SỐNG CÓ NHÂN CÁCH SẼ DẪN ĐƯỜNG CHO TA BIẾT TÌM ĐẾN NHỮNG GÌ ĐỂ HỌC TRỞ THÀNH NGƯỜI LIÊM CHÍNH * Trần Đỗ Liêm Giáo dục liêm chính cho một con người, cho một thế hệ là đòi hỏi tối cần thiết, nó không kém gì việc giáo dục kiến thức văn học, khoa học kỹ thuật, kinh tế…nếu không muốn nói phải là bài học đầu tiên trước các bài học kia. Tôi cho rằng: “một gia tộc có truyền thống văn hóa thì gia tộc đó chắc chắn sẽ có những người thành đạt; trong khi một gia tộc có người đại phú (giàu có) chưa chắc đã có người đại phú thứ hai”. Như vậy xây dựng một gia đình, một dòng họ và rộng ra một cộng đồng, một dân tộc giàu có về văn hóa, chắc chắn ở đó sẽ sản sinh cho ta nhiều người thành đạt. Nước Mỹ giàu có, người Mỹ có nhiều nhà khoa học nổi tiếng được nhận giải Nobel nhưng 80% nhân tài trong số đó được sinh ra ở các châu lục có bề dày văn hóa lâu đời như Âu châu, Á châu. Và người Mỹ cũng đang cố gắng xây dựng cho mình một bản sắc dân tộc riêng mặc dù họ là hợp chủng quốc. Ở Việt Nam chúng ta không thiếu những dòng tộc, những vùng đất giàu truyền thống văn hóa, trong mọi thời đại họ đều cống hiến cho quốc gia những Danh nhân tài ba xuất chúng như dòng Họ Lý, Họ Trần, Họ Hồ, Họ Lê… Còn vùng đất Hưng Hà, Thái Bình sản sinh các Vua Trần, Bác học Lê Quý Đôn; Thanh Hóa, Nghệ An sinh ra Vua Lê, Vua Hồ, danh sĩ Họ Phan… Khi nghiên cứu một cách cẩn trọng, tôn trọng lịch sử và sự thật, có thể kết luận trên 80% Danh nhân nổi tiếng của đất nước thường xuất thân từ những gia tộc, vùng đất có truyền thống văn hóa cao… Một khía cạnh nữa rất quan trọng là khi ta nghiên cứu các danh nhân (văn hóa, doanh nhân, chính trị gia…), ngoài những chuyên môn khác nhau như khoa học kỹ thuật (Hồ Hán Thương, Lê Quý Đôn) võ tường (Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải…) văn tường (Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thiếp…) chính trị gia (Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông, Lê Lợi, Quang Trung…) doanh gia (Trịnh Văn Bô, Bạch Thái Bưởi…) họ đều có những điểm chung như liêm chính, nhân ái họ có nhân cách, đạo đức cao vời. Đấy là những danh nhân nổi tiếng đất nước; trong cuộc sống thường ngày thời nào chung quanh ta cũng có những tấm gương nhân ái, liêm khiết, chính trực ở tất cả các cấp độ giai tầng xã hội. Trong thời đại chúng ta đang sống hiện đã có rất nhiều bài báo, tham luận, nghiên cứu cảnh báo sự xuống cấp của đạo đức con người, khi chủ nghĩa “đồng tiền” đang thăng hoa ngự trị trong xã hội, thì ta vẫn chứng kiến hàng ngày có biết bao tấm gương hiến đất làm trường học, làm đường đi, có nhiều người suốt cả cuộc đời lấy công việc làm từ thiện là nguồn vui, là hạnh phúc của họ. Có người bỏ qua mặc cảm cản trở của các thế lực chống đối cực đoan vận động tài chính từ nước ngoài đem về giúp đỡ người tàn tật cô đơn nghèo khó, lại có biết bao tấm gương bán bánh mì, giúp việc nhà lấy tiền ăn học thành kỹ sư, tiến sĩ… Dù mỗi việc làm có ý nghĩa khác nhau nhưng họ đều xuất phát từ tấm lòng liêm chính đạo đức căn bản của dân tộc Việt Nam được hình