PHONG TỤC CƯỚI HỎI CỦA NGƯỜI VIỆT Ở BẾN * Lư Hội Bến Tre là một trong 13 tỉnh và thành phố thuộc châu thổ sông Cửu Long, được hợp thành bởi 3 cù lao lớn: cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa, do phù sa của 4 nhánh sông Tiền, sông Hàn Luông, sông Ba Lai và sông Cổ Chiên bồi tụ qua nhiều thế kỷ. Về dân cư, cùng với các tỉnh trong khu vực, cư dân Bến Tre có chủ yếu là dân vùng đất Ngủ Quảng, chuyển cư dân vào đất Đồng Nai – gia Định, tuy không ồ ạt nhưng tương đối liên tục và đều đặn. Trong thế kỷ 18 và nữa đầu thế kỷ 19, số lưu dân đến định cư ở đây gồm có hai luồng chính: luồng di chuyển về Đồng Nai – Bến Nghé, Tân Bình, rồi sau đó mới chuyển vào các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long, tốc độ cũng như về số lượng của luồng này phát triển chậm và có nhiều hạn chế; luồng thứ hai đi đường biển bằng ghe bầu theo gió mùa hàng năm, thẳng vào các cửa sông như cửa Tiểu, cửa Đại rồi ngược dòng các sông lớn, tiến sâu vào nội địa, tỏa ra định cư ở các giồn, gò, vùng đất cao ráo có nước ngọt ở hai bên bờ sông, hoặc dọc theo các con rạch,… Trong quá trình chuyển cư, cư dân Bến Tre không chỉ mang theo mình hành trang vật chất và cả vốn liếng tinh thần của cha ông từ vùng đất tổ vào vùng đất mới, cùng với cư dân nước này giao lưu, trao đổi và sáng tạo nên các giá trị văn hóa mới, không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của cộng đồng, mà còn góp phần vào sự phát triển chung của tinh thần đời sống xã hội. Qua khảo sát điền dã, có thể thấy nhiều lĩnh vực trong đời sống tinh thần xã hội của người Bến Tre đều mang dấu ấn từ đất tổ miền Bắc, miền Trung như nghệ thuật khắc gỗ trong các đình thần; diễn xướng sắc bùa Phú Lễ (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri) và các hình thức diễn xướng dân gian khác; các giá trị trong văn hóa ẩm thực, trong thực hành lễ nghi và phép tắc ứng xử giữa người và người, giữa người với tự nhiên… Đối với tín ngưỡng và phong tục tập quán, nhìn chung các nghi thức như lễ kỳ yên tại các đình Thần, miếu Bà, lăng Ông,… các nghi lễ tang ma, cưới hỏi của người Việt ở Bến Tre từ sự vận dụng văn hóa dân tộc phù hợp với thực tế đời sống xã hội đã góp phần tạo nên tính đa dạng, phong phú trong đời sống tinh thần của cư dân Bến Tre nói riêng, của cộng đồng các dân tộc nói chung. Riêng tục lệ cưới hổi, đối với Thọ mai gia lễ, có thể thấy tục lệ cưới hỏi của người Việt ở Bến Tre điều phát xuất từ sự vận dụng phù hợp Thọ mai gia lễ vào thực tế địa phương. Song, do sự tiếp cận và qua các mối quan hệ giao lưu văn hóa khác nhau, trong chừng mực nhất định các địa phương trên cùng địa bàn đã có sự vận dụng khác nhau, tạo nên sự đa dạng và phong phú mang tính bản sắc văn hóa của từng cộng đồng. Kết quả khảo sát thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển của xã hội, tục lệ cưới hỏi của người Việt ở bến Tre đã có sự hòa nhập và biến đổi đáng kể cả về hình thức và nội dung như: từ lục