PHƯƠNG THỨC GHÉP TRONG ĐỊA DANH BẠC LIÊU * ThS Hồ Xuân Tuyên 1. Mở đầu Địa danh cùng với tộc danh và nhân danh là ba bộ phận của danh học. Từ địa danh xuất phát từ tiếng Hi Lạp cổ Toponymie (tức là tên gọi các địa phương hay tên gọi địa lí). Địa danh lại có thể chia thành các ngành như: địa danh địa lí, địa danh lịch sử, địa danh văn hoá. Cũng như địa danh của các tỉnh thành khác ở Nam Bộ, địa danh Bạc Liêu ẩn chứa những nét văn hóa độc đáo, lối tư duy riêng của người địa phương nơi đây. Bài viết tập trung nghiên cứu về địa danh thuộc tỉnh Bạc Liêu qua việc khảo sát những địa danh hiện đang được sử dụng. Ở đây, chúng tôi chỉ đi sâu nghiên cứu về những địa danh hành chính (chia làm các cấp: ấp – khóm, xã – phường – thị trấn và huyện – thị xã), những địa danh chỉ vùng đất có ranh giới không rõ ràng (xóm, khu), địa danh địa hình tự nhiên (kênh, rạch, sông, vàm, xẽo, giồng…) và những địa danh thuộc về công trình xây dựng có không gian hai chiều (cầu, đường, ngã ba, công viên…). Số liệu được chúng tôi sử dụng để nghiên cứu là 1120 đơn vị địa danh. Qua khảo sát, chúng tôi thấy có nhiều phương thức đặt địa danh ở Bạc Liêu: phương thức ghép, chuyển loại, vay mượn, dùng tên người, dùng truyền thuyết, dựa vào đặc điểm của đối tượng định danh,… Thông thường, mỗi địa danh được đặt theo một phương thức. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, một địa danh nhưng có thể được định danh bằng nhiều phương thức khác nhau. Địa danh Việt phần lớn đã được tạo ra bởi phương thức ghép. Địa danh Bạc Liêu cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Trong phương thức ghép thì phương thức ghép nhiều bậc trong địa danh Bạc Liêu chiếm tỉ lệ cao. Đây là phương thức tạo nên những địa danh nhiều âm tiết. 2. Cấu tạo của địa danh a) Các thành phần của một địa danh Chúng ta hình dung một địa danh gồm hai phần như sau:
* Loại hình địa danh là: xã, ấp, huyện, kênh, rạch, giồng, cầu, công viên… Riêng các địa danh hành chính, theo Quyết định số 13/ 2002/ QĐ – BNV của Bộ Nội vụ ban hành ngày 6/ 12/ 2002 quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của trưởng ấp, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thì ấp chuyển sang gọi là thôn, khóm chuyển sang gọi là tổ dân phố hoặc khu vực. Ở Bạc Liêu (năm 2006 – năm chúng tôi khảo sát), trong số đơn vị hành chính cấp thôn, tổ dân phố, khu vực thì đa số vẫn gọi là ấp, khóm; chỉ có 8 tổ dân phố (thuộc phường 3 của thị xã Bạc Liêu) và 5 khu vực (thuộc thị trấn Gành Hào) là gọi theo quy định trên. Tuy nhiên, để tiện lợi và thống nhất trong việc trình bày, chúng tôi vẫn dùng khái niệm ấp, khóm… Khi chuyển loại địa danh, những danh từ chung chỉ địa danh này sẽ trở thành tên riêng. Vị trí danh từ chung chỉ loại địa danh thường đứng trước danh từ riêng chỉ địa danh. Đặc biệt, trong địa danh Bạc Liêu có loại ghép đảo, tức là yếu tố loại hình địa danh không đặt vị trí đầu như thường thấy, mà đặt sau danh từ riêng. Ví dụ: ấp Lái Viết Vàm… * Tên riêng trong địa danh: – Số lượng âm tiết trong phần tên riêng của một địa danh có thể là một hoặc nhiều âm