thành qua hàng chục thế kỷ. Là một người không may mắn trong cuộc sống ngay từ tuổi ấu thơ; nhưng may mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống bề dầy văn hóa giữa quê lúa Thái Bình – Quê hương phát tích các vua Trần, nhà bác học Lê Quý Đôn, tôi có được hành trang căn bản trong suốt quá trình tìm kiếm giá trị đích thực cho mình, cho gia đình và gia tộc, những người cùng đơn vị, bạn bè và người hâm mộ. Tôi không có may mắn “học một lèo từ vỡ lòng tới đại học”. Hành trình thu nạp học vấn của tôi luôn xen kẽ: nhà trường – gia đình – chiến trường – nhà tường – cơ quan – công ty – nhà trường – công ty – các hội thảo – công ty – các tổ chức xã hội, chính trị… Hành trình này tuy vất vả gian nan nhưng những điều tiếp thu được trong thực tế và học vấn ở nhà trường luôn bổ sung cho nhau, giá trị thực tế từ học vấn giúp ngay cho việc tổ chức SXKD của công ty tăng nhanh. Ngược lại kiến thức thực tế giúp cho tôi 2 lần bảo vệ luận án, nhiều lần thi lấy bằng, chứng chỉ đều đạt loại giỏi. Từ thực tế học tập – công tác, giảng dạy, truyền đạt… của gần cả cuộc đời mình, tôi rút ra mấy vấn đề xin được mượn diễn đạn dự án Giáo dục Liêm chính cho thanh thiếu niên Bến Tre – P/141 chia sẻ để quý vị tham khảo: – Trước hết muốn thành công trong cuộc sống một cách bền vững lâu dài và có giá trị lan tỏa và để lại tấm gương cho hậu thế, thì cần phải có: 1/ Nhân cách. 2/ Hiểu biết tường tận vấn đề. 3/ Dùng sự hiểu biết đó làm ra lợi ích vật chất tinh thần cho bản thân gia đình và xã hội một cách liêm chính. Tài năng con người rất khác nhau về cấp độ nghề nghiệp, có người “Vụng chèo, khéo chống” có người “Vụng tay, hay mắt” có người “Nói giỏi, làm dở” có người “Văn võ song toàn”, người “Có bàn tay vàng”, có người có “Bộ óc ngọn đèn trăm nến” vv và vv… Như vậy thì khi phân lớp, phân nhóm học cần lựa chọn sao cho có sự đồng dạng; đến khi giảng dạy, thăm quan, ngoại khóa, nghe giảng… phải hướng dẫn sao cho mỗi người có thể tiếp thu được nhiều nhất trong chuyến đi, buổi học đó. Mỗi một lứa tuổi, một trình độ cần có yêu cầu, mục tiêu khác nhau; khi đến cùng một địa danh, một sự kiện người hướng dẫn nên hướng các em tập trung vào hai vấn đề chính. 1/ Triết lý (ngày nay gọi là lý do) để làm việc đó (đó là nguyên tắc chung ai cũng cần tìm hiểu). 2/ Các khía cạnh của vấn đề đó (nghệ thuật, thẩm mỹ, giá trị lịch sử, văn hóa, vị trí xây dựng, tâm linh, giá trị tinh thần, vật chất…), tùy theo ý thích hay mục tiêu nghiên cứu của mỗi người, phải tự tìm hiểu sâu từng khía cạnh mà mình quan tâm. Bởi vì mỗi con người một số phận, tục ngữ có câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, trong một gia đình mỗi người cũng có cá tính khác nhau. Người cùng sinh một năm nhưng ngày tháng, giờ sinh khác nhau, xuất thân trong các gia đình mang một giá trị văn hóa khác nhau (miền Bắc, miền Trung, miền Nam, miền núi, đồng bằng, hải đảo, con nông dân, con quan chức, con thương gia, con thầy giáo, con bác sĩ…) do sự ảnh hưởng của gia đình từ lúc còn nhỏ đến khi ra đời có sự suy nghĩ khác