ĐÚC KẾT HỘI NGHỊ CHUYÊN ĐỀ PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER LẦN THỨ III TẠI BẠC LIÊU
* Hòa thượng Thích Thiện Nhơn
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS Phật giáo Việt Nam
Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ III hân hạnh đón tiếp chư Tôn Hòa thượng Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, chư Tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo 09 Tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước cùng chư Tôn giáo phẩm, chư Tôn đức tiêu biểu Phật giáo Nam tông Khmer.
Hội nghị còn được vinh dự đón tiếp ông Nguyễn Thế Doanh – Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cùng Quý vị trong đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ và Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Lưu Phước Lượng – Phó Ban Chỉ đạo Khu Tây Nam bộ; Ông Hồ Minh Tâm – Vụ trưởng Vụ Tôn giáo Ban Dân vận Trung ương; ông Sơn Phước Hoan – Vụ trưởng Vụ 3 thuộc Ủy ban Dân tộc Đồng bằng Sông Cửu Long cùng các Bộ, ngành Trung ương; ông Nguyễn Văn Út – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tỉnh Bạc Liêu; ông Cao Anh Lộc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu; cùng Quý vị đại diện Đảng, Chính quyền, Sở Nội vụ (Ban Tôn Giáo), Ban Dân tộc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bạc Liêu; Quý vị đại diện Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo), Ban Dân tộc các Tỉnh, Thành Đồng bằng Sông Cửu Long có Phật giáo Nam tông Khmer sinh hoạt và các Tỉnh Miền Đông Nam bộ đã đến tham dự và chúc mừng Hội nghị.
Sau phần phát biểu khai mạc Hội nghị của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN, Hội nghị bắt đầu làm việc với nội dung:
– Phát biểu chào mừng của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu.
– Ông Nguyễn Thế Doanh – Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu đánh giá việc thực hiện chủ trương của Nhà nước hỗ trợ một số hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer.
– HT. Thích Thiện Pháp – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội trình bày báo cáo công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ hai tại Tp. Cần Thơ.
– Sở Nội vụ các Tỉnh, Thành báo cáo về hoạt động của Phật giáo tại địa phương.
– HT. Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương phát biểu về công tác giáo dục của Giáo hội.
Hội nghị đã được nghe các ý kiến phát biểu, tham luận của:
1. HT. Đào Như – Ủy viên Thư ký HĐTS, Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp. Cần Thơ, trình những công việc của Phật giáo Nam tông Khmer đã thực hiện được và đề nghị Giáo hội hỗ trợ thống nhất chương trình giảng dạy và giáo viên các lớp Pali, Vini cho các Tỉnh, Thành; đề nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí in thêm 13 đầu sách mới phục vụ việc giảng dạy môn Vini; đề nghị Giáo hội quan tâm đến việc cấp giấy Chứng nhận Tu sĩ, bổ nhiệm trụ trì, công nhận Ban Quản trị đối với một số chùa chưa thực hiện xong.
2. TT. Danh Thiệp – UV. Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh An Giang, trình bày tham luận các hoạt động đã thành tựu trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương Giáo hội tại Hội nghị lần thứ nhất tại Sóc Trăng và lần thứ hai tại Tp. Cần Thơ; đồng thời đề nghị Giáo hội, Nhà nước quan tâm và chỉ đạo việc cấp quyền sử dụng đất, hỗ trợ kinh phí xây lò hỏa táng, xét công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh đối với một số chùa có công với nước, xét khen thưởng cho chư Tôn đức Nam tông Khmer có công trong hai cuộc kháng chiến; đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho chùa mua dàn nhạc ngũ âm, thỉnh Đại Tạng kinh.
3. TT. Thạch Hà – UV. Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Cà Mau, trình bày tham luận về những hoạt động đã thành tựu và đề nghị Giáo hội, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ trong vấn đề khen thưởng chư Tôn đức Phật giáo Nam tông Khmer có công trong hai cuộc kháng chiến, đề nghị công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh đối với các chùa Khmer có công đối với đất nước.
4. TT. Tăng Sa Vong – UV. Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Bạc Liêu, trình bày những kết quả đạt được của Phật giáo Nam tông Khmer, Hội đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Bạc Liêu và đề nghị Giáo hội, Nhà nước xúc tiến nhanh việc xây dựng Phật giáo Nam tông Khmer; đề nghị Giáo hội tổ chức hội thảo giáo dục Tăng và mở khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ Sư phạm Sơ, Trung cấp cho Phật giáo Nam tông Khmer, đề nghị Giáo hội hỗ trợ cho việc thống nhất chương trình giảng dạy Sơ, Trung cấp Pali, Vini; đề nghị Nhà nước và Giáo hội hỗ trợ để tăng số lượng chư Phật giáo Nam tông Khmer du học; đề nghị tăng thời gian tổ chức Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ IV.