tiết. Phần tn ring chỉ có một âm tiết như: xóm Lung, phường 7,… có khi tới bốn âm tiết như: cầu Xã Bình Phú Đông, xã Phong Thạnh Tây A,… Số lượng địa danh có phần tên riêng từ 3 âm tiết trở lên ở Bạc Liêu chiếm tỉ lệ khá cao: 16,07% (180/ 1120 đơn vị khảo sát). Cụ thể: + Loại 3 âm tiết: địa danh hành chính có 104 đơn vị, địa danh các công trình xây dựng 61 đơn vị, địa danh địa hình tự nhiên 7 đơn vị. Tổng số: 172 địa danh. Ví dụ, xãõ Bình Phú Đông, xã Ninh Thạnh Lợi, cầu Cảng Bà Còng, rạch Nách Ông Tường,… + Loại có 4 âm tiết: địa danh công trình xây dựng có 5 đơn vị, hành chính 3 đơn vị. Tổng số 8 địa danh. Ví dụ: ấp Trung Hưng A 1, ấp Trung Hưng B1 (thuộc xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi); xã Long Điền Đông A (thuộc huyện Đông Hải), xã Phong Thạnh Đông A (thuộc huyện Giá Rai), xã Phong Thạnh Tây A, xã Phong Thạnh Tây B (thuộc huyện Phước Long) v.v. – Hình thức kí tự dùng để ghép trong địa danh có ba dạng sau đây: + Ghép chữ: Thường là những từ chỉ vị trí, phương hướng như: Đông, Tây, Tiền, Hậu… Ví dụ: Phước Hoà Tiền, An Trạch Đông…; hoặc chữ cái chỉ thứ tự A, B, C… Ví dụ: Vĩnh Mỹ A, Phong Thạnh Tây A, Vĩnh Phú B … + Ghép số: Cầu Bạc Liêu 1, ấp Hoàng Quân 1, Hoàng Quân 2, cầu Số 2… Phần tên riêng bằng số của địa danh có khi được cấu tạo bằng chữ số Ả rập, chữ số La Mã, số được ghi bằng chữ Quốc ngữ hoặc có khi số đi kèm với từ “số”. Số lượng địa danh có phần tên riêng bằng số (có kèm theo hoặc không kèm theo chữ cái) ở Bạc Liêu là 219 đơn vị / 1120 đơn vị địa danh (chiếm tỉ lệ 19,56%). Cụ thể: địa danh hành chính: khóm – ấp: 189 đơn vị (trong đó có 75 đơn vị số kèm theo chữ cái), huyện, thị – xã, phường, thị trấn: 6 đơn vị; cầu: 8 đơn vị; kênh, rạch: 11 đơn vị; đường 5: đơn vị. Điều này cũng phù hợp với tỉ lệ địa danh bằng số ở Nam Bộ, “địa danh bằng số ở Nam Bộ cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ chung cả nước”. [2, 57] + Kết hợp ghép chữ và số: ấp IIA, ấp II B… Địa danh có phần tên riêng bằng số hoặc số và chữ cái ở Bạc Liêu là 131 đơn vị. b) Địa danh đơn, địa danh ghép – Địa danh đơn Chúng tôi quan niệm địa danh đơn là địa danh ở phần tên riêng thường chỉ có một âm tiết, kiểu như: Vinh, Huế, Nhổn, Còng, Ghép… của Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Ở Bạc Liêu, có thể kể: (cầu) Cảng, (cầu) Cây, (cầu) Giữa, (cầu) Chùa, (cầu) Cháy, (cầu) Đình, (cầu) Đen, (cầu) Kè, (cầu) Đỏ, (cầu) Ván, (cầu) Sắt, (cầu) Trắng, (cầu) Treo, (cầu) Xáng, (cầu) Xanh, (kênh) Ngang, (kênh) Giữa, (kênh) Lộ, (sông) Cái… Những địa danh có phần tên riêng bằng số (La Mã hoặc Ả rập) là những địa danh đơn. Trường hợp có từ “số” đi kèm (ví dụ: cầu Số 2)… thì chúng tôi cũng coi đó là địa danh đơn (2 âm tiết). Số lượng địa danh đơn loại một âm tiết nêu trên ở Nam Bộ nói chung là rất ít, ở Bạc Liêu chỉ hơn 6% (68/ 1120 đơn vị – kênh rạch, sông ngòi: 15; vàm, lung, xẽo, láng…: 39; cầu: 14). Đặc biệt, trong địa danh hành chính không có loại này, nếu xuất hiện thì sau nó đã được ghép thêm yếu tố số hoặc chữ cái. Ví dụ: Mĩ 1, Mĩ 2, Phước 2 (không có Phước 1), Thạnh 1, Thạnh 