SINH NHẬT MUỘN * Phan Trung Nghĩa Từ khi lọt lòng mẹ cho tới năm bốn mươi bảy tuổi tôi chưa từng tổ chức và cũng chưa được ai tổ chức sinh nhật cho mình một lần, và có lẽ vì thế suốt ngần ấy năm qua tôi chưa bao giờ được nghe ai chúc “sinh nhật vui vẻ”. Tôi luôn luôn quên ngày sinh của mình ngoại trừ khi phải khai các giấy tờ tùy thân, chứ đừng nói đến ý thức tổ chức sinh nhật. Việc này có rất nhiều lý do. Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê đói nghèo. Thời tôi còn nhỏ, nhà tôi chạy gạo từng lon. Ông bà, cha mẹ tôi suốt năm đánh vật với nghèo đói, không ai biết tổ chức sinh nhật tròn méo ra sao, vì thế tôi cũng quen với nếp sống không biết làm sinh nhật ấy. Tôi có vợ vào thời kỳ bao cấp, đó cũng là thời kỳ mà những người làm báo tỉnh lẻ như tôi có thu nhập không đủ nuôi thân thì lấy đâu nuôi con, nuôi vợ! Thế là suốt bảy tám năm tôi phải dẫn vợ con đi ở đậu nhà người này cho đến nhà người khác. Lúc tôi theo tỉnh dời về Cà Mau thì vợ tôi ở Bạc Liêu. Khi sinh đứa con đầu lòng, người chủ nhà cho vợ chồng tôi ở đậu giúp dẫn vợ tôi đi sinh. Đến khi tôi về thì đã “mẹ tròn con vuông”. Tôi nhìn con bé đỏ hỏn trong ngày ra đời không có cha mà ứa nước mắt. Con gái tôi suy dinh dưỡng nặng, bệnh tật liên miên. Tuần nào tôi cũng phải về chở con đi khám bệnh, bao nhiêu tiền dồn cho nó hết. Mỗi lần đau bụng nó khóc thét, vợ chồng tôi ôm nó khóc theo chớ chẳng biết làm gì. Con tôi suy dinh dưỡng nặng là do mẹ nó ăn uống không ra gì trong lúc mang bầu. Lương bổng của chồng không nhiều, cô ấy phải tự làm nuôi thân và lo sinh nở. Lúc gần sinh, vợ tôi vẫn phải xách mỗi ngày 50 đôi nước tưới giá bán. Có lúc tôi về nhìn thấy rồi đâm nhục cho thằng đàn ông của mình nên quày quả ra đi. Khi sinh đứa con gái thứ hai, tôi có ở nhà nhưng cũng lại ở đậu nhà một người khác ở Xóm Lung. Cái cảnh con nít khóc, rồi giặt tã, nằm than… được triển khai trong một căn nhà mà không phải mình làm chủ nên bị bó buộc, lung túng làm sao. Một bữa, tôi ở Cà Mau về thấy vợ mới sinh bốn ngày đã giặt đồ, còn con gái lớn tôi lúc đó mới bốn tuổi bới một tô cơm vừa ăn một cách đói khát, vừa sợ sệt ngó dáo dác xem có ai bắt gặp không. Toi ra ngoài hè ngồi khóc: Ôi con của tôi! Đến khi sinh thằng út thì tôi lại nuôi ông già bệnh ở Sài Gòn nên nó chào đời tôi cũng không có mặt. Đời tôi luôn luôn có một niềm day dứt, một nỗi xót xa tận cùng là cảm thấy có lỗi với vợ con mình. Thế là tôi bươn chải, làm ăn cật lực để lo cho các con mình lớn lên ăn học đàng hoàng. Trong niềm hối lỗi ấy, có lúc tôi không nhớ mình là ai chứ đừng nói ngày sinh. Mà có nhớ cũng không thể tổ chức sinh nhật vì đang ở đậu nhà người ta. Và cứ thế dù sau này kinh tế khá hơn, có nhà riêng tôi cũng đã quen với “nếp sống” không tổ chức sinh nhật ấy mất rồi. Bỗng dưng năm nay, sáng mùng 3 Tết, ngay ngày sinh của mình, tôi nghe điện thoại và tiếng cô điện thoại viên trong vắt: “Xin quý khách vui lòng giữ máy để nghe bài hát “Tình cha” do các con tặng cha và chúc cha sinh nhật vui vẻ”. Tôi vốn không thích bài “Tình cha”, vì âm hưởng của nó giông giống với một thứ âm hưởng nào đó. Lời bài ca thì thể hiện tình cảm của đứa con đối với cha quá lộ liễu, không sâu lắng… Thế mà buổi sáng ấy, nghe bài hát ấy, bỗng dưng tôi bật khóc. Tôi khóc vì lan đầu tiên trong đời tôi được chúc mừng sinh nhật, khóc vì tình của các con tôi. Chiều tôi về, các con tôi ra cổng đón, chúng nhìn tôi mắt lóng lánh niềm vui. Tôi xoa đầu chúng và bảo: “Cha cảm động lắm”. Nói xong, tôi quày quả ra đi vì “có thằng bạn ở Sài Gòn về đang đợi” trong sự ngơ ngác của các con tôi. Tôi chơi với bạn đến 12 giờ đêm mới về. Nhà vẫn đèn đuốc sáng trưng, vợ con tôi vẫn thức chờ. Các con tôi khệ nệ dọn ra bàn mấy cái bánh xèo mà chúng ra quán A Mật ở ngoài biển mua về làm tiệc sinh nhật cho tôi. Giữa bàn là một chiếc bánh có số 48 và hai cái biểu tượng con trâu và con chuột (con trâu – thể hiện tuổi của tôi và năm con chuột). Rồi chúng vây lấy tôi và bảo: “Chúc cha sinh nhật vui vẻ! Thổi đèn đi cha. Cha ước điều gì đi!”. Tôi lóng ca lóng cóng vụng về thổi đèn, vì run rẩy xúc động. Rồi một điều ước xuất phát từ tận đáy lòng, tôi ước rằng “mong cho các con tôi khỏe mạnh, học hành đỗ đạt, có hiếu hạnh với ông bà, cha mẹ”. Tôi kềm lòng ăn với các con mấy miếng bánh rồi đi vào phòng nằm để mặc cho những giọt nước mắt bị kiềm nén tuôn rơi. Tôi hồn nhiên cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất trên đời, và nghĩ rằng công lao nuôi nấng các con tôi, tôi chỉ cần có thế là đủ, tôi không cần gì ở chúng hơn nữa! Tôi viết câu chuyện này không phải để khen ngợi các con mình, tôi viết chỉ vì muốn gởi đến các bạn trẻ cùng trang lứa với các con tôi một thông điệp rằng: Những người làm cha như chúng tôi – những người từng bươn chải quơ quàu cực khổ để nuôi con là chúa hay dễ hồn nhiên hạnh phúc, hồn nhiên mãn nguyện. |
Cập nhật ( 16/03/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com