5. Đại đức Lý Vệ – UV. Hội đồng Trị sự, Phó Ban Trị sự, Hội trưởng Hội đoàn kết Sư sãi Yêu nước Tỉnh Hậu Giang, trình bày tham luận về sự đoàn kết hòa hợp của các hệ phái, sự quan tâm giúp đỡ của Giáo hội và Nhà nước đối với Phật giáo Nam tông Khmer.
6. HT. Danh Dĩnh – UV. Hội đồng Trị sự, Phó Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Kiên Giang, trình bày tham luận về những Phật sự đã đạt được trên cơ sở đoàn kết hòa hợp của các thành viên Giáo hội và các nguyên tắc để phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp xây dựng Giáo hội vững mạnh; đồng thời đề nghị Nhà nước và Giáo hội quan tâm hỗ trợ xây dựng chương trình thuyết pháp bằng tiếng Khmer trên đài phát thanh truyền hình Tp. Cần Thơ.
7. HT. Tăng Nô – UV. Hội đồng Trị sự, Phó Ban Trị sự, Hội trưởng Hội đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Sóc Trăng, trình bày về công tác tuyên truyền, vận động chư Tăng và đồng bào Phật tử dân tộc Khmer thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và điều lệ của Hội; đồng thời đề nghị Chính phủ và Giáo hội cho thành lập Ban Phật giáo Phật giáo Nam tông Khmer trực thuộc Hội đồng Trị sự GHPGVN, hỗ trợ biên soạn chương trình và giáo án giảng dạy thống nhất cho các lớp cơ sở, Sơ cấp Pali – Thommavini; đề nghị khắc con dấu cho Chi hội Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước cấp Huyện, Thị, Thành phố thuộc tỉnh; khen thưởng chư Tôn đức Phật giáo Nam tông Khmer có công trong hai cuộc kháng chiến và công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh đối với các chùa Khmer có công với đất nước.
8. HT. Thạch Sok Xane – UV. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Trà Vinh, trình bày tham luận về những thành tựu đạt được của Phật giáo Nam tông Khmer và đề nghị Giáo hội, Nhà nước mở Trường đào tạo nghiệp vụ Sư phạm Trung cấp Phật học Pali tại Trà Vinh.
9. TT. Sơn Ngọc Huynh – UV. Hội đồng Trị sự, Phó Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Vĩnh Long, trình bày tham luận với một số trọng tâm như: Về tổ chức cần phân công, bố trí công tác Phật sự hợp lý trong các cấp Giáo hội; về giáo dục cần có mô hình hoàn chỉnh để các Tăng sinh vừa học được Phật học và thế học; về Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đề nghị cần xúc tiến việc xây dựng hoàn chỉnh cơ sở chính thức; về du học Tăng cần có sự hỗ trợ đối với các Tăng sinh du học; về in ấn kinh sách cần có sự biên tập chuẩn xác để tránh việc sai sót; về đất đai cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa để các chùa sớm được cấp quyền sử dụng đất; về công nhận chùa là di tích và khen thưởng chư Tôn giáo phẩm Phật giáo Nam tông Khmer có công với nước sớm được triển khai thực hiện.
10. ĐĐ. Danh Lung – UV. Hội đồng Trị sự, đơn vị Tp. Hồ Chí Minh trình bày tham luận về những điều còn tồn tại và phát sinh mới cần khắc phục và giải quyết.
11. Những ý kiến phát biểu của chư Tôn đức và quý cơ quan chức năng:
– Ông Tạ Hoàng Nhiệm – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Tỉnh Bạc Liêu, báo cáo một số công tác hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer và đồng bào dân tộc Khmer, đồng thời đề nghị Chính phủ tăng ngân sách để phục vụ chương trình 134, 135 tại địa phương; đề nghị Chính phủ có chủ trương đối với Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước các Tỉnh, Thành; đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để trùng tu các chùa Phật giáo Nam tông Khmer có công với cách mạng.
Qua các bài tham luận và các ý kiến phát biểu của quý đại biểu, phát biểu của một số Ban ngành Trung ương Giáo hội và các cơ quan chức năng, Hội nghị ghi nhận như sau :
1. Về nhân sự:
– Việc phân bổ nhân sự của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer trong các cấp Giáo hội đã được hợp lý, nhưng cần có sự chỉ đạo và giúp đỡ trực tiếp của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, các Ban chuyên môn, để hoạt động Phật sự của Phật giáo Nam tông Khmer đạt hiệu quả cao hơn trong nhiệm kỳ VI của GHPGVN.
– Việc thành lập Ban đặc trách Phật giáo Nam tông Khmer, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI đã có kết luận là việc cơ cấu nhân sự của hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer vào Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, các Ban, Viện Trung ương Giáo hội tương đối đồng bộ và có sự phân công phụ trách cụ thể, đủ để thực hiện các hoạt động Phật sự theo đặc thù của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer.
