SOẠN GIẢ TRỌNG NGUYỄN – NGHỆ SĨ TÀI HOA VÙNG ĐẤT PHƯƠNG NAM * Ngọc Diễm Vùng sông nước Cửu Long là mảnh đất màu mỡ không chỉ cho cây lúa nặng hạt, hoa trái trũi cành mà còn là chiếc nôi nuôi dưỡng nền nghệ thuật đờn ca tài từ, cải lương Nam bộ hơn một thế kỷ qua. Từng thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân đã gìn giử vốn qúi của dân tộc, vừa tôn tạo, bổ sung để thế hệ hôm nay có một kho tàng tác phẩm sân khấu cải lương và nhiều điệu thức khác mà tiêu biểu là bài vọng cổ . Bên cạnh đó rất nhiều tên tuổi làm rạng danh cho nghệ thuật cải lương Nam bộ. Trong đội ngũ soạn giả ở Đồng bằng sông Cửu Long được công chúng yêu thích phải kể đến nghệ sĩ Trọng Nguyễn, người con của quê hương Cà Mau hiện đang sinh sống tại thành phố Bạc Liêu tỉnh Bạc Liêu.
Dấu chân anh đã bước qua thời kỳ chiến tranh ác liệt và giai đoạn khó khăn của những năm đầu khi đất nước vừa thống nhất . Ký ức xa xưa về những oan trái, trắc ẩn , nghiệt ngã, rối rấm hay hạnh phúc thăng hoa, kiêu hảnh ,tự hào… của từng giai đoạn lịch sử hay mỗi cuộc đời được anh ghi lại trong tác phẩm của mình… TÀI NĂNG THIÊN PHÚ Hơn 30 năm qua các chương trình ca cổ nhạc, sân khấu trên sóng Phát thanh- Truyền hình từ trung ương đến địa phương đã sử dụng rất nhiều vở cải lương và bài ca vọng cổ của soạn giả Trọng Nguyễn, đặc biệt là vọng cổ đã đi vào lòng công chúng bởi giai điệu ngọt ngào và những ca từ sâu lắng cảm xúc, gần gũi với mọi người nên họ yêu thích và hát được nhiều bài của anh. Ở Nam bộ có hàng trăm người sáng tác lời cho bài vọng cổ nhưng phổ biến rộng rãi trong đồng bào nông thôn vùng sông nước Cửu Long phải kể đến soạn giảTrọng Nguyễn. Anh sinh 1938 ở cánh đồng Bìm Bịp thuộc xã Quách Phẩm huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau trong một gia đình nông dân nghèo, anh có may mắn được học chữ và học nhạc trong thời kỳ khó khăn của đất nước khi giặc Pháp còn đô hộ, vừa học vừa chạy giặc, tránh bom nhưng anh rất sáng dạ học đến đâu nhớ đến đó và nhớ rất lâu. Năm 1954 anh được 16 tuổi thoát ly gia đình đi kháng chiến. Anh bộ đội Cụ Hồ đàn hay, hát giỏi đã lọt vào mắt của cán bộ ngành Tuyên huấn của tỉnh Cà Mau nên anh được “rút”về đoàn văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau năm 1961 phụ trách Bí thư Chi đoàn kiêm diển viên. Vai diển đầu tiên của anh là Ông Tư trong vỡ “Ba Gật” của tác giả Nguyễn Hải Tùng , có thể nói từ vai diển nầy là “nét” đầu tiên trên bức tranh cuộc đời nghệ thuật của anh . Phục vụ tại đoàn Văn Công được vài năm, anh lại về phụ trách phòng Văn Hóa huyện Đầm Dơi , đây là điều kiện cho anh thâm nhập thực tế, quan sát, thu thập nhiều thông tin và những câu chuyện kể về vùng đất anh hùng, những người con kiên trung bất khuất trong giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Những tấm gương yêu nước sáng lòa , sự hy sinh thầm lặng