SÁCH PHẬT * Phật Điển Hành Tư Các bạn có biết … Phật giáo là nguyên nhân xuất phát quyển sách (kinh) đầu tiên trên thế giới, (1)… có biết rằng Phật giáo đã thành lập một hội đoàn đầu tiên (tăng già), trong đó bao dung cả nữ phái (ni bộ), và không phân chia ranh giới về chủng tộc hay giai cấp… là một tôn giáo toàn cầu đầu tiên, dưới triều vua A Dục… đã giúp hầu hết các nước Á châu tiến bộ về mặt văn hóa và thống nhất tư tưởng (triết lý đạo Phật) …thiết lập trước tiên trên thế giới một chương trình giáo dục tiếp diễn liên tục, (2) thành lập một đại học đầu tiên, (3)… có trách nhiệm tạo nên một trường phái cắm hoa trước nhất (ikebana tại Nhật) … phát sanh ngành võ thuật (Thiếu Lâm Trung hoa và võ sĩ đạo Nhật) …tạo lập một hệ thống trước tiên về tâm lý học và tâm lý trị liệu (duy thức học)… ảnh hưởng lớn đến tân vật lý học gia (new physics), khoa học gia, bác sĩ, kinh tế gia và các nhà môi sinh đương đại … đang là thế lực đàng sau trong biến cải thói quen ăn uống của Mỹ… là vai trò chánh yếu trong hình thức văn chương ngắn gọn nhất thế giới (thơ haiku)… và nhiều, nhiều nữa… Bạn cĩ biết hay khơng? Xin mời các bạn theo tôi đi tìm dấu chân và ảnh hưởng của Đấng Đại Giác. Tôn giáo lớn hàng thứ tư trên thế giới này đã chứng minh rằng đây không phải là một cái mốt thời thượng tại Tây phương. Nhưng cũng chẳng cần phải mệnh danh, bạn có thể gọi đó là gì cũng được, là một tôn giáo, một nền triết học, một hệ thống tâm lý, là phương pháp giáo dục, hay là một phương thức hiện sinh…. gì gì cũng được. Điều phải chấp nhận là Phật Pháp đã du nhập Tây phương và đã nở hoa giác ngộ, thật tươi mát, thật tồn tại. Đi trên con đường (đạo pháp) này, có thể bạn sẽ sớm đồng ý với hơn năm trăm triệu Phật tử toàn cầu rằng, đây là một sinh lực như ngay chính sự sống tự nó. Giống như tánh chất giải khát của nguồn nước tươi, mát, trong trên con đường ngoằn ngoèo đầy bụi bặm.Và giản dị như xòe bàn tay ra. (4) Phật Pháp là đạo duy nhất leo lên tận cùng đỉnh cao nhất của tâm, và thẩm thấu tận cùng đáy sâu nhất bất khả đạt của tâm. Phật Pháp khiến đường đời ta đi nhẹ nhàng hơn, đưa tâm hồn đến cõi thanh tịnh, và tràn trề lòng hài hòa cùng tâm từ bi. Và Phật Pháp cũng gọn gàng sát cánh với điều người Mỹ chúng ta ôm ấp: “… quyền được sống, được tự do, được theo đuổi hạnh phúc…”. Khẩu hiệu chỉ nam đầu tiên của Phật Pháp là: Tự bạn tìm thấy (ehi passiko)! Tôi có thể nói gì hơn? Thôi thì mời bạn hãy lách mình vào theo trong đoàn hướng dẫn từng bước từng bước một, đi theo những gì trên đường mà bạn thấy đúng đối với bạn, rồi thì từ đó, tự bạn bắt đầu cứ tự mình mà đi. Và hãy cứ tùy nghi thưởng thức! Trên đây là lá thư tâm sự của Gach Gary, tác giả quyển The Complete Idiot’s Guide to Understanding Buddhism do Alpha Bks ti bản lần thứ hai vào năm 2004 tại Các nhà phê bình văn học cũng đã thẩm định sách này như sau: Theo Brian Bruya, nhà phê bình cách sách tôn giáo Á châu: “ Gary Gach giống như một vị minh sư mà bạn luôn trông chờ – phóng khoáng, đa văn, có thể truyền đạt tư tưởng một cách dí dỏm nhưng đầy ý nghĩa, và hơi một chút tàng tàng….