Sống với tỉ số thiền
* Nguyễn Văn Tuấn Sự học lúc nào cũng làm cho chúng ta khiêm tốn hơn. Khi mới tốt nghiệp tú tài II (bây giờ là trung học phổ thông), tôi nghĩ mình đã thấu hiểu kim cổ, nhưng khi lên đại học chỉ qua vài bài giảng tôi mới thấy mình chẳng biết gì sâu sắc cả. Khi tốt nghiệp đại học, tôi nghĩ mình đã là một người có hiểu biết hay “trí thức”, nhưng thầy tôi bảo tốt nghiệp đại học chỉ mới đánh dấu một giai đoạn “trưởng thành.” Đến khi vào học tiến sĩ tôi hăm hở sẽ chinh phục và giải quyết vấn đề của thế giới, nhưng sau bốn năm rèn luyện và tốt nghiệp, tôi càng thấy mình rối rắm, nếu không muốn nói là mụ mị hơn! Thế mới nghiệm ra một chân lí rằng bể học rất mênh mông, càng học càng thấy mình chưa đến bờ bến. Nhưng cái lợi ích rất hay của việc học hành (và giáo dục nói chung) không phải chỉ là trang bị kiến thức mới, mà là làm cho chúng ta nhận thức ra những thiếu sót và yếu kém của mình. Thế nhưng trong thực tế, ít ai nhận ra yếu kém của mình. Ngược lại, người có học thường tự đánh giá mình quá cao. Họ thường tự xem mình là trung tâm của thế giới, là tài giỏi hơn mọi người chung quanh. Vì quá bận tâm với cái tôi, đến những sở thích, mong muốn cá nhân, và có khi tự huyễn hoặc mình, họ trở thành những người vị kỉ, thậm chí narcissistic. Nhưng cuộc sống là một hàm số khổng lồ mà trong đó mọi cá nhân phải phụ thuộc vào nhau và với nhau để tồn tại, nên tự huyễn hoặc mình quan trọng hơn người khác là một điều rất hoang tưởng. Theo tôi, vấn đề không phải là ai quan trọng hơn ai, nhưng là mình có thể đóng góp gì cho xã hội, có thể đem lại phúc lợi gì cho cộng đồng để cuộc cuộc sống có ý nghĩa hơn và chất lượng sống cao hơn. Tôi muốn đề nghị rằng ý nghĩa của cuộc sống và chất lượng sống qua lăng kính của tỉ số thiền hay còn gọi là Zen ratio. Thiền là một ý tưởng chủ đạo trong giáo huấn của Khổng Tử, đề cập đến những lòng nhân đạo và điều tốt lành làm nền tảng của những mối liên hệ giữa các cá nhân trong xã hội. Theo Khổng Tử, người thiền là người không chỉ muốn thiết lập chí khí cho riêng mình, nhưng cũng thiết lập chí khí cho người khác. Hiểu theo nguyên lí này, người thiền là người mang phúc lợi cho người khác và không làm điều gì gây tổn hại đến người khác. Từ đó, tỉ số thiền có thể định nghĩa là tỉ số của những phúc lợi trên những tác động tiêu cực trong mỗi việc làm của chúng ta. Tử số của tỉ số thiền là những việc làm đem lại tác động tích cực, và mẫu số là những tác động không tích cực, thậm chí tác hại đến người khác. Có thể xem tỉ số thiền như là một tiêu chí để chúng ta quyết định hành động mỗi ngày. Câu hỏi “tôi có nên viết bài báo này hay không” có thể trả lời bằng tác động tích cực và tiêu cực của bài báo. Tác động tích cực có thể là những lời khuyên cho các bạn đọc sống tử tế hơn, nhưng tác động tiêu cực có thể là bài báo sẽ làm cho một số bạn đọc không hài lòng, thậm chí tức giận. Nhưng bất cứ việc làm nào cũng có hai mặt: tích cự và tiêu cực, nên không khi nào chúng ta có thể đạt tỉ số thiền bằng 0. Nhưng nếu tỉ số thiền của bài báo trên 10 thì tôi nghĩ việc làm của tôi có ý nghĩa. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng mỗi tuần một cá nhân làm được 5 việc với tỉ số thiền trên 10 thì người đó sẽ là một người hạnh phúc và cuộc sống có ý nghĩa hơn. |