PHÙ DUNG NGUYỄN THỊ BÍCH CHÂU Cuộc Đời & Huyền Thoại * Bình Ninh Nguyễn Thị Bích Châu là ái phi của vua Trần Duệ Tông (1372-1377), nổi tiếng thơ văn, tài sắc, đức hạnh vẹn toàn. Tương truyền nhân đem Trung thu, vua Trần ra vế đối: “Thu thiên ngọa các quải ngân đăng, nguyệt trung đan quế” (Trời thu gác tía treo đèn bạc, quế đỏ trong trăng). Bà ung dung đối lại: “Xuân sắc trang đài khai bảo kính, thủy để phù dung” (Sắc xuân đài trang mở gương báu, phù dung đáy nước). Vua ngợi khen và ban tặng cho bà đôi hoa tai nạm ngọc hình rồng leo (Ngọc long kim nhỉ), từ ấy đặt cho bà biệt hiệu Phù Dung. Trong nước lúc bấy giờ chính sự đổ nát, bà thảo một bản điều trần với nhan đề “Kê minh Thập sách” dâng lên vua. Nguyên tác bằng Hán văn, dịch ra Việt văn là: “Trộm nghĩ dời củi khỏi bếp lò, phải lo trị nước trước khi chưa loạn; lấy dân ràng cửa tổ, ở hồi yên phải nghĩ lúc nguy. Vì nhân tình dễ đắm cuộc yên vui, mà thế đạo khó được thường bình trị. Cho nên ca dao trước đã ca ngợi, rồi dâng lời can chớ biếng chớ hoang; Giả Phó từng đã thở dài, ấy là lúc thái bình thịnh trị. Chính bởi yêu vua mà lo ngăn nước, phải đâu khác chúng để khoe tài. Thần thiếp Bích Châu này lúc nhỏ sinh ra ở chốn nghèo hèn, lớn lên được vào cung cấm. Cuộc yến tiệc thường được ban ơn, mắt long nhan bao lần soi tới. Vá áo xiêm vua Ngu dám sánh đâu người nam tử, trút trâm như bà Khương thiếp xin làm trước đình thần. Kính dâng mười kế sách, mong được một điều: -Một là bền gốc nước, bỏ điều tàn bạo thì lòng người được yên. -Hai là giữ nếp xưa, bỏ phiền nhiễu thì kỷ cương không rối. -Ba là đè kẻ lộng quyền để trừ mọt nước. -Bốn là thải bọn nhũng lại để bớt hại dân. -Năm là mong chấn hưng nho phong, khiến lửa đốt sáng soi cùng nhật nguyệt. -Sáu là cầu xin lời nói thẳng, để người người được bàn bạc khắp mọi nơi. -Bảy là tuyển quân nên tìm sức khỏe hơn vóc người. -Tám là kén tướng nên chọn thao lược hơn là gia thế. -Chín là khí giới nên cần sắc bén chứ đừng chuộng hoa hòe. -Mười là trận pháp cốt tề chỉnh chứ không cần đẹp mắt. Xét mấy điều ấy rất cần thiết. Dám dâng lên tấm lòng trung thực, mong nhận cho lời nói quê mùa. Bỏ điều dở mà làm điều hay, xin bệ hạ lượng nghĩ. Nước được trị, dân được yên, thiếp mong lắm vậy!”. Vua xem qua có khen mà không áp dụng. Chính sự vẫn rối nát. Năm Đinh Ty (1377), Duệ Tong cất 12 vạn binh đi đánh Chiêm Thành. Bà có dâng biểu can ngăn, phân tích lợi hại rất rành mạch. Vua vẫn không nghe. Khi chinh Thuyền chinế tới cửa bể Kỳ Hoa (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) thì gặp sóng to gió lớn, không thể qua được. Đêm ấy nhà vua mộng thấy một vị thần xưng là Nam Minh đô đốc, thủ hạ của Quảng Lợi đại vương, muốn xin vua ban cho một người thiếp, nếu được như ý nguyện, y mới làm cho bể yên, sóng lặng để thuyền