TÌM HIỂU SÂN KHẤU CỦA NGƯỜI KHMER
* Ngọc Minh
Sân khấu của người Khmer Nam bộ từ lâu đã được đánh giá cao so với sân khấu các dân tộc thiểu số khác hiện đang có mặt tại Việt Kịch hát Rôbam là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền của người Khmer (cũng tương tự như hát Bội của người Kinh). Trong kịch hát Rôbam vũ đạo chiếm một vai trò quan trọng, vừa mở màng đã múa, khi diễn cũng múa nên có người gọi là múa Rôbam (Răm Rôbam) hay hát Răm, kịch múa hay nghệ thuật múa sân khấu. Nhưng cũng có người cho rằng khi trình diễn Rôbam, múa được sử dụng rất nhiều nhưng nói và hát vẫn là yếu tố chính để diễn đạt nghệ thuật. Kịch hát Rôbam có nguồn gốc xa xưa từ cung đình, sau đó tản mát trong dân gian, nhiều nghệ sĩ tâm huyết đã lập thành gánh hát để bảo lưu loại hình nghệ thuật này và nó được sự bảo trợ của các phum sóc và các chùa. Điểm đặc biệt của các đoàn hát Rôbam đều trình diễn những tuồng tích cổ, nỗi tiếng nhất là vở Rem kê với các vai quen thuộc như hoàng tử Prés Ream tài giỏi nhưng gian truân, nàng Sêđa thủy chung xinh đẹp, khỉ thần Hanuman có nhiều phép lạ (giống như Tề Thiên Đại Thánh trong truyện Tây Du Ký). Nghệ thuật Rôbam từ hoá trang đến diễn xuất đều rất cầu kỳ, các trang phục như y áo, mũ mão, mặt nạ, binh khí đều được khắc chạm rất tinh xảo. Đa số các vở diễn đều mang nội dung nhân quả báo ứng, làm lành gặp lành làm ác gặp ác, thường thì các vở diễn dài có khi đến ba bốn đêm mới hết, tuy nhiên nó vẫn lôi kéo được người xem, nhất là những người lớn tuổi rất hâm mộ loại hình nghệ thuật này với những ý nghĩa nhân sinh trong tích truyện. Trong thời gian gần đây trước đà phát triển của loại hình nghệ thuật Yukê, kịch hát Rôbam có phần giảm sút, mặc dù vậy ở Nam bộ hiện nay vẫn còn một số đoàn hát Rôbam vẫn tiếp tục hoạt động để cố giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật cổ điển này. Cũng có ý kiến cho rằng nên cách tân nghệ thuật Rôbam để phù hợp với thời đại mới, nhưng như trên đã nói vũ đạo là yếu tố quan trọng các vở diễn rôbam và các vai quen thuộc đều là vua, quan, hoàng tử, công chúa, khỉ thần… đa số là các nhân vật được hư cấu từ trong truyện xưa tích cũ, thật sự khó thay đổi bằng các vở diễn mới với các đề tài xã hội đương thời. So với Rôbam, kịch hát Yukê có nguồn gốc gần gũi hơn, nó xuất hiện ngay trên mảnh đất Nam bộ, đã được người Khmer ở Kampuchea gọi là Lakhôn Bassac (kịch hát vùng đồng bằng sông Cửu Long). Loại hình nghệ thuật mới mẻ này đã ra đời và từng bước trưởng thành trong những năm 20 thế kỷ XX, hiện nay chưa có tài liệu chính thức xác nhận người đã khai sinh kịch hát yukê, nhưng căn cứ vào một số nguồn tin điền dã thì đoàn hát yukê đầu tiên ra đời ở Trà Vinh mang tên Kru Kưu, đoàn này còn có tên Việt là Tự Lập Ban, sau đó đổi tên là Nhật Nguyệt Quang rồi đến Nguyệt Quang vốn là tiền thân của Đoàn nghệ thuật Khmer ở Sóc Trăng hiện nay. Về tuồng tích, sân khấu Yukê cũng bắt đầu bằng các loại tuồng cổ Khmer được trích ra từ anh hùng ca Ấn Độ Ramyna; các truyện