TAO ĐÀN VÀ QUỲNH UYỂN CỬU CA THỜI LÊ THÁNH TÔNG * GS. Bùi Duy Tân Quỳnh uyển cửu ca là thi phẩm viết bằng chữ Hán. Cùng với sự xuất hiện của thi phâm, là một Tao đàn do Lê Thánh Tông làm chủ súy. Đã đến lúc cần bàn thêm về thi phẩm, thi xã, cách ta mấy thế kỷ này. 1. MỘT TẬP THƠ XUẤT HIỆN TỪ XƯỞNG HỌA. Hiện nay, mới thấy vài tư liệu đáng tin cậy, ở ngay thời Lê Thánh Tông, ghi nhận sự xuất hiện của Quỳnh uyển cửu ca: Đại Việt sử ký toàn thư, tựa của Lê Thánh Tông và cẩn tựa của Đào Cử, viết cho Quỳnh uyển cửu ca. Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn: “Làm sách Ngự chế Quỳnh uyển cửu ca: Vua thấy hai năm Sửu và Dần các thứ lúa được mùa, đặt các bài ca vịnh để ghi điểm tốt, gồm các bài về đạo làm vua, tiết làm tôi, vua sáng tôi giỏi…, nhân gọi là tập thơ Quỳnh uyển cửu ca. Sai bọn Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận… cùng học vần. Xét tập thơ cửu ca bắt đầu làm năm ấy” (1). Bài tựa của vua, ở đầu tập thơ ghi rõ: “Ta ngồi yên, ngẫm nghĩ hồi lâu, bèn viết ra 9 bài thơ cận luật, nét chữ rạng rỡ trên giấy vàng. Rồi sai họp các học sĩ họ Thân, họ Đỗ…tất cả 28 người, ứng với “nhị thập bát tú”, thay nhau cùng họa có đến vài trăm bài” (2). Đến bài Cẩn tựa của Đào Cử, lại viết: “Từ khi thánh thiên tử lên ngôi, trong ngoài theo phục, mưa nắng thuận hòa, dân yên vật thịnh… anh hoa phát ra bên ngoài, thấy rõ ở lời ngâm vịnh. Phóng bút một lúc chín bài xong ngay…Hoàng đế đặc biệt chọn 28 người ngồi gần gũi cho họa vần, vì lấy tượng 4 lần 7 ngôi sao trên trời và 4 lần 7 người công thần ở Vân Đài, họa được hơn ba trăm bài, dâng lên vua xem, vựng tập thánh thiên, gọi là quỳnh uyển cửu ca. Bài tựa ngự chế ở đầu sách. Lại sai tôi là Đào Cử làm một bài ở cuối sách…”(3). Qua ba tài liệu trên, thấy rõ: Quỳnh uyển cửu ca là một tập thơ gồm những bài xướng họa giữa Lê Thánh Tôn và 28 từ thần, xoay quanh 9 đề tài. Tên Quỳnh uyển cửu ca (chín khúc ca ở vườn Quỳnh) là phỏng theo tích Tống Thái Tổ ban yến cho các tiến sĩ, và xưởng họa cụng họ ở Quỳnh lâm uyển, trong cung Phủ Khai Phong của triều đình. Chọn 28 từ thần cũng là phỏng theo điển tích cổ (nhị thập bát tú, nhị thập bát tướng v.v.) ở Trung Quốc. Tập thơ xuất hiện vào cuối năm Dần, sau hai năm Sửu (1493) và Dần (1494) được mua liền, khớp với Tựa của Lê Thánh Tông và Đào Cử, chứ không phải xuất hiện năm Mão (1495) như ghi chép, chắc là sai sót nhầm lần của Đại Việt sử ký toàn thư Theo Tựa của vua thì tập thơ đã được nhà vua cho khắc in để ban bố, hơn một tuần thì xong. Bản in đã mất, những bản hiện còn đều chép tay. Rải rác, có một số bài: Tựa và thơ được in trong các sách thời sau. Tập thơ có 9 bài xướng của Lê Thánh Tông, 28 từ thần, mỗi người họa 9 bài, cộng 29×9=261 bài. Thì hiện còn, qua thống kê, chỉ khoảng trên