nhau rất lớn, đó là chưa chưa kể “đất nào” “người đó”, di truyền (hay hiện đại gọi là Zen…) do đó mỗi người sẽ hình thành tính cách khác nhau. Tuy triết lý văn hóa của người Việt Nam mong muốn đề cao sự liêm chính- tức là trong sạch, không tham lam, không tham địa vị, nghĩa là không ngang ngửa, không tà, thẳng thắn đúng đắn… song hiểu là một chuyện còn việc thực hành là chuyện khác, khó khăn hơn. Con người trong phần “con” thường mang trong mình các tính xấu như “tham, sân, si”, do đó trong giáo dục hình thành nhân cách cần phải làm sao hướng cho bản thân mỗi người tự tìm ra cách hạn chế các yếu điểm của mình. Tôi đã dùng sự hiểu biết từ triết lý của Đức Phật để xử lý vấn đề của mình, với con cháu, người thân thiết và cán bộ nhân viên, công nhân dưới quyền. Tôi đã nói với họ “hãy ham làm giàu nhưng không tham lam,” bởi có ham mới có động lực để làm, còn tham lam là chỉ muốn lấy cái không phải của mình không do mình làm ra, không thuộc phần của mình. Từ trong sách sử, trong cuộc sống của mình, quanh mình tôi đã chứng minh cho họ bằng thực tế rằng của do tham lam mà có thì không bền, khi có được nó, ta bị nô lệ cho nó, làm cho tâm ta không bao giờ thảnh thơi… Ông cha ta có triết lý sống “Trăm đường tránh chẳng khỏi số” nhưng lại dạy chúng ta “Tận nhân lực mới tri thiên mạng” con người có số mạng, nhưng nếu không tận nhân lực thì số mạng không tới. Triết lý căn bản của nhà Phật (tôi rất tâm đắc) tôi thường dùng trong ứng xử hàng ngày và truyền sang cho con cháu, bạn bè đó là quy luật “nhân và quả”, hiểu thấu triệt gốc rễ luật nhân quả làm cho người ta giảm đi sự thù ghét ganh tị hãm hại lẫn nhau mà yên tâm thực hành sống liêm chính, tạo cho mình có nhiều thời gian hứng khởi, giảm thời gian strees không cần thiết; từ đó có nhiều điều kiện khám phá, sáng tạo hơn. Tại sao người ta nói “ngu ngơ như nhà thơ” thực ra nhà thơ không ngu ngơ mà họ đang bỏ qua những sự kiện đang diễn ra trong cuộc sống để tập trung trí tuệ vào việc sáng tạo những câu thơ, bài thơ hay, hoặc “bác học đãng trí ” thực ra bác học không đãng trí mà họ tập trung tối đa trí não của mình vào vấn đề chính mà họ đang nghiên cứu, những vấn đề khác họ không để ý tới vì vậy họ “đãng trí” với vấn đề khác mà thôi. Vì con người có số phận khác nhau, còn nói theo khoa học đã giải mã một phần đó là có Zen khác nhau cho nên năng khiếu, nghề nghiệp, vị trí xã hội khác nhau, chính vì vậy cách tiếp cận để sống liêm chính cũng khác nhau. Theo tôi kỹ năng, phương pháp sống, làm việc liêm chính đều do tiếp thu qua quá trình học tập từ: 1/ Cha mẹ, anh em (học từ nhỏ trong gia đình, do gia đình trực tiếp chỉ dạy hoặc tự học gương cha mẹ anh em trong nhà). 2/ Học từ người xung quanh (việc học này chầm chậm, ngấm vào qua bề dày thời gian kiểu “mưa dầm thấm lâu”. 