ĐẠI BIỂU BẠC LIÊU DỰ HỘI THẢO NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO PHỤC VỤ ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
* Tiến sĩ Trần Diễm Thúy
Trong ngày và tối 16 tháng 8 năm 2008, tại nhà hát Kim Mã, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học “Nghệ thuật Phật giáo phục vụ đời sống xã hội”. Hội thảo do GS Hoàng Chương và các ông bà GS Nguyễn Thuyết Phong, GĐ Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Hoa Kỳ, Hoà Thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự TW Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Ông Nguyễn Hữu Oanh, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, GsTs Thái Kim Lan, Ts Triết học Viện Gớt (Đức) và Đại Đức Thích Minh Hiền chủ trì.
Hội thảo đã đón nhận rất nhiều bản tham luận của các nhà nghiên cứu chuyên ngành trong cả nước. Đặc biệt, đoàn Giáo Hội Phật Gíao tỉnh Bạc Liêu có hai đại biểu đại diện cho phía Nam là Thượng Toạ Thích Chánh Đức và nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận. Với bài tham luận “Những dấu ấn lịch sử của cổ nhạc Nam Bộ và Phật giáo Bạc Liêu”, Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Phật học Bạc Liêu đã giới thiệu cho Hội thảo về mối quan hệ lịch sử giữa Phật giáo và cổ nhạc Nam Bộ, vấn đề mà hầu như chưa có tài liệu văn hoá nghệ thuật nào trong cả nước nói đến. Là một nhà nghiên cứu, một ‘con nhà nòi” của cổ nhạc Bạc Liêu, ông Trần Phước Thuận qua bài phàt biểu của mình đã làm rõ vai trò của danh cầm Lê Tài Khí (1870-1948) thường được gọi là Nhạc Khị, là người đã có công khai mở nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương cổ truyền Nam Bộ.Trong đó, Bạc Liêu chính là mảnh đất xứ sở của loại hình nghệ thuật này.
Từ đầu thế kỷ XX, Nhạc Khi đã thành lập Ban nhạc lễ quy tụ được các danh nhân tên tuổi lúc bấy giờ như Sư Nguyệt Chiếu, Quốc Ân, Chơn Truyền, Hai Húa, Sáu Thìn, Cô Ba Phấn, Thầy Thống,…và chính ban nhạc lễ này là chiếc lò đầu tiên đào tạo thế hệ nối tiếp tạo ra nghệ thuật cải lương đương đại mà nhiều người biết tên tuổi, đó là Cao văn Lầu, tác giả bản Dạ cổ Hoài Lang nổi tiếng, Lê văn Túc (tức Ba Chột), tác giả bản Liêu Giang, Lê văn Bình, tác giả bản Hứng Trung Thinh, và Trịnh Thiên Tư, người đầu tiên đã đưa nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ viết thành sách gọi là cuốn Ca nhạc cổ điển. Sau đó nữa, “lò nhạc lễ” đã cho ra lò các danh nhân cổ nhạc các thế hệ nối tiếp như Trần Tấn Hưng (tức Năm Nhỏ), người khai sinh ra 6 câu vọng cổ nhịp 32, Mộng Vân, tác giả của 68 kịch bản cải lương sớm nhất ở Nam Bộ hay Bảy Cao, Mười Đờn, những người đã có sáng kiến gắn kịch Tây vào loại hình cải lương để tạo ra một loại cải lương mới có tên là cải lương xã hội, có nội dung thay tuồng tích cổ bằng những câu chuyện đương đại, do vậy mà đã thổi hồn hiện đại vào trong các sáng tác cải lương mới, từ đó, loại hình nghệ thuật này có nét khác biệt so với diễn chèo ở phía Bắc hay các loại tuồng ở miền Trung. Cũng chính vì vậy mà nghệ sĩ Ba Vân (Lê Long Vân) khi viết sách Kể chuyện cải lương đã nhìn nhận: “Bạc Liêu là cái nôi của phong trào đờn ca tài tử”.
