NHỮNG NHÀ YÊU NƯỚC PHẬT GIÁO BẠC LIÊU HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG QUA CÁC THỜI KỲ
* ĐĐ. Thích Thiện Ngộ
1. Phật giáo Việt Nam với vai trò hộ quốc an dân
Phật giáo Việt Nam đã tạo nên những giá trị truyền thống qua hơn 2000 năm lịch sử. Và 30 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát huy tính truyền thống và tinh thần nhập thế của Phật giáo để viết nên những trang sử vàng của Phật giáo nước nhà ngang tầm thời đại. Ở đó, Phật giáo và Dân tộc đã hòa nhập vào nhau như nước với sữa, Phật giáo luôn luôn giữ vai trò Hộ quốc an dân, bản địa hóa Phật giáo trên những chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Thời đại phong kiến, Phật giáo là nội lực văn hóa quan trọng mà người Việt đã vận dụng kết hợp với văn hóa bản địa để đối kháng lại ý đồ Hán hóa của thế lực xâm lược phương Bắc. Khi đất nước lâm nguy, Phật giáo đã bước vào công cuộc vận động khởi nghĩa cứu nước, chống lại giặc ngoại xâm, thể hiện đầy đủ vị trí, vai trò của mình để góp phần vào việc giữ nước. Theo dòng lịch sử, các thiền sư với tài an bang tế thế đã thể hiện trọng trách của công dân đối với Tổ quốc khi tham dự vào các công việc của triều đình từ chính trị, ngoại giao, hành chánh và rất nhiều việc khác, mục đích là góp phần vào việc củng cố, xây dựng nước nhà. Qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, các vị cao tăng có giới hạnh và học thức cao đều được mời tham gia vào công việc triều chính như:
Vào thời nhà Đinh, thiền sư Ngô Chân Lưu đã được Vua Đinh Tiên Hoàng phong là Khuông Việt Đại Sư, với tôn danh của Ngài cũng đã nói lên tầm quan trọng và sự cống hiến cho đất nước.
Thời nhà Lê, các thiền sư Vạn Hạnh, Đỗ Pháp Thuận, Khuông Việt cũng được mời tham gia triều chính. Và được vua Lê Đại Hành rất kính trọng.
Đến thời Lý- Trần ý hướng xây dựng một nhà nước độc lập trên mọi phương diện của các thiền sư đã được thể hiện rõ rệt. Chính các thiền sư là người đã có công rất lớn trong việc dời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Những đóng góp của các thiền sư trên các phương diện học thuật, văn hoá, mỹ thuật, giáo dục,… cũng là những đóng góp quan trọng nhất thời đại.
Đại Việt dưới thời đại này được biết đến như một quốc gia thịnh vượng ở Châu Á. Đây là một trong những thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử của Việt Nam trên mọi phương diện. Một thành tựu quan trọng trong thời Lý-Trần là việc phổ biến chữ Nôm, chữ viết riêng của Việt Nam dựa trên cơ sở cải biến và Việt hóa chữ Hán. Bên cạnh đó các lĩnh vực khác như giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn học – nghệ thuật, lịch sử, luật pháp… cũng rất phát triển (Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng, sự ra đời của Bộ luật Hồng Đức, Đại Việt Sử ký toàn thư…). Lịch sử gọi thời kỳ này là Kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Thăng Long (bây giờ là Hà Nội) cũng được chính thức công nhận là Kinh đô của Đại Việt với Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn vào năm 1010.