của biết bao người con trung hiếu, quyết bảo vệ chính nghĩa đã tác động mạnh mẽ vào tình cảm, trách nhiệm của anh, anh muốn những con người đáng trân trọng đó sống mãi với thời gian, thế là anh nhem nhóm ước mơ sáng tác. Bước đầu anh gặp rất nhiều khó khăn bởi chưa được đào tạo qua trường lớp, chỉ học theo những người đi trước và công việc hàng ngày của người diển viên . Biết những hạn chế của bản thân anh nỗ lực hết mình, đầu tiên anh sáng tác những bài ngắn, dần dần anh rút kinh nghiệm từ những vở hay của các tác giả tên tuổi và các vai diễn đó đã truyền cho anh những cảm xúc rất thật làm động lực cho anh. Do tài năng bẩm sinh anh viết rất khỏe và khá chuẩn các điệu thức, thể hiện sự khác biệt giữa các cung bậc cảm xúc “hỉ, nộ, ái, ố” được các bậc đàn anh đánh giá, khen ngợi. Từ đó anh tự tin hơn, cố gắng nhiều hơn để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm hay. CA TỪ CŨNG LÀ GIAI ĐIỆU CỦA TRÁI TIM Tính từ ngày anh cầm bút sáng tác đến nay đã trên 50 năm vậy mà anh vẫn còn nhớ rất rõ những “nguyên mẫu” của các vở cải lương, đó là những con người có thật , họ là các vị anh hùng trong lịch sử, là những bà mẹ quê chân lấm, tay bùn, là những trái ngang trong một gia đình giữa đôi bờ chiến tuyến, là những người con ưu tú quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh …anh đã góp nhặt, chắc lọc đưa vào tác phẩm. Đó là những nhân vật đại diện cho nhiều mặt đời sống chính trị,xã hội, cái thiện, cái ác và những điều cao cả được anh gắn vào từng số phận và xây dựng cốt truyện logic, chặt chẽ mang thông điệp : khát vọng hòa bình, độc lập tự do, công bằng, bác ái…là con đường dẫn đến giải phóng con người. Từ đó anh chọn lọc hết sức tinh tế những ca từ để diển đạt, minh họa…làm nỗi bậc chủ đề tư tưởng và từng số phận trong tác phẩm. Năm 1971 anh về đoàn Văn Công Khu Tây Nam bộ nhận nhiệm vụ Chính trị viên của đoàn kiêm Bí thư Chi bộ cho tới ngày miền Nam hoàn giải phóng. Năm 1975 đơn vị Khu giải thể anh trở về công tác tại đoàn Văn Công Giải phóng tỉnh Cà Mau. Năm 1976 khi đơn vị đã đi vào nề nếp, anh bắt tay vào hoàn chỉnh tác phẩm “Giọt máu oan cừu” và công diễn tại thị xã Cà Mau được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt, lần đầu tiên họ được thưởng thức cải lương cách mạng, đối với họ mới lạ, tích cực hơn những vở tuồng tình yêu lãng mạn, bi lụy mà họ đã từng xem thời trước. “ Giọt máu oan cừu” là tác phẩm đầu tiên khi anh bắt đầu sáng tác cải lương, anh viết tại Kinh Ba xã Quách Phẩm trong lúc đi thực tế ở cơ sở, đây là vở diễn có tiếng vang lớn . Nhiều diễn viên đạt huy chương vàng từ vở diễn nầy như các nghệ sĩ ưu tú :Minh Đương, Minh Hoàng, Minh Sang và nhiều diển viên khác của Cà Mau trong các lần Liên hoan sân khấu toàn quốc. Nhiều nhân vật trong vở “Giọt máu oan cừu” là con người có thật như : anh Luân là tá điền của địa