Sân khấu cải lương trong đời sống tinh thần của người Nam Bộ
* Lê Thị Vân Mai
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật độc đáo mang hơi thở của Nam Bộ và cũng chỉ có ở Nam Bộ. Xuất hiện từ sớm, tới giữa thế kỷ XIX, đờn ca tài tử trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ với sự xuất hiện của hai tổ chức đỉnh cao là nhóm tài tử miền Đông và Nhóm tài tử miền Tây với những tên tuổi nổi tiếng như: Phó Tổng An, Lê Tài Khi, Nhạc sư Ba Đợi… Những người lưu dân xa xứ từ mọi miền đất nước đến khai phá đất đai đã mang theo những màu sắc âm nhạc của địa phương mình, giao lưu với kho tàng dân ca, hò vè sông nước của vùng đồng bằng ven biển Nam Bộ, qua năm tháng, biến đổi thành loại hình nhạc tài tử. Và nhạc tài tử lại tiếp tục được kế thừa và biến đổi cho phù hợp hơn với yêu cầu của đông đảo quần chúng, trở thành hình thức đờn ca tài tử, mang đậm nét văn hoá Nam Bộ và được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Và đây chính là ngọn nguồn trực tiếp sinh ra sân khấu cải lương.
Từ 1912 đến 1915, sinh hoạt đờn ca tài tử có sự chuyển biến mới. Hình thức ngồi một chỗ để đờn giờ đây được xem là quá tĩnh, không làm quần chúng thích thú nữa. Người nghệ sỹ cảm thấy cần có những biểu diễn, hành động mới bằng hình thể làm phong phú thêm cho nội dung bài đờn, nội dung lời ca. Do đó, ca ra bộ được ra đời. Đây là hình thức biểu diễn âm nhạc có kèm theo các điệu bộ minh hoạ nhằm mục đích cho bài ca thêm sinh động để thoả mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo quần chúng đầu thế kỷ XX mà đại diện là tầng lớp các tiểu thương, tiểu thị. Việc hình thức ca ra bộ ra đời cũng chứng minh cho ý chí kiên cường, sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ Nam Bộ trong việc gìn giữ văn hoá dân tộc và tìm tòi, phát minh, sáng tạo cái mới. Ca ra bộ được xuất hiện đầu tiên ở Vĩnh Long bởi với suy nghĩ của thầy Phó Mười Hai Tống Hữu Định. Thấy một người đứng ca mãi, không hấp dẫn, ông liền đưa ra sáng kiến đem bài Tứ đại oán Bùi Kiệm mê sắc Nguyệt Nga ra phân vai, người ca đoạn Bùi Ông, kẻ ca đoạn Bùi Kiệm, người ca đoạn Nguyệt Nga, đối đáp nhau vừa ca vừa ra bộ. Do sự thay đổi hình thức biểu diễn, tạo hiệu quả linh hoạt hơn trên sân khấu, sinh động trong cách thể hiện bằng động tác được biểu diễn trên khoảng không gian ước lệ trên sân khấu nên ca ra bộ được khán giả hết sức hoan nghênh.
Sau ca ra bộ, Trương Duy Toản lại chủ động nghiên cứu biến đổi thành hình thức ca chập. Trước kia tiết mục ca ra bộ Bùi Kiệm – Nguyệt Nga chỉ có duy nhất một lớp đầu của bài Tứ đại oán thì khi chuyển sang ca chập lại mở thêm bài Bình bán vắn và lớp Xang dài của Tứ đại oán. Diễn viên nhiều hơn, điệu bộ nhiều hơn, nội dung được thể hiện sâu sắc hơn. Cách thể hiện nội dung bằng phương tiện hình thể được nghiên cứu kỹ càng, tính đối thoại ngày càng được khai thác triệt để làm cho bài ca có kịch tính, có nhiều tình huống, nhiều nhân vật hơn. Ngoài ra, ông còn cho ra đời hàng loạt tiết mục khác như: Khen anh Tử Trực, Lão Quán ca, Vân Tiên mù…. Điều đó đã thể hiện rằng ông đã ý thức một cách rõ ràng cho một sân khấu mới trong tương lai. Đây là kết quả của sự hoà quyện giữa tinh hoa nghệ thuật bản địa, dân tộc và tinh hoa nghệ thuật thế giới.