Đến thời Pháp thuộc, mặc dù Phật giáo bị suy thoái cục bộ về mặt tổ chức, nhưng những người Phật giáo đã vận dụng tư tưởng giác ngộ đạo Phật, kết hợp nhuần nhuyễn với tư tưởng yêu nước của nhân dân vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều tổ chức Phật giáo đã ra đời như: Hội Tăng già cứu quốc, Phật giáo cứu quốc. Nhiều Tăng – Ni đã “cởi áo cà sa khoá chiến bào” ra mặt trận; nhiều thanh niên Phật tử đã tham gia tích cực vào các phong trào xoá mù chữ, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Nhiều cuộc khởi nghĩa chống chính quyền thực dân, phong kiến do những người Phật giáo yêu nước phát động đã được đông đảo nhân dân ủng hộ. Tư tưởng yêu nước cùng với các cuộc khởi nghĩa do các nhà sư lãnh đạo đã góp phần phát huy tính tích cực của các phong trào yêu nước của dân tộc, tạo nên những thiên anh hùng ca vĩ đại. Bên cạnh các nhà sư, các thanh niên phật tử trực tiếp tham gia cách mạng, còn phải kể đến những đóng góp không nhỏ từ các ngôi chùa. Rất nhiều ngôi chùa vừa là nơi tu hành nghiêm tịnh, vừa là cơ sở cách mạng dưới nhiều hình thức khác nhau.
Thời kỳ đấu tranh chống Mỹ, những người Phật giáo yêu nước đã nhận thức đúng đắn: “nước hưng đạo thịnh”, “văn hóa – tinh thần dân tộc ” là tư tưởng chủ đạo để trở thành một bộ phận hữu cơ của phong trào cách mạng. Các Tăng – Ni và Phật tử đã tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh đòi hòa bình, dân chủ dân sinh, giành độc lập cho dân tộc. Và chính ngọn lửa tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức đã tiếp thêm sức mạnh cho cao trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo miền Nam những năm 60 của thế kỷ XX. Phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo đã góp phần quan trọng làm sụp đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân lịch sử năm 1975.
2. Những nhà yêu nước Phật giáo Bạc Liêu hoạt động cách mạng qua các thời kỳ.
Bước sang đầu thế kỷ XIX, các nước tư bản phương Tây đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, ráo riết tìm kiếm thị trường, từng bước xâm chiếm thuộc địa. Người Pháp, thông qua các Giáo sĩ thừa sai, thương mại đã tiến hành thôn tính Việt Nam và biến Việt Nam thành một nước thuộc địa nửa phong kiến trong gần 100 năm (1858-1945).
Trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, có các cuộc khởi nghĩa lớn như phong trào Cần Vương, phong trào khởi nghĩa của nông dân cuối thế kỷ XIX; và gần hơn là phong trào theo khuynh hướng tiểu tư sản mà đỉnh cao là khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 của Nguyễn Thái Học, hoặc theo khuynh hướng tư sản của Phan Bội Châu (1867-1940), Phan Châu Trinh (1872-1926). Hưởng ứng phong trào cứu nước, vào thời điểm bấy giờ tại Bạc Liêu cũng có các cuộc đấu tranh tự phát như:
Năm 1927, Trần Kim Túc (1) đứng lên vận động hàng trăm nông dân nổi dậy chống lại tên địa chủ Bô-vin Ây -No và bọn cai tổng, xã trưởng để giành lại đất canh tác. Trong cuộc đấu tranh đẫm máu và không cân sức đó, ông và một số nông dân đã anh dũng hy sinh. Tuy cuộc nổi dậy không thành, nhưng đây có thể nói là cuộc đấu tranh tiêu biểu của nông dân trước khi Đảng Cộng sản ra đời đã gây tiếng vang lớn, làm dấy lên làn sóng đấu tranh của nông dân khắp cả nước, làm cho thực dân Pháp và bọn cường hào, ác bá địa phương phải khiếp sợ, chùn bước.
Ngày 16-2-1928, cuộc đấu tranh giữ đất, giữ lúa của gia đình Mười Chức (2) , chống lại tên địa chủ Mã Ngân (thường gọi là Bang Tắc) đã bị chính quyền thực dân Pháp dùng quân đội và một số Việt gian là Hương chức, Hội tề làng Phong Thạnh đàn áp đẫm máu. Mười Chức và vợ là Phan Thị Nghĩa, cùng hai em là Nhẫn và Nhịn đã chống trả quyết liệt và anh dũng hy sinh. Sự kiện này đã làm chấn động khắp Nam Kỳ lục tỉnh lúc bầy giờ.