Lại nói về mối quan hệ với Phật giáo thì chính Cao Văn Lầu là người đã sáng tác ra Dạ cổ hoài lang chính tại chùa Vĩnh Phước An và chính Sư Nguyệt Chiếu, người đã có công truyền bá nhạc lễ Phật giáo và dòng nhạc đờn ca tài tử cổ truyền Nam Bộ đã đặt tên cho bài hát này.cái tên ngày nay đã trở thành bất hủ.
Lại nói về tác giả, Cao Văn Lầu vốn là một chú tiểu ở chùa Vĩnh Phước An, ông là người thành lập ban nhạc đờn ca tài tử nổi tiếng ở Bạc Liêu nói riêng và Nam Bộ nói chung đầu thế kỷ XX. Ông là người sáng tác, đặt lời cho nhiều bài hát khác nữa và tất cả đã trở thành những sáng tác đầu tiên cho dòng nghệ thuật này bắt nguồn từ nhạc lễ Phật giáo. Nói đến mối quan hệ với Phật giáo Bạc Liêu, hay nói cách khác là nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ có nguồn gốc xuất thân từ nhạc lễ và những người làm nên nhạc lễ cổ truyền Nam Bộ lại có nguồn gốc xuất thân hay môi trường sáng tác tác phẩm để đời từ nhà chùa, từ môi trường Phật giáo. Một bằng chứng hiển nhiên khác là bản vọng cổ nhịp 8 đầu tiên do nghệ sĩ Năm Nghĩa sáng tác không phải ngẫu nhiên có tên gọi là Văng vẳng tiếng chuông chùa. Người ta truyền tụng rằng, bản vọng cổ đầu tiên này được Năm Nghĩa sáng tác đúng vào một đêm mưa, Năm Nghĩa ngủ lại dưới mái hiên chùa, nghe tiếng mưa rơi mà xúc cảm viết nên bài nhạc này.Bài Văng vẳng tiếng chuông chùa đã mở đầu cho kỷ nguyên vọng cổ Nam Bộ, thông qua bài hát này, loại hình nghệ thuật vọng cổ đã thật sự được khai sinh và cho đến nay, thực tế chứng minh nó đã sống trong lòng con người Nam Bộ.
Như vậy, lịch sử hình thành và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử, bản vọng cổ, nghệ thuật cải lương Nam Bộ… đều có nguồn gốc liên quan đến nhạc lễ hay cảnh chùa Nam Bộ. Chưa dám nói Phật giáo sản sinh ra loại hình nghệ thuật này nhưng rõ ràng, chính Phật giáo và những con người của giáo hội Phật giáo đã đóng góp công sức không nhỏ trong việc duy trì nhạc lễ và phát huy thế mạnh của nhạc lễ tạo ra một loại hình nghệ thuật có giá trị cao, rất tiêu biểu ở Nam Bộ.
Những kênh thông tin mà ông Trần Phước Thuận đã đem đến cho Hội thảo là hoàn toàn mới mẻ cho những ai quan tâm nghiên cứu nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Đại biểu Bạc Liêu xứng đáng thay mặt phía Nam. Trong kết luận Hội thảo, Giáo sư Vũ Khiêu đã nhấn mạnh “Nhờ những phát hiện mới mẻ này đã làm sáng tỏ một số vấn đề về lịch sử cổ nhạc Nam bộ, nhất là mối quan hệ giữa cổ nhạc và Phật giáo trong những năm đầu thế kỷ XX”.
