HÌNH TƯỢNG “KRUD” TRONG ĐỜI SỐNG NGHỆ THUẬT CỦA DÂN TỘC KHMER
* Thạc sĩ Hứa Sa Ni
Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh
“Krud” là tên gọi của người Khmer để chỉ một linh vật khó có thể tồn tại trong thế giới tự nhiên, nhưng lại xuất hiện khá phong phú trong các câu truyện thần thoại, trong những công trình kiến trúc tôn giáo. Đã từ lâu, hình tượng Krud gắn chặt trong đời sống tâm linh và đời sống thẩm mỹ của người Khmer. Được xem là vật linh, bắt nguồn từ thần thoại Ấn Độ cổ đại, Krud chính là vật cưỡi, là “con ngựa chiến” của thần Visnu – một trong những vị thần tối thượng của Bà-la-môn giáo. Người Ấn Độ gọi là Garuda.
Dựa theo truyền thuyết Ấn Độ, cũng như truyền thuyết của dân tộc Khmer, người ta biết rằng, Krud (Garuda) vốn là con của nữ thần Vin-ta. Nữ thần Vin-ta là chị ruột của nữ thần Kro-dhus. Cả hai chị em nữ thần này đều là con của thần Russey-ka-la-pas hiện thân là con Rùa. Ngay từ khi mới ra đời, mặc dù có dáng vẻ rất dữ tợn, được biểu hình bằng con chim săn mồi, có đầu người với 3 mắt và chiếc mỏ công quắp, cùng móng chân sắc nhọn của Đại Bàng, nhưng Krud đã mang thân phận của một kẻ tôi tớ, bị đày đọa, chỉ vì người mẹ bị thua cuộc trong một lần cá cược với nữ thần Kro-dhus. Và, vì thế mà giữa Krud và rắn Naga – con của nữ thần Kro-dhus, tuy là anh em họ với nhau, nhưng chưa bao giờ chung sống hòa bình, hễ gặp nhau thì luôn có xung đột. Và, Krud bao giờ cũng là kẻ chiến thắng. Một số quan niệm khác cho rằng, Krud chính là hiện thân của cái thiện, đại diện cho cái thiện để chống lại cái ác, trừng trị kẻ ác, chuyên giúp đỡ những người gặp phải hoạn nạn, khó khăn.
Có lẽ xuất phát từ ý nghĩa đó, nên khi thể hiện hình tượng Krud, các nghệ nhân Khmer thường trình bày nó trong tư thế dang đôi cánh rộng, trông như những cánh tay lực lưỡng đang nắm chặt thân rắn Naga căng ngang, dùng mỏ và chân xé xác rắn ra từng mảnh. Với oai lực của loài mãnh cầm đầy sức mạnh như vậy, mà hình ảnh Krud đã được một số nước ở Đông Nam Á dùng làm biểu tượng cho quốc gia, dân tộc mình, điển hình là Thái Lan v.v… Còn ở Campuchia thì hình ảnh Krud lại được dùng nhiều trong các biểu trưng, logo của một số ngành nghề, đặc biệt trong các công trình kiến trúc tôn giáo và nhiều nhất ở các đền đài Ăngko. Đối với người Khmer ở Nam bộ thì Krud trở thành một vật trang trí không thể thiếu trong các công trình kiến trúc chùa chiền.
Theo nhiều nhà nghiên cứu cho thấy, Krud đã có mặt trong nền văn hóa Khmer từ khá sớm, ban đầu nó được tôn vinh như lực lượng siêu nhiên, đại diện cho vị thần tối cao đang được người Khmer tôn kính thời bấy giờ – vị thần Visnu. Càng về sau, khi đạo Phật xuất hiện và lên ngôi trong xã hội Khmer, Krud không còn được sùng tín như vật linh trong hệ thống tín ngưỡng của dân tộc, nó chỉ được xem như một thứ hình ảnh để trang trí, tô điểm thêm vẻ đẹp để góp phần tăng thêm sự uy nghi cho các công trình kiến trúc chùa chiền, bảo tháp. Phải chăng điều này đã phản ánh về sự nhường bước của Bà-la-môn giáo trước sự lớn mạnh và ngày càng chiếm ưu thế của đạo Phật ?
Chúng ta từng biết, dân tộc Khmer trước đây đa số đi theo đạo Bà-la-môn thờ các vị thần Shi-va (Ây-sô ) hay Visnu (Nia-reay). Nhưng kể từ thế kỷ thứ XII trở về sau này, Phật giáo Tiểu thừa đã có cơ hội phát triển và nhanh chống trở thành tôn giáo chủ đạo, có tầm ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, Bà-la-môn giáo dần dần bị tan rã, nhưng không hẳn mất đi. Các nghi thức của Bà-la-môn giáo được chuyển dần kết hợp, hòa quyện với tín ngưỡng dân gian dân tộc để trở thành “tín ngưỡng truyền thống” tồn tại cho đến này nay.
