TẾT CHUÔL CHNAM THMÂY CỦA NGƯỜI KHMER * Trần Phước Thuận Tết là một lễ hội lớn mang ý nghĩa trọng đại đối với mọi dân tộc trên thế giới, nhưng nó lại tùy thuộc vào phong tục, tập quán, tính chất văn hóa của từng địa phương, nên mỗi nơi mỗi chỗ lại có những cái Tết khác nhau. Người Khmer ở Nam Bộ từ lâu đời, đã hòa nhập cuộc sống với người Hoa người Kinh, một số đã hưởng ứng cái tết Nguyên Đán vào đầu tháng giêng âm lịch, tuy nhiên họ vẫn giữ cái tết cổ truyền được tổ chức hàng năm. Người Khmer gọi tết là Chuôl chnam thmây, có nghĩa vào năm mới, thường là ba ngày trong tháng Chétt (cũng có năm lọt vào tháng khác, như năm 2002 ba ngày tết Chuôl chnam thmây được tổ chức vào đầu tháng Pisak). Nhưng dù ở tháng nào theo lịch Khmer cũng nhằm ba ngày 14, 15, 16 tháng 4 dương lịch (nếu năm nhuần ăn tết thêm ngày 13/4 dl). Theo nghi lễ cổ truyền, quan trọng nhất trong ngày tết là đắp các núi cát và tắm Phật, số núi cát được đắp thành năm ngọn : Ngọn giữa là núi Soméru tượng trưng cho trung tâm vũ trụ, có sự chầu phục chung quanh bởi bốn ngọn ở bốn hướng Trong ba nàgy tết có rất nhiều trò chơi như : Đá cầu, ném banh, kéo co, rồng rắn, bịt nắt dê … Nhưng phổ biến nhất là trò ném chô chhuôn giữa hai đội nam và nữ, vật dùng để ném là cái khăn cuộn tròn, bên nọ ném cho bên kia, vưa ném vùa hát rất vui. Ở nhiều tỉnh còn tổ chức hát ta rốt đi từ nhà này sang nhà khác, làng nọ sang làng kia, vừa đi họ vừa múa hát. Mỗi người trong đoàn, trên tay cầm cái gậy, trên đầu gậy buộc những tua vải đủ màu; họ vừa đi vừa dùng đầu gậy gõ thật nhịp nhàng xuống đất, có một người đóng vai thợ săn, hai người khác giả làm hưu. Đoàn ta rốt đi tới đâu cũng được người ta thưởng tiền bạc hoặc quà bánh. Nhưng hiện nay ở Nam Bộ, một số trò chơi này không còn được phổ biến lắm. Người Khmer ở Nam Bộ rất đông nên cái tết Chuôl chnam thmây ở đây cũng khá nhộn nhịp. Ngay từ đầu tháng tư dương lịch, mọi nhà đều chuẩn bị bánh mức đồ ăn thức uống các loại, cũng gần giống như người Kinh hay người Hoa đón xuân, nhưng đặc biệt nhất của người Khmer là năm loại bánh : Nùm chruốt (bánh tét nhưn mỡ), Nùm chết (bánh dừa nhưn chuối), Nùm tiên (bánh ít) Nùm niềng nóc và Sùm bóc cháp (bánh bột nhưn dừa) thì nhà nào cũng có. Ngay trong ngày thứ nhất, vừa sáng sớm mọi người tắm gội sạch sẽ, thay quần áo mới, chuẩn bị hương đăng trà quả , cơm nước để đi chùa cúng Phật và làm lễ rước Đại lịch (Maha sang kran). Ở đây có một vị gọi là Acha diều khiển mọi ngừoi đứng xếp hàng rồi đi vòng quanh chánh điện ba lần như các nhà sư Bắc tông đi kinh hành để làm lễ chào mừng năm mới. Sau lễ rước Đại lịch tất cả chư tăng cùng tín đồ lễ Phật và tụng kinh mừng năm mới. Đến đêm những người lớn tuổi tụ họp trong nhà nghe sư thuyết pháp, còn các thanh niên nam nữ ra sân chùa tham gia các cuộc múa hát vui chơi. Sang ngày thứ hai, từ sáng sớm người ta đã làm lễ cúng dường dâng cơm cho các nhà sư (Ween chông ham). Thường ngày thì người Khmer trong các thôn xóm gần chùa đều có tổ chức từng nhóm để cúng dường, mỗi nhóm gồm vài nhà cùng chịu trách nhiệm nấu nướng thưc ăn và dâng cơm cho sư sãi theo từng đợt, hết nhóm này đến nhóm khác thay phiên lẫn nhau. Nhưng trong ngày tết các sư có thể nhận cúng dường một lúc từ nhiều tín đồ. Trước khi ăn các sư tụng kinh để chúc phúc cho người cúng dường, đồng thời làm động tác ban thức ăn cho những oan hồn vô chủ. Vào chiều thứ hai này, người ta tổ chức đắp núi cát gọi là Puôn phnum khsach. Hình thức đắp núi cát ở đây cũng thay đổi ít nhiều, trong những ngày gần tết người ta đến các cửa hàng bán vật liệu xây dựng mua một số cát (tùy lòng hảo tâm), số cát này được xe chở đến đổ trước sân chùa thành một đống cát to, trước để làm lễ sau dùng làm vật liệu xây cất các công trình công cộng. Theo sự hướng dẫn của các vị Acha, người ta dùng