PHONG TỤC XƯA Ở THÔN QUÊ QUA THƠ NGUYỄN KHUYẾN Thời niên thiếu của cụ Tam Nguyên trôi qua ở vùng quê Hà Nam chiêm trũng, vùng quê thường xuyên rơi vào tình trạng “Năm nay cày cấy vẫn chân thua. Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa” (Chốn quê). Phép tính cộng các năm sống giữa thôn quê trong đời Nguyễn Khuyến cho thấy hầu như ngoài mười năm làm quan, nhà thơ lớn – vị “quan triều Nguyễn” chủ yếu sinh hoạt nơi dân dã, ruộng đồng gần cả cuộc đời mình.
Cuộc sống nông thôn gắn bó với Nguyễn Khuyến, đi sâu vào hồn thơ khiến thiên nhiên, cảnh sinh hoạt, con người nông thôn Bắc bộ với những phong tục, tập quán đặc trưng – tất cả đi vào thơ ông tự nhiên, chân thực. Cho đến nay, với nhiều nhà nghiên cứu, thơ Nguyễn Khuyến vẫn là những trang viết lưu giữ được bao nét phong tục truyền thống đặc sắc của văn hóa dân tộc nói chung, nông thôn Bắc bộ nói riêng. Bài viết này sẽ nêu lên vài nét phong tục xưa ở thôn quê qua thơ cụ Tam nguyên Yên Đổ. 1. Tục lên lão Trong tổ chức đời sống tập thể của người dân nông thôn Bắc bộ nói riêng, nông thôn Việt Nam truyền thống nói chung, giáp là đơn vị tổ chức theo truyền thống nam giới. Các thành viên của giáp khi đến độ tuổi từ 50 đến 60 (tùy theo quy định của từng làng xã) sẽ được vinh dự xếp vào bậc lão làng. Đây là tục lệ thể hiện việc coi trọng tuổi tác (trọng xỉ) trong xã hội nông thôn truyền thống nước ta. Công trình nghiên cứu Nông thôn Việt Nam trong lịch sử (tập 2) của Viện Sử học từng đưa ra nhận định về vị thế của tuổi tác trong xã hội: “Trong xã hội Việt Nam xưa và nay, trong mối quan hệ giữa người và người, giữa tập thể với từng cá nhân, tuổi tác có ý nghĩa nhất định” [1]. Công trình có hẳn những trang viết nghiên cứu khá công phu về vấn đề tuổi tác ở làng xã, tục lên lão cùng những nghi thức quy định ở các làng. Rõ ràng, nguyên lý trọng tuổi tác có ý nghĩa quan trọng khi nghiên cứu văn hóa nông thôn truyền thống nói chung, văn hóa nông thôn Bắc bộ nói riêng và lên lão là một trong những tục lệ đặc sắc thể hiện rõ nét sinh hoạt truyền thống ấy. Lý giải về nguyên lý trọng tuổi già trong xã hội truyền thống, tác giả giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam cho rằng trọng tuổi tác xuất phát từ nền văn hóa gốc nông nghiệp: “khác với các nền văn hóa gốc du mục trọng sức mạnh, cư dân nông nghiệp sống phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên cần những người giàu kinh nghiệm – điều chỉ có được ở tuổi già” [2]. Đến tuổi quy định, các cụ già trong làng sẽ được ngồi vào ban lão và hưởng những đặc quyền riêng – từ quyền lợi về ăn uống, biếu xén đến việc giảm trừ sưu thuế… Theo nghiên cứu của Viện Sử học về xã hội nông thôn truyền thống trong lịch sử thì quyền lợi, vinh dự của người lên lão còn được ghi lại rất rõ trong khoán ước các làng lưu truyền đến tận ngày nay: “Cho đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong khoán ước các làng xã vẫn còn ghi lại nhiều điều khoản liên quan đến tuổi già” [3]. Trong thơ Nguyễn Khuyến, cảm hứng về tuổi già, thời gian trôi nhanh là một trong những cảm hứng chủ đạo xuyên suốt trong thơ ông kể từ khi nhà thơ cáo quan, trở lại quê nhà. Tục lên lão được nhắc đến khá nhiều trong những sáng tác bắt nguồn từ cảm