PHONG TRAO ĐÀN CA TÀI TỬ Ở BẠC LIÊU Trong tiền bán thế kỷ XX * Trần Phước Thuận Trước thế kỷ XX, cổ nhạc ở Bạc Liêu đã hình thành và phát triển khá mạnh, nhưng vì còn mang tính gia truyền tự phát nên chưa phát huy được vai trò cần yếu và chức năng quan trọng của nó. Mãi đến năm 1900 mới có ông Lê Tài Khí (1870 – 1948) thường gọi Nhạc Khị, là người đầu tiên đứng ra thành lập ban cổ nhạc Bạc Liêu.
Lúc đầu ban nhạc này chỉ có một bộ phận duy nhất là một tập thể thầy đờn chuyên phục vụ các đám ma chay, cúng kiến, tế lễ. Kế đó ít lâu, để đáp ứng theo yêu cầu của một số người hâm mộ, ban nhạc dần dần được bổ sung những người biết ca để ca phục vụ sau giờ hành lễ. Từ khi ban nhạc có thêm bộ phận ca thì phạm vi hoạt động cũng được nới rộng sang các đám cưới gả, tiệc tùng, liên hoan, khánh tiết… và cũng từ đó cái tên Đờn ca tài tử Bạc Liêu mới được dùng để gọi loại hình hòa tấu cổ nhạc “có đờn lẫn ca” để phân biệt với loại “có đờn không ca” của nhạc lễ. Theo thói quen của người Bạc Liêu thì không chỉ các tiệc vui như liên hoan, cưới hỏi mà cả các lễ giỗ, lễ tang đều có nhu cầu đờn ca thâu đêm suốt sáng, do vậy ban ca nhạc tài tử này càng lúc càng phải củng cố thêm lực lượng để đáp ứng đầy đủ theo nhu cầu càng lúc càng tăng, nên chẳng mấy lúc tiếng tăm và ảnh hưởng của nó đã lan rộng đến nhiều tỉnh bạn. Có điều không ai ngờ là người sáng lập ra ban nhạc Bạc Liêu lại là một người tàn tật nặng, gần như một phế nhân. Nhạc Khị là một nhạc sư mù cả hai mắt lại bị liệt một bên chân, nhưng tuy mắt bị mù mà tâm không mù, chân bị liệt, mà hoạt động không liệt. Nhạc Khị là con người có tấm lòng yêu nước nồng nàn, ông tự thấy bản thân tàn tật của mình không thể đóng góp trực tiếp cho dân cho nước trong các lĩnh vực khác lúc bấy giờ, nhưng ông lại suy nghĩ ra một cách đóng góp gián tiếp, đó là cách dùng lời ca tiếng nhạc để kêu gọi và khơi động lòng yêu nước của mọi người. Ông đã ra công hiệu đính và hệ thống hai mươi bản tổ và các bài bản xưa, đồng thời đã đưa ra một loạt các sáng tác mới. Mỗi sáng tác của ông là mỗi hình ảnh thể hiện tinh thần yêu nước vô cùng sâu đậm, riêng bài Nam ai Tô Huệ chức cẩm hồi văn được ông rút ra chủ đềChinh phụ vọng chinh phu một chủ đề rất hợp với tình hình đất nước và hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, đó là hình ảnh người chinh phụ đang mỏi mắt trông chồng nơi mặt trận, ông đã dùng chủ đề này làm cơ sở để khuyến khích học trò và các thành viên ban nhạc của ông sáng tác. Từ đó sáng tác đã trở thành một phong trào, các thành viên của ban nhạc đa số là học trò ông đã theo sự hướng dẫn của ông đua nhau sáng tác, nên chẳng bao lâu ban ca nhạc đã có một loạt bài ca mới nói về lịch sử bao gồm những nhân vật lịch sử, những tấm gương yêu nước của Nguyệt Chiếu, Trịnh Thiên Tư, Lê Văn Túc như: Thỉ Tổ Hồng Bàng (Lưu thủy trường), An Dương Vương (Phú lục), Nhà Triệu nước Nam (Bình bán chấn), Hai Bà Trưng (Xuân tình), Tiền Lý Nam Đế (Tây thi), Hậu Lý Nam Đế (Cổ bản), Đinh Tiên Hoàng (Xàng xê), Họ Khúc dấy nghiệp (Ngũ đối thượng), Ngô Quyền thắng trận Bạch Đằng (Ngũ đối hạ), Nhà Tiền Lê (Long đăng), Nhà Tiền Lê tiếp theo (Long ngâm), Nhà Lý (Vạn giá), Nhà Trần (Tiểu khúc), Lê Lợi khởi nghĩa (Nam xuân), Huyền Trân công chúa (Nam ai), Bà Triệu khởi nghĩa (Đảo ngũ cung), Trưng Vương tử tiết (Hận tình), Bạch Đăng giang (Đông mai), Phan Thanh Giản (Thu cúc), Lê Văn Duyệt (Xuân lan), Trưng Vương tử tiết (Lý con sáo), Danh nghĩa Tây Sơn (Tẩu mã), Vua Quang Trung (Kim tiền bản), Quang Trung đại phá quân Thanh (Ngự giá), Gương thiếu sinh (Huỳnh ba), Đoàn vệ binh đi săn (Nhật nguyệt… Hoặc những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của Sáu Lầu, Tư Bình, Mộng Vân, Năm Nghĩa, Năm Nhỏ, Ba Khi, Hai Thơm… đã phản ánh trung thực những hình ảnh có thật trong xã hội lúc bấy giờ như: Chinh phụ thán (Liêu giang), Đứa trẻ mồ côi (Liêu giang), Con tế mẹ (Ngũ quan) . Khiêu khích