Hiện thời trong hầu hết các gia đình người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, khi họ xây cất nhà mới, tổ chức lễ cưới, tang ma hay các lễ nghi khác của vòng đời người, thậm chí một số lễ hội thuần túy Phật giáo hoặc ít nhiều liên quan đến đạo Phật, thì ngoài việc thực hiện theo qui định của phong tục và lễ nghi của đạo Phật, người Khmer đều thỉnh mời các vị A-cha, các “Thầy cúng” đến “làm phép”, như coi ngày, xem tuổi, cúng thần, trừ khử tà ma v.v… những thủ tục này phần lớn đều thuộc về tín ngưỡng của Bà-la-môn giáo. Có lẽ tính dung hợp trong tín ngưỡng tôn giáo, không chỉ có ở người Khmer mà dường như nó xảy ra ở nhiều cư dân chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Đặc biệt, tính khoan dung, hòa hợp giữa đạo Phật và đạo Bà-la-môn ở dân tộc Khmer còn thể hiện rõ nét ở sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn các hình tượng của thần Prum (thần 4 mặt), thần Pres-anh, thần Tê-vô-đa, Yeak (chằn), các linh thú Ken-no, Reahu, Rắn Neakarech, Hoong (chim Phượng Hoàng), Reachaxay (Lân sư) và Krud v.v… tại các công trình kiến trúc của chùa chiền. Trong đó, Krud là hình ảnh được các nghệ nhân quan tâm và có mặt nhiều nhất.
Nhìn vào các công trình kiến trúc của chùa Khmer, từ cổng đến ngôi Chánh điện, Sala, tăng xá … đâu đâu chúng ta cũng đều bắt gặp hình tượng Krud. Dù lớn hay nhỏ và được làm bằng chất liệu gì đi nữa thì Krud luôn được thể hiện trong tư thế đứng tựa vào các đầu cột, nhất là các cột hiên và dang đôi cánh hoặc đôi tay đỡ lấy mái nhà, rất hiếm thấy tượng Krud được đặt trên các đầu cột bên trong nội thất. Việc đặt Krud ở vị trí như vậy, vừa có tác dụng tạo nên sự chắc chắn, khỏe khoắn cho các bộ cột chống đỡ những mái nhà đồ sộ, nặng nề, vừa góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp và sự uy nghi cho công trình. So với hình tượng Krud trước đây, cụ thể là các loại tượng nhỏ đúc đồng, thì hình tượng Krud ngày nay đã được các nghệ nhân Khmer “cải biên” đi rất nhiều; nét mặt trông hiền hòa hơn, dáng dấp gần giống với con người hơn, con mắt ở giữa đã không còn tồn tại, đôi cánh thì được thu nhỏ lại hoặc có nơi người ta bỏ hẳn, thay vào đó là cánh tay người; cũng có những nghệ nhân thể hiện đồng thời cả hai: vừa có cánh chim vừa có tay người. Riêng hình ảnh rắn Naga – một nạn nhân bị Krud xé xác cũng không còn xuất hiện nhiều, có những nơi nó đã biến mất. Điều này có lẽ do Krud thường được đặt ở vị trí đầu cột, có chức năng như cây chống, vì thế nếu đưa thêm hình ảnh rắn Naga vào sẽ làm cho kiến trúc có cảm giác nặng nề hơn. Hay phải chăng với tư tưởng từ bi, hỉ xả của đạo Phật, luôn có xu hướng đẩy lùi cái ác, cái vô minh ra khỏi cuộc sống, hướng con người tới giá trị của trí tuệ, của cái tốt, cái đúng, cái đẹp mà các nghệ nhân Khmer đã có sự “cải biên” khi thể hiện hình tượng Krud ?