Những năm đầu thế kỷ XX, phong trào thành thị hoá phát triển, giai cấp tư sản dân tộc ra đời, tầng lớp trí thức Tây học ngày càng đông hơn, phong trào Âu hoá phát triển mạnh ở các đô thị. Sân khấu kịch nói Pháp từng bước thâm nhập vào Việt Nam. Nam Bộ là vùng đất luôn có xu hướng tiếp cận và biến đổi theo trào lưu mới, nên xã hội cũng có những bước chuyển mình rõ nét. Đời sống vật chất thay đổi kéo theo sự thay đổi của đời sống tinh thần. Đó là nguyên nhân dẫn tới sự hình thành một hình thức sân khấu mới phù hợp với xã hội lúc bấy giờ, đòi hỏi những đoàn nghệ thuật truyền thống phải có sự nghiên cứu, tìm tòi hướng đi mới cho phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, bởi có làm như vậy thì mới lôi kéo được công chúng đến với sân khấu.
Hát bội, một hình thức nghệ thuật được đồng bào Nam Bộ rất yêu chuộng từ thời Chúa Nguyễn. Khi thực dân Pháp đến, với sự thay đổi về đời sống xã hội, hát bội cũng đòi hỏi phải có sự đổi mới về nội dung. Từ đề tài vua quan như trước đây, đến giai đoạn này, đòi hỏi những nội dung mới thể hiện cuộc sống hiện thực của người dân như thể hiện tình yêu, lao động, tư tưởng chống giai cấp bóc lột. Và thế là cuộc cải cách hát bội được bắt đầu. Vở Pháp Việt nhất gia, diễn đêm 6.11.1918 tại Nhà hát Tây Sài Gòn, soạn giả viết toàn văn vần, loại biền ngẫu gần như của hát bội, nhưng lại không có điệu Nam, Khách, Thán, Bạch, Ngâm… Đào kép chỉ nói nối, khi thì theo điệu Ai, khi lại trở Xuân, không múa may gì, cũng không trống kèn inh ỏi như lối diễn truyền thống trước kia. Dàn cổ nhạc trong hậu trường chỉ thực hiện mỗi một nhiệm vụ là hoà tấu bản Madelon lúc sân khấu mở màn và sự hiện diện của đào kép khi đã hoá trang xong, đứng xếp hàng chào khán giả, gọi là Tableau vivant, sau đó thì đệm theo từng điệu lối của đào kép. Khi đó, nhà báo Lê Hoàng Hưu đã ca ngợi trên báo Sài Gòn về lối hát này và gọi nó là hát bộ, tức là một sự cải tiến của hát bội. Vào khoảng năm 1911, ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) lãnh đạo một ban hát tài tử. Do muốn có nhiều khán giả thưởng thức nên đã thương lượng với ông chủ một khách sạn ở Mỹ Tho cho nhóm của ông biểu diễn cho khách. Họ được khán giả chào đón nồng nhiệt và được ông chủ một rạp chớp bóng gần đó để ý, và mời nhóm đến biểu diễn tại đó. Lúc này sân khấu rất đơn giản, diễn viên mặc quốc phục ngồi biểu diễn trên một bộ ván, dần dần hình thức này lan tràn ra Sài Gòn và các tỉnh của Nam Bộ.
Trước tình hình đờn ca tài tử, ca ra bộ được người dân nhiệt liệt hưởng ứng, năm 1917, Thầy Thận ở Sa Đéc đã dẹp bỏ gánh xiếc của mình, mời ông Trương Duy Toản về dựng vở hát Lục Vân Tiên với đào kép là những người nổi tiếng trong ca ra bộ. Đây là sự kiện đặc biệt, đánh dấu sự ra đời của sân khấu cải lương. Ông Trương Duy Toản, khi giúp cho gánh thầy Năm Tú, từ những bài liên ca “Kim Kiều hạnh ngộ”, “Viên ngoại hàm oan”, “Kiều mộng Đàm Tiên”, “Từ Hải”, đã soạn lại vở Kim Vân Kiều I. Đây là vở cải lương đầu tiên được trình diễn năm 1920. Gánh hát cải lương Tân Thinh được thành lập tại Sa Đéc rồi lên khai trương tại Sài Gòn, đã tạo được những dấu ấn tốt đẹp cho người dân ở đây. Đây là gánh hát cải lương đầu tiên ở Sài Gòn do ông Nguyễn Văn Thông.
