Tại sao người Việt có phong tục trồng cây nêu ngày Tết? *Đào Nguyên Lan Trồng cây nêu ngày Tết là phong tục đã có từ lâu ở nước ta. Cho đến ngày nay, rất nhiều địa phương vẫn giữ được phong tục truyền thống này. Tại sao người Việt có phong tục trồng cây nêu ngày tết ? về sự tích này, người xưa kể rằng… Ngày xưa, bởi quỷ thì tàn ác, còn người thì hiền lành, nên quỷ bắt nạt, lấn át người. Quỷ chiếm đoạt làm tài sản riêng tất cả nơi nào có đất và có nước. Vì thế người chỉ còn cách ăn nhờ ở đậu và thuê lại ruộng đất của quỷ để cấy cày sinh sống. Ấy vậy mà quỷ vẫn không bằng lòng.
Quỷ đối với người ngày càng độc ác Chúng dần tăng số tiền thuê ruộng đất mà người phải nộp lên gấp đôi và mỗi năm mỗi nhích lên một ít. Cuối cùng, nhằm chiếm đoạt toàn bộ sức lao động của người, quỷ bắt người phải nộp tiền thuê ruộng đất theo một cách thức đặc biệt do chúng nghĩ ra là “ăn ngọn cho gốc”. Người không chịu, nhưng quỷ dùng áp lực bắt phải theo, nếu không chúng sẽ thu ruộng đất lại. Vì thế, năm ấy sau vụ gặt lúa, quỷ hí hửng thu về hết tất cả số lúa, còn người thì chỉ được trơ lại những rạ là rạ. Cảnh tượng người chết đói nằm la liệt khắp nơi khắp chốn. Còn bọn quỷ thì reo cười đầy đắc ý.
Tết về ta cắm cây nêu Quỷ vào thì tránh, chớ trêu vào người… (Tranh dân gian) Thấy sự bất công, phật từ trên trời xuống với ý định giúp người chống lại sự bóc lột tàn nhẫn của quỷ. Đến lần trồng trọt năm sau, phật khuyên người cứ thuê đất ruộng để cày cấy theo lệ năm trước là trả ngọn lấy gốc. Nhưng ngầm bảo người đừng trồng lúa mà vun đất thành từng luống để trồng khoai lang. Người cứ y lời làm đúng như phật dặn. Đến mùa thu hoạch, quỷ không ngờ người đã bắt đầu có mưu kế chống lại mình nên chủ quan, cùng kéo nhau đến ruộng chờ lấy ngọn. Khi thu hoạch, người sung sướng đào gốc khoai lên. Quỷ rất hậm hực nhìn thấy những gánh khoai lang được gánh về nhà người, đổ thành từng đống lớn nhìn thật ngon mắt. Còn nhà quỷ chỉ lấy về được chỉ toàn những dây và lá khoai là những thứ không ăn được mà chỉ đem cho lợn. Quỷ định lật lọng, nhưng ác nỗi, chính quy định là do chúng đặt ra nên chúng đành cứng họng không chối cãi vào đâu được. Sang mùa khác, quỷ bàn nhau thay thể lệ mới là “Ăn gốc cho ngọn”. Phật lại tương kế tựu kế, bảo người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả Quỷ lại hỏng ăn. Những hạt lúa vàng theo người về nhà, còn rạ phó mặc cho Quỷ. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng tuyên bố “Ăn cả gốc lẫn ngọn”. Quỷ chắc mẩm phen này thì người hết đường mà chống lại chúng. Nhưng Phật đã bàn với Người thay đổi giống mới. Phật trao cho người hạt giống cây ngô để gieo khắp mọi nơi mọi chỗ. Đến khi thu hoạch, trước sự tức tối của quỷ, người tha hồ bẻ lấy các bắp ngô giữa thân cây, còn ngọn và gốc cây ngô thì trả lại cho quỷ. Trong nhà người thóc