Tác giả bài hùng ca Tiểu đoàn 307 * Nguyễn Bá Cho đến nay, ta vẫn còn những điều chưa biết rõ về tác giả bản hùng ca Tiểu đoàn 307. Theo Địa chí Tiền Giang, trang 888, tập 1, mục Nhạc sĩ và tác phẩm âm nhạc trong vùng kháng chiến: Nguyễn Hữu Trí quê quán ở làng Điều Hòa, tổng Thạnh Trị, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc phường 1, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Lúc nhỏ Nguyễn Hữu Trí say mê âm nhạc, nhưng giỏi nhất là thành thạo đàn violon. Tháng 10/1945, thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Mỹ Tho, Nguyễn Hữu Trí cùng với đồng đội gia nhập vào bộ đội chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Năm 1949, Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc bài thơ "Tiểu đoàn 307" lừng danh của Nhà thơ Nguyễn Bính. Bài hát đã đi vào tình cảm của bộ đội và nhân dân. Vào năm 1952, bài Tiểu đoàn 307 được giải thưởng âm nhạc văn nghệ Cửu Long (của Nha Giáo dục Nam Bộ). Sau thành công này, Nguyễn Hữu Trí còn phổ nhạc bài thơ "Phá đường" của Nhà thơ Tố Hữu, và cùng với một tác giả khác sáng tác hai vở opéra có tên là "Ngày ra đi" và "Ba người chiến sĩ" năm 40 nhằm phục vụ cuộc kháng chiến anh dũng. Bài hùng ca 307 sống mãi với thời gian. Nhưng tác giả Nguyễn Hữu Trí (1917-1979) còn nhiều điều chúng ta chưa biết. Có lẽ năm 1954 trở về sau ông không sáng tác, hoặc sáng tác mà không công bố. Mãi cho đến cuối năm 1997, Câu lạc bộ Cựu chiến binh (Trung đội trưởng, Đại đội 933, Tiểu đoàn 307) truy tìm thân thế Nguyễn Hữu Trí và đã tìm ra được gia đình nhạc sĩ ở xã Vĩnh Mỹ A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Nhạc sĩ đã lặng lẽ ra đi trước đó 18 năm, mộ phần bằng đất đơn sơ không xa ngôi nhà cũ mà cố nhạc sĩ đã sống những năm tháng hàn vi cuối đời. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí từng dạy học khá lâu ở các huyện Thới Bình, Đầm Dơi… nơi trước đó Tiểu đoàn 307 từng chiến đấu ở Nhị Nguyệt, An Xuyên, Vĩnh Mỹ A… Nguyễn Hữu Trí cùng sống, hoạt động ở đây hàng chục năm, cả trước và sau ngày giải phóng, Nguyễn Hữu Trí từng làm công an xã và huyện. Nhưng xã và huyện không biết Nguyễn Hữu Trí là một nhạc sĩ tài hoa. Bà Phan Thị Đượm (vợ cố nhạc sĩ) cho biết, ông dạy học ở xã và dạy nhạc trong nhà thờ, cưới vợ và sống ở đây khá lâu (từ những năm 1950, đến những năm 1960). Sau đó lên Sài Gòn làm công cho một số hãng sản xuất hàng hóa. Sau giải phóng, gia đình ông lại trở về Vĩnh Mỹ A (quê vợ nhạc sĩ). Mấy năm sau, Nguyễn Hữu Trí bị tai biến, liệt một phần chân, tay và mất vào tháng 2/1979. Cũng theo bà Đượm, ông Trí có đến điểm tập kết, nhưng bị bệnh nên không ra Bắc được (theo một số thông tin khác thì ông được phân công ở lại, nhưng làm nhiệm vụ gì thì không ai rõ). Đối với ngụy quyền, lý lịch ông không rõ ràng nên suốt từ 1955-1975 ông bị mật thám theo dõi, rình rập ngày đêm. Do luôn phải giấu kín bản chất nên sau khi giải phóng, kể cả vợ, con cũng không biết Nguyễn Hữu Trí là tác giả "Tiểu đoàn 307". Mãi cho đến năm 1978, khi bệnh tình nặng, gia đình đã bán hết cả ruộng đất và chiếc xe máy cũ, lo thuốc trị bệnh, nghe lời bạn thân khuyên nhủ, ông gởi thư về Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh đề nghị nhận nhuận bút. Trước đó, cuối năm 1949, Thượng tướng Trần Văn Trà (Tư lệnh Khu 8) phát động sáng tác ca khúc ca ngợi Tiểu đoàn 307 (thơ Nguyễn Bính). Nguyễn Hữu Trí đã phổ nhạc (không theo lời thơ). Tổ quân nhạc Khu 8 đã tập bài hát này. |
Cập nhật ( 30/03/2012 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com