Trước tình hình chính trị xã hội như đã trình bày, một số nhà sư cùng một số nhân sỹ trí thức yêu nước, mến đạo muốn Phật giáo phát triển, nhất là mưốn lấy ngọn cờ Phật giáo nhằm đoàn kết tập hợp lực lượng để chống Pháp giành độc lập cho dân tộc. Điển hình như Hoà Thượng Huệ Viên, Ngài đã nghe và thấy được hai sự việc đang diễn ra: một là các phong trào yêu nước đang nổi lên đối kháng chính quyền thực dân Pháp đang cai trị nước ta, tiêu biểu là phong trào yêu nước của cụ Nguyễn Cư Trinh; hai là có một số nhà sư Phật giáo đi vận động kêu gọi Tăng Ni đoàn kết để xây dựng và chấn chỉnh Phật giáo Việt Nam. Các sự việc này hun đúc trong tâm tưởng của Ngài Huệ Viên một tinh thần dân tộc và đạo pháp. Chùa Châu Viên là nơi Hòa thượng Huệ Viên khởi đầu xây dựng sự nghiệp đạo pháp, phụng sự dân tộc. Hòa thượng thu nhận đệ tử và nỗ lực dạy nhạc lễ, chữ Nho, chữ quốc ngữ cho các đệ tử và con em trong làng; mở phòng mạch Đông y chữa bệnh cho nhân dân. Cũng tại đây Hòa thượng đã đào tạo một lớp học trò như Trí Đạt, Trí Đức, Trí Tâm, Trí Minh, Trí Chánh, Trí Kỉnh và sau này có thêm Trí Từ, Trí Bổn. Các đệ tử của Hòa thượng Huệ Viên đa trở thành một trong những vị Tôn túc lãnh đạo Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ.
Hòa thượng Huệ Viên là một trong những thành viên tích cực của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Cho nên, đến năm 1939 khi phong trào chấn hưng Phật giáo phát triển và hoạt động công khai, Hòa thượng Khánh Anh chính thức mời Hòa thượng Huệ Viên vào Ban Lãnh đạo phong trào và chịu trách nhiệm các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Rạch Giá. Và cũng từ phong trào đó có sự cộng hưởng về sau, khi phong trào Phật giáo cứu quốc thành lập và hoạt động, các đệ tử của Hòa thượng Huệ Viên như Cụ Trí Từ, Trí Đức, Trí Tâm, Trí Tân v.v… tham gia lãnh đạo tổ chức Phật giáo cứu quốc tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Sóc Trăng.
Dấn thân vào sự nghiệp chấn hưng Phật pháp để phụng sự dân tộc, tinh thần yêu nước của Ngài được khoác bên ngoài bằng lớp áo cà sa. Với trình độ uyên thâm Phật học, Ngài dùng Pháp sự khoa nghi làm phương tiện để khơi dậy lòng yêu nước của đồng bào còn trong cảnh thực dân đô hộ. Chẳng những thế mà Hòa thượng còn giáo dục đào tạo một lớp đệ tử kế thừa gần 20 vị Hòa thượng phục vụ Giáo hội qua các thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Ngày mùng 03 tháng 11 năm Đinh Sửu 1937, Hoà thượng Phổ Chí viên tịch, Thượng tọa Chí Hiếu kế vị trụ trì. Thượng tọa Chí Hiếu làm trụ trì được ít lâu thì tham gia cách mạng. Năm 1945, ông tạo điều kiện cho Công binh xưởng của Tỉnh đội Bạc Liêu trú đóng và hoạt động tại chùa. Được sự hỗ trợ và bảo bọc của Tăng Ni chùa Long Phước, công binh xưởng đã sản xuất được nhiều loại vũ khí cung cấp cho các chiến trường thuộc địa phận quân khu IX. Công binh xưởng hoạt động được sáu tháng thì có lệnh rút về Cây Vang, được ít lâu lại dời sang Cạnh Đền sau đó lại dời xuống Cái Tàu. Thượng tọa Chí Hiếu cũng rời chùa, chính thức gia nhập Công binh xưởng để phục vụ cách mạng. Thượng tọa Chơn Pháp ở Phú Lộc (Sóc Trăng), được Ban hộ tự Chùa Long Phước mời về làm trụ trì.
