạng, hơn nữa, trong cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người, lắm lúc cần đến sự ra tay của Nữ Thần để làm nên sự nghiệp, miếu thờ Bà xuất hiện ở những nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống là lẽ đương nhiên. Trên vùng đất Bạc Liêu hiện nay có 3 cơ sở phụng thờ Bà Thiên Hậu, một ở huyện Giá Rai và hai ở thị xã Bạc Liêu. ° Chùa Bà Thiên Hậu ở ấp 5, thị trấn Giá Rai: Gọi là chùa, thực ra là một ngôi miếu, do cụ Trần Phát Đạt, cụ Ban Trỗ cùng bà con bản phố xây dựng vào năm 1939 (cách ngôi chùa hiện nay khoảng 1500m về hướng Bắc). Chiến tranh tàn phá làm ngôi chùa hư hỏng, nên năm 1948 dời về địa điểm hiện nay để xây dựng lại. Năm 1989, các cụ Trần Dương Châu, Trần Hưng, Trịnh Kiếm cùng bổn phố tiến hành trùng tu lại khang trang hơn. Hàng năm cứ vào ngày 23 tháng 3 Am lịch người dân địa phương tổ chức lễ vía Bà hết sức trang nghiêm. ° Cổ miếu Bà Thiên Hậu ở ấp Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu: Đây là ngôi miếu cổ của người Hoa và cả người Việt phụng thờ Bà Thiên Hậu. Trên thanh ngang cửa có hoa văn và phiến đá xanh ghi rõ năm xây dựng ngôi miếu: Giáp Tý (1863)*, không rõ ai đã chủ trương xây dựng ngôi miếu này. Bên trong miếu có những hàng cột bằng gỗ căm xe rất chắc chắn, các tảng đá xanh làm ngạch cửa,… tạo nên sự vững chải cho ngôi miếu. Từ lúc xây dựng đến nay, miếu chỉ mới trùng tu một lần chủ yếu là chống dột và gia cố cột xi măng để chống đỡ. Vào ngày 23 tháng 3 Am lịch, nhân dân địa phương tổ chức vía Bà tại miếu cổ với nhiều nghi lễ rất long trọng . ° Miếu Bà Thiên Hậu ở đường Hai Bà Trưng, phường 3 thị xã Bạc Liêu: Miếu do bà Trần Thị Nguyệt cùng bà con khởi công xây dựng vào năm 1916 bằng cây lá đơn sơ. Đến năm 1936, miếu được xây dựng lại kiên cố, với quy mô như bây giờ. Năm 1972 tiến hành trùng tu sửa chữa lại khang trang hơn và xây hệ thống hàng rào bao xung quanh để bảo vệ miếu. Miếu được xây dựng theo lối kiến trúc chùa cổ Trung Hoa. Từ lúc mới xây dựng, trong miếu có cốt tượng Bà Thiên Hậu làm bằng gỗ cây trầm hương rất quý, còn lưu giữ đến ngày nay. Điều rất lạ là vía Bà Thiên Hậu ở miếu này được tổ chức vào ngày 6 tháng 6 Âm lịch thay vì tổ chức ngày 23 tháng 3 như nhiều nơi khác. Văn hóa ngày tết thật hết sức phong phú, mỗi nơi mỗi kiểu không đâu giống nhau, nhưng có lẽ, ngày tết bao giờ cũng là ngày nghỉ ngơi, đoàn viên hội ngộ, là lúc con người tập trung cho những gì thiêng liêng nhất trong đời sống tâm linh, tạo nên sự cân bằng trong cuộc sống và tôn vinh tính nhân văn tuyệt đẹp của con người. Người Hoa “ăn” nhiều cái tết trong năm, trong đó, lễ vía Bà Thiên Hậu cũng được xem là một ngày tết theo ý nghĩa cổ truyền. ———————– * Năm Giáp Tý đúng ra phải là năm 1864. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com