QUAN ÂM THỊ KÍNH MỘT HÌNH ẢNH TUYỆT ĐẸP CỦA NGƯỜI NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT Trần Phước Thuận Truyện Quan Âm Thị Kính không rõ xuất hiện từ thời nào, do ai sáng tác, chỉ biết từ lúc đầu là khúc hát chèo trong đó gồm nhiều đoạn hát theo các điệu : kể hạnh, hát kệ, hát cách … sau đó lại có truyện thơ Quan Âm Thị Kính ra đời. Nếu so sánh khúc hát chèo và truyện thơ thì khúc hát chèo rất bình dị và tự nhiên, rõ ràng là khúc hát của dân quê; còn truyện thơ thì được viết bằng thể thơ lục bát trong đó có mang nhiều ý nghĩa thâm thúy của Nho và Phật, chắc chắn phải do một người có học thức sáng tác. Nhưng hiện nay khúc hát chèo lại có nhiều bản khác nhau và những bản gần đây nhất là những vở chèo được trình diễn trên sân khấu đã bị ảnh hưởng văn chương của truyện thơ không còn bình dị và tự nhiên như lúc đầu. Đa số các bản chèo Quan Âm Thị Kính còn lưu lại đến hôm nay đều là những bản viết tay, chỉ có một bản chữ Nôm được khắc in vào cuối thế kỷ XIX và bản in bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên do Vũ Khắc Khoan giới thiệu đã được nhà xuất bản Đào Tấn – Sài Gòn ấn hành năm 1966. Truyện thơ Quan Âm Thị Kính là tác phẩm văn chương hóa từ tích chèo Quan Âm Thị Kính, cũng không rõ đã ra đời từ năm nào, một số người nói đã xuất hiện vào giữa thế kỷ XIX; bản truyện thơ đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ được in vào năm 1911 do bà Phan Thị An phiên âm và hiệu đính, tất cả gồm 788 câu thơ lục bát và môt lá thư của Kính Tâm viết cho cha mẹ bằng thể văn biền ngẫu, suốt bài thơ chứa đựng rất nhiều điển tích chứng tỏ tác giả là người học vấn uyên bác, khác rất xa phong cách bình dị trong tích chèo. Nhưng tuy hình thức có khác nhau, nội dung của tích chèo và truyện thơ Quan Âm Thị Kính vẫn là một, Thị Kính – nhân vật chính vẫn là hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm, đại ý cốt truyện cũng gần giống nhau như sau : Ngày xưa, có một chàng trai tu hành đã chín kiếp, đến kiếp thứ muời lại sinh làm con gái trong một gia đình họ Mãng ở huyện Hồ Nam quận Lũng Tài thành Đại Bang nước Cao Ly, nàng tên Thị Kính một người con gái rất đẹp, tánh rất đoan trang và hiền hòa, lớn lên được cha mẹ gã cho một nho sinh họ Sùng tên Thiện Sỹ. Vào một đêm khuya, Thiện Sỹ đọc sách mệt mỏi vừa ngã lưng xuống ngủ, Thị Kính ngồi bên cạnh đang may vá bổng thấy dưới càm của chồng có một chùm râu mọc ngược rất khó coi, liền đưa kéo định cắt bỏ đi. Thiện Sỹ bổng giật mình thức giấc, thấy vậy tưởng vợ định giết mình bèn là lớn lên, Thị Kính đã cố phân giải nhưng vẫn bị đuổi ra khỏi nhà. Bởi chán nản vì nhân tình thế thái quá bạc bẻo nên nàng đã cải nam trang đi đến một nơi thật xa, cuối cùng nàng vào một ngôi chùa gọi là chùa Vân, nàng xin xuất gia ở đây và được thầy đặt cho pháp danh là Kính Tâm. Gần đấy có một người con gái tên Thị Mầu, con của một phú ông nhưng tánh tình không tốt, chỉ thích điều trăng gió hoa nguyệt, thấy Kính Tâm đẹp người đẹp mặt nên rất si mê, nhiều lần cố tình quyến rũ nhưng trước sau đều bị Kính Tâm chối từ lẫn tránh. Thị Mầu vô cùng tức giận, rồi nhân đã lỡ có thai hoang với một đứa tớ trai, mới đem việc này đổ tội cho Kính Tâm nên sau đó Kính Tâm đã bị làng nước khảo tra tàn nhẫn nhưng nàng vẫn không nhận tội, cuối cùng sư cụ chùa Vân phải đem tiền nạp phạt chuộc nàng về, nhưng