Thượng tọa Chơn Pháp là một trong những đệ tử của Hoà thượng Phổ Chí. Thời gian trụ trì chùa Long Phước, Ngài đã hết lòng phục vụ đạo pháp, thực hiện nhiều công việc mang lại lợi ích cho xã hội. Ngoài ra, Ngài còn tạo điều kiện cho cán bộ cách mạng hoạt động hợp pháp tại chùa. Ngày 26 tháng 1 năm 1955, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Bạc Liêu thành lập tại chùa Long Phước, các cán bộ như Lê Văn Út (Út Rổ) – Bí thư Thị Ủy, Nguyễn Vĩnh Nghiệp (Sáu Tường) và Hà Thái Bình – Thị ủy viên cũng thường có mặt ở chùa để hoạt động.
Hòa thượng Thích Trí Đức. Từ năm 1945 đến 1954, trong bối cảnh toàn quốc kháng chiến, một mặt vừa tu học, hoằng dương đạo pháp, một mặt Ngài tham gia kháng chiến chống Pháp. Ngài là Ủy viên Ban vận động phong trào Phật giáo Cứu quốc tỉnh Long Châu Sa. Sau đó, Ngài được cử làm Chủ tịch Liên Việt huyện Lấp Vò; do vì lấy trụ xứ chùa Long Phước làm cơ sở hoạt động cách mạng, nên đã bị thực dân Pháp và tay sai hai lần đốt phá chùa.
Năm 1962 hòa thượng về trụ trì chùa Vĩnh Hòa tại Bạc Liêu, Ngài mở trường Bồ đề để dạy văn hóa cho con em tại địa phương và nuôi dưỡng lòng yêu nước của thế hệ trẻ của tỉnh, là lực lượng nồng cốt của thanh niên học sinh, trong phong trào sinh viên yêu nước tỉnh Bạc Liêu. Vào những ngày lễ như: Phật Đản, Vu Lan hòa thượng xin tha cho hàng trăm tù nhân và cả tù nhân chính trị.
Hoà thượng Hiển Giác cũng là người tham gia hoạt động cách mạng, Ngài là ủy viên Mặt Trận giải phóng tỉnh Bạc Liêu. Hòa Thượng được phân công cùng đồng chí Tư hồng và đồng chí Năm Quân sứ mạng đàm phán tranh thủ với Tỉnh trưởng Bạc Liêu Nguyễn Ngọc Điệp (đại tá Điệp) buộc phải giao chính quyền cho cách mạng. Thắng lợi ngày 30 tháng 4 năm 1975 giải phóng tỉnh Bạc Liêu sớm và không tốn xương máu. Sau năm 1975, Ngài là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Minh Hải, Ủy viên Hội đồng Nhân dân tỉnh Minh Hải cho đến ngày viên tịch.
Hoà thượng Thích Huệ Hà được nhân dân và đồng bào Phật tử tỉnh Bạc Liêu tín nhiệm nên trong 20 năm, trải qua các nhiệm kỳ, Hoà thượng được nhân dân bầu làm Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và Uỷ viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh nhiều khoá. Với những thành tích đóng góp vào sự nghệp xây dựng và phát triển đất nước, Hoà thượng được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam trao tặng Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” và nhiều bằng khen của Uỷ ban nhân dân tỉnh trao tặng.