đánh kiếm (Vạn thọ), Gửi cha mẹ cho vợ đặng ra đi (Tam quan nguyệt), Trách con lêu lổng (Tô Vũ mục dương), Dạ cổ hoài lang (Dạ cổ hoài lang), Mừng khi gặp bạn (Thu phong), Mắng người phản quốc (Quý phi túy tửu). Xuất quân (Tấn phong), Tiễn bạn lên đường (Phong nguyệt), Hối hận (Kiều nương), Đi chợ tính tiền (Bá hoa), Từ giã thầy (Giang tô điểu ngữ), Chống kẻ hiếp người (Sơn Đông hướng mã), Trao thân gởi phận cho chồng (Tân xái phỉ), Văng vẳng tiếng chuông chùa (Vọng cổ nhịp 8), Thọ huệ mạc vong (Uyên ương hội vũ) Giã từ tạm biệt (Long nguyệt), Kẻ ở dặn dò người đi (Sương chiều), Mỹ nhân bồi tửu (Đăng sơn lãm thủy), Mắng kẻ si tình (Phục dược hồ), Dặn dò đệ tử (Phước châu), Trách người lỗi hẹn (Minh vương thưởng nguyệt), Khuyên con lập gia đình (Tùng lâm dạ lãm), Quán tính tiền (Hàng giang), Nhớ chị đi tu (Nặng tình xưa)… Điểm đặc biệt là trong thời kỳ này ở Bạc Liêu có hàng trăm bản mới ra đời và nhiều bản cũ được cải tiến nhưng đa số đều đã trở thành những bản nòng cốt của cổ nhạc Nam bộ, nhất là điệu Vọng cổ thì không thể thiếu trên sân khấu cải lương hay bất cứ buổi đờn ca tài tử nào. Về phần bài ca thì những bài thuộc loại “tình cảm ướt át” ít thấy xuất hiện, có chăng chỉ có một số bài ca Vọng cổ của Trịnh Thiên Tư như Tìm bạn lạc loài, Huyền Trân tủi phận, Gióng chuông cảnh tỉnh, Đưa chồng ra mặt trận, Trông chồng nơi biên ải… Các bài ca cổ nhạc ở Bạc Liêu trong những thập niên đầu thế kỷ đều tập trung vào việc phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước, truyền thống chống ngoại xâm, truyền thống anh hùng nhưng hòa ái của người dân đất Việt. Bên cạnh đó lại có nhiều bài ca mang những hình ảnh đặc trưng của xã hội Nam bộ trong thời thuộc Pháp. Về kịch bản Cải lương thì vô cùng đa dạng, những kịch bản ra đời trong tiền bán thế kỷ XX và những năm 60 trở về trước đa số đều là những kịch bản mang nội dung liên quan đến nhiều phương diện lịch sử, tất cả kịch bản này đã đóng góp rất tích cực trong việc cổ vũ tinh thần yêu nước của mọi người. Từ những năm 60 trở về sau, những kịch bản loại trên tiếp tục được sáng tác, nhưng bên cạnh đó còn xuất hiện thêm nhiều kịch bản trữ tình rất độc đáo. Người thừa kế của Nhạc Khị ngày càng đông, phong trào sáng tác ngày càng lớn thì sự cổ vũ ngày càng tích cực và có hiệu quả. Nói tóm lại, phong trào đờ ca tài tử và sáng tác cổ nhạc ở Bạc Liêu ngay từ đầu thế kỷ XX đã chiếm được một vị trí lớn trong nền ca nhạc Nam bộ và cứ phát triển theo thời gian càng lúc càng rộng, nó là công cụ rất tốt để cổ vũ tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân cũng vừa là cơ sở để hình thành các phong trào ca ra bộ và sân khấu cải lương sau này. Riêng cải lương – một kết tinh kỳ diệu – một tổng hợp tinh hoa của toàn thể nghệ sĩ miền Nam, nhưng trong đó công lao của nghệ sĩ Bạc Liêu đã chiếm một phần không nhỏ. Chính nghệ sĩ nhân dân Lê Long Vân (Ba Vân) cũng đã xác nhận: “Bạc Liêu là cái nôi của phong trào đờn ca tài tử, vùng đất sản sinh rất nhiều tài tử, nhạc sĩ nổi tiếng. Người được xem là thầy của cổ nhạc là ông Hai Khị cũng là người Bạc Liêu, con ông là anh Ba Chột cũng đã trở thành nhạc sĩ tài danh…”. (Ba Vân,Kể chuyện Cải lương. Nxb TP. HCM – 1988, trang 187). Vì vậy việc sưu tầm, tìm hiểu về Phong trào Đờn ca tài tử Bạc Liêu không những sẽ góp phần phát huy được truyền thống văn hóa của tỉnh nhà – cái nôi của cổ nhạc Nam bộ, mà còn đóng góp một phần quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển cổ nhạc Việt Nam. Các nghệ nhân, nghệ sĩ, tác giả này trong tiền bán thế kỷ XX cũng đã có số lượng khá lớn và mỗi người đều có những đóng góp thiết thực vào kho tàng cổ nhạc Bạc Liêu và dù ít dù nhiều cũng đã có công góp phần xây dựng nền cổ nhạc và cải lương Nam bộ. |
- Chịu trách nhiệm nội dung: TT. Thích Giác Nghi
- Chức vụ: Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu
- Điện thoại: 0949 111 848
- Email: giacnghithich@gmail.com