dưới 250 bài. Về mặt văn bản, Quỳnh uyển cửu ca có dạng ổn định, minh bạch, thật đáng mừng! 2.MỘT THỊ XÃ RA ĐỜI DO HẬU THẾ MỆNH DANH? Qua các văn bản trên, không thấy có từ Tao đàn, với tính chất một danh ngữ? Điều này, tôi đã trình bày trong Tạp chí Văn học, số 4-1983, bài : Hồng Đức quốc âm thi tập, một tác phẩm lớn của văn học tiếng Việt thế kỷ XV. Nay rà soát lại, thấy vẫn đúng. Tôi cũng găp các học giả đã hơn vài lần viết về Lê Thánh Tông, Hội Tao đàn… để hỏi về hai chữ ấy. Tất cả đều bước đầu thừa nhận : không lấy từ Tao đàn với tính chất một danh ngữ, trong các văn bản chính thức còn lại của thế kỷ XV. Tìm đến một số bản in thời sau, thấy cuối bài “Thánh Tông Chiêu Lăng bi minh”, sách Haòng Việt văn tuyển của Bùi Huy Bích, có ghi soạn giả Thân Nhân Trung được ban hiệu : Tao đàn phó nguyệt súy (3). Bia này soạn năm Cảnh Thống nguyên niên (1498). Nhưng kiểm tra lại thì đây chỉ là những chữ do người sau khắc in đã in thêm vào. Chứ, bản đập bia đá : “Đại Việt Lam Sơn Chiêu lăng bi” (ký hiệu K 13473, – Việt Hán Nôm), từ Thanh Hóa đem về, không hề có các chữ : Tao đàn phó nguyên súy trong những dòng xưng tước hiệu của Thân Nhân Trung. Xin dẫn nguyên văn : “Quang hiến đại phu, Hàn lâm viện thừa chỉ, Đông các đại học sĩ, kiêm quốc tử giám tế tửu chính trị khanh thần Thân Nhân Trung…phụng sắc soạn”. Từ Tao đàn đã không có trong mấy văn bản cuối thế kỷ XV như đã nói trên, htì phải tìm xem văn bản nào là sớm nhất, có từ ấy. Và tại sao, người sau lại dùng từ Tao đàn để gọi tên cuộc xướng họa làm ra Quỳnh uyển cửu ca, thấy thường xuất hiện ở các sách : “Kiến văn tiểu lục, Lịch triều hiến chương loại chí, Thoái thực ký văn, Đăng khoa lục, Việt sử thông giám cương mục v.v. Xưa nhất có lẽ là ở Lê triều Khiếu vịnh thi tập (VH v.1457) của Hà Nhậm Đại, triều Mạc. Đây là tập thơ vịnh sử, bài tựa viết năm Hưng Trị thứ ba đời Mạc Mậu Họp (1590). Trong thi phẩm, có các danh ngữ Tao đàn,, Tao đàn nhị thập bát tú, Tao đàn nguyên soái, Tao đàn phó nguyên soái, Khi viết về Thân Nhân Trung , Đỗ Nhuận, Ngô Luân, Ngô Hoán v.v. Đắng chú ý là trong bài vịnh về Lê Thánh Tông, không có các danh ngữ trên. Tập thơ này ở dạng chép tay, nên chỉ xem như tài liệu tham khảo, Trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (giữa thế kỷ XVI) có bài : Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa họa sĩ Ngô Chi Lan. Họ đã bình về tài thơ của Lê Thánh Tông, các danh sĩ Nguyễn Trãi, Nguynễ Mộng Tuân, Nguynễ Trực, Đỗ Nhuận, Đàm Thận Huy v.v. nhưng không một chữ nói đến Tao đàn? Như thế, từ Tao đàn có thế xuất hiện ở thời sau? Tại sao? Ở thời Lê Thánh Tông, tập quán xưởng họa thơ văn là sinh hoạt thường xuyên, giữa nhà vua và các từ thần. Cuộc xướng họa để mừng hai năm được mùa liền lại chọn 28 từ thần, ứng với 28 ngôi sao, lại xướng họa ngay ở triều đình, và tác phẩm lại được tập hợp thành thi tập, có tựa của vua và của triều thần…Có nghĩa là đặt sinh hoạt văn chương mừng điều lành thái bình thịnh trị ấy có tính chất như một hội thơ, một diễn đàn văn họa, giống như những sinh hoạt văn chương thường có ở các triều đại phương Bắc chuộng đạo sùng Nho. Có lẽ vì thế, người sau đã dùng từ Tao đàn, đặt tên cho cuộc sinh hoạt văn chương ấy. Gọi mãi thành quen, rồi thành tên một hội. Tao đàn chính là một từ, trước hết, là để gọi cuộc sinh hoạt thơ văn làm ra Quỳnh uyển cửu ca, mà cũng có thể nói là gọi chung cho cả sinh hoạt văn chương thời Lê Thánh Tông, vì thời này luôn luôn có sinh hoạt văn chương như thế; rồi sau, dần dần từ ngữ Tao đàn mới được coi như danh ngữ hội Tao đàn. Tao đàn có thể là danh ngữ có từ thế kỷ XV nhưng nó là sinh hoạt văn chương giải trí nên không được sử sách coi trọng, ghi chép chăng ? Điều này thật khó tưởng tượng vì sinh hoạt văn chương thời này là do Lê Thánh Tông chủ trì, không ai có thể xem thường. Hơn nữa, nếu người đời sau có mệnh danh thì cũng là với những dữ kiện có sẵn từ cuộc xướng họa thuở trước. Và như thế, Tao đàn có tính chất khác với những thi xã thời phong kiến như thi xã Bích Đông, thi xã Chiêu Anh Các, thi xã Bình Dương v.v. Chúng thường xuất hiện do ngẫu hứng, do tập quán văn học, không khí ngâm vịnh văn chương thời trung đại. Người ta không cần ghi chép ngày tháng xuất hiện, tuyên ngôn, tổ chức các thi xã…chặt chẽ như những hội văn bút ngày nay. Tao đàn, nếu như có thể gọi tên nó, với tất cả sự thận trọng và kiến giải trên đây, thì việc tìm hiểu nó, là trùng hợp với sự tìm hiểu Quỳnh uyển cửu ca. Tuyên ngôn của nó cũng chính là Tựa của Lê Thánh Tông và Đào Cử viết cho tập thơ. Tổ chức của nó, cũng chính là gồm 28 vì sao được nói ở sách và Tựa đã dẫn với tên họ cụ thể. Còn số người, có thể lên đến ba chục là do sự ghi chép tùy tiện của truyện, ký, lục, chí, phủ v.v. thời sau. Ngay các chức Tao đàn sái phu của Lương Thế Vinh và Thái Thuận, có thể cũng do người sau đặt ra, để chỉ công việc Lê Thánh Tông nhờ hai danh sĩ ngoài “nhị thập bát tú” “quét dọn”, thực chất là biên soạn loại thơ xướng họa Quỳnh uyển cửu ca mà thôi! Tao đàn, nếu có thời gian hoạt động của nó cũng chỉ hàng tháng. Vì ngay tháng cuối ấy của năm Giáp dần (1494), sau khi sáng tác Quỳnh uyển cửu ca, đã có tính chất của một diễn đàn văn chương. Diễn đàn này được coi như một Tao đàn, một hội thơ. Tao đàn có 28 hội viện, chỉ tồn yại một thời gian ngắn và có tác pham73 của nó, chỉ duy nhất là Quỳnh uyển cửu ca. 3.THÀNH TỰU ĐÁNG GHI NHẬN. Thành tựu văn chương của Tao đàn hay những hoạt động như một Tao đàn cũng là thành tựu của Quỳnh uyển cửu ca, và trước hết là của Lê Táhh Tông. Quỳnh