Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc
* Bùi Hữu Dược
Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ
Ngày 07-11-1981, Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất (tại Thủ đô Hà Nội) đã thống nhất 9 tổ chức hệ phái Phật giáo thành Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam, với đường hướng hoạt động: Đạo pháp – Dân tộc – CNXH. Đây là cơ duyên, vận hội để Phật giáo ngày thêm gắn bó và đồng hành cùng dân tộc; đồng thời, làm thất bại mọi mưu đồ của các thế lực thù địch lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc.
Trải qua hàng nghìn năm có mặt ở nước ta, thời đại nào, Phật giáo Việt Nam cũng đóng góp xứng đáng cho công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Lịch sử đã từng ghi nhận: Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo lớn, yêu nước, tôn giáo “hộ quốc – an dân” và luôn đồng hành cùng dân tộc. Trước đây, nhiều triều đại phong kiến ở nước ta đã nương theo lời dạy của Phật để xây dựng đất nước thịnh vượng, xã hội phát triển tốt đẹp. Đặc biệt, ở thời Lý, Trần, đạo Phật được coi là quốc đạo của người Việt; các thiền sư Không Lộ, Tuệ Tĩnh, Vạn Hạnh… vừa là danh y chữa bệnh cứu độ chúng sinh, vừa là nhà chính trị, ngoại giao phò vua, giúp nước. Các vị vua, quan đều là những phật tử tinh thông về phật pháp, thế học, biết cách chuyển hoá tư tưởng, triết lý sống của đạo Phật thành lý tưởng phục vụ cho đời, giải thoát đau khổ cho xã hội. Chính vì vậy, đạo Phật đã ăn sâu, bám rễ trong xã hội Việt, trở thành một bộ phận của văn hoá tinh thần, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc, luôn gắn bó, kề vai sát cánh cùng dân tộc trong dựng nước và giữ nước, đánh bại nhiều kẻ thù hung bạo thời bấy giờ để giữ yên bờ cõi nước nhà.
Đến thời đại Hồ Chí Minh, không chỉ có các nhà sư mà đông đảo tăng ni, phật tử đã gắn bó, cống hiến cho Phật giáo và cho dân tộc qua các chặng đường cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều tăng ni, phật tử đã tham gia hoạt động cách mạng, nêu cao tinh thần vô uý của Phật giáo, bất khuất trước kẻ thù xâm lược; nhiều nhà sư “cởi áo cà sa, khoác chiến bào” xung vào các đoàn quân Nam tiến; đông đảo sư sãi, tín đồ phật tử tham gia phong trào: diệt giặc đói, giặc dốt, thực hiện chùa là trường học, nhà sư là thầy giáo. Ở khắp nơi, chùa đã trở thành nơi cứu tế giúp đỡ người nghèo; đặc biệt, một số chùa là nơi nuôi giấu cán bộ, cất trữ vũ khí, hội họp bí mật… Hoạt động thiết thực đó đã góp phần làm nên thắng lợi to lớn kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tinh thần “hộ quốc – an dân”, Phật giáo miền Nam đã dũng cảm xuống đường đấu tranh chống ách kìm kẹp của Mỹ-Diệm; nhiều ngôi chùa trở thành địa điểm trao đổi tin tức bí mật; là nơi mở rộng cửa cho thanh niên lui tới, vừa tu học Phật pháp yêu nước, vừa tránh bị bắt lính, đôn quân. Nhiều tăng ni, phật tử đã “dấn thân” làm cách mạng, trở thành chiến sĩ, giao liên, cán bộ binh địch vận, vận động binh lính nguỵ quyền đình chiến, phản chiến. Đặc biệt, tấm gương của Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối nguỵ quyền tay sai đàn áp Phật giáo, phản đối chiến tranh, đòi tự do tôn giáo và độc lập dân tộc, đã làm rung chuyển miền Nam, tạo làn sóng rộng khắp trên thế giới phản đối đế quốc Mỹ xâm lược, ủng hộ chính nghĩa Việt Nam. Cùng với đó, Phật giáo miền Bắc tích cực vận động các chức sắc, tín đồ cùng toàn dân, toàn quân đoàn kết thực hiện nhiệm vụ xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện cho cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân miền Nam thống nhất nước nhà. Với tinh thần “Quốc gia lâm nguy, thất phu hữu trách”, nhiều nhà sư đã tình nguyện tòng quân, vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Đồng thời, tổ chức Phật giáo miền Bắc còn chủ động lên tiếng đấu tranh tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai trên nhiều diễn đàn quốc tế; tham gia sáng lập và hoạt động trong tổ chức Phật giáo châu Á vì hoà bình (ABCP), góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đất nước được độc lập, tôn giáo được tự do, cả nước đi lên CNXH, ngày 07-11-1981, GHPG Việt Nam ra đời có ý nghĩa quan trọng đối với việc ổn định tư tưởng và thống nhất tổ chức Phật giáo nước nhà, tạo cơ sở đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, công cuộc đổi mới đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế đã có nhiều tác động và làm nảy sinh những vấn đề mới đối với tôn giáo. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; xuyên tạc đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, kích động một bộ phận nhân dân khiếu kiện, chống đối hòng gây mất ổn định chính trị – xã hội, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Thông qua những kẻ đội lốt Phật giáo ở nước ngoài, chúng hà hơi tiếp sức cho các phần tử Phật giáo cực đoan trong nước, như: Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, đứng ra đòi phục hoạt cái gọi là “GHPG Việt Nam thống nhất”; đòi tự do tôn giáo theo quan điểm phương tây và ngụy tạo nhiều sự kiện vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền… Vin vào những chứng cớ nguỵ tạo, Mỹ đã từng đặt Việt Nam vào danh sách các nước “cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo” (CPC), gây không ít khó khăn cho ta trong đối ngoại và quan hệ kinh tế quốc tế. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tôn giáo, nhằm bảo đảm một cách đầy đủ trên thực tế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; đồng thời, chỉ đạo kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều khẳng định quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của mọi công dân; coi tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, không chỉ tồn tại lâu dài mà sẽ tiếp tục đồng hành cùng dân tộc trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng bào các tôn giáo (trong đó có Phật giáo) là bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Gần đây, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã xác định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng…; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật”1. Điều đó thể hiện một cách nhất quán tư duy mới của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần giải quyết những vấn đề về tôn giáo phức tạp nảy sinh trong thực tiễn; đồng thời, mở ra những điều kiện thuận lợi để các tăng ni, phật tử thực hiện tâm nguyện “phục vụ chúng sinh”, làm tròn bổn phận của mình đối với đạo pháp, dân tộc và CNXH.
Nhờ có chủ trương, chính sách phù hợp, những năm qua, công tác tôn giáo nói chung, công tác của GHPG Việt Nam nói riêng đã thu được nhiều kết quả quan trọng, thiết thực đồng hành cùng dân tộc trên các lĩnh vực. Trong đời sống thường nhật, đồng bào các tôn giáo Việt Nam đã nêu cao lòng yêu nước, đạo lý từ bi, khoan dung, lục hoà để tương trợ giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn; hăng hái thi đua sản xuất, tiết kiệm và tham gia xoá đói, giảm nghèo. Hằng năm, GHPG Việt Nam đã đứng ra vận động quyên góp giúp đỡ đồng bào khó khăn với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng; chỉ tính riêng năm 2010, đã quyên góp được hơn 700 tỷ đồng, góp phần chia sẻ khó khăn, giúp đồng bào nghèo, nhất là đồng bào vùng thiên tai, thảm họa ổn định cuộc sống. Trong lĩnh vực hoằng dương chính pháp, đã đề cao đạo lý sống cao đẹp của Đức Phật; thông qua việc truyền bá triết lý Phật giáo và thực hành giáo lý đạo Phật để xây dựng đạo đức tốt đẹp, duy trì bản sắc văn hoá dân tộc, giảm bớt tiêu cực và tệ nạn xã hội; từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố lòng tin, khơi dậy làm điều tốt, việc thiện trong tăng ni, phật tử và nhân dân. Đối với khối đại đoàn kết toàn dân, GHPG Việt Nam đã gương mẫu đi đầu trong đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc; chủ động đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng chiến lược “Diễn biến hoà bình” để xuyên tạc