3/ Học từ thầy cô (học trong trường thời gian ngắn, nhưng có trật tự theo logic) song không phải là kiến thức dùng cho cả đời và cho mọi tình huống, đó chỉ là kiến thức cơ bản để tiếp thu kiến thức từ các kênh khác qua thời gian, bổ sung hoàn thiện và có tính hữu ích trong cuộc sống. Do vậy, theo tôi nhà trường không nhất thiết và đặt quá nhiều tham vọng kết quả tức thời ở đối tượng giáo dục là học trò; chủ yếu cần cung cấp cho trò kiến thức cơ bản, sự gương mẫu của thầy, môi trường thực hành những kiến thức đã học… làm cơ sở cho trò tiếp thu, xử lý các thông tin, kiến thức, thực hành… không chỉ trên ghế nhà trường mà trong suốt cả cuộc đời làm việc của mình. Chúng ta đều biết, nhân cách hình thành qua hai yếu tố chính; – Bẩm sinh (do trời) số phận (gia đình) – Môi trường tiếp xúc làm việc (trong cơ quan, người mà đối tượng trực tiếp ảnh hưởng dẫn dắt qua thời gian dài, vì vậy ông cha ta có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, “Nghề nào bạn ấy”, “Ngưu tầm ngưu, Mã tầm mã”, “Hợp tuổi hợp mạng”… rõ ràng sự hình thành nhân cách liêm chính có sự phụ thuộc, ảnh hưởng lẫn nhau giữa những con người có liên quan với nhau trong một cộng đồng, một gia đình; đây là điều rất quan trọng. Vì vậy khi xây dựng giáo trình, đề cương, yêu cầu, phương pháp truyền đạt…giáo dục về chủ đề Liêm chính sao cho hiệu quả là vấn đề tối quan trọng, hiệu quả từ cách tiếp cận, cách truyền đạt sao cho có dấu ấn “nói ít hiểu nhiều”, “nói và làm”. Trong trường hợp này, tôi ghi nhận và đánh giá cao cách tiếp cận của Hội thi thiết kế bài giảng, ngoại khóa giáo dục liêm chính cho thanh thiếu niên Bến Tre và mong rằng các trường học của chúng ta nên có cách tiếp cận và tiến hành giáo dục đạo đức cho học sinh sinh viên bằng sự khám phá, đưa ra hình thức tương tự và sáng tạo hơn để chuyển tải những nội dung giáo dục quan trọng khác như sống cần kiệm, làm việc chí công, hành xử vô tư… theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu! Khi có nhân cách sống tốt dẫn đường người ta sẽ biết tìm những gì để học để nghiên cứu để sáng tạo làm đẹp, làm tốt cho bản thân và cho xã hội. Thời trai trẻ tôi luôn ảnh hưởng bởi tấm gương của ông cha, dòng tộc, bởi lời khen mọi người giành cho Ông bà, Chú, Bác, Cha Mẹ mình vì vậy tôi đã rèn luyện cho mình ý chí, luôn làm những việc mình cho là tốt đẹp để “không bao giờ thẹn với Cha, Ông”. Để kết luận bài viết này tôi xin kể một việc nhỏ như sau: Vào thời khắc khi cuộc đời tôi (và cả gia đình tôi) trong những ngày lầm than đói khổ nhất, Cha đã dậy tôi (ông chỉ nói có một lần): “Giấy rách phải giữ lấy lề, con ạ”. Chính câu nói đó nuôi dưỡng tinh thần nhân cách đạo đức của tôi ngót nghét sáu chục năm qua, để đến hôm nay tôi luôn ngẩng cao đầu (không hổ thẹn) mà tiếp nhận lòng yêu mến ngưỡng mộ của nhiều người ở các lứa tuổi dành cho mình, danh hiệu: “Doanh nhân – Nhà thơ – Nhà báo.” Thiết nghĩ, lời dạy ấy là một bài học lớn cho hôm nay và cả mai sau, điều làm tôi mãn nguyện là lời dạy của cha tôi đã được các thầy cô giáo, học sinh sinh viên Bến Tre tìm đếm trong khuôn khổ Hội thi thiết kế bài giảng, ngoại khóa giáo dục liêm chính cho thanh thiếu niên Bến Tre; đây chính là nơi truyền cảm hứng cho tôi viết bài chia sẻ này với các bạn… |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com