TẢN MẠN VỀ DANH XƯNG ĐỒNG NAI * Phan Đình Dũng Danh xưng Đồng Nai có từ bao giờ thật khó mà khảo chứng chính xác. Về mặt hành chánh, tên gọi Đồng Nai được chính thức trở thành tên gọi đơn vị tỉnh bắt đầu vào năm 1976. Tỉnh Đồng Nai được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba tỉnh: Biên Hòa, Bà Riạ – Long Khánh, Tân Phú. Kể từ đó cho đến nay, tỉnh Đồng Nai trải qua nhiều lần thay đổi địa giới nhưng tên gọi vẫn giữ nguyên. Có thể nói rằng, danh xưng Đồng Nai trải qua bao thời kỳ lịch sử đã trở thành tên gọi thân quen của bao thế hệ con dân xứ sở nầy khi nhắc về một vùng đất ở miền Đông Nam Bộ, về dòng sông dài nhất nước phát tích từ nội địa hay về một Hào khí Đồng Nai oai hùng, vẻ vang đã đi vào trong lịch sử của dân tộc. Theo một số sử sách xưa, danh xưng Đồng Nai được dùng để chỉ một vùng đất. Phủ Biên tạp lục của Lê Qúy Đôn có viết: ”Đất Đồng Nai từ cửa biển Cần Gìơ, Soi Rạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu…toàn là rừng rậm hàng mấy vạn dặm…”. Trịnh Hoài Đức trong tác phẩm khảo cứu Gia Định thành thông chí ghi chép rằng: ”Bà Rịa ở đầu trấn Biên Hòa, là đất có danh tiếng, nên các phủ phía Bắc có câu ngạn rằng: cơm Nai Rịa, cá Rí Rang, ấy là lấy xứ Đồng Nai và Bà Rịa đứng đầu mà bao gồm cả Bến Nghé, Sài Gòn, Mỹ Tho, Long Hồ vậy.”. Bộ tư liệu sử Đại Nam nhất thống chí quyển thượng tập thứ năm, của Quốc sử quán triều Nguyễn có nhiều chỗ đề cập Đồng Nai , như:” chợ Lộc Dã ở phía Nam hạ lưu sông Phước Long, huyện Phước Chánh, nguyên xưa kia là cánh đồng hươu nai ở nên đặt tên ấy, hoặc gọi là Lộc Động, tục danh chợ Đồng Nai cũng là ở chỗ này. Xét sáu tỉnh Gia Định mà thông xưng là Đồng Nai vì khai thác chỗ Đồng Nai trước hết, nên cứ chỗ gốc cũng gồm đủ chỗ ngọn”. Danh xưng Đồng Nai cũng xuất hiện nhiều trong các ca dao, tục ngữ như: – ”Nhà Bè nước chảy chia hai Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.” * – “Đồng Nai xứ sở lạ lùng Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um.” * – “ Làm trai cho đáng nên trai Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng.” * – “ Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai. Ai về xin nhớ cho ai theo cùng.” * – “ Đồng Nai nước ngọt gió hiền Biên Hùng muôn thuở đây miền an vui.” * – “ Đồng Nai gạo trắng nước trong Ai đi đến đó thời không muốn về.” * – “ Hết gạo thì có Đồng Nai Hết củi thì có Tân Sài chở vô.” * – ” Đồng Nai nguồn mọi cao sang Chảy xuống hai hàng, hàng Đại, hàng Sâm.” * – “ Bao giờ cạn nước Đồng Nai Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền”. * “ Rồng chầu ngoài Huế Ngựa tế Đồng Nai…”.vv.. Tên Đồng Nai cũng được định danh cho một nền văn hóa ở Nam Bộ hay phức hệ văn hóa của một nền văn minh tiền sử mà ngày nay chúng ta đưỡc biết qua những kết quả nghiên cứu khảo cổ học: Văn hóa Đồng Nai / Văn minh lưu vực sông Đồng Nai. Đọc về một cái tên / dang xưng một vùng đất tưởng chừng như đơn giản hóa ra cũng phức tạp. Nếu chuyện người xưa đã gọi như vậy thì nay cứ như thế mà gọi thì quả tản mạn về danh xưng Đồng Nai không có lý gì để bàn. Chắc hẳn, cững nhiều danh xưng vô tình hay ngẫu nhiên được gọi mãi thành quen nhưng cũng có những danh xưng, tên gọi có nhiều ý nghĩa mà nguồn gốc của nó không phải một sớm một chiều để lý giải được căn cơ, ngọn nguồn. Danh xưng Đồng Nai nằm trong trường hợp thứ hai. Từ trước tới nay, đã có nhiều cách lý