2, Tràm 1, Tràm B, Tràm A 1, Tràm A 2, Huê 1, Huê 2, Huê 2 A, Hoà 1 (không có Hòa 2), Bửu 1 (không có Bửu 2), Tường 1, Tường 2… Địa danh đơn ở phần tên riêng có một âm tiết ở Bạc Liêu sở dĩ không nhiều vì loại này thường là địa danh gốc, nếu dùng đơn tiết sẽ khó đủ từ để đặt. Đây là một quy luật trong định danh nói chung. – Địa danh ghép Địa danh ghép là địa danh được thực hiện bằng phương thức ghép, phần tên riêng thường có từ hai âm tiết trở lên. 3. Mô hình của phương thức ghép
a) Thành tố gốc: Thành tố gốc có khi là một âm tiết hoặc nhiều âm tiết. Thành tố gốc có hai loại: gốc 1 và gốc 2 đi liền nhau (có nhiều trong địa danh hành chính Hán Việt), hoặc chỉ có gốc 1 (một âm tiết hoặc hai âm tiết; ví dụ: cầu Số 2, xóm Lung…) Thành tố gốc cũng có hiện tượng ghép (ghép gốc 1 và gốc 2 với nhau). Chúng tôi xem đây là ghép bậc một, giữa các thành tố được ghép này có kết cấu rất bền chặt. Bậc ghép này tập trung ở các địa danh Hán Việt, địa danh tên người. Cũng có thể gọi địa danh cấu tạo dạng này là địa danh phức. b) Thành tố ghép 3 và 4: Thường ghép 3, 4 vào thành tố gốc để tạo ra địa danh ghép bậc hai và bậc ba. 4. Phương thức ghép nhiều bậc (chiều ngang) a) Ghép bậc một Địa danh ghép là địa danh được tính từ âm tiết thứ hai (hoặc thành tố gốc 2) ghép vào âm tiết thứ nhất (hoặc thành tố gốc 1) trong phần tên riêng địa danh. Hai thành tố gốc này ghép với nhau thường là gốc từ Hán Việt, có nhiều trong địa danh hành chính, mang nghĩa tốt đẹp. Ví dụ: Phước Long, Hoà Bình, Vĩnh Lợi, Phong Thạnh… Chúng tôi coi ghép dạng này là ghép bậc một (hay còn gọi là địa danh phức như đã nói ở trên). Địa danh ghép bậc một còn là những địa danh mang tên người, dạng như: Hồng Dân, Trần Huỳnh, Lê Thị Riêng… Trường hợp như địa danh thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi cho là địa danh ghép bậc một đặc biệt. Tuy nhiên, trường hợp này ở Bạc Liêu không có. b) Ghép bậc hai và bậc ba Thành tố ghép 3 (thường là âm tiết thứ 3 trong phần tên riêng) ghép vào thành tố gốc 1 và gốc 2 (thường là âm tiết thứ nhất và thứ hai) chúng tôi gọi là ghép bậc hai. Ghép thành tố ghép 4 vào các thành tố trước đó thì chúng tôi coi ghép bậc ba, tức là ghép lần thứ ba. Yếu tố ghép bậc hai, bậc ba thông thường là số, chữ cái, từ chỉ phương vị… Ví dụ:
(ấp) Trung Hưng A 1 (xã) Long Điền Đông A (ấp) Bửu I (xã) Phong Thạnh Tây A (cầu) Xã Bình Phú Đông Trong địa danh Nam Bộ nói chung và địa danh Bạc Liêu nói riêng có khá nhiều địa danh ghép bậc hai và ba. Ở Bạc Liêu cụ thể như sau: * Ghép bậc hai: – Địa danh hành chính: 142/ 560 đơn vị. – Địa danh địa hình tự nhiên: 10/ 156 đơn vị. – Địa danh công trình xây dựng: 57/ 306 đơn vị. * Ghép bậc ba: – Địa danh hành chính: 14/ 560 đơn vị. – Địa danh công trình xây dựng: 2/ 306 đơn vị. – Địa danh địa hình tự nhiên: 0. Như vậy, cả hai loại là 225/ 1120 đơn vị, chiếm tỉ lệ 20,08 % (trong đó ghép bậc hai là 209 đơn vị, ghép bậc ba là 16 đơn vị). 