thần thoại như Lin thông, Mak phu yong kev, Saka minh; các truyện xưa tích cũ của người Việt như Thạch Sanh chém chằn, con Tấm con Cám… và cả một số tuồng Tàu như Tam Tạng thỉnh kinh, Trụ Vương mê Đắc Kỷ, Tiết Nhơn Quý chinh đông, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ. Phàn Lê Huê… Sau thời kỳ chống Pháp trên sân khấu yukê lại liên tục xuất hiện các vở diễn mang tính chất xã hội, những câu chuyện phản ảnh thời đại, mở đầu là vở Người tình trong giông tố đã nói lên tình đoàn kết thắm thiết của người Việt và Khmer trong giai đoạn chống Mỹ, tiếp theo là một loạt các vở Máu nhuộm nền chính điện, Mối tình Bôpha reang set, Phản bội lời thầy… mỗi vở đều có những đóng góp nhất định. Nội dung các vở diễn của sân khấu Yukê dù xưa hay nay đều biểu dương cái thiện – đề cao chính nghĩa và những chuyện tốt lành. Các vai chính nam đại diện cái thiện thường là hoàng tử, một bậc anh hùng luôn cứu dân giúp nước, hoặc là những nông dân nghèo khổ hiền lành bị áp bức đủ điều nhưng cuối cùng vẫn tai qua nạn khỏi; Các vai chánh nữ thường là một công chúa, một nữ anh hùng hoặc một người vợ đức hạnh, một phụ nữ trung kiên yêu nước yêu nhà sẵn sàng hy sinh vì chính nghĩa; các vai thiện còn có Phật, tiên ông và những người chân chánh. Về vai ác thì sân khấu Yukê cũng “giàu có” hơn sân khấu Rôbam, ngoài chăn là vật tượng trưng cho cái ác và vua ác, tưởng còn có những con người nở nhẫn tâm tàn sát đồng bào, phản bội quê hương, những kẻ âm mưu ly gián chia rẽ nội bộ, những người vì lợi ích riêng bất chấp pháp luật làm ăn phi pháp… Đoạn kết của vở diễn luôn luôn kẻ ác bị tiêu diệt – cái thiện luôn thắng cái ác. Trên sân khấu Yukê, múa không được sử dụng rộng rãi, chỉ trừ một số tuồng tích cổ có sự biểu diễn của múa, còn các vở diễn hiện đại thì múa ít khi được sử dụng. Về nhạc cụ ngoài dàn nhạc ngũ âm thường gặp trong sân khấu Rôbam, còn có dàn nhạc tây với bộ trống jaz, ghi ta điện… Về làn điệu của Yukê, hiện thấy có 4 điệu chính : – Điệu Sâm pông dành cho các cảnh ly tan, đau đớn. – Điệu Angkô reach dành cho các cảnh u buồn. – Điệu Mahôrí thường dùng cho các vai nữ trong các cảnh than thân, trách phận thương nhớ người yêu. – Điệu Phát cheay áp dụng trong các cảnh giận dữ, quát tháo. Ngoài ra trong sân khấu Yukê còn thấy cả một số làn điệu của tuồng Tàu, tuồng Việt từ các bộ môn nghệ thuật hát bội, cải lương, cải lương Hồ Quảng, dân ca… Nghệ thuật biểu diễn của sân khấu Yukê hiện nay cững gần gũi với cải lương Nam bộ, các vở diễn cổ xưa đang dần dần được thay đổi bằng các vở mới phản ảnh cuộc sống của con người trong thời đại mới, các lối trang trí sân khấu, hoặc trong nhân vật càng ngày càng gần gũi với quần chúng hơn, số lượng đoàn hát Yukê ở Nam bộ càng ngày càng nhiều để có thể phục vụ đầy đủ hơn đối với nhu cầu của người xem, nhất là nông dân Khmer ở các vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn xem Yukê là món ăn tinh thần rất cần thiết. |
Cập nhật ( 15/08/2011 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com