lễ xuống còn ba lễ; việc thực hành nghi lễ trong các lễ hội, lễ cưới đã được giản lược nhưng và giữ được vốn văn hóa truyền thống của địa phương – dân tộc. Về lục lễ: Ngày xưa muốn tiến đến hôn nhân, đằng nhà trai phải cậy nhờ mai mối sang nhà gái tuần tự thực hiện lục lễ, gồm: 1 – Lễ nạp thái còn gọi là lễ kén chọn, lễ dạm vợ, lễ chạm mặt. Đây là nghi lễ đầu tiên tỏ ý họ nhà trai đã kén chọn cô dâu. 2 – Lễ vấn danh, còn gọi là lễ hỏi vợ. Đây là lễ hỏi tên tuổi và họ người mẹ của cô dâu (theo quan niệm mua heo chọn nái, cưới gái chọn dòng); 3 – Lễ nạp cát là nghi lễ mang tính thông báo cho nhà gái biết tuổi của đôi trai gái họp nhau. Nói chung là tốt, chuẩn bị tiến đến hôn nhân. 4 – Lễ Thỉnh kỳ còn gọi là lễ định ngày. Đây là nghi lễ nhà trai thông báo cho họ nhà gái ngày cưới, ngày đón dâu như là lời hứa của nhà trai đối với nhà gái về việc cưới hỏi sẽ tổ chức trong tương lai. 5 – Lễ nạp tệ là nghi lễ họ nhà trai đưa lễ cưới cho họ nhà gái; 6 – Lễ thân nghinh là nghi lễ họ nhà trai đến rước dâu còn gọi là lễ đón dâu. Ngày nay, từ lục lễ, đã giản lược còn 3 cuộc lễ, cụ thể như sau: 1. Đám Ba lễ Đám ba lễ là nghi lễ đầu tiên của tục lệ cưới hỏi của người Việt ở Bến Tre hiện nay. Đám Ba lễ là tên gọi từ sự hợp nhất của 3 nghi lễ. Nạp Tái, Vấn danh và lễ Nạp cát, còn gọi là đám Nói (hay lễ nói). Trong ngày này, họ nhà gái mời một ít người trong thân tộc có uy tín đến vừa để hỗ trợ đón tiếp nhà trai, vừa chứng dự, góp ý cho việc tổ chức hôn lễ tương lai, đồng thời cùng với họ nhà gái chuẩn bị mâm cổ (tùy khả năng của gia đình) tiếp khách sau khi đã thống nhất các phần việc của Đám Ba lễ. Vào ngày này, cô dâu tương lai trong trang phục chỉnh tề phục vụ trà nước với mục đích ra mắt cha mẹ chú rể và thân tộc họ nhà trai trong ngày đám nói. Về họ nhà trai, ngoài chú rễ tương lai, cha mẹ và một vài người thân được mời vào tham gia lễ Nói, còn đại diện cậy nhờ người đại diện thay họ nhà trai đứng ra điều hành lễ Nói (còn gọi là ông mai – bà mai. Ông mai, bà mai là những người ăn nói lịch thiệp, lưu loát, thông hiểu lễ nghi, phép tắc của việc tổ chức hôn lễ và phải đầy đủ vợ chồng). Phẩm vật trong nghi lễ này gồm trà, bánh,… và cơi trầu rượu. Sau khi thực hiện xong lễ nhập gia, ổn định vị trí, ông mai (hoặc người đại diện) rót rượu trình lễ cùng giới thiệu thành phần họ nhà trai, trình bày mục đích, yêu cầu, ý định của họ nhà trai về việc tổ chức hôn lễ để họ nhà gái biết và cho ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý về cuộc hôn nhân sẽ diễn ra trong tương lai (nếu chưa trả lời được ngay phải hẹn sẽ trả lời sau khi đã thống nhất với gia đình, nhất là ý kiến của cô dâu tương lai. 2. Đám hỏi còn gọi là lễ hỏi, lễ đính hôn. Sau đám Ba lễ, nếu nhà gái đồng ý việc hôn nhân, hai bên thống nhất chọn ngay tổ chức lễ hỏi (còn gọi là đám hỏi gồm lễ Thỉnh kỳ và lễ nạp tệ. Trong ngày này, ngoài việc cậy nhờ ông may, họ nhà trai còn cậy nhờ “chú rễ phụ” chịu trách