Đặc sắc nhất, thành công của đại biểu Bạc Liêu không chỉ ở thể loại viết. Đại biểu Bạc Liêu còn có Thượng toạ Thích Chánh Đức rất độc đáo khi biểu diễn nghệ thuật múa chạy đàn. Tôi chứng kiến thấy có rất đông các phóng viên, nhiếp ảnh, báo đài quan tâm vây lấy Thầy sau khi Thầy thực hiện tiết mục độc đáo này. Tình thiệt mà nói, tôi thấy ngưỡng mộ và thấy sung sướng khi đoàn Bạc Liêu đã đưa được một nhà sư “thứ thiệt” ra trước công chúng biểu diễn. Khác với các tiết mục của các đoàn nghệ thuật phía Bắc trình diễn trong đêm 16-8 tại nhà hát Kim Mã, họ là những nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng đã biểu diễn không thuyết phục bằng nghệ sĩ “nghiệp dư” nhưng chánh tông nhà sư của Bạc Liêu. Thật đáng mừng khi có được một vị Sư rất thành thạo nghệ thuật Phật giáo trụ trì tại Bạc Liêu, quê hương chiếc nôi của nghệ thuật nhạc lễ Nam Bộ. Tại đêm trình diễn tại nhà hát Kim Mã, giữa lòng thủ đô, Thượng toạ Thích Chánh Đức đã biểu diễn rất điêu luyện làm ngạc nghiên các khán thính giả có mặt trong nhà hát và còn cung cấp cho cánh nhà báo trung ương những thông tin mà cho dù họ là những người có am hiểu, đọc nhiều, biết nhiều nhưng vẫn chưa từng nghe, chưa từng biết đến về loại hình nghệ thuật này từ moat nhà sư. Có được một vị Sư thành thạo, am tường nghệ thuật nhạc lễ như vậy, đó là một hứa hẹn cho nghệ thuật nhạc lễ Phật giáo Bạc Liêu những giá trị mới trong việc kế tục vốn văn hoá nhạc lễ cổ truyền Nam Bộ. Nói không ngoa nhưng với tư cách là một khách mời của Hội thảo, khách quan mà nói, tôi thấy một trọng trách cho Giáo hội Phật giáo phương Nam nói riêng, giáo hội Phật Giáo Việt Nam nói chung về vai trò, vị trí của nhà sư hiện nay trong việc phát huy vốn văn hoá cổ truyền. Bởi vì một lẽ nào đó, có sự đứt đoạn nghệ thuật này trong giới giáo hội Phật giáo phía Bắc mà từ lâu, người ta quên đi, thay vào đó là những luân lý cổ truyền ít có khả năng thuyết phục quần chúng hơn và do đó, sự đóng góp hay phục vụ cho xã hội cũng có phần hạn chế hơn. Bất giác tôi nghĩ rằng, chính giáo hội Phật Giáo ở Nam Bộ đã rất có công trong việc kế thừa và phát huy vốn nhạc lễ cổ truyền dân tộc và hơn thế nữa, còn đưa đạo đến gần với đời hơn. Ra về, tôi thấy toại nguyện về những gì đã xem và nhận biết được với lòng cảm ơn Ban Tổ chức. Và, với lòng tự hào về Phật giáo, về nghệ thuật Phật Giáo, tôi lại bất giác nghĩ đến một trọng trách mà các vị nhà sư đi trước ở vùng đất Bạc Liêu đã làm được (vì dụ Sư Nguyệt Chiếu đã đóng góp rất lớn cho việc kế thừa và phát triển nhạc lễ cổ truyền Nam Bộ, góp phần đào luyện ra lớp nhạc sĩ, danh nhân đầu tiên của loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử đầu tiên phương Nam ra đời). Tôi rất tin tưởng khi Phật giáo Bạc Liêu có những vị như Thượng toạ Thích Chánh Đức với sự am tường nghệ thuật nhạc lễ sẽ còn có những đóng góp to lớn hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở những tràng vỗ tay, những lời thăm hỏi… Mừng cho giáo hội Phật giáo Bạc Liêu đã “ra quân” thắng lợi và cám ơn các đại biểu đã tỏ ra xứng đáng khi “đem chuông đi đánh xứ người”.
Cập nhật ( 01/09/2008 )