chủ Kinh ở Bờ Đập, vợ anh Luân mang thai thèm cá lóc nấu canh chua, anh vô điền kiếm cá cho vợ bị từng khạo bắt tra khảo cho đến chết. Bảy Thép người ở miệt Bảy Núi rất giỏi võ nghệ , xuống dạy võ ở Khánh Bình huyện Trần Văn Thời, ông rất khẳng khái, thương người thế cô nên thường ra tay hào hiệp vv…Đạt được thành công bước đầu anh “đầu tư” cho các vở tiếp theo như “Bóng biển” “Rừng thần” “Tình sử Thiên ZaNa”…Mỗi tác phẩm đều chứa đựng chiều sâu nhân nghĩa, cái thiện cảm hóa cái ác, đề cao trí tuệ của người Việt trong quá trình giữ nước. Dù đề tài lịch sử mang màu sắc chính trị nhưng dưới góc nhìn nhân văn Trọng Nguyễn đã làm “mền mại” những nhân vật “thép” bằng nghệ thuật. Tình yêu trong tác phẩm của anh là những giọt nước mát lành, là vị ngọt của mật, hương của hoa…chứa trong đó lòng nhân ái, thủy chung, hóa giải những oan khiêng, nghiệt ngã để cùng nhau tìm về chân lý. Có lẽ Trọng Nguyễn “lồng nghép”tài tình giữa cương và nhu, hài hòa “đậm-nhạt” để giải quyết mâu thuẩn cho nên người thưởng thức cảm nhận được sự hợp lý, hợp lòng càng mến mộ tài năng của anh. Cứ thế 20 vỡ Cải lương lần lượt ra đời. Đồng chí Trường Chinh lúc giử chức Chủ tịch Hội đồng Nhà Nước (thập niên 80 thế kỷ XX) đến thị xã Bạc Liêu tỉnh Minh Hải để chỉ đạo chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp, đã xem vỡ cải lương “Giọt máu oan cừu”, ông đánh giá cao vở viễn và khen ngợi tác giả rất nhiều, sau đó Chủ tịch gặp riêng Trọng Nguyễn, góp vài chổ. Anh hết sức cảm phục và biết ơn sự sâu sắc của cụ Trường Chinh , sau nầy những chổ được cụ góp ý đã trở thành những chi tiết “đắc” của vở diễn. Trọng Nguyễn chia sẻ. Người Cà Mau, Bạc Liêu nói riêng và miền Tây nói chung rất mê ca cổ, nhiều người còn khẳng định: Sau tác giả Viễn Châu là Trọng Nguyễn! bài hát của 2 ông dể nhớ, dể ca mà ca rất mùi, càng ca càng thấy hay . Còn đối với 2 con người tài hoa nầy mỗi người nhường nhau một bước. Nghệ sĩ nhân dân Viễn Châu cho rằng “Tôi chắc tay về đề tài lịch sử và điển tích nhưng không bằng Trọng Nguyễn về đề tài kháng chiến”. Nghệ sĩ Trọng Nguyễn thì bảo rằng “Tôi có thể viết nhiều mãn đề tài nhưng điển tích và lịch sử thì không thể nào bằng soạn giả Viễn Châu được”. Đây là những lời chia sẻ khi “trà dư tửu hậu” chứ thực ra 2 soạn giả nầy đã được công chúng thẩm định nhiều thập kỷ qua và tác phẩm của 2 ông đã trở thành vốn văn hóa của nước nhà rồi. SAY MÊ VÀ NGẪU HỨNG Công việc sáng tác của anh không theo một quy trình, sự sắp đặt nào hết mà hoàn toàn do cảm xúc chi phối, quyết định. Anh cho biết có những bài ca cổ anh viết chưa đến 60 phút, cũng có khi ấp ủ chủ đề 20 năm mới viết xong Bài viết nhanh nhất là “Chợ Mới” chỉ một tiếng đồng hồ, còn bài “ Đò chiều Tô Châu” ra đời trong hoàn cảnh khá đặc biệt, anh đến Hà Tiên tối hôm đó khách sạn cúp điện nhưng sự thôi thúc từ một chuyến đò ở bến