nhiệm thỉnh cơi trầu – rượu phục vụ thực hành nghi lễ theo hướng dẫn của ông mai (chú rể phụ là người đã lập gia đình, có cuộc sống hạnh phúc) và cậy nhờ lực lượng (cả nam lẫn nữ – số chẵn 4 hoặc 6, 8…) tham gia đoàn cầu hôn và mang phẩm vật sang họ nhà gái gồm: Mâm trầu cau, mâm trà – bánh, mâm trái cây, mâm rượu, mâm bánh hỏi (nếu có heo quay),… nói chung tùy thuộc vào khả năng của nhà trai và sự thỏa thuận trước khi tổ chức lễ hỏi giữa hai họ để họ nhà trai chọn mâm phẩm vật tương xứng. Ngoài phẩm vật, họ nhà trai còn chuẩn bị số tiền gọi là tiền “Bạc nước” để cùng phụ sự với họ nhà gái trong ngày đám hỏi. Chú rể trong trang phục chỉnh tề với đôi đèn rồng – phụng mang sang nhà gái thực hiện lễ lên đèn. Về phía họ nhà gái tổ chức dựng rạp, trang hoàng đèn hoa, chuẩn bị cỗ bàn thết đãi nhà trai và thân tộc sau khi kết thúc nghi lễ. Việt tổ chức cỗ bàn nhiều – ít tùy thuộc vào khả năng của họ nhà gái. Về thực hành nghi lễ, khi ông bà hai họ tộc tọa vị tại bàn chủ lễ (bàn trước bàn thờ gia tiên) và các bàn nước khác, ông mai xin phép tiến hành trình lễ. Sau khi ông may tiến hành rót rượu, thắp hương trình lễ thăm gia tiên cho cuộc lễ tiến hành, “chú rể phụ” rót rượu cho ông mai trình lễ với họ nhà gái tại bàn chủ lễ. Sau phần trình bày mục đích yêu cầu, giới thiệu họ nhà trai và trình phẩm vật lễ cầu hôn của ông mai, đại diện họ nhà gái, giới thiệu thành phần họ nhà gái và bày tỏ tình cảm: đồng ý tiếp nhận phẩm vật và lời cầu hôn của họ nhà trai. Kế đến, họ nhà gái mang phẩm vật do họ nhà trai mang sang vào trong, sắp bày ra đĩa dâng cúng tổ tiên và đãi khách. Sau khi cúng tổ tiên, họ nhà trai tiếp tục trình lễ. Theo hướng dẫn của ông may, chú rể thực hành nghi lễ lên đèn trước bàn thờ gia tiên. Khi đôi đèn cháy sáng, chú rể nâng đôi đèn (đèn cầy) ngang trán (cây đèn chạm rồng phía tay trái, đèn chạm phụng phía tay phải của chú rể), lòng thành khẩn, xá 4 xá và đưa sang hai bên, mỗi bên hai cây cho hai người phụ trách đứng hai bên bàn thờ lên đèn trên bàn thờ. Tiếp theo, gia đình mời cô dâu bước ra đến trước bàn thờ cùng chú rể lần lượt xá bàn thờ tổ tiên 4 xá và xá cha mẹ, ông bà cô bác chứng dự một xá. Ông mai tiếp tục trình bày phần tiền “bạc nước” nữ trang do cha mẹ chú rể cho cô dâu trong ngày cầu hôn đồng thời hướng dẫn dâu – rể đeo nhẫn cho nhau và công bố kể từ nay dâu – rể được phép gọi và xem như cha – mẹ đôi bên như cha mẹ ruột. Tiếp theo là trình ngày đám cưới và tiền mua sắm đồ cưới cho cô dâu (Trang phục cho cô dâu trong ngày cưới) Kết thúc nghi lễ, mọi người cùng nhập tiệc. Trước khi ra về, họ nhà trai nói lời cám ơn về sự đón tiếp trọng thị của họ nhà gái, tạm chia tay và hẹn gặp lại trong lễ cưới . 