hứng ấy – từ chuyện nhà thơ được ngồi vào ban lão đến những người già khác trong làng lên chức lão, tổ chức tiệc mừng… Tục lệ sinh hoạt liên quan đến tuổi tác ở thôn quê xưa kia thấp thoáng bóng hình qua con mắt thơ của cụ Yên Đổ. Theo quy định chung ở các làng trong xã hội truyền thống, “Thông thường tuổi lên lão là 60. Tuy nhiên, nhiều làng có lệ riêng quy định tuổi lên lão là 55 hoặc 50. Thậm chí có làng còn hạ tuổi lên lão xuống 49 (bởi lẽ 49 thường là tuổi hạn, tổ chức lên lão sớm cho chắc chắn” [4]. Nguyễn Khuyến từ quan về lại quê cũ khi tuổi cũng đã ngấp nghé ngũ tuần, do đó nhà thơ được đứng vào hàng ngũ ban lão làng, trông coi việc tế lễ: “Ông chẳng hay ông tuổi đã già Năm mươi ông cũng lão đây mà!” (Lên lão) Tục lên lão thường được tổ chức vào tháng giêng Âm lịch – đầu mùa Xuân.“Thường thường đến ngày 7 tháng giêng Âm lịch, ngày khai hạ (có nơi ngày mồng 8) (…) trong các làng đều có tổ chức lễ mừng thọ các lão ông” [5]. Ở làng Vị Hạ, theo chú thích của Thơ văn Nguyễn Khuyến thì: “theo phong tục của địa phương nhà thơ trước đây, cứ hàng năm vào ngày mùng 6 tháng giêng Âm lịch, các cụ bô lão trong làng đến 60 tuổi thì làm lễ tế ở đình làng gọi là lễ lên lão” [6]. Lên lão không chỉ là tin mừng của một cá nhân, đó còn là việc vui của cả làng. Trong không khí nghỉ ngơi, vui chơi của tháng giêng, tiệc mừng lên lão cho các cụ cao tuổi cũng là dịp để cả làng cùng nhau tề tựu, chia sẻ tinh thần cộng đồng gắn kết trong làng xã. Khi làng tổ chức tiệc mừng – còn gọi là yến lão, mọi người sẽ tập trung đông đủ để cùng nhau chia vui. Tính cộng đồng thể hiện rất rõ qua những câu thơ mang không khí hân hoan của nhà thơ Yên Đổ: “Anh em, làng xóm xin mời cả, Giò bánh, trâu heo, cũng gọi là! Chú Láo bên người lên với tớ, Ông Từ ngõ chợ lễ cùng ta”. (Lên lão) Trong phe giáp, lên lão không phân biệt học vị, quan hay dân, chính vì vậy cụ Tam nguyên cũng như chú Láo, ông Từ đều được cùng ngồi vào ban lão và nhận những quyền lợi như nhau của người lên lão. Ngoài việc được xem xét miễn trừ đóng góp trong phe giáp, các cụ già khi vào hàng lên lão cũng sẽ được hưởng quyền lợi về ăn uống, biếu xén. Nguyễn Khuyến gọi đó là “ăn dưng”: “Bao giờ đến bậc ăn dưng nhỉ! Có rượu thời ông chống gậy ra.” (Lên lão) Theo tục lệ xưa ở thôn quê, các phe giáp làm lễ mừng thọ cho các cụ già và gọi đó là yến lão. Căn cứ vào độ tuổi, các bô lão sẽ được định ngôi thứ để hưởng cỗ yến. Khi bước vào tuổi 60, Nguyễn Khuyến cũng có nhắc đến tục lệ này: “Năm mới lệ thường thêm tuổi một, Cỗ phe ngôi chốc đã bàn ba”. (Mừng con dựng được nhà) Câu thơ có nói đến quy định về “cỗ phe” ở làng quê nhà thơ. Theo chú thích của Nhà xuất bản Văn học trong công trình thơ văn Nguyễn Khuyến thì quy định chung thường là các lão ở độ tuổi 50 sẽ ngồi một mâm 4 người, 60 tuổi sẽ ngồi mâm 3 người, 70 tuổi ngồi một mâm 2 người và riêng cụ nào ở tuổi 80 – độ tuổi xưa nay cho là hiếm, sẽ được ngồi một mình một mâm để tỏ sự tôn kính. Thơ Nguyễn Khuyến nói về việc lên lão không chỉ của riêng mình, nhiều bài thơ được cụ Tam nguyên làm để chúc mừng anh em, bạn bè… hay đơn giản chỉ là người trong cùng làng xã được thêm tuổi thọ. Nguyên lý trọng tuổi già càng được thể hiện rõ. Cụ Đặng Tự Ý, anh họ nhà thơ, khi vào tuổi bảy mươi được Nguyễn Khuyến làm thơ chia vui: “Ông bà tóc bạc nhà cao, Trời cho tuổi tác thế nào là vui! (…) Bảy mươi lên lão làng ta, Làng ta lại sẵn rượu hoa đầy bình. (Mừng cụ Đặng Tự Ý bảy mươi tuổi) Trong niềm vui sum vầy cùng con cháu, các cụ lên lão nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng làng xã. Bài viết Đất lề quê thói của Nhất Thanh có ghi chép về tục khao lão và yến lão: “Những nhà giàu có thường nhân dịp bày tiệc mừng thọ tế lễ, ăn uống linh đình. Tế sống cha mẹ, có văn chúc thọ với ban tư văn hành lễ trở tế. Cha mẹ ngồi phía trong, con trai, gái, dâu, rể, cháu, chắt, phân thứ bậc trên dưới đứng hai bên, nam bên trái, nữ bên phải, làm lễ tế ba tuần rượu, có tấu nhạc trọng thể vui vẻ (…). Người trong vùng nô nức đến xem tế và nghe đọc văn” [7]. Ông lão hàng thịt bước vào độ tuổi 70 cũng được con cháu tổ chức khao lão, nhà thơ gửi lời chúc mừng, tỏ sự kính trọng: “Nay tiết mừng ông mới bảy mươi, Cổ hy chưa dễ mấy lăm người. Răng long, nhưng hãy còn tinh mắt, Đầu bạc, như mà chửa tắc tai. Bè bạn bầy vai kèo chén Lý, Cháu con dưới gối múa sân Lai.” (Mừng ông lão hàng thịt) Cụ Nhiêu Chuồi qua tuổi 80 được xem thượng thọ, làng rước ra đình làm lễ tế thọ long trọng, Nguyễn Khuyến cũng làm bài thơ chúc thọ cụ: “Nay mừng ông lão tám mươi, Ấy dân Hoài – Cát hay người Đường Ngu?” (Chúc thọ) Các cụ già vào độ tuổi thượng thọ 80 được xem là hiếm. Chính vì vậy, không chỉ Nguyễn Khuyến, làng xã đều hân hoan chúc thọ, chia vui. Làng có thêm người thượng thọ chẳng phải là điều đáng tự hào, đáng ăn mừng hay sao! Lên lão theo tác giả Nhất Thanh, được xem là “mỹ tục” xuất phát “do đạo hiếu mà ra, một đặc tính dân tộc, có ý nghĩa rất trọng hậu (…). Lúc vãn niên tóc bạc da mồi, với cuộc sống buồn tẻ nơi thôn dã năm tháng trôi, các cụ hẳn cảm thấy vui sướng được cả làng tỏ tình quý trọng” [8]. Cho đến tận ngày nay, truyền thống trọng tuổi tác vẫn còn được lưu giữ trong xã hội ta, người cao tuổi được Hội người cao tuổi ở làng xã, ở phường hay khu phố và con cháu tổ chức lễ chúc thọ, mời anh em, hàng xóm, thân hữu, bạn bè đến chia vui. Tục lên lão dù thay đổi thể thức theo thời gian nhưng về cơ bản, tinh thần cộng đồng, nét đẹp văn hóa của nó vẫn được duy trì, gìn giữ. (còn nữa) *]) Học viên Cao học Văn hóa học, Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP. HCM
[1] Viện Sử học (1978), Nông thôn Việt Nam trong lịch sử (tập 2), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 163. [2] Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, TP.HCM, tr.93. [3] Viện Sử học (1978), Nông thôn Việt Nam trong lịch sử (tập 2), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.164 – 165. [4] Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, TP.HCM, tr.93. [5] Viện Sử học (1978), Nông thôn Việt Nam trong lịch sử (tập 2), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 167. [6] Xuân Diệu (1971), Thơ văn Nguyễn Khuyến, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.87. [7] Tân Việt (1997), Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, tr. 86 [8] Tân Việt (1997), Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, tr. 89. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com