– Để công tác được liên tục và nhất quán, Trung ương Giáo hội sẽ tổ chức các phiên họp chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer tại địa phương hoặc tại Văn phòng Trung ương Giáo hội để đánh giá, theo dõi và hướng dẫn thực hiện Nội quy của Giáo hội và Nghị quyết Hội nghị.
2. Về Tăng sự:
– Cần tiếp tục tiến hành công tác cấp Giấy Chứng nhận tu sĩ, chứng nhận thọ giới, do Hòa thượng phụ trách Phật giáo Nam tông Khmer ký tên trên các loại giấy chứng nhận.
– Tiếp tục tiến hành công tác bổ nhiệm trụ trì và công nhận Ban Quản trị các Chùa Phật giáo Nam tông Khmer còn lại.
– Khi Tu chỉnh Nội quy Ban Tăng sự Trung ương cần chú ý đến tính đặc thù của Phật giáo Nam tông Khmer.
3. Về công tác Giáo dục:
– Đề nghị Ban Giáo dục Tăng Ni hỗ trợ Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer soạn giáo án thống nhất giảng dạy tại các Lớp cơ sở, sơ cấp Pali – Thomavivi tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
– Tiếp tục nghiên cứu đề án mở Trường Trung cấp Pàli, Vìni tại các Tỉnh có nhu cầu. Nhất là thành lập Trường Trung cấp Sư phạm chuyên khoa Nam tông Khner tại Trà Vinh.
– Hỗ trợ mở lớp dạy song ngữ Khmer, đào tạo giáo viên sư phạm giảng dạy vùng có đông đầng bào dân tộc Khmer.
– Tiếp tục hoàn tất bản vẽ, đề án Học viện để lập thủ tục liên hệ việc xin cấp đất xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, cơ sở đặt tại Quận Ô Môn, Tp. Cần Thơ.
– Nghiên cứu hỗ trợ học bổng cho du học Tăng Nam tông Khmer.
– Tiếp tục nghiên cứu để có phương án hỗ trợ kinh phí cho các cấp học trong thời gian tới.
4. Về Văn hóa:
– Tiếp tục nghiên cứu để hỗ trợ kinh phí in ấn kinh sách bằng chữ Khmer theo yêu cầu nghiên, cứu học tập, đọc tụng của chư Tăng và tín đồ người Khmer.
– Vấn đề thỉnh Đại Tạng kinh bằng tiếng Khmer và các sách vở có liên quan sẽ hỗ trợ tùy theo yêu cầu của từng chùa, do quỹ của địa phương cung ứng. Trường hợp không đủ khả năng về tài chánh thì có văn bản xin Ban Tôn giáo Chính phủ hỗ trợ một phần tài chánh.
– Đề nghị Nhà nước xem xét trong việc công nhận di tích lịch sử, di tích văn hóa đối với các Chùa Nam tông Khmer có công trong việc bảo tồn Văn hóa dân tộc, các chùa có cơ sở cách mạng.
– Đề nghị tặng bằng tuyên dương công đức, khen thưởng những vị Giáo phẩm, Chư Tăng có công đức đối với Đạo pháp và Dân tộc.
– Đề nghị hỗ trợ kinh phí mua sắm mới một số dàn nhạc Ngũ âm cho các chùa thuộc các tỉnh có yêu cầu.
5. Các đề nghị khác:
– Đề nghị Nhà nước có chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường các địa phương sớm cấp quyền sử đất cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer.
– Đề nghị hỗ trợ kinh phí xây lò hỏa táng cho các chùa nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
– Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, nên vấn đề khắc con dấu cho các Chi hội Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tại các Huyện, Thị, Thành phố thuộc tỉnh do Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, gải quyết. Tuy nhiên, Trung ương Giáo hội sẽ có văn bản đề nghị giúp đỡ.
6. Công tác hỗ trợ các hoạt động Phật sự:
Những công tác Phật sự theo đề nghị của chư Tôn giáo phẩm Phật giáo Nam tông Khmer ngoài những vấn đề chính, Trung ương Giáo hội ghi nhận và sẽ đưa vào chương trình hoạt động Phật sự 6 tháng cuối năm 2008, năm 2009 và chương trình nghị sự của Trung ương Giáo hội cho đến kết thúc nhiệm kỳ VI (2007 – 2012).
Trên đây là các điểm đúc kết của Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ ba được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu. Trung ương Giáo hội sẽ nghiên cứu và có kế hoạch triển khai thực hiện từng vấn đề như đề xuất của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer – Thành viên thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt được nhiều thành quả tốt đẹp, làm tiền đề tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VI của Giáo hội và tiến tới Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (2012) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ 21 – thế kỷ của hòa bình, thịnh vượng và phát triển toàn cầu.
Cập nhật ( 15/10/2008 )