Tô Châu, anh viết trong đêm tối trên trang giấy học trò bằng “ký hiệu”, sáng hôm sau những “ký hiệu” đó trở thành những ca từ đẹp và hết sức trử tình, Còn bài “Ơn Đảng” anh nhớ lại : Khi tôi được đứng vào hàng ngũ của Đảng lòng trào dâng niềm xúc động , biết ơn Bác Hồ và nhiều thế hệ cách mạng đi trước. Tôi muốn viết một bài để bày tỏ niềm cảm xúc đó nhưng tìm chưa ra cái “mạch”. Hai mươi năm sau, ngày hòa bình tôi về quê đứng trước mộ mẹ mình tôi bật khóc …thế là bài “Ơn Đảng” ra đời. Một lần anh nghe người bạn kể về sự dũng cảm của nữ du kích Nguyễn Thị Tư ở xã Châu Hưng huyện Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu, lần theo lời kể anh tìm đến căn nhà lúc chị hy sinh, gặp bà Hà người chứng kiến giây phút quyết tử của chị Tư , bà Hà nói “ bọn lính hằn hộc: Chồng mầy đâu, đồng đội của mầy đâu? Tư dõng dạt trả lời và mắng và mặt bọn phản dân hại nước, họng súng đen ngòm chong vào chị, chị vẫn ung dung cho bé Mỹ Linh bú, chị biết đây là những giọt sửa cuối sau cùng của chị cho con. Súng nổ, Nguyễn Thị Tư ngã xuống! đứa bé khóc thét bên bầu sửa mẹ … Nước mắt anh chảy dài theo lời kể và anh tái hiện cảnh tử biệt sinh ly của chị Tư với cháu Mỹ Linh bằng bài ca cổ “ Giọt sửa cuối cùng” làm biết bao trái tim phải rưng rưng cảm động . Bài “Giận hờn” anh “trả đủa” lời bình phẩm của mấy cô thôn nữ đến coi mặt “ông Trọng Nguyễn” khi anh đi cùng đoàn kiểm tra công tác văn hóa của tỉnh Minh Hải tại xã Mỹ Điền huyện Hồng Dân. Nghe một cô bình phẩm :Ông Trọng Nguyễn đen thui, già khú hà tụi bây ơi! Thế là đêm đó anh đưa vào bài ca “Giận hờn” một đoạn : nước da đen là nước da lãnh đạo, đen trắng gì anh cũng của em! Bài ca ấy trở thành tâm điểm của các cuộc đờn ca, giao lưu văn nghệ của tỉnh Minh Hải ngày trước. “Quê anh, quê em” “Người mẹ và sân chim” “Nữ kiện tướng Đầm Dơi”…mỗi bài đều có “lý lịch” riêng của nó. Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, Phương Bình, Thanh Tuấn , Minh Vương, NSND Lệ Thủy … trình bày rất thành công những bài trên. Trải qua hơn 3 thập niên đến nay vẩn còn được khán, thính giả yêu thích. Bản thân các nghệ sĩ nầy cũng rất hạnh phúc khi thể hiện bài của soạn giả Trọng Nguyễn, họ có nhận xét chung : tác giả Trọng Nguyễn viết rất mượt mà, sâu sắc, ca từ đẹp, nội dung sút tích, có hồn nên nghệ sĩ dễ thể hiện. Nhiều nghệ sĩ nổi danh nhờ những bài hay của soạn giả Trọng Nguyễn . SỐNG MÃI TRONG LÒNG CÔNG CHÚNG Cuộc đời anh gắn liền với sự nghiệp sáng tác, những đứa con tinh thần của anh được “hoài thai” và nuôi dưỡng bằng những cảm xúc hết sức mãnh liệt, dù thời gian bao lâu và trong hoàn cảnh nào nhưng khi chào đời đã được công chúng đón nhận một cách trân trọng. Ngoài tài năng bẩm sinh nghệ sĩ Trọng Nguyễn không ngừng trao dồi kỹ năng sáng tác, bổ sung kiến thức và sống hết mình với nghệ thuật, với bạn bè, đồng nghiệp. Anh luôn