tình hình tôn giáo và chính sách tự do tín ngưỡng ở Việt Nam; tích cực tham gia đối ngoại nhân dân, đối ngoại tôn giáo, lên tiếng đấu tranh trên nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế, vạch mặt những kẻ mạo xưng, đội lốt Phật giáo nhưng đi ngược lại tôn chỉ, mục đích và đường hướng hành đạo của GHPG Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức của GHPG Việt Nam đã phát triển trên khắp cả nước với hơn 40 nghìn tăng ni và hàng chục triệu phật tử sinh hoạt trong hàng vạn chùa chiền, tự viện; nhiều ngôi chùa, trường, lớp và cơ sở thờ tự được trùng tu, tôn tạo khang trang; tín đồ tôn giáo được tự do hành lễ, tham quan vãn cảnh và học tập để nâng cao kiến thức, trình độ. Đến nay, GHPG Việt Nam đã có hệ thống đào tạo tăng tài với 4 học viện Phật giáo, 1 trường cao đẳng, 32 trường trung cấp và hàng trăm trường sơ cấp, với hơn 70 vị sư có học vị tiến sĩ; mỗi năm đào tạo trên 5.000 tăng ni sinh các cấp ở trong nước và gửi hàng trăm người đi đào tạo ở nước ngoài… Những thành tựu trên càng khẳng định tính ưu việt trong chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời, thể hiện sự lựa chọn đúng đắn của GHPG Việt Nam về đường hướng hành động “Đạo pháp – Dân tộc – CNXH” để luôn đồng hành cùng dân tộc.
Hiện nay và thời gian tới, nước ta tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH và chủ động hội nhập ngày càng sâu hơn, toàn diện hơn vào khu vực và toàn cầu. Bên cạnh những thời cơ, vận hội là cơ bản, chúng ta phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, nhiều vấn đề mới về tôn giáo và công tác tôn giáo tiếp tục được đặt ra. Các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng những khó khăn, sơ hở của ta trong xử lý những vấn đề nhạy cảm về tôn giáo để vu cáo, xuyên tạc chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước; kích động các hoạt động khiếu kiện, ly khai trên các địa bàn trọng điểm, hòng phá hoại tiến trình xây dựng CNXH ở nước ta. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, phải phát huy hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; trong đó, đồng bào các tôn giáo đóng vai trò rất quan trọng.
Để làm được điều đó, trước hết, cấp uỷ, chính quyền các cấp phải thấm nhuần tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện tốt mối đoàn kết lương – giáo, tôn trọng chức sắc, tín đồ tôn giáo, luôn xem họ là đồng bào, là công dân của nước Việt Nam thống nhất. Trên cơ sở đó, quan tâm, động viên, khuyến khích tín đồ tôn giáo nói chung, tăng ni, phật tử nói riêng, làm nhiều việc tốt, cống hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước, thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Hai là, quan tâm đầu tư phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng – an ninh trên các địa bàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và dân trí cho nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo.
Ba là, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền làm cho đồng bào các tôn giáo nhận thức đầy đủ tính ưu việt của chế độ XHCN, thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với đồng bào có đạo. Thông qua đó, vạch rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch; đồng thời, xác định quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi công dân, của mỗi người có đạo, để từ đó, nâng cao quyết tâm, trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Bốn là, tăng cường công tác đối ngoại tôn giáo để bạn bè quốc tế hiểu rõ tình hình tôn giáo ở Việt Nam; qua đó, tăng cường mối đoàn kết tôn giáo quốc tế và góp phần đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, làm sai sự thật về tình hình tôn giáo ở nước ta.
Năm là, tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác tôn giáo của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở; thường xuyên chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, bảo đảm có đủ phẩm chất, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.