cho ở phía ngoài chùa vì sợ tiếng đời dị nghị. Thị Mầu sinh được một con trai, sau đó lại đem bỏ trước căn chòi của Kính Tâm, lúc đầu Kính Tâm rất bối rối nhưng rồi do lòng từ bi nên đã đem đứa bé vào nhà nuôi dưỡng, ngày ngày “chú” phải ẳm “con” vào làng xin sữa nuôi con, mặc cho mọi người mai mỉa. Thật không có nỗi đắng cay đau xót tủi nhục nào bằng cái cảnh của Kính Tâm phải chịu đựng hơn mười năm dài để nuôi đứa bé. Nhưng đứa bé chưa đến tuổi trưởng thành thì Kính Tâm đã từ giả cõi đời, trước khi chết “chú” đã viết một bức thư để lại cho cha mẹ và một bức gởi cho sư trụ trì kể rõ sự tình. Lúc đó mọi người mới vở lẻ ra Kính Tâm là gái nên lập tức lập đàn cầu siêu cho nàng. Bổng nhiên Phật Thiên Tôn hiện ra trên mây ngũ sắc truyền cho Kính Tâm được làm Phật Quan Âm. Sư cụ chùa Vân (theo tích chèo) lúc đó đã hát theo điệu kể hạnh : “Nay bà Thị Kính hóa duyên Hóa thân được cả mẹ cha Kìa là bạn cũ nọ là con thơ Thế gian trông thấy sờ sờ …” Theo tích chèo thì câu chuyện dừng lại ở đó, nhưng truyện thơ thì đi xa hơn, Thị Mầu phải đền tội, phải để tang, phải trả chi phí lập trai đàn, cha mẹ của Thị Kính cùng Thiện Sỹ đến kịp, tất cả đều thấy cảnh Phật hiện ra truyền cho Kính Tâm thành Phật, ông bà họ Mãng và đứa bé cũng được lên tòa sen, Thiện Sỹ bị hóa thành chim vẹt đứng hầu một bên. Truyện thơ đã kể lại cảnh lúc đó : “Giữa trời một đóa tường vân Đức Thiên Tôn hiện tòan thân xuống đàn Vần vần tỏa dạng tường loan Đồng phan bảo cái giao hoan âm thầm Truyền cho nào tiểu Kính Tâm Phi thăng làm Phật Quan Âm tức thì Lại thương đến đứa tiểu nhi Lên tay cho đứng liền khi bấy giờ Kìa như Thiện Sỹ lờ đờ Cho làm chim vẹt đứng nhờ một bên Độ cho hai khóm xuân huyên Ra tay cầm quyết bước lên trên tòa Siêu thăng thóat cả một nhà Từ đây phúc đẵng hà sa vô cùng” Như vậy, trong hai tác phẩm tích chèo và truyện thơ Quan Âm Thị Kính, ngoài các vấn đề được nêu lên rất rõ về các hạnh trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục thuộc lục độ Ba la mật của Phật giáo còn nổi bật một vấn đề khác đó là chữ hiếu, nhưng hiếu ở đây đã vượt xa chữ hiếu của nhà Nho, không chỉ gói gọn trong việc đối xử chăm sóc cha mẹ, mà phải tìm mọi cách để độ thóat cho cha mẹ khỏi vòng sinh tử luân hồi. Các chi tiết được hư cấu trong truyện Quan Âm Thị Kính tuy có nhiều chỗ hoang đường không phù hợp với Phật giáo, nhưng lại rất hợp với tinh thần tha nhân của tôn giáo này. Ngoài ra còn một điểm đáng lưu ý nữa, đó là việc thể hiện cái tâm từ bi hỷ xã của Phật giáo bằng tấm lòng vị tha hiền hậu của Kính Tâm – một hình ảnh tuyệt đẹp của người phụ nữ Việt Nam; tác phẩm đã biến hóa các hạnh tinh tấn nhẫn nhục Ba la mật trở thành sự chịu đựng và bao dung của người mẹ hiền; cái tâm từ bi vô biên của Bồ tát ở đây đã biến thành tình thương bao la của người từ mẫu; sự cứu độ của Bồ tát cũng đã thể hiện rõ nét bằng việc làm thực tế của “chú tiểu Kính Tâm”. Nói tóm lại, tích chèo và truyện thơ Quan Âm Thị Kính là những tác phẩm văn học dân gian rất có giá trị, nội dung đã phản ánh được sự hòa nhập những ý nghĩa thâm viễn trong kinh luận Phật giáo vào những hành động thực tiễn của con người trong xã hội, trong đó đã gắn ghép rất chặc giáo lý Phật giáo đại thừa vào thuần phong mỹ tục của người Việt Nam./.
|
Cập nhật ( 17/04/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com