Ông đã tóm gọn tất cả căn bản của Phật Pháp vào trong quyển sách này bằng một văn thể nhẹ nhàng và một thái độ say sưa khiến bạn sực tỉnh, đứng dậy và quyết tâm làm một điều gì đó có tánh cách Phật Pháp cho chính mình”. Theo Rabbi Rami Shapiro, tác giả nhiều sách Do thái giáo: “ Phùng Phật sát Phật! (Gặp Phật trên đường thì giết Phật đi, tựa một quyển sách về Thiền rất ăn khách thời thập niên 70). Nhưng nếu bạn gặp Phật trong những trang sách đầy kiến giải vô cùng thích thú của Gary Gach, thì bạn cần phải chú ý lắng nghe những gì ông trình bày. Anthony Flanagan, trên mạng <Buddhism. About.com> viết: “Điều tôi thích nhất về sách này là nó có khả năng diễn đạt sự vô cùng phong phú và đa dạng của kinh nghiệm Phật Pháp mà không đánh mất một chi tiết quan trọng nào cả. Bạn hãy chuẩn bị tiếp đón điều bất ngờ khi không ngờ đến, điều đ quen thuộc mà lại rất lạ lùng. Sách này luôn soi sáng, thỉnh thoảng một chút cà tàng, nhưng không bao giờ nhạt nhẻo. Hãy tự bạn thưởng thức đi!” Neela Banerjee, tạp chí Asia Week: “… Soi sáng cách kỳ dị và thông đạt lạ thường … sách này quả đã chứng minh rằng những tư tưởng đa dạng của một trong những nền triết lý cổ đại nhất thế giới lại có thể ứng dụng thực tiển ngay trong đời sống hàng ngày của nhân loại hiện nay.” Dòng Sơn Thủy Thiền (The Mountains and Rivers Zen Order): “Sách viết nhẹ nhàng và giải trí, nhưng rất đầy đủ, cập nhựt và rất thành thật. Tác giả đã quy tụ nhiều khía cạnh về lịch sử và phương cách tu hành của Phật Pháp – từ những căn bản giới luật, thiền tập cho đến tỉ giảo Phật Pháp với khoa học – bằng một thể thức rất là thực tiễn nhưng không đánh mất một nhịp điệu nào.” Howard Gontovnick, giảng sư Tạp chí January Magazines: “Gary Gach thật sự nắm vững vấn đề. Ông trình bày những nguyên lý căn bản quan trọng của đạo Phật trong sách này một cách khoáng đạt, cách viết rất sắc bén, trong sáng và thông suốt. Văn của Gach rất dịu dàng và ngắn gọn và thông điệp ông gửi gấm phát tiết rành mạch, không hề điên khùng và không hề, chẳng hề chán ngắt hay khô khan.” Theo Leze Lowits, báo Japan Times: “Khi bạn giựt mình để ý thì bạn đã đọc suốt nửa cuốn sách và bước đi trên đường rồi. Đây là một sách căn bản cần đọc… Với một cách trình bày vừa rộng vừa sâu đáng nể, sách đã giúp độc giả và hành giả tiếp cận Phật Pháp thật dễ dàng, và thông đạt nó một cách đầy đủ ý nghĩa và thích thú. Sau khi đọc hết sách rồi, bạn sẽ cảm thấy bạn là một nhà thông thái hơn là một thằng khờ, nhưng mà vì bạn đã đạt được một cảm nhận nhẹ nhàng và vô tư rồi, thì bạn đâu cần để ý gì đến nhản hiệu thông thái hay khùng điên chi nữa”. Sau những lời phê bình đầy tán thán như trên, có lẽ không cần phải viết thêm gì nữa, vì họ đã chứng minh Gary Gach, sau hơn 40 năm tu và học Phật Pháp để viết thành một quyển Phật Pháp thật căn bản và ứng dụng, không phải của một người ngu dốt