giải, giả thuyết về nguồn gốc hai chữ Đồng Nai. Có ý kiến cho rằng danh xưng Đồng Nai phản ánh cánh đồng có nhiều hươu nai là một cấu trúc từ chỉ địa hình với tên của loài thú. Nhưng lại có giả thuyết cho rằng từ Đồng Nai bắt nguồn và chuyển dịch từ ngôn ngữ Mạ. Từ xuất phát điểm là hai chữ Đạ Đờng (chỉ sông lớn, sông cái) mà người Mạ dùng gọi con sông Đồng Nai (hiện tại).Trong quá trình hình thành, dần dà chữ Đạ mất đi, chữ Đờng được duy trì và đọc trại thành Đồng. Con sông Đồng có nhiều Nai để gọi thành sông Đồng Nai. Một giả thuyết khác nhìn nhận cấu trúc ngôn ngữ danh xưng Đồng Nai là thuần Việt và liên hệ những địa danh trên vùng đất Biên Hoà – Đồng Nai bắt đầu với từ Đồng (Đồng Tràm, Đồng Lách, Đồng Đế, Đồng Tranh, Đồng Môn…) và từ Nai (Đồng Nai, Hố Nai, Hang Nai, Bàu Nai)… Địa danh Đồng Nai xuất hiện bằng chữ quốc ngữ lần đầu tiên trong một báo cáo của Giáo hội Thiên Chúa giáo về tình hình giáo dân ở Nam Bộ năm 1747 với cách gọi là Dou-nai. Sau đó, địa danh Đồng Nai xuất hiện vừa bằng chữ Nôm vừa bằng chữ quốc ngữ vào năm 1772 trong từ điển An Nam – La tinh của PigneaudeBéhaine/Dictionariumannamticolatinum. Trong những nguồn tư liệu báo chí đề cập hai chữ Đồng Nai có lời ngõ trần tình, khá thú vị. Tạp chí Đồng Nai số thứ nhứt, xuất bản năm 1932, đã viết: “Trong Lục Châu, cái tên Đồng – Nai cùng cái tên Bến – Nghé có thể tương đương với tên Núi – Tản, sông – Lô ngoài Bắc, tương đương với tên Sông – Hương, Núi – Ngự ngoài Kinh, nghỉa là có thể làm biểu hiệu cho một góc trời Nam. Ở xứ Nam Kỳ nầy có mấy nơi giàu lịch sử cho bằng con sông Đồng Nai, con sông Bến Nghé, là mấy nơi chứng kiến bao nhiêu cảnh tang thương biến đổi trong khoản ngoài trăm năm nay…Còn cái tên Cọp Đồng – Nai mà người ta ban cho Phò – mả Vỏ – tôn – Tánh gẫm không phải là vô vị ? Chớ như ở Chung Xá bọn quân của Võ – văn – Dũng (Tây – Sơn) nửa đêm vì có nai chạy lạc trong trại, la: Nai, Nai, mà tưởng quân Đồng Nai rồi ùng ùng vụt chạy, thì riêng nghỉ cái tên Đồng – Nai không phải là không có nghị lực đặc biệt !”. Trong Đồng Nai Văn Tập số 5 (không rõ năm xuất bản); có lời: “…Đồng Nai, tên sao nôm – na quê kịch mà sao thân thiết qúi yêu! Trên chỗ nước mặn đồng chua, âm thanh khêu gợi một chi chi thiêng liêng cao cả, như tiếng Rạch Gầm nhắc nhở chiến công của Quang Trung, như tiếng Đồng Tháp mở rộng cõi lòng về dĩ vãng kháng chiến hồi thế kỷ trước. Đồng – Nai, con sông lịch sử, con sông phì nhiêu, đã chở phù sa từ trên cao nguyên bồi thàng đồng ruộng và đã tiếp đón bao nhiêu lớp buồm cánh dơi từ ngoài biển vào…Đồng – Nai đã phơi gan trải ruột qua nhiều thế hệ, trong ca dao như thế, biểu sao tên Đồng – Nai không được quý yêu, không được chọn lựa? ….”. Như vậy, trải qua bao biến thiên muôn màu của lịch sử, danh xưng Đồng Nai ngày nay đã trở thành tên gọi của đơn vị hành chánh cấp tỉnh: tỉnh Đồng Nai ở miền Đông Nam Bộ, trong lòng Nam Bộ, trong lòng nước Việt mến yêu. Danh xưng của một vùng đất, của một dòng sông, của một Hào khí oai hùng, của một phức hệ văn hóa…hàm chứa cái thiêng, hàm ẩn một sức sống mãnh liệt trong sự tồn tại của nó với bao điều lý thú và chắc chắn còn nhiều điều cần tìm hiểu thêm, chưa có hồi kết. Sự lý thú và hấp dẫn về một danh xưng Đồng Nai vẫn còn là một vấn đề mở cho những ai quan tâm đến nó. |
Cập nhật ( 16/03/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com