uyển cửu ca là thi phẩm có tính chất tiêu biểu cho loại sản phẩm văn chương do xướng họa tạo thành. Mà xướng họa lại là quán sinh hoạt văn chương của nhà Nho thời trung đại. Thời này, nhiều tác phẩm khác cũng được tạo tác từ xướng họa, nhưng không được tiến hành lớp lang, trình tự, qui thức, điển nhã như tác phẩm này. Tác phẩm có 9 đề tài, đề tài nào cũng có một bài thơ xướng của vua, có lời phụng bình, cẩn ngôn của từ thần, có thơ phụng họa của từ thần, lời bình thơ phụng họa của vua, thỉnh thoảng cũng có lời phụng bình của người ngoài “nhị thập bát tú”. Lời phê của vua bao giờ cũng hàm súc, quyền uy, lời phụng bình của bầy tôi thì thú phụng, điển nhã, nghiêm cẩn. Do qui trình của thao tác xướng họa, người có điều kiện tự do sáng tạo nhất là nhà vua, người xướng; người họa thì phụ thuộc mọi bề, từ chủ đề đến thể thức, từ hình tượng đến từ ngữ, Trong số sáng tác văn chương còn lại của Lê Thánh Tông và của cả thời này, không ở đâu quan niệm văn chương lại thể hiện rõ như ở trong tập thơ này, trước hết là ở hai bài Tựa, và ở bài Văn nhân. Ở đây quan niệm “văn tải đạo”, “thi ngôn chí”, được phát biểu với tư cách người đứng đầu nhà nước phong kiến. Ở đây, nhà văn được lý tưởng hóa, chẳng khác thánh nhân. Quan niệm văn chương không là nguyên xi nhưng cũng chưa vượt ra ngoài quan niệm văn chương nhà Nho. Với Lê Thánh Tông, qua thi phẩm này, văn chương nhà Nho trở thành quan phương, chính thống, bác học, cao quí như chưa bao giờ có, văn chương chính đạo thịnh đạt, thăng hoa. Quỳnh uyển cửu ca có những vần thơ đầy ắp cảm hứng ưu ái về đất nước, dân tộc, lịch sử, nhân dân, về một thời thái bình, văn trị. Đức nhân ban bố đã bao lăm, Giáng phúc trời cho lúa bội tăng… Dân chúng ấm no điềm thịnh hiện, Sớm khuyan nơm nớp với chuyên cần. -Giúp nhà vua, yêu nhân dân là ý nghĩ thiên cổ, Chống kẻ thù bên ngoài, yên trong nước là tâm sự suốt đời. Vua tôi xướng họa, dĩ nhiên là tụng ca, tâng bốc lẫn nhau, nhưng vẫn có ở đây niềm tin của họ về lý tưởng chính trị, xã hội tích cực, về vai trò trách nhiệm của họ đối với lịch sử, với đất nước, với nhân dân. Và nhất là từ trong tập thơ, ánh lên vẻ xán lạn, huy hoàng của một thời: -Nhà Nam nhà Bắc đều no mặt, Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình. Chú Thích: (1) Đại Việt sử ký toàn thư. Bản dịch. Tập III. Nxb KHXH. 1968. tr 312 313. (2) Lịch triều hiến chương loại chí- Văn tịch chí. Bản dịch. Tập IV. Nxb Sử học. H. 1916, tr 75-76. (3) Xem Hoàng Việt Văn tuyển. Tập II. Bản dịch của Tổ Nam Nguyễn Đình Diệm. Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, 1972. Đây là bản dịch từ bản in thời Minh Mạng Kỷ hợi (1839). Xin xem thrm6 các bản Hoàng Việt văn tuyển chữ Hán. |
Cập nhật ( 09/07/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com