3. Lễ cưới Lễ cưới là nghi lễ được tổ chức cho đôi bên. Lễ cưới đối với nữ thường gọi là vu quy, đối với nam gọi là tân hôn. Việc tổ chức tiệc chiêu đãi họ hàng trong lễ cưới đối với nữ thường trước nam một ngày (gọi chung là ngày nhóm họ). Trong ngày vu quy, chú rể và rể phụ được họ nhà trai cử mang một ít phẩm vật sang họ nhà gái, trước để lễ cúng ông bà trong ngày Vu quy, sau là ra mắt thân tộc họ nhà gái (Ngày xưa do tình trạng cưỡng hôn – ép hôn nên trong ngày này chú rể sang họ nhà gái mục đích chủ yếu là xem họ nhà gái có tổ chức hôn lễ hay không). Tối ngày Vu quy, tại họ nhà gái, đằng gái tổ chức lễ Xuất giá; bên họ nhà trai, đàn trai tổ chức lễ thành hôn. Sau lễ, gia đình tổ chức cuộc tiệc nhỏ (gọi là giải lao) và văn nghệ giúp vui (nếu có khả năng). Cuộc lễ này thường được gọi chung là lễ tạ ơn tổ tiên, ông – bà, cha – mẹ và nhận quà chúc mừng của thân tộc trong ngày trọng đại của một đời người. Bước vào cuộc lễ, đại diện thân tộc được họ nhà gái cậy nhờ trình lễ (Xuất giá hoặc lễ thành hôn) mời cha – mẹ, ông bà, cô bác,… ngồi vào vị rí chủ lễ và hướng dẫn thân tộc ngồi vào các bàn nước khác. Khi đã ổn định, người đại diện rót rượu trình lễ và thắp hương khấn nguyện trước bàn thờ tổ tiên, nói rõ lý do và thỉnh mời tổ tiên tọa bàn chứng minh nghi lễ, hộ cho hôn lễ được chu toàn, cho đôi tân hôn bền duyên giai ngẫu. Sau đó chú rể hoặc cô dâu xá bàn thờ 4 xá; tiếp sau, người đại diện rót rượu trình lễ với cha – mẹ, ông – bà, cô bác hiện hữu đến chứng dự và nêu rõ ý nghĩa ngày trọng đại của một đời người, về công dưỡng dục, sanh thành của cha – mẹ, ông – bà, cô bác của dâu hoặc rể. Sáng ngày thỉnh dâu (rước dâu) đến giờ đã định, đoàn rước dâu xếp theo thứ tự gồm: ông mai, rể phụ, rể chánh, lực lượng mang lễ vật, cha hoặc mẹ (hoặc cả cha, mẹ) của chú rể, cùng đại diện nội, ngoại, cô, dì chú, bác, anh, chị, em (thường những người còn đủ đôi hoặc chưa có vợ hoặc chồng được mời tham gia đoàn thỉnh dâu, người góa vợ hoặc chồng không được mời) mang phẩm vật gồm: rượu, trà, bánh, trái cây, trầu cau, hoa cho cô dâu, đôi đèn, (nếu họ nhà gái đồng ý miễn đôi đèn trong lễ thỉnh dâu, đồng ý xử dụng lại đôi đèn trong lễ hỏi để trình lễ sẽ không tực hiện lễ lên đèn. Trước khi đoàn thỉnh dâu vào trình lễ nhập gia, đôi đèn trong lễ hỏi được thắp trước giờ thỉnh dâu trên bàn thờ gia tiên của họ nhà gái), nữ trang và trang phục cho cô dâu, tiền bạc chợ (tiền do họ nhà trai cùng phụ với họ nhà gái trong lễ Vu quy) sang họ nhà gái để làm lễ thỉnh dâu. Khi đoàn rước dâu đến gần cổng Vu quy sẽ tạm dừng chờ đợi ông mai cùng rể phụ mang cau trầu rượu vào trình lễ nhập gia. Lúc này, họ nhà gái đã chuẩn bị nghênh đón và đưa dâu, bàn nước tơm tất, bàn thờ và ghế giữa (bàn giữa) được bài trí trang trọng sẳn sàng cho buổi trình lễ thỉnh dâu. Tại bàn chủ lễ (trước bàn thờ), các bậc cao niên, đại diện họ tộc nhà gái và cha mẹ cô dâu ngồi chứng dự cuộc trình lễ nhập gia của họ nhà trai. Khi mọi người đã an vị, rể phụ rót rượu, ông mai trình lễ xin phép cho đoàn thỉnh dâu được nhập gia thực hành nghi lễ thỉnh dâu. Kết thúc phần trình lễ của ông mai, đại diện họ nhà gái đồng ý, đoàn thỉnh dâu được mời nhập gia. Trước cổng Vu