viết cho bọn dốt ngu, ông quả xứng đáng là một minh sư. Tuy nhiên cần thêm thắt một vài nhận định. Trước tiên, quyển The Complete Idiot’s Guide to Understanding Buddhism này không phải là một sách có giá trị tham khảo nghiêm túc cấp đại học, không thể dùng làm tài liệu dẫn chứng, mặc dù là đầy đủ và đúng đắn những thông tin chính yếu về lịch sử, các nguyên lý căn bản như tứ diệu đế, nghiệp, niết bàn, v.v. lịch sử truyền bá tư tưởng và bốn tông phái quan trọng, sự hội nhập của Phật Pháp vào sinh hóa Tây phương, v.v. Tác giả đúc kết những tinh túy của mỗi vấn đề chánh yếu trong Phật Pháp thành từng chủ đề rất đơn giản dễ áp dụng vào trong đời sống hàng ngày nhưng lại thêm thắt nhiều ý tưởng mới lạ với một cái nhìn độc đáo chứng tỏ ông đã thấm nhuần và siêu việt những căn bản của Phật Pháp. Và cũng vì thế sách chỉ có thể dùng cho những ai thật tâm muốn áp dụng những tri thức về Phật Pháp vào sinh hoạt tâm linh với một thái độ vững tin, cởi mở và quán triệt. Thí dụ như sau khi viết về căn bản của Thiền, Gary Gach rút gọn bằng một câu so sánh một sinh hoạt trong cuộc đời; thái độ của Tây phương là “Ngồi chình ình đó chi vậy? Tìm một chuyện gì để làm đi!”; trong lúc thái độ của Thiền : “ Đang làm gì vậy? Ngồi yên xuống đó!” Trúng phóc như đinh đóng cột. Không cần tiệm ngộ hay đốn ngộ. Ngồi xuống cái đả! Ngồi yên để tìm tâm, để an tâm, đạt an lạc. Tìm chuyện làm chỉ để khỏa lấp thời gian và tạo thêm phiền não, cho dầu là tích cực thì cũng là phiền não! Cho nên sau khi trình bày cách thức ngồi thiền với nhiều ý tưởng cụ thể, ông kết luận: “Ngồi xuống đây!” Trong chương về lịch sử đức Phật, ai người Phật tử cũng thuộc nằm lòng là sau khi đạt Đại Giác Ngộ, Ngài hoằng hóa 49 năm, thì Gary Gach cứ ghi là Ngài du hành thuyết pháp 50 năm. Sai biệt 1 năm không gì đáng kể, nhưng phải chăng đây là một thể hiện tâm thức của Tây phương, 50 năm là trọn phân nửa đời người trăm năm, trong khi 49 năm là 7 lần 7, con số mang nhiều ý nghĩa quyền năng trong các đạo giáo Đông phương? Ta thường nhìn hình tượng Phật với một thái độ chiêm bái, đôi khi ngưỡng mộ về nghệ thuật. Với Gary Gach, ông chú thích về tượng đức Phật đứng của nghệ thuật Sukhothai Thái lan như sau: “Đức Phật là vị du phương hành hoá, ngài đi bộ trong một hành trình miên viễn. Từ đó mà giáo pháp của ngài được quảng bá bằng đôi chân. Nhục kế trên đỉnh đầu ngài tượng trưng cho sự giác ngộ. Chính từ nơi kim khẩu của Phật, Ngài nói: “hãy đến thử, và tự tìm thấy” (ehi passiko). Ngài không đe dọa (không theo ta thì xuống địa ngục) cũng không mua chuộc (phát đồ tiếp tế khi túng bấn rồi bắt theo đạo) hoặc gian dối (bên Mỹ không có đạo Phật, khai là Phật tử thì con cái không được đi học) … Ngài chỉ mời đến, – những người tò mò hay thực tâm muốn tìm hiểu, khám phá, ngay cả người vô thần không có đức tin nào, hoặc người chủ tâm đến để phá hoại, hay người đã có sẵn tín ngưỡng khác từ bao đời -, ngài mời tất cả đến, và bảo họ rằng tự họ tìm kiếm chân lý