số cát này đắp thành chín ngọn núi nhỏ, tám ngọn ở tám hướng và một ngọn ở chính giữa, tượng trưng cho trung tâm trái đất và bốn phương tám hướng của vũ trụ, đắp núi xong lại làm hàng rào bằng tre (hoặc vật liệu khác) bao quanh chín núi cát. Sau đó các sư làm lễ quy y, lể cầu phúc …; tất cả nghi lễ này gọi chung là lễ Phúc duyên đắp núi cát (Ani sâng puôn phnum khsach). Tục đắp núi cát của người Khmer trong ngày mở đầu của năm mới có ý nghĩa ngăn trở ma quỷ và những điều không tốt lành, đồng thời cũng để nhắc nhở mọi người nên tích công tích phúc lâu dần sẽ lớn như núi và sẽ lan tràn khắp tám phương. Ngoài ra người ta còn đắp núi đất, núi đất thường được thực hiện ở chung quanh chánh điện để khi tết xong sẽ được ban ra làm nền cho cao ráo. Một số nơi người ta còn làm núi thóc, núi gạo để chuẩn bị chi dùng trong lễ an cư kiết hạ (Chôl vas sa) trong ba tháng 6, 7 và 8. Ngày thứ ba có lễ tắm Phật rất quan trọng, lễ này được tổ chức theo thứ tự, trước nhất các nhà sư trong chùa dùng nước thơm để tắm các tượng Phật kế đến các Phật tử thay phiên nhau làm theo các nhà sư. Người Khmer rất thành tâm trong lễ này, mọi ngừơi đến cầu Phật phù hộ cho sức khỏe được nhiều, mùa màng được trúng, ý nguyện được thành, xóm làng yên ổn, tai nạn tiêu trừ. Sau lễ tắm Phật là lễ Kha ma tôs cũng như lễ Sám hối ở các chùa Việt, trong lễ này các sư làm lễ trước, Phật tử làm lễ tiếp theo. Một số nơi, sau lễ tắm Phật còn tắm các vị sư lớn tuổi đức cao vọng trọng. Người Khmer không có tết Thanh Minh như người Hoa và người Kinh nên việc tảo mộ ông bà được thực hiện ngay trong tết Chuôl chnam thmây. Sau lễ tắm Phật mọi người đi viếng mộ và nhờ các sư làm lễ cầu siêu, các tháp hội không có thân nhân cũng được nhà chùa cúng tế, cầu siêu ; lễ này gọi là Băng skôil, viếng mộ xong mọi người trở về nhà làm lễ tắm tượng Phật ở gia đình.; việc kế tiếp là con cháu trong nhà đem bánh mức trà rượu đến mời ông bà cha mẹ ăn uống đồng thời dâng những lời chúc tụng đầu năm và hứa hẹn những việc làm trong năm mới. Ngày xưa còn có tục tát nước vào người lớn tuổi để lấy hên, nhưng ngày nay không còn nữa mà đổi lại chỉ thấm nước bông hoa vào quần áo, đồ dùng của ông bà cha mẹ để chúc phúc. Tóm lại trong ba ngày tết, mọi người đều tụ họp ở chùa, trong các ngày này nhà nào cũng chuẩn bị đồ ăn từ sáng sớm để mang vào chùa, trước là làm lễ Tam bảo, kế đến cúng dường quí sư, sau ăn uống vui vẻ với nhau và khi ăn xong mọi người ngồi lại nghe sư thuyết pháp. Trong tết Chuôl chnam thmây văn nghệ rất được xem trọng, các chùa đều có tổ chức văn nghệ, người ta mới đoàn văn nghệ đến phục vụ, hoặc tổ chức văn nghệ nghiệp dư tại chùa. Về trò chơi cũng rất vui nhộn, có trò kéo co, bóng chuyền … thật hào hứng, ngày xưa còn có một trò chơi rất đặc biệt nhưng hiện nay ít thấy gọi là Bo suông, trò chơi này gồm một đội nam và một đội nữ vừa ném khăn cho nhau vừa hát đối đáp như hình thức hát giao duyên của người Kinh. Trong đêm cuối cùng, mọi người vui chơi, đàn hát, nhảy múa, kể chuyện … cho đến khi trời sáng. Đối với người Khmer, chùa là chỗ dựa tinh thần của mọi người, là nơi tín ngưỡng tôn nghiêm nhất, cũng là trung tâm văn hóa của địa phương, vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, cho nên khi tết đến người Khmer không phải chỉ tới chùa để viếng chùa như người Hoa hay người Kinh mà tất cả đều tập trung ở chùa để ăn tết, xem đây là mái nhà chung của mình. Cái tết Chuôl chnam thmây cũng như tết Nguyên Đán, nó có ý nghĩa rất trọng đại, vừa là ngày mở đầu cho năm mới, ngày mở đầu cho thời vụ, cũng là ngày vui tươi hạnh phúc nhất trong năm; đối với thanh niên nam nữ đây là cái dịp để làm quen, trao đổi, tâm sự, hẹn hò… để chuẩn bị cho một tương lai tươi sáng./. |
Cập nhật ( 15/04/2012 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com