TẾT LÀ DỊP ĐỂ HOÀN THIỆN ĐỜI SỐNG TINH THẦN * Trọng Trà Những năm gần đây, cùng với nền kinh tế tăng trưởng ngày càng cao của đất nước, đời sống của người dân tại các khu đô thị được nâng cao, có điều kiện tiếp cận với nhiều hoạt động của các lễ hội đến từ các nước phương Tây, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của mọi người. Giới trẻ lại càng có nhiều cơ hội để được vui chơi, giải trí trong các dịp tết dương lịch, lễ Giáng sinh và lễ Hallowen… Thế nhưng có một giá trị tinh thần độc đáo, là đặc thù của nền văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam, không có gì có thể thay thế được, đó là tết nguyên đán của ta. Tết cổ truyền là ngày rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người việt, xưa cũng như nay, bởi người Việt xem đó là ngày đoàn tụ của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Mở rộng thêm tầng nấc mới, đó còn lại ngày hội tụ của con dân đất Việt, ngày những người con ở xa Tổ quốc luôn đau đáu hướng về cố hương, cội nguồn dân tộc với những tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp nhất. Vì thế, ngày tết cổ truyền đã in sâu trong tâm thức người Việt với những sắc thái nghi lễ thiêng liêng, ấm áp, mỗi vùng miền lại có thêm những nét đặc thù, độc đáo. Ngày tết còn là dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính đối với ông bà, cha mẹ. Tục lễ mừng tuổi người cao tuổi ngày đầu năm là một tục lệ tốt đẹp, nó vừa thể hiện truyền thống đạo lý “Kính già yêu trẻ” của cư dân lúa nước, vừa thể hiện nét đẹp của lòng hiếu thảo của cháu con. Đồng thời, tết còn là dịp nâng cao tinh thần trọng lễ nghĩa qua việc dâng cỗ cúng ông bà tổ tiên vào ngày 30 rước ông bà, mâm cỗ sáng mùng một và ngày mùng 3 làm cỗ đưa ông bà. Đối với những lễ nghi đó, có lẽ người trẻ chúng ta thường phó thác cho ông bà hay cha mẹ, bảo lễ thì lễ, khi nào cho dọn ăn thì ăn thôi. Tuy nhiên, khi ta lớn lên, làm chủ một gia đình, thì những sinh hoạt đó sẽ thấm vào ta, ta mới thấy nó tác động vào tâm trí ta rất bền chặt. Và ta sẽ là người đứng ra hướng dẫn các con ta thực hiện nghi thức lễ nghĩa đó nhằm giữ gìn nét riêng của văn hóa gia đình và giáo dục con cháu nhớ về ân đức của tổ tiên. Trong dịp tết, mỗi gia đình có thể cùng nhau đi du xuân hái lộc, đi lễ chùa cầu may mắn… Đây là dịp thế hệ trẻ được hòa vào khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và tham dự trực tiếp những sinh hoạt của cộng đồng mang nhiều dấu ấn tín ngưỡng, tâm linh. Nó cũng là dịp mọi người được mở lòng ra giao hòa cùng trời đất, cỏ cây, sông núi nhằm cân bằng đời sống nội tâm, giúp con người hướng tới sự phát triển hài hòa giữa đời sống tinh thần và vật chất. Tết còn là dịp người ta gác lại những bất hòa, xung đột, những tị hiềm, ghen ghét hàng ngày để có thể tha thứ cho nhau, hướng tới tương lai tươi sáng hơn. Vì thế có người nói, dịp tết của người Việt mình là khi con người ta trở nên đáng yêu nhất, có cơ hội để thăng hoa đời sống tinh thần, là dịp hoàn thiện đời sống tinh thần hướng tới chân thiện mỹ. Bởi vì, ngày tết, mọi người thường nói và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, những điều may mắn. Nhờ những dịp như vậy mà cộng đồng xã hội như được nuôi dưỡng trong ý thức những điều lành để tiếp tục vận dụng trong cuộc sống thường nhật sao cho gia đình luôn thuận hòa, êm ấm, quan hệ với xóm giềng, bè bạn được tốt đẹp hơn. Cuộc sống luôn vận động theo hướng phát triển, cho nên cái gì còn phù hợp thì nó tồn tại, cái gì không phù hợp nó sẽ mai một dần. Nhưng những giá trị tốt lành từ những phong tục, tập quán đẹp nếu chúng ta tự đánh mất thì thật đáng tiếc. Đời sống công nghiệp ngày càng dẫn con người đi đến sự mất cân bằng, có nhiều yếu tố tác động làm cho con người căng thẳng và có xu hướng đề cao thái quá cái tôi cá nhân của mình. Cho nên, tết là dịp nghỉ dài ngày khiến giới trẻ thích ra khỏi nhà, thậm chí còn rủ nhau đi du lịch nhiều khi họ để cha mẹ ở nhà một mình. Đây là điều đáng suy ngẫm. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một xu thế còn nhỏ lẻ, chưa phổ biến. Vì thế, những bậc làm cha mẹ trong gia đình, những người hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa – xã hội, lĩnh vực tôn giáo cần giúp giới trẻ được tiếp cận nhiều hơn với những phong tục tập quán tốt đẹp và giàu ý nghĩa từ những lễ hội cổ truyền của tiền nhân. Ngày tết chính là sợi dây nối liền với cội nguồn văn hóa dân tộc, là dịp để bản sắc dân tộc được thể hiện rõ rệt nhất, lắng đọng nhất. Cho nên, trong không khí thiêng liêng của mùa xuân này, xin hãy cùng nhau thắt chặt cho sợi dây liên đới ấy ngày càng bền chặt hơn, thắm thiết hơn, bạn nhé! |
Cập nhật ( 06/03/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com