cho chính mình, y như Ngài khi xưa. Ngài nói: “Tôi đã thử, kinh nghiệm và nhận thấy những điều này đúng với tôi. Vậy thì các người hãy thử…” Cho nên, Gary Gach nói, “bao giờ cũng có một địa vị tôn quý cho Đức Phật và một chỗ đứng cho đạo Phật bất kỳ trong một đức tin hay tín ngưỡng nào, ngay cả đối với những người vô thần (atheists), bất tri (agnostics) hay ngoại đạo (pagans). Ngài mời đến để tìm hiểu góc độ theo Phật Pháp lý do tại sao chúng ta bị khổ não và cách thế chúng ta có thể thực hành để được tự do, giải thoát khỏi những khổ não chằng chịt đó. Đến để học những khái niệm chủ chốt của Phật Pháp gồm cả nguyên lý âm dương, ngã và tâm, lý nhân quả của Nghiệp, v.v. Đến để tập Thiền cho thư giản những bức xúc trong cuộc sống hàng ngày, rồi tập trung tư tưởng để hết lăng xăng cho tâm được an thân được lạc, đó là hạnh phúc miên viễn vượt thoát hết khổ não thế gian. Đến để khám phá năm biến cách, tuy 5mà một quyện lấy nhau của Luật Vàng (ngũ giới) mà Phật tử thể nghiệm từ bao thế kỷ qua, khắp nơi trên mặt đất này. Bạn không phải là một tên ngu dốt, dĩ nhiên. Bạn đã biết rằng Tây phương đã theo Phật giáo từ bao thập niên qua và vẫn còn phát triễn mãi mãi, từ hàng trăm đại học danh tiếng mỗi năm sản xuất cũng hàng trăm tiến sĩ với những luận án rất nghiêm chỉnh về đạo Phật cho đến hàng ngàn trung tâm hành thiền hay niệm Phật, đã thẩm thấu vào toàn bộ những sinh hoạt tâm linh và đường hướng suy niệm của văn hóa Tây phương, và như thế thì hể còn nhân loại, không phân biệt chủng tộc hay địa phương, thì vẫn còn Phật Pháp . Xuyn dòng lịch sử, Phật Pháp đã biến chuyển không những qua thời gian mà qua cả những lý tưởng cá thể và đức tin của những ai đang thực tập nguồn đạo này. Viết về cuộc du nhập của Phật Pháp vào Tây phương từ giữa thế kỷ 19 đến nay, Gary Gach viết rằng: “đóa hoa sen (chánh pháp) đã nở thêm một cánh trên đất Tây phương, với đầy đủ điều kiện phong thổ, phân bón, nước tưới trong sạch, …, và sẽ còn nở mãi, tuy rằng với một hình thức đại biểu nào thì không ai có thể tiên đoán được. Bởi vì Phật Pháp là sinh khí, là triển chuyển, không cứng đọng, không đóng khuôn, cho nên tuỳ duyên mà bất biến”, không phải là một cái mốt thời thượng như những phong trào mê tín (cults) khác, đến như cơn gió lốc mà đi thì cũng mau như lửa rụi. Khẳng định này được sử gia nổi danh Arnold Toynbee (1869-1975) ủng hộ và Gary Gach dẫn chứng: Vào gần cuối cuộc đời, được mời nêu lên một sử kiện đáng kể nhất trong thời đại ông, trong số bao nhiêu điều mà ông đã chứng kiến, thì Toynbee không ngần ngại nói rằng: “Cuộc du nhập của Phật Pháp vào Tây phương sẽ chứng minh hùng hồn rằng đây là một sử kiện quan trọng nhất của thế kỷ 20.” Lịch sử cũng cho thấy, luật gia Christmas Humphrey đến Nhật trong đoàn thẩm phán của Tòa Án Chiến Tranh Quốc tế, lại viết sách giới thiệu Phật Pháp cho Tây phương. Còn Philip Kapleau thì đến làm phóng sự các phiên tòa án đó, về sau trở lại Nhật và học Thiền 13 năm, tạo danh qua quyển