quy, họ nhà gái cử thanh niên nam – nữ ứng với số mâm lễ vật do họ nhà trai mang sang đứng tiếp nhận phẩm vật và một vài gười đứng tiếp, dù nón của đoàn thỉn dâu. Phẩm vật mang vào được đặt trước bàn thờ gia tiên, chú rể đứng hầu bên phải bàn thờ, cơi rượu trình lễ được đặt trên giữa bàn chủ lễ; bên phải là họ nhà trai, bên trái là đại diện họ nhà gái tọa vị, các bàn nước còn lại là lực lượng thỉnh dâu, đưa dâu. Sau khi ổn định vị trí, rể phụ rót nước, ông mai trình lễ và lần lượt công bố phẩm vật, kể cả nữ trang và tiền “tiền bạc chợ” do họ nhà trai cùng phụ sự với họ nhà gái trong ngày tổ chức lễ Vu quy với bàn chủ lễ và lần lượt các bàn cô bác đến chứng dự và tiễn đưa dâu. Tiếp đến là lễ lên đèn (thực hiện như nghi thức lễ hỏi) và lễ chỉnh y – chỉnh trang. Trong lễ chỉnh y chỉnh trang, ông mai xin phép cho chú rể vào phòng cô dâu và giúp cô dâu chỉnh sửa trang phục. Xong cả hai bước ra và thực hiện nghi lễ theo hướng dẫn của ông mai: xá bàn thờ gia tiên 4 xá, bàn chủ lễ một xá và các bàn cô bác mỗi bàn 1 xá và mời ly rượu tạ ơn, kế đến là dâu – rể đeo kỷ vật cho nhau do cha, mẹ ông bà cô bác hai họ như là lời nguyện thề bền duyên tơ tóc. Kết thúc ông mai thay mặt họ nhà trai thỉnh họ nhà gái đưa dâu sang họ nhà trai và cùng dùng cơm thân mật với họ nhà trai. Vào ngày này, bên họ nhà trai một mặt tổ chức “nhóm họ” (đây là ngày họ hàng, thân hữu đến chứng dự lễ thỉnh dâu và dự tiệc chiêu đãi mừng tân hôn), một mặt chuẩn bị đón tiếp họ nhà gái. Khi đám rước khởi hành, ông mai dẫn đầu đám rước, kế đến rể phụ, đôi tân hôn, dâu phụ, cha – mẹ, ông bà cô bác, anh chị em lần lượt đi sau. Về đến nhà trai, sau khi ổn định vị trí bàn chủ lễ và các bàn đón tiếp dành cho họ nhà gái, ông mai rót rượu trình lễ với tổ tiên, dâu rể xá bàn thờ 4 xá trình lễ với ông bà cô bác chứng dự 1 xá. Sau cùng nói lời cảm ơn và mời dùng cơm thân mật. Kết thúc cuộc tiệc, đại diện nhà gái đáp từ, cảm ơn, dặn dò con gái và gởi con lại cho sui. Nếu miễn lễ phản bái sui đằng gái thông báo với đằng trai biết trước lúc từ giả ra về, Nếu tổ chức phản bái, sau ba ngày, kể từ ngày lễ thành hôn, sui nhà trai (nếu nhà hai họ gần nhau) mua cặp vịt trắng cử dâu con sớm ngày mang sang họ nhà gái tổ chức cuộc tiệc phản bái, sui nhà trai mang bánh trái đến sau, trước cúng ông bà quá vãng sau dùng tiệc trà thân mật. Khi sui gia đến đông đủ, lễ vật đã chuản bị xong, sui gái trình lễ với tổ tiên báo việc hỷ sự đã hoàn tất, sui gia, rể dâu vẹn toàn, tạ ơn tổ tiên đã chứng minh phò giúp và mong được tổ tiên tiếp tục giúp sức để gia đình, cháu con ngày càng thịnh đạt, hạnh phúc. Xong ba tuần rượu và tuần trà, sui gia, rể con,… chung hưởng lộc phản bái. Hôn lễ kết thúc, sui gia ngày một gần, hôn nhân ngày càng nồng thắm, gia đình ngày thêm hạnh phúc, ấm no là mơ ướt nghìn đời của mỗi gia đình Bến Tre nói riêng, gia đình Việt L.H |
Cập nhật ( 07/06/2009 ) |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com