Đại đức Dư Hương trụ trì chùa Kos Thum từ năm 1940 – 1972. Trong khoảng thời gian trụ trì, Ngài đã lãnh đạo sư sãi chùa Kos Thum và nhân dân địa phương nhiều phen đấu tranh trực diện với kẻ địch, giải thoát người dân lương thiện và cán bộ kháng chiến khỏi cảnh tù đày.
Tháng 10-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đưa một sư đoàn hành quân vào xã Ninh Thạnh Lợi, bắt hơn 100 người bị tình nghi làm quốc sự. Đại đức Dư Hương cùng sư sãi kịch liệt phản đối tại chỗ, buộc chúng phải thả hết người.
Giữa tháng 4-1962, sư đoàn 21 ngụy cho quân bao vây chùa Kos Thum, giết chết 2 người, bắt đi 62 người, trong đó có nhiều cán bộ kháng chiến.
Đại đức Dư Hương lại cùng sư sãi và nhân dân sau gần 2 tháng kiên quyết, bền bỉ đấu tranh, từ quận Phước Long lên cơ quan đầu não Vùng IV chiến thuật (đặt tại Cần Thơ), đưa 62 người bị bắt trở về an toàn.
Đây chỉ là những lần đấu tranh tiêu biểu có vai trò đặc biệt của Đại đức Dư Hương. Tinh thần đấu tranh và tầm ảnh hưởng của Ngài đã khiến bọn tề, ngụy từ xã đến tỉnh e dè, lo sợ. Chúng ra sức thuyết phục, mua chuộc hòng tách ông rời xa các lực lượng kháng chiến. Thậm chí, chúng còn đưa cả “tối hậu thư”, ép Đại đức chuyển chùa đi nơi khác, nếu không sẽ ném bom hủy diệt nhưng Ngài không hề nao núng.
Vào Những thời điểm này không những Tăng – Ni hoạt động cách mạng một cách tích cực mà những ngôi chùa trong tỉnh còn là nơi nuôi dưỡng các chiến sĩ hoạt động như: Chùa Long Phước , chùa Vĩnh Hoà, chùa Vĩnh Đức, chùa Kos Thum….
3. Sự đóng góp tích cực của Phật giáo Bạc Liêu vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là một thành viên tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Phật giáo Bạc Liêu luôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ trong mọi hoạt động xã hội. Động viên Tăng Ni và Phật tử hoàn thành tốt các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn dân cư. Nhiều tấm gương điển hình người tốt việc tốt của chư tôn đức Tăng Ni được Nhà nước tặng thưởng Huân chương cao quý, các cấp chính quyền và ban ngành đoàn thể biểu dương khen tặng.
Với tinh thần “phục vụ chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”, lấy từ bi cứu khổ làm phương châm hoạt động tự độ, độ tha, tinh thần tương thân tương ái. Trong những năm vừa qua, Phật giáo Bạc Liêu đã hưởng ứng các phong trào xây dựng nhà tình thương, khoang giếng nước, những hoạt động ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Các chương trình mổ mắt từ thiện, tặng xe lăn xe lắc, xây dựng cầu bê tông nông thôn, ủng hộ kinh phí đào giếng … cũng được triển khai thực hiện thường xuyên. Các Tuệ Tĩnh đường, phòng thuốc y học dân tộc miễn phí, các lớp học tình thương, nhà nuôi trẻ mồ côi, cứu trợ đồng bào thiên tai lũ lụt, góp phần làm vơi đi những khó khăn về mặt vật chất cũng như tinh thần của người dân.
Bằng những hoạt động và thành quả đạt được, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu đã khẳng định tính mẫu mực trong hoạt động theo định hướng và phương châm của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phù hợp với Hiến pháp nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…là một mắc xích vững chắc trong sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Từ những đóng góp to lớn của chư Tôn đức tiền bối Phật giáo Bạc Liêu, những thành tựu của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu trong quá khứ và trong 30 năm qua, đã cho chúng ta một cái nhìn tổng thể về những truyền thống mà Phật giáo Bạc Liêu đã cống hiến.