5. Phương thức ghép phái sinh (chiều dọc) Đây là phương thức lấy từ tên gốc của đơn vị cấp cao hơn để tạo hệ thống tên cho đơn vị cấp thấp hơn. Thông thường, lấy từ tên gốc của huyện để phát triển tên xã, lấy từ tên gốc xã để phát triển tên ấp v.v. Cách ghép này được thể hiện trong địa danh hành chính. Đây là một đặc điểm trong cấu tạo địa danh không chỉ có ở địa danh Bạc Liêu. Chẳng hạn, ở Thanh Hoá có huyện Quảng Xương thì có các xã trong huyện này như xã: Quảng Tâm, Quảng Tân, Quảng Đức, Quảng Thái, Quảng Hợp, Quảng Nhân, Quảng Trạch… Còn ở Bạc Liêu, chỉ tính hai âm tiết (thành tố gốc 1 và gốc 2) trong địa danh hành chính, ta thấy có các kiểu ghép lặp lại sau đây: – Ghép lặp âm tiết đầu, từ cấp xã xuống cấp ấp: + Xã Ninh Quới A (Hồng Dân) có các ấp: Ninh Tiến, Ninh Hoà, Ninh Chài, Ninh Thuận, Ninh Lợi, Ninh Thành, Ninh Hiệp, Ninh Chùa, Ninh Phước. + Xã Vĩnh Thịnh (Hoà Bình) có các ấp: Vĩnh Lập, Vĩnh Lạc, Vĩnh Bình, Vĩnh Tiến, Vĩnh Kiểu, Vĩnh Hoà, Vĩnh Mới. + Xã Vĩnh Mĩ A (Hoà Bình) có các ấp: Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hội, Vĩnh Thanh, Vĩnh Tân, Vĩnh Tiến. + Xã Phước Long (Phước Long) có các ấp: Phước Thọ Hậu, Phước Thạnh, Phước Hậu, Phước Trường, Phước Thọ Tiền, Phước Thành, Phước Thọ, Phước Ninh, Phước Tân. + Xã Vĩnh Thanh (Phước Long) có các ấp: Vĩnh Bình B, Vĩnh Đông, Vĩnh Bình A, Vĩnh Hoà. + Xã Vĩnh Lộc (Hồng Dân) có các ấp: Vĩnh Hoà, Vĩnh Bình, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thành Lập… Từ cấp huyện, thị đến xã, thị trấn có: huyện Vĩnh Lợi có các xã: Vĩnh Hưng, Vĩnh Hưng A. (khi chưa tách huyện Vĩnh Lợi thành Vĩnh Lợi và Hoà Bình thì huyện Vĩnh Lợi cũ còn thêm các xã: Vĩnh Thịnh, Vĩnh Mĩ A, Vĩnh Mĩ B, Vĩnh Bình, Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A) v.v. – Ghép lặp âm tiết đứng sau, từ cấp xã xuống cấp ấp: + Xã Long Điền Tây (Đông Hải) có các ấp: Lam Điền, Lập Điền, Vĩnh Điền, Huy Điền, Thuận Điền, Doanh Điền, Diêm Điền, Canh Điền, An Điền, Bình Điền. + Xã Long Điền Đông A (Đông Hải) có các ấp: Châu Điền, Mĩ Điền, Hiệp Điền, Phước Điền. + Xã Vĩnh Hưng A (Vĩnh Lợi) có các ấp: Bắc Hưng, Trung Hưng, Trung Hưng A 1, Trung Hưng B 1, Thạnh Hưng 1, Thạnh Hưng 2. + Xã Vĩnh Hưng (Vĩnh Lợi) có các ấp: Đông Hưng, Trung Hưng 2, Tam – Ghép hoặc lặp âm tiết đầu hoặc lặp âm tiết sau, từ cấp xã, thị trấn xuống ấp, khóm: Thị trấn Phước Long (Phước Long), lặp lại “Phước” có: Phước Hoà A, Phước Thuận A, Phước Hoà Tiền, Phước Thuận; lặp lại “Long” có: Long Hải, Long Hậu, Long Hoà, Long Đức … Có một trường hợp đặc biệt – huyện Giá Rai. Huyện này có các âm tiết “Thạnh” và “Phong” lặp lại nhiều lần ở tên xã. Từ quy luật ghép trên ta có thể đặt dấu hỏi, phải chăng tên đơn vị hành chính cấp huyện trước đây liên quan đến hai âm tiết nói trên ? Ghép theo chiều này (dọc) để tạo địa danh hành chính mới ít nhất có 93/ 560 đơn vị hành chính (chiếm tỉ lệ 16,6 %). Như vậy, cả hai hình thức ghép (ngang và dọc) trong địa danh Bạc Liêu là 318, chiếm 28,39 %. 6. Các yếu tố ghép Qua thống kê tần số xuất hiện của thành tố ghép 3 và 4 trong số 239 địa danh ghép bậc hai và ba ở Bạc Liêu, chúng tôi thấy các yếu tố (tiếng, từ) sau đây xuất hiện nhiều hơn, tức là được sử dụng nhiều trong phương thức ghép bậc hai và ba:
Ở đây đã có sự không cân đối giữa các cặp A – B, Đông – Tây, 1 – 2. Như vậy, trong lựa chọn A hoặc B, Đông hoặc Tây, 1 hoặc 2… để định danh thì người Bạc Liêu chuộng A, Đông và 1 hơn. Nghĩa là A được sử dụng nhiều hơn B, Đông nhiều hơn Tây, 1 nhiều hơn 2. Lí do có thể giải thích được hiện tượng này là: chủ thể định danh đã lấy thành tố gốc làm thành phần xuất phát và sau đó lấy A hoặc Đông hoặc 1 làm thành phần đích trong tên mới được định danh. Giữa các cấp trong địa danh hành chính, các yếu tố cấu tạo cũng có sự khác nhau khá rõ. Dễ thấy điều đó qua hai bảng thống kê sau đây. *Bảng thống kê tần số xuất hiện của các yếu tố ở thành tố ghép 3 và 4 trong địa danh hành chính cấp xã, phường, huyện, thị
*Bảng thống kê tần số xuất hiện của các yếu tố ở thành tố ghép 3 và 4 trong địa danh hành chính cấp khóm, ấp
So sánh hai bảng ta thấy: cấp hành chính khóm, ấp tỉ lệ xuất hiện của thành tố ghép 3 và 4 ít hơn, nhưng yếu tố ghép phong phú hơn. Các yếu tố Đông, Tây, A, B có nhiều ở cấp hành chính cao hơn, chứng tỏ càng xuống dưới cơ sở, cách định danh càng đa dạng, thành tố gốc nhiều hơn, thành tố ghép ít hơn. 7. Một số nhận xét chung Tìm hiểu về phương thức ghép trong địa danh Bạc Liêu, chúng tôi rút ra mấy nhận xét sau đây: – Địa danh Bạc Liêu có xu hướng đa âm tiết hóa. Chủ thể định danh đã sử dụng cách ghép nhiều bậc để tạo địa danh mới (tỉ lệ ghép bậc 2 và bậc 3 cao). Số lượng âm tiết của phần tên riêng trong địa danh có hướng tăng lên (tối đa 4 âm tiết). – Địa danh hành chính thường đặt theo hệ thống (ghép phái sinh), hay dùng từ Hán Việt. Địa danh chỉ vùng đất, địa hình tự nhiên, địa danh hành chính cấp ấp sử dụng nhiều từ thuần Việt, các yếu tố ghép đa dạng, thành tố gốc nhiều hơn, thành tố ghép ít hơn. Đây thường là những địa danh xuất hiện sớm hơn địa danh hành chính. – Các yếu tố chỉ phương vị Đông, Tây trong địa danh Bạc Liêu được ưu tiên hơn. Khi chia tách các đơn vị hành chính, chủ thể định danh đã đặt tên theo hướng xác định trên thực địa. Nếu không có phương vị đông, tây, thì sẽ là A, B, hoặc 1, 2 chứ không có – Những địa danh có yếu tố con số (hoặc kèm theo chữ cái) trong phần tên riêng xuất hiện khá nhiều. Ghép yếu tố con số để tạo địa danh thường được sử dụng khi đặt tên các đơn vị hành chính cấp phường, khóm, ấp của thị xã, thị trấn; khi chia tách các đơn vị hành chính (trường hợp như hai xã của huyện Hồng Dân : xã Phong Thạnh Tây A có các ấp 8A, 8B, 1A, 1B, 2B, 3 – xã Phong Thạnh Tây B có các ấp 9, 9A, 9B, 9C, 2A, 4…) hoặc khi đặt tên cho một số cây cầu, con kênh vốn có rất nhiều ở vùng sông nước này. H.X.T TÀI LIỆU THAM KHẢO 1- Nguyễn Thiện Giáp (2005), Lược sử Việt ngữ học. NXB GD. 2- Lê Trung Hoa (2002), Tìm hiểu nguồn gốc địa danh học, NXB KHXH. ……………………………………………. Địa chỉ liên hệ : Hồ Xuân Tuyên Trường Đại học Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. DĐ: 0908671166; Email: Địa chỉ email này đang được bảo vệ khỏi chương trình thư rác, bạn cần bật Javascript để xem nó |
Cập nhật ( 27/09/2014 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com