Theo cố nghệ nhân Lý Rương (Sóc Trăng) cho rằng, hình tượng Krud được gắn tại các đầu cột trong chùa chiền Khmer như hiện nay, thực ra là kết quả của “tiến trình biến thể” của thanh gỗ đỡ mái nhà trước đây (thanh chống). Qua thời gian, cùng với sự thay đổi về nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của người dân, các nghệ nhân đã tô điểm thêm bằng việc chạm khắc trực tiếp lên thanh gỗ các loại hoa văn hoặc ghép thêm vào hình ảnh của “đầu rồng, đuôi phụng” (kon-tuy-hoong) và người ta đặt tên cho nó là “Ê-ra”, sau này nó mới được thay thế bằng hình tượng Krud hoặc Ken-no. Ngày nay tại rất nhiều ngôi chùa Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, hình tượng Krud hầu hết được làm từ chất liệu xi-măng đúc khuôn sẵn, có rất ít tượng krud làm bằng gỗ, có chăng cũng chỉ còn vài ba con ở những ngôi chùa có niên đại khá xưa còn sót lại, điển hình như chùa Bopharam (xây dựng năm 1573) tại ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, chùa Komphisako (xây dựng năm 1887) thuộc ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Ông Sơn Kên, một vị A-cha đã gần 90 tuổi, hiện đang sinh sống tại ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi kể rằng, vào những năm 1940-1941, khi ông còn là Tỳ-khưu tu học tại chùa Komphisako (xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), ông thấy ngôi Chánh điện của chùa này có một vẻ đẹp tuyệt vời, gần như là bậc nhất so với các chùa Khmer khác trong tỉnh Bạc Liêu thời bấy giờ, bởi ngoài sự cân đối trong thiết kế, kết cấu các bộ phận của tòa nhà, thì ở mỗi cây cột còn được gắn một tượng Krud bằng gỗ, to bằng thậm chí lớn hơn người thật (cao khoảng 1,7m), được chạm khắc tinh xảo; mỗi tượng Krud lại được lắp thêm một chiếc chuông nhỏ treo lủng lẳng ở mỏ, để khi có luồng gió ngang qua, lay nhẹ làm những chiếc chuông nhỏ này phát ra âm thanh nghe như một bản hòa tấu rất lạ tai. Người ta cho rằng đó là tiếng “tháo quát” của thần linh bảo loài quỷ dữ hãy tránh xa “đất Phật”. Tiếc rằng, ngày nay nó đã bị hư hại gần hết, chỉ còn 4 tượng khá nguyên vẹn. Riêng tại chùa Bopharam, quan sát chúng tôi thấy vẫn còn khoảng 10 tượng Krud gỗ, phần lớn đang gắn trên các cây cột của tòa Sala. Trong số đó, có hai con đẹp nhất, dường như còn nguyên vẹn. Tượng có dáng vẻ rất hài hòa, cân đối, các đường chạm, đục rất sắc nét, điêu luyện. Tượng rất có giá trị về mặt nghệ thuật. Hiện nay một trong hai tượng này đang được trưng bày tại bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bức còn lại đang được nhà chùa bảo quản và thường xuyên được bảo tàng địa phương trưng dụng mang đi trưng bày tại các cuộc triển lãm trong và ngoài tỉnh.
Theo chúng tôi được biết, để làm ra một tượng Krud hoàn chỉnh bằng gỗ, có kích cỡ bằng hoặc lớn hơn người thật thì phải mất ít nhất khoảng từ 3 tháng trở lên và đòi hỏi cao ở người thợ về sự khéo léo, tỉ mỉ, công phu. Thực tế hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tại những vùng có đông người Khmer sinh sống, việc tìm kiếm các nghệ nhân lành nghề, có đủ năng lực thực hiện điêu khắc gỗ cũng khá khó khăn, thậm chí một số tỉnh không có nghệ nhân. Trong khi đó đội ngũ kế thừa rất manh mún và quá ít, vì chưa có trường lớp đào tạo bài bản, qui cũ mang tầm cỡ cấp khu vực. Nếu có cũng chỉ là những cơ sở tự phát từ các cá nhân theo dạng truyền nghề hoặc một vài địa chỉ đào tạo tương đối tập trung như tại chùa Hang, thuộc tỉnh Trà Vinh…
Có một điều đáng quan tâm nữa là ngày nay nếu tham quan một loạt các ngôi Chánh điện của chùa Khmer trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long mới được trùng tu hay xây dựng mới, ta thấy phần lớn các nghệ nhân cũng chỉ đặt tượng Krud (tất nhiên bằng xi-măng đúc khuôn) tại bốn cây cột ở bốn gốc công trình, số cột còn lại được thay thế bởi tượng Ken-no (tiên nữ mình chim). Đây chính là biểu hiện của sự mai một, đòi hỏi các ngành chức năng cần đặc biệt quan tâm, có những biện pháp tích cực nhằm hỗ trợ khôi phục, bảo tồn loại hình nghệ thuật này của đồng bào dân tộc Khmer.
Nhìn chung qua quá trình phát triển, dẫu được làm từ chất liệu gì, thì một điều chắc chắn rằng, Krud là một giá trị văn hóa vừa là vật thể vừa là phi vật thể có mặt từ khá sớm trong kho tàng văn hóa của đồng bào Khmer, cùng với những giá trị văn hóa nghệ thuật khác, nó đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần không nhỏ làm phong phú, đa dạng thêm vườn hoa đa sắc tộc của Việt Nam.
Cập nhật ( 02/09/2009 )