bán chạy như tôm tươi “Ba cột trụ Thiền” (Three Pillars of Zen), bắt đầu mở cái cổng không cửa của nguồn Thiền sống động cho hàng triệu người Tây phương. Và còn nhiều người tên tuổi nữa… Cho nên, đây là một quyển sách gối đầu nằm cho những ai thiết tha muốn có một người duyệt lãm cận kề ngày đêm, một người vừa là bạn nghiêm khắc vừa là thầy phóng khoáng để khuyến khích, để cung ứng tất cả những gì căn bản cần biết và lúc nào cũng có thể sẵn sàng phơi bày cho biết; sách này chính là người bạn duyệt lãm đó. Nội dung sách không gì nhiều hơn một người học Phật đều biết, về lịch sử đức Phật, các nguyên lý căn bản như tứ diệu đế, bát chánh đạo, niết bàn, lịch sử truyền thừa và các tông phái lớn hiện đại. Điểm đặc biệt là cách thức trình bày và thái độ tự do an nhiên của tác giả. Ông không phải là học giả, cũng không là giảng sư, hay nhà truyền đạo. Ông chỉ thể hiện một thái độ sống, rất là Phật tính, truyền trao cho chúng ta, cho những ai có thể nói rất là học giả uyên thâm nhưng không có được một cái nhìn nhất quán về Phật học, hay cho những tên khờ chưa biết chi về lời Phật dạy nhưng rất muốn biết và muốn tự mình thực chứng. Sách chia ra thành 4 phần, phần I dành trọn 4 chương (ch.1-4) về Phật; phần II 4 chương (ch.5-8) về Pháp hay Phật Pháp; phần III 6 chương về Tăng. Sở dĩ Tăng (Sangha) chiếm đến 6 chương là vì tăng già là đoàn thể những vị tu (ch. 9, giữ giới luật) và hành các pháp môn như Thiền (ch. 10, cách thức ngồi thiền – meditation – căn bản), thiền minh sát (ch. 11. Vipassana, tức thiền quán), thiền Bắc tông (ch. 12. Zen), niệm Phật (ch. 13, Tịnh độ) và Mật (ch. 14, tức Kim cang thừa, hay Tây tạng Phật giáo). Vai trò của Tăng già quan trọng là như thế. Phần IV gồm 7 chương viết về Phật giáo hiện đại, từ áp dụng vào đời sống cư sĩ hàng ngày đến liên quan và ảnh hưởng trên xã hội (hội nhập văn hóa, nam nữ bình đẳng, v.v.), ảnh hưởng trên nghệ thuật cổ điển (thơ haiku, ikebana, đồ thư , kiến trúc chùa tháp, nhã nhạc, võ sĩ đạo, …), phim ảnh (phim Rashomon, Hạc cầm Miến Điện, Musashi, Kundun, The Cup, Little Buddha …), khoa học (tam thiên đại thiên thế giới, quantum physics …), các triết thuyết tây phương (hiện sinh, duy tâm, biện chứng, …) v.v. Cuối mỗi chương, Như cuối chương 2, nói về: “Khác mùi, một vị: Giáo pháp du hoá khắp nơi”, thì “Điều tối thiểu bạn cần biết” là: * Phật Pháp hòa nhập vào các nền văn hóa dị biệt của các địa phương khác nhau. Nhưng tất cả hình thức đa dạng của Phật Pháp đều mang một thực thể căn bản – đó là vị giải thoát. * Chịu đựng (nhẫn nhục) luôn là một đặc thái xã hội dẫn đạo của Phật Pháp. (Nói mau, có bao nhiêu cuộc chiến tranh do đạo Phật gây nên mà bạn đếm được?). Chương 5, về Tam Bảo và Tứ Đế, “Điều tối thiểu bạn cần biết” là: * Hầu hết toàn thể Phật tử đều chấp nhận giá trị căn bản của Tam Bảo và Tứ diệu đế. * Tam Bảo là hệ thống tổ chức căn bản của Phật Pháp. Tứ Đế là giáo lý căn bản của Phật Pháp. Dĩ nhiên một quyển sách duy nhất không thể nào