vua đi qua. Sáng hôm sau, mặt biển Kỳ Hòa nổi cuồng phong dữ dội. Các thuyền chiến chồng chành cơ chừng sắp bị nhấn chìm. Duệ Tông sợ hãi, kể lại giấc mơ hôm qua. Các cung nữ theo hầu mặt tái xanh, không ai dám mở miệng. Phù Dung Nguyễn Thị Bích Châu động lòng, xin tình nguyện nhảy xuống biển hiến tế làm vợ Thủy thần. Khi nàng vừa chìm sâu xuống nước thì sóng gió nguôi dần. Thuyền vua xuất chinh êm ả. Nhưng vì vua không nghe lời can gián, nên bị thua to, vua phải tử trận ở Đồ Bàn (Qui Nhơn ngày nay). Gần một th6é kỷ sau, vào năm Hồng Đức thứ nhất (1470), vua Lê Thánh Tông (1460-1497) cũng thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Đem đóng quân ở biển Kỳ Anh, vua Lê mộng thấy một người nữ xinh đẹp hiện về, kể nông nổi bị Thủy thần ức hiếp đã lâu, xin vua ra tay cứu độ. Biết chuyện nàng Bích Châu đời Trần, hôm sau vua viết một tờ hịch hạch tội Nam Minh đô đốc, sai thả xuống biển. Một lát sau bổng thấy thi thể của nàng Bích Châu nổi lên mặt nứơc, dung nhan vẫn hồng hào như khi còn sống. Nhà vua sai an táng nàng theo nghi thức hoàng hậu, sắc phong “Chế Thắng linh thần” lập đền thờ cúng. Ngoài ra vua Lê Thánh Tông còn làm một bài thơ điếu nàng Bích Châu như sau: Bản thị Hy Lăng (1) cung lý nhân Lâm nguy vị quốc độc vong thân Yên phong nhất trận đào hao lãng Xuân dạ tam canh độ nhược tân Hàn thủy vô đoan mai Sở phụ Hương hồn hà xứ điếu Tương quân? Ta hồ, bách vạn hùng binh lữ Bất tận thư sinh nhất hịch văn! Dịch thơ Nôm: Nàng xưa cung nữ của Hy Lăng (1) Vì nước lâm nguy, quyết xả thân Một trận gió yêu gây sóng cả Hồn nương bến bãi suốt đêm xuân Bông dưng sông lạnh vùi thân gái Biết chốn nào đây viếng nữ thần? Chán nhỉ, vạn ngàn quân tướng mạnh Chẳng bằng tờ hịch gã thư sinh! Bài thơ thật cảm động. Sáu câu đầu vua ca tụng đức xả thân cứu nước của nàng Bích Châu. Hai câu kết có ngụ ý chê vua Duệ Tông và tự đề cao mình. Có lẽ hương linh nàng Bích Châu không vui, vì chạm vào tình cảm kính trọng chồng. Cho nên khi vua Lê Thánh Tông thắng trận , lúc khải hoàn qua đây, nàng lại báo mộng cho vua, tạ ơn vua đã cứu mình, với lời van xin: -Bài thơ nhà vua đề ở Đền lời ý đều hay, duy hai câu kết có ý phẩm bình chuyện cũ, khiến lòng thiếp không được yên! Nhà vua sực tỉnh, sửa ngay hai câu kết thành: Cương thường vạn cổ ưng vô quý Từ hạ thư cưu hý thủy văn (Vạn cổ cương thường lòng chẳng thẹn Thư cưu giỡn sóng dưới chân đền) Một cung phi lúc sống đã tỏ lòng trung can nghĩa khí, lúc mất đi vẫn hiển linh để giữ trọn đạo hiếu hạnh thủy chung như bà Nguyễn Thị Bích Châu, thật là một tấm gương sáng của giới nữ lưu, đáng cho hậu thế soi chung! Â Chú Thích: (1) Hy Lăng: Miếu hiệu của vua Trần Duệ Tông – Sách tham khảo: Truyền kỳ tân phả- Đại |
Cập nhật ( 08/10/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com