hạnh phúc khi những giai điệu, ca từ được anh chắc lọc cứ vang lên khắp mọi nơi từ thành thị đến vùng xa xôi hẻo lánh, người ta hát như gởi gắm tâm tư của mình bởi mỗi câu, mỗi bài đều có một phần riêng tư của người hát trong đó. Ngoài 20 vở cải lương anh còn viết trên 200 bài ca cổ, đây là một phần tài sản trong số tài sản lớn của nền nghệ thuật cải lương Nam bộ nói chung mà soạn giả Trọng Nguyễn đã tích cực góp phần. Anh nghĩ hưu hơn 10 năm nay, chức vụ, quyền hành trả lại cho đời, căn bệnh tai biến đã để lại di chứng khá nặng nề buộc anh gát bút nhưng những dòng hồi ức của chặng đường dài cứ thao thức cùng anh, còn nhiều điều anh chưa viết, nên anh đau đáu trong lòng bởi món nọ ân tình anh trả chưa xong . Vì thế anh muốn chia sẻ, truyền trao cho thế hệ tiếp theo những “chất liệu” của riêng mình, chất liệu đó đã làm nên một Trọng Nguyễn lung linh trong lòng khán thính giả. Những người cầm bút sáng tác sau anh hết sức trân qúi đón nhận từ lòng đam mê, tư duy sáng tạo và cả bí quyết thành công, anh thường trao đổi với lớp đàn em: Muốn có một bài vọng cổ hay trước hết người viết phải hiểu sâu sắc vấn đề mình đề cập, sự thật trong bài ca cổ không giống một bài báo mà thông điệp đó được truyền đi bằng ngôn ngữ ẩn dụ hay nhân cách hóa để tất cả sự vật tự nó tượng thanh, tượng hình dìu dặt chất thơ. Những ca từ như thế mới chảy tràn và chạm tới tâm tư của người cảm nhận. Nghe lại những bài vọng cổ của anh chúng ta càng thấy rõ những điều ấy, nó mãi lôi cuốn người thưởng thức bởi sự sinh động, đầy màu sắc và nhiều cung bật trử tình. Có những khoảng lặng, ký ức xa xưa tràn về, hình ảnh thân thương ở đoàn ca múa Đàn chim Việt (thuộc Ty thông tin tỉn Bạc Liêu trước năm 1960) khi anh còn là cậu thiếu niên, hay nhớ lúc phải “gồng mình” đảm trách công việc khi đoàn Văn Công tỉnh mới thành lập.Vì nhiệm vụ anh trở thành biên đạo múa, người phục trang bất đắt vĩ, vậy mà đến bây giờ những đồng chí anh em cùng thời vẫn còn nhớ các điệu vũ ( múa) do anh dàn dựng như : Chúc thư Bác Hồ, Mừng hòa bình, Giải phóng quân nhập thành, Hoan hô Mặt trận ra đời, nhất là bài Hoan hô Mặt Trận ra đời do nghệ sĩ Anh Đạo viết lời trên nền nhạc bài “Tây Nguyên bất khuất” của nhạc sĩ Trần Quý được công chúng tán thưởng nhiệt liệt ( Muôn tiếng thét hoan hô! hoan hô ! khắp xa gần mừng vui ngập tràn…) Hơn nửa thế kỷ qua nhưng bài hát ấy vẩn còn lắng đọng trong lòng những người kháng chiến ở miền Tây Nam bộ. Trọng Nguyễn, một con người tài hoa, lỗi lạc trên bước đường nghệ thuật, là người đồng chí, anh em rất đổi thân thương trong đội ngủ văn nghệ sĩ ở phía Nam và nhất là 2 tỉnh Cà Mau-Bạc Liêu, anh đã góp một phần to lớn vào kho tàng nghệ thuật cải lương Nam bộ làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ở các vùng sông nước miền Tây. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com