bao gồm đầy đủ tất cả những vấn đề quan trọng của Phật Pháp cho nên ngoài những trang chánh mạch với những thông tin nghiêm chỉnh, Gary Gach còn có sáng kiến không làm buồn chán độc giả, và hành giả, bằng cách trình bày một vài ghi nhận đóng trong khung nhỏ bên lề sách, mà Gary gọi là bảng lề gạch ngang. Có 4 gạch ngang có tiêu đề như sau: 1. Lá bồ đề; 2. Hear and Now là một lối chơi chữ, nhạy một pháp thiền thời thượng là: phải chú tâm bây giờ và ở đây (here and now). Bây giờ (here) qua tánh dí dỏm của Gary Gach, đã trở thành Hãy Nghe (hear). Nên tạm dịch là: Nghe đây. ** Nghe đây: “ Chúng ta quy y Phật bởi vì Ngài là đấng đạo sư. Quy y Pháp vì là thuốc trị bịnh tốt. Quy y Tăng vì là đoàn thể các thiện hữu tri thức.” (Theo Đạo Nguyên, 1200-1253). ** Nghe đây: “Niết bàn có mặt khắp nơi. Niết bàn không trụ một nơi đặc biệt nào cả. Nó ở trong tâm chúng ta. Nó chỉ có thể tìm thấy ngay bây giờ… Nó trống rỗng và không có khái niệm gì cả. Không gì có thể chứa đựng được Niết bàn. Niết bàn siêu việt nhân và quả. Niết bàn là hạnh phúc tối thượng. Đó là an lạc vĩnh cữu. Hòa bình trên thế giới còn tùy thuộc nhiều điều kiện, riêng niềm an lạc trong Niết bàn thì không bao giờ đổi thay. (Ch. 8, Nhận Nghiệp, tạo Pháp, các nguyên tắc căn bản) ** Nghe đây: (Suy nghiệm về) Khổ đưa đến Niết bàn. Khi ta thấu đáo Niết bàn, ta sẽ được tự do (giải thoát)”. (Tăng thống Cam-bốt Maha Ghosananda). ** Nghe đây: Max Planck, cha đẻ của Quantum Physics nói: Không có vật gọi là chất thể tự nó. Tất cả chất thể chỉ khởi nguồn và hiện hữu từ một sức lực nào đó. Ta có thể cho rằng bên sau sức lực đó có sự hiện hữu của một Tâm hữu thức và thông minh. Cái Tâm đó là cốt lõi của tất cả chất thể.” (Ch. 20, Phập Pháp và Khoa học, vô lượng vô biên). 3. Đây là : Khung này giới thiệu những vấn đề ngắn gọn mà đôi khi những trang chánh mạch không có chỗ để giải thích. *** Đây là: Phạn ngữ của Hơi thở, prana, cũng có nghĩa là năng lượng vũ trụ, sinh lực. Hán ngữ cho lực này là Khí, như hơi khí, hơi bốc. Ngữ từ spirit (thần) là do chữ La-tinh spiritus, spirare, có nghĩa là hơi thở, hay thở (động từ). (Inspiration, cảm hứng, hay Yên-sĩ-phi-lý-thuần, có nghĩa là thở vào). Trong kinh thánh Hebrew và Hy lạp, hai chữ nói về thần, ruach và pneuma, có nghĩa là hơi thở và cũng có nghĩa là gió (hơi thở bên trong hòa hợp với gió bên ngoài). Chữ Á-rập nefes có nghĩa linh hồn cũng như nghĩa hơi thở. Trong bảng lề này Gary Gach cho ta thấy trong tất cả mọi tôn giáo, hơi thở là quan trọng nhất, thần hồn, thần linh, thần khí, đều là từ hơi thở. Vậy mà dường như lúc nào chúng ta cũng quên chú ý đến nó. Cho nên khi ngồi thiền: ** Nghe đây: Hơi thở luôn phổ quát. Bạn ngồi đây và quán sát hơi thở. Bạn không thể nói đây là hơi thở Ấn giáo, hơi thở Ki- tôn giáo hay hơi thở Hồi giáo. Khi bạn thấu triệt cách sống an lạc và hài hòa qua hơi thở – thì bạn không mệnh danh Phật Pháp là tôn giáo hay tính lý gì cả. Phật Pháp không có cổng phân chia tôn giáo (Charles Johnson). 