ăn chưa hết thì từng gánh ngô đã tiến về chứa từng cót đầy ăm ắp. Về phần quỷ lại bị một vố cay chua, uất ức đến tận cổ nhưng vẫn không làm gì được vì người đã làm theo thỏa thuận. Cuối cùng quỷ bàn nhau quyết định bắt người phải trả tất cả ruộng đất không cho thuê nữa, bởi chúng nghĩ có cho thuê cũng chẳng thu được gì. Phật nghĩ ra cách bảo người điều đình với quỷ, xin mua lại một miếng đất nhỏ xíu, chỉ vừa bằng bóng một chiếc áo cà sa. Quỷ không hiểu, người bèn giải thích rằng, có nghĩa là người sẽ trồng một cây tre, có mắc một chiếc áo cà sa trên ngọn, khi nắng lên, bóng cà sa che đến đâu trên mặt đất, thì là đất của người, còn lại là của quỷ. Quỷ nghĩ rằng chỉ bóng một chiếc áo thì ăn thua gì, lại thấy người trả giá cao nên nhận lời. Hai bên cùng làm tờ giao ước: Ngoài bóng tre là đất của quỷ, trong bóng tre là đất của người. Không ngờ khi người trồng xong cây tre, phật bay lên, tung áo cà sa toả khắp ngon tre. Rồi phật hoá phép làm cho cây tre cao vút mãi lên đến tận trời. Tự nhiên đất trời trở nên âm u. Bọn quỷ hoảng hốt nép vào nhau. Bóng chiếc áo cà sa cứ lớn dần, lớn dần, lấn hết mặt đất, bóng áo cà sa lớn đến đâu, bọn quỷ phải dắt nhau lùi lại đến đấy. Cuối cùng quỷ không có đất ở nữa, phải chạy ra biển đông (Vì thế sau này người ta mới gọi là quỷ Ðông). Xót ruột, tiếc của, bọn quỷ hậm hực cố chiêu tập binh mã vào cướp lại đất. Người bèn tập trung chống lại. Dù bọn quỷ rất hung ác, nhưng nhờ có phật giúp đỡ, trận nào quỷ cũng thua. Sau mấy trận bất lợi, quỷ bèn cho quân đi dò xem người và phật sợ gì. Người bèn giả cho chúng biết là rất sợ hoa quả, oản chuối và cơm nắm, trứng luộc. Ðối lại người và phật cũng dò hỏi và biết quân của Quỷ sợ nhất là những thứ như: máu chó, lá dứa, tỏi và vôi bột. Lần giáp chiến sau đó, quân của quỷ đem thật nhiều hoa quả, oản chuối và cơm nắm, trứng luộc đến ném người và phật. Phật bèn bảo người nhặt hết lấy làm lương ăn, rồi đem máu chó, tỏi ớt, vôi bột vẩy khắp nơi. Quân của quỷ thấy sợ hoảng hồn bỏ chạy tán loạn nên càng thua đậm. Cuối cùng bị phật bắt sống hết, đày ra biển đông. Ngày đi đày, họ tốc nhà quỷ quỳ lạy xin phật thương tình cho phép một năm được hai ba ngày vào đất liền thăm phần mộ của tổ tiên cha ông chúng. Phật thấy chúng khóc vang trời đất, bèn y lời hứa thuận cho. Từ đó, hàng năm cứ đến ngày Tết Nguyên Ðán là ngày quỷ được phép về đất liền thăm mộ mả tổ tiên, vì vậy người ta trồng lên cây nêu để cho quỷ biết, không dám bén mảng vào chỗ người đang ở. Trên nêu có khánh đất, mỗi khi gió rung thì có tiếng động phát ra để luôn nhắc bọn quỷ nghe mà tránh. Cũng trên đó có buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất vào những ngày Tết để cấm cửa quỷ. Cứ thế lâu dần thành ra phong tục trồng cây nêu của người Việt… |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com