Từ đấy, nghệ thuật sân khấu cải lương đã nhanh chóng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân Nam Bộ nói riêng, và người dân cả nước nói chung. Sức sống của nghệ thuật sân khấu cải lương dựa trên những sự tiếp biến của các hình thức thể hiện nghệ thuật trước đó trong vùng đất Nam Bộ. Từ những vở diễn đầu tiên, nghệ thuật sân khấu cải lương đã mang trong mình những yếu tố chuyên nghiệp được công chúng và cả giới văn nghệ sỹ chấp nhận như: có kịch bản, có dàn nhạc, có diễn viên chuyên nghiệp biểu diễn thông qua ba yếu tố: Hát, vũ đạo, kỹ thuật diễn.
Nghệ thuật sân khấu cải lương ra đời như một sợi dây nối liền giữa nghệ thuật sân khấu cổ truyền với nghệ thuật biểu diễn hiện đại, gần như đồng thời với sự du nhập của kịch nói phương Tây vào Việt Nam. Đây cũng là một cách thức biểu diễn độc đáo trong việc tiếp nhận văn hoá Việt trước sự ảnh hưởng của văn hoá phương Tây. Người dân Việt Nam, về cơ bản vẫn mang ý thức dân tộc, nhưng đã có sự ảnh hưởng Âu hoá trong cách sống, cách ứng xử. Những yếu tố đó đã có sự ảnh hưởng tới phương pháp sáng tạo của các nghệ sỹ cải lương. Vì vậy, các vở cải lương giai đoạn này là những vở thuộc loại tuồng lịch sử và dã sử Việt Nam, là những vở mang đậm ảnh hưởng của tuồng hát bội với nội dung nói về đạo lý tam cương, ngũ thường của phong kiến như các vở: Phụng Nghi Đình, Tống tửu Đơn Hùng Tín…
Giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1945 văn hoá Pháp ảnh hưởng mạnh mẽ vào cuộc sống của người Việt Nam. Lúc này văn hoá – nghệ thuật được coi như hàng hoá, phải đi theo cơ chế thị trường như ở phương Tây và buộc phải chuyển hoá theo nhu cầu của đông đảo quần chúng. Văn học thay đổi mạnh mẽ với cái tôi được đề cao rõ nét, khán giả đòi hỏi một nghệ thuật sân khấu gần với thực tế hơn. Cải lương cũng bắt đầu chuyển hướng theo quy luật thị trường, cạnh tranh để thu hút khán giả dưới nhiều hình thức như bỏ thêm vốn đầu tư để lập gánh hát, dựng thêm vở mới với những phong cách thể hiện khác nhau. Thành công hơn hết vẫn là các vở có đề tài xã hội. Cải lương Bắc cũng phát triển mạnh mẽ ở thời kỳ này với hàng loạt các gánh hát ra đời và được người dân miền Bắc hoan nghênh nhiệt liệt như gánh cải lương Tố Như với các soạn giả là Sỹ Tiến, Phạm Ngọc Khôi…. Đây cũng là một hướng biến đổi về địa hình, tiếng nói, cách ca hát, kỹ thuật biểu diễn.
Ngày nay, trong tiến trình hội nhập của đất nước ta, nền văn hóa nghệ thuật bản địa có nhiều cơ hội quảng bá ra thế giới. Vậy, đối với nghệ thuật sân khấu cải lương thì sao? Âm nhạc, trang thiết bị âm thanh – ánh sáng, đạo cụ sân khấu, hình thức biểu diễn thể hiện nhân vật, ngôn ngữ, lời ca… là những yếu tố đan xen, hòa quyện, hỗ trợ nhau một cách đắc lực để tạo nên sự thành công cho một vở diễn. Với khán giả là người nước ngoài, ngôn ngữ bản địa không có phiên dịch kịp thời xuyên suốt từng chi tiết của vở diễn sẽ làm họ bối rối vì không hiểu. Và, sau bao nhiêu trăn trở, bao nhiêu lần thử nghiệm bằng nhiều hình thức khác nhau, đêm 17 và 18/2, 20/2. Nhà hát Cải lương Hà Nội đã thử nghiệm lần thứ 2 việc đưa phiên dịch tiếng Anh vào tai nghe cho từng khán giả (sau đêm thử nghiệm đầu tiên diễn ra vào tháng 8/2011).
Đây là một phát kiến táo bạo được xem như một cánh cửa mới mở cho nền nghệ thuật sân khấu cải lương trên con đường chinh phục khán giả nước ngoài nói riêng và phát triển trong thời kỳ “toàn cầu hóa” nói chung.
|
Cập nhật ( 02/07/2012 ) |