Sách thuốc Tuệ Tĩnh tại thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ
* Sưu tầmTheo liệt kê của cụ Trần Hàm Tấn công bố trên báo Dân Việt Nam số 2 tháng 12-1948 (trang 31-37 phần tiếng Việt), tại Thư viện trường Viễn đông Bác cổ có lưu trữ 90 bản sách Đông y dược bằng chữ Hán-Nôm do các danh y Việt Nam biên soạn. Tra cứu bản thư tịch này (tác giả Phạm Văn Điều dẫn lại, theo Đặc san Tạp chí Đông y dược số tháng 10-1957) chúng tôi thấy có ít nhất có 12 bản sách là của Tuệ Tĩnh, xin trích lục dưới đây, số thứ tự là của chúng tôi.
1. Hồng-Nghĩa giác tư y thư (Sách thuốc Hồng-Nghĩa dạy đời): viết, 2 quyển, 244 tờ của vị sư Tuệ-Tĩnh hiệu Hồng-Nghĩa Đường, người quê Nghĩa-phú, huyện Cẩm -giàng, phủ Thượng-hồng (đổi Bình-giang tỉnh Hải-dương). Trong có những phương thuốc và ít bản thảo diễn dịch ra Nôm, nguyên bản in ở Hộ – xá sau đến đời Vĩnh -Thịnh năm thứ XIII (1717) khắc lại mới xong. Viện Bác cổ Viễn đông mới sao lại trên bản sao lục của Lê Đức Toàn. Số A.162 một trật. (Bị chú của người biên tập: Sách vở ngày xưa đều đóng từng cuốn, rồi cho vào túi bọc lại gọi là chật hay trật). 2. Hồng-Nghĩa giác tư y thư (Sách thuốc Hồng-Nghĩa dạy đời): in, 1 quyển, (hạ) cộng 86 tờ, của Tuệ-Tĩnh thiền sư, tức là tác giả sách số A.162 kể trên. nhưng hết tờ thứ 29 thì lại là Chứng trị phương pháp (Phép chữa bệnh) thuộc quyển hạ, cũng văn Nôm phụ thêm những đoạn sách chữ Hán; hết tờ 54 thì lại là Hoàng triều huệ dân kinh nghiệm tuyển yếu thần hiệu tam thập thất phương (Ba mươi bảy phương thần hiệu chọn rõ kinh nghiệm cứu dân của triều vua). Hai sách phụ lục này đều không tên người soạn. Như ý hồi sinh đảng đan tập (Tập những thuốc như ý hồi sinh) từ tờ 68 đến hết thì của tác giả tên Lão -Toàn, tự là Phúc-tân, hiệu Hành-Thọ-Đường, thuộc huyện Giao-thuỷ, phủ Thiên-trường (Nam-định) bằng chữ Nôm có lẫn lời đáp bằng văn Hán. Tóm lại, sách này phần nhiều đã sao trong quyển hạ số A.162 kể trên. Số A.B.306, một bản. (Bị chú: Theo chú thích ở bản dịch HNGTYT nxb Y học, Hà nội, 1978 thì người biên soạn phần Chứng trị phương pháp có biệt hiệu Lão Mai am chủ nhân của Chí Thiện Đường; và người biên soạn phần các đơn thuốc Như ý, Hồi sinh có tên hiệu là Tráng Nho lão, tên tự là Tác Phúc, biệt hiệu là Hành Thọ Đường, là người đời Lê, quê ở Giao thuỷ, Thiên trường. Như vậy so với phần giới thiệu trên đây có một vài điểm sai biệt nhỏ về tên hiệu, tên tự của người biên soạn phần các đơn thuốc, có lẽ do nhầm lẫn khi sao chép khắc in hoặc phiên âm khác chăng ? ) 3. Hồng-Nghĩa giác tự y thư (Sách thuốc Hồng-Nghĩa dạy đời): số A.B.570, một bản. 4.Nam dược thần hiệu (Thần hiệu thuốc Nam): viết, 11 quyển, cộng 684 tờ, do Viện Bác-cổ Viễn-đông mới sao. Nguyên trước Vương-Thiên-Trí, người quê Liễu-chàng (Hải-dương) đã khắc lại bản in, Bản-Lai