Thay lời kết
Qua hành trạng và công đức của các bậc Tiền bối Phật giáo Bạc Liêu, đã cho thế hệ hôm chúng ta nay thừa hưởng những bài học vô giá của tính nhập thế của Đạo Phật, văn hóa và tinh thần dân tộc, nhất là tinh thần “Đạo bất viễn nhân”, “Đạo – Đời đôi ngã không hai ” về sự nghiệp dấn thân phục vụ Đạo – Đời của các Ngài.
Quá khứ tốt đẹp luôn là động lực, là sức mạnh để thế hệ hôm nay và mai sau học tập, làm theo trong xu thế hội nhập sâu rộng với thế giới của đất nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong quá khứ, các bậc Tiền bối đã biết vận dụng, phát huy những gì tốt đẹp nhất của “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” vào những việc làm cụ thể, vào những giai đoạn cụ thể để đạo pháp và dân tộc có được như ngày hôm nay.
Hội thảo Kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính là dịp để chúng ta, những người đi sau thể hiện hai chữ “Tri ân” đối với các bậc Tiền bối. Như đã trình bày ở trên, trong xã hội càng văn minh tiến bộ, hành trạng và công đức của các bậc Tiền bối là luôn tấm gương để chúng ta soi rọi. Các bậc Tiền bối đã để lại cho chúng ta một tâm gương sáng, tầm cao của bề rộng tri thức phù hợp với thực tiễn xã hội đương đại, nhất là sự uy nghiêm, chân tình, nhạy bén với cái mới của người đi trước. Một câu chuyện cảm động của cách đây 700 năm, câu chuyện về “Thần thuồng luồng” đã vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp mà không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới có được. Người đi trước sống vì đạo lý lớn, không màng công danh phú quý mà chỉ tâm niệm sao cho ích nước lợi dân. Hiểu được lòng người đi trước, quý trọng nhân cách của người đi trước, để tri ân người đi trước, người đi sau sẵn sàng đáp ứng những đề nghị dù nguy hiểm đến mấy cũng không từ nan.
Cuộc sống hôm nay có khác với giai đoạn lịch sử trước đây, nhưng nhân cách và tri thức của các bậc Tiền bối luôn tác động trực tiếp và sâu sắc đến nhân cách sông của mọi người chúng ta. Nói cách khác, phát huy tốt “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” mà Tiền nhân đã tốn rất nhiều công sức, trí huệ tạo dựng, trân trọng những công đức của Tiền nhân để lại là sự tri ân cần thiết của toàn xã hội, của tất cả chúng ta, là một sự ứng sự hợp đạo lý của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam. Văn hóa tri ân tỏa sáng, chắc chắn đạo pháp và dân tộc sẽ mãi tỏa sáng.
Chú thích:
(1) Trần Kim Túc, tên thường gọi là Chủ Chọt, sinh năm 1887 trong một gia đình tiểu điền chủ, tại làng Ninh Thạnh Lợi, quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay là xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu)
(2) Mười Chức sinh năm 1897 trong một gia đình nông dân, tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, )nay là thị trấn Gía Rai, huyện Giá Rai).
Tài liệu tham khảo:
– Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Viện Triết học, NXB KHXH, Hà Nội 1991.
– Lược khảo Phật giáo Việt Nam, Thích Mật Thể, Sài Gòn 1974.
– Lược sử Phật giáo Việt Nam, Thích Minh Tuệ, TP Hồ Chí Minh 1993.
– Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, NXB Văn học, Hà Nội 2000.
– Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, Thích Đồng Bổn chủ biên, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2002.
Các website
Cập nhật ( 27/09/2014 )