4. Dọc trên đường đạo bạn sẽ thấy rất nhiều hình ảnh mới lạ, tuy không quan rọng nhưng đủ làm đậm đà thêm cho những thông tin chánh mạch. Như trong chương về Đức Phật, dọc trên đường đạo bạn lại biết thêm rằng Đức Phật là một hình ảnh ngời sáng trong lịch sử thế giới của một gian kỳ đánh dấu khởi nguyên nền văn minh nhân loại như chúng ta biết đến ngày nay. Gian kỳ trục trung này, mà Karl Jaspers mệnh danh là Thời đại Quỷ Đạo, trãi dài từ năm 800 đến 200 trước kỷ nguyên tây lịch, bao gồm kinh Phệ Đà và đạo Kỳ-na tại Ấn độ; Khổng tử và Lão tử tại Trung hoa; Homer, Heraclitus và Socrates tại Hy lạp; Zarathrustra tại Ba tư, và các nhà thánh tri Do thái. Tóm lược, đây là một trong rất nhiều sản phẩm sau thời Phật giáo được nồng nhiệt tiếp nhận như là một luồng gió mới tươi mát thổi vào môi trường Tây phương đang cằn cỗi bế tắt; cũng đã có rất nhiều người vớ được Phật giáo như là một chiếc phao, gây thành một phong trào ồn ào qua Ấn độ và Đông Á ngồi dưới chân các gurus năm bảy năm rồi viết sách ca tụng nguồn đạo họ vừa khám phá, mặc dầu biết rằng nguồn đạo đó đã sinh tồn hơn 2 ngàn 5 trăm năm qua, không cần ai ca ngợi nữa. Riêng Gary Gach đã vượt qua tất cả những người chạy theo thời thượng đó, vượt qua những học giả đang say mê nghiên cứu những triết lý thâm sâu của Phật Pháp, vượt qua cả những đóng khuôn của ngôn từ huyền bí trong Phật Pháp để có một văn phong thật giản dị nhưng cũng thật thanh thoát, với mục đích mang Phật Pháp đến với Tây phương với đầy đủ căn bản triết lý và pháp hành của một phương pháp sống tiềm tàng đầy sinh lực (bình thường tâm thị đạo). Đó là điều Gary Gach đã làm được; chỉ cần hành giả thực tâm áp dụng những trang sách của ông vào cho cuộc sống tự thân, bởi vì ngay chính Đức Phật cũng đã bảo: “Hãy đến và tự tìm thấy!”. Chú thích: (1) Kinh Kim Cang, được xem như là quyển kinh đầu tiên trên thế giới được hình thành năm 868 bằng phương pháp in ấn; trước đó chỉ là những sách được sao chép bằng tay. Một phó bản của kinh được tìm thấy ở Đôn Hoàng và hiện được bảo quản tại Bảo tàng viện Luân đôn ( (2) Liên hệ giữa thầy và tăng sinh, dạy dỗ nội điển và hướng dẫn từng cá nhân một trên đường giải thoát; cho đến ngày nay vẫn còn là một phương pháp giáo dục thực tiễn nhất, và hiện đang được các trung tâm Phật giáo Tây phương dùng để áp dụng cho chính con cái của những hành giả đang tu học nơi đó. (3) Chỉ hơn 100 năm sau Phật nhập diệt, Tăng già đã thiết lập đại học Nalanda, một đại học đầu tiên trên thế giới theo đúng nghĩa đại học: ngoài chương trình giảng dạy Phật Pháp, còn có các mộn nghiên cứu kinh điển đương thời như Upanishads và Vedas, y học, văn phạm, luận lý, triết học và chánh trị học, v.v. (4) Lấy ý trong câu chuyện Đức Phật bảo chư đại đệ tử: “Pháp của ta mở rộng, không dấu diếm gì cả, như bàn tay ta đang xòe ra đây. Hy đến mà tìm thấy (ehi passiko) và tự tu chứng”. |
Cập nhật ( 18/07/2010 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com