Hoà-thượng soạn bài ký năm Tân-tỵ (1761) đời Cảnh-Hưng nhà Lê. Duy bản thảo trong quyển đầu có tên Nôm, những điểm có thuốc Nam, còn trong 10 khoa chữa bệnh đều là chữ Hán. Tác giả là Tuệ-Tĩnh thiền sư (xem Hồng Nghĩa ở trên). Số A.1270, ba trật. 5.Nam dược thần hiệu (Thần hiệu thuốc Nam):in, 50 tờ, có Bản-Lai Hoà thượng, chùa Hồng-phúc (Hà-nội) hộ-san và ghi vào năm Tân-tỵ (1761) đời Cảnh-Hưng nhà Lê. Mỗi vị thuốc có gọi tên Nôm, do Vương-Thiên-Trí san khắc. Số A.2850, một bản. 6.Nam dược thần hiệu (Thần hiệu thuốc Nam): in, 53 tờ, tức là sách A.2850, nhưng có đủ mục lục và phụ chương. Lại giống như sách A.2727, nhưng có đủ bài tựa và phàm lệ và in theo bản cũ. Số A.3024, một bản. 7.Nam dược thần hiệu (Thần hiệu thuốc Nam): in, 3 quyển, cọng 72 trương, không tên người soạn. Mục lục có 10 quyển và quyển đầu kể tính thuốc, nhưng chỉ thấy in đủ 3 quyển kể bệnh. Bản in khắc tự năm Khải-Định thứ bảy (1922) của nhà Liễu-Văn-Đường (Hà-nội). Số A.2728, một trật. 8.Nam dược thần hiệu (Thần hiệu thuốc Nam):in, 53 tờ, không tên người soạn. Mục lục có 10 quyển, kể các bệnh, nhưng chỉ thấy các bộ thuốc bản thảo (có chua tên Nôm) trong quyển đầu. Bản in khắc tự năm Khải-Định thứ chín (1924) của nhà Tụ-văn phố Hàng-gai Hà-nội. Số A.2727, một bản. 9.Nam dược thần hiệu (Thần hiệu thuốc Nam):viết, 2 quyển, 219 tờ, không tên người soạn, nhưng chính trích lục trong nguyên cảo của thiền sư Tuệ-Tĩnh, tức là bộ A.1270 nói trên. Số A.163, một trật. 10.Nam dược thần hiệu (Thần hiệu thuốc Nam): Số A.239. 11.Tuệ-Tĩnh y thư (Sách thuốc của Tuệ-Tĩnh): viết, cọng 112 tờ. Bản thảo chữ Nôm 24 tờ, Y luận chữ Hán 65 tờ, Cao-đan-hoàn-tán vừa chữ Nôm, vừa chữ Hán 29 tờ. Số A.B.288, một bản. 12.Thập tam phương gia giảm (Mười ba phương gia giảm): viết, cọng 91 tờ. Những phương này chép trong sách thuốc của sư Tuệ-Tĩnh kể trên, còn phụ 24 tờ sách thuốc khác và 45 tờ nói phép chiêm bốc vừa chữ Nôm vừa chữ Hán. Số A.B.531. Sao lục lại mấy dòng thư tịch trên đây, người biên tập chuyên mục này không khỏi băn khoăn, đã qua nửa thế kỷ binh đao khói lửa, vật đổi sao dời, không biết liệu chúng ta có tiếp quản và bảo tồn đầy đủ các bản sách trên hay không? Mong nhận được thông tin phản hồi từ các cơ quan có chức năng quản lý. Hư hao mất mát là điều không thể tránh khỏi trước sự tàn phá của thời gian, tuy nhiên chúng tôi vẫn tin tưởng rằng trong nhân dân, nhất là trong tủ sách các gia đình làm thuốc nhiều đời vẫn còn lưu truyền nhiều tàng bản sách thuốc quý hiếm khác, nếu biết tổ chức sưu tầm, nhân bản sao chép phổ biến rộng rãi, chúng ta có thể bù đắp được phần nào. Hy vọng Tạp chí CTQ sẽ là một địa chỉ đáng tin cậy để bạn đọc gởi gắm góp phần